Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Quảng bá Việt Nam mở cửa du lịch: Cần đồng bộ các giải pháp
Ngày cập nhật 28/08/2022

Mặc dù bị tác động nặng nề, khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng ngành Du lịch đang sẵn sàng hồi phục ở nhiều quốc gia trên thế giới.

 
 Đoàn khách quốc tế tới TP.HCM sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn Ảnh: KIM NGUYÊN
 
Đến nay, với những nỗ lực của Chính phủ nhiều quốc gia cùng các gói kích thích kinh tế, chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, ngành Du lịch đã có nhiều tín hiệu khả quan.
 
Có thể phục hồi hoàn toàn năm 2023
 
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), năm 2019 là năm thứ 10 liên tiếp du lịch quốc tế tăng trưởng ấn tượng, đạt 1,46 tỉ khách quốc tế; tổng thu từ ngành Du lịch đạt 1,48 nghìn tỉ USD. Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới (WTTC) nhận định, trước đại dịch Covid-19, du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp 10,4% vào GDP toàn cầu, tương đương 9,2 nghìn tỉ USD, tạo ra 333 triệu việc làm, tương đương 10,6% tổng số việc làm trên thế giới. Chi tiêu của khách du lịch quốc tế năm 2019 đạt khoảng 1,7 nghìn tỉ USD, chiếm 17,4% tổng xuất khẩu dịch vụ toàn cầu. Thế nhưng, Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của đại dịch Covid-19. Năm 2020, ngành Du lịch thất thoát khoảng 4,5 nghìn tỉ USD, tổng thu toàn ngành chỉ đạt 4,8 nghìn tỉ USD, sụt giảm 49,1%, đóng góp của ngành vào GDP toàn cầu chỉ đạt 5,3%.
 
Tuy nhiên, điều đáng mừng là ngành Du lịch đã có dấu hiệu phục hồi trong năm 2021. Tổng thu từ du lịch đạt 5,8 nghìn tỉ USD, đóng góp 6,1% vào GDP toàn cầu, tạo thêm được 18 triệu việc làm, nâng tổng số công việc của ngành lên 289 triệu việc làm, tuy nhiên vẫn ít hơn 44 triệu so với trước đại dịch. WTTC dự báo đóng góp của ngành Du lịch vào GDP dự kiến sẽ đạt mức 8,5% tổng GDP kinh tế toàn cầu, tương đương 8,4 nghìn tỉ USD vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn 13,3% so với đóng góp 9,2 nghìn tỉ năm 2019, số lượng việc làm sẽ tăng 3,5%, thấp hơn 10% so với tổng số 333 triệu việc làm của năm 2019. Theo một kịch bản lạc quan, đóng góp của du lịch vào GDP toàn cầu và số lượng việc làm trong ngành có thể trở về mức như trước đại dịch vào năm 2023. Trong dài hạn, dự báo đóng góp của ngành Du lịch vào GDP thế giới sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 5,8%/năm trong giai đoạn 2022-2032, vượt xa tốc độ tăng trưởng trung bình 2,7% của nền kinh tế toàn cầu. Đến năm 2032 ngành Du lịch đóng góp 14,6 nghìn tỉ USD, chiếm 11,3% tổng GDP kinh tế toàn cầu, tạo thêm 126 triệu việc làm trong thập kỷ tới.
 
Thế nhưng việc mở cửa, thu hút khách của các quốc gia hiện nay phụ thuộc nhiều vào sự mở cửa của đối tác. Mối lo nhiễm Covid-19 và mắc kẹt ở nước ngoài khi đi du lịch khiến du khách e ngại. Các rủi ro về cách ly, ảnh hưởng sức khoẻ, chi phí cao… khiến du khách còn chưa thực sự sẵn sàng đi du lịch quốc tế thời gian này.
 
Cần chính sách cởi mở, thuận lợi
 
Theo Công cụ theo dõi điểm đến của UNWTO và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đến ngày 22.7 đã có 62 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến Covid-19. Việt Nam là một trong 5 quốc gia khu vực châu Á- Thái Bình Dương và là quốc gia duy nhất khu vực Đông Nam Á đã mở cửa hoàn toàn du lịch.
 
Những thách thức kể trên đòi hỏi ngành Du lịch cần tiếp tục quảng bá về các quy định nhập cảnh cởi mở của Việt Nam và hướng dẫn du khách kết nối điểm đến khu vực, đồng thời đưa ra các chỉ dẫn cụ thể cho du khách về các bước thực hiện khi phát hiện mắc Covid-19, các đầu số hotline hỗ trợ du khách. Bên cạnh đó, tích cực thúc đẩy các hoạt động đào tạo nguồn lực lao động trẻ, hỗ trợ định hướng cho các cơ sở đào tạo về xu hướng của thế giới và nhu cầu đối với các kỹ năng mới sau đại dịch. Để chủ động ứng phó với các xu hướng mới của du lịch thế giới cũng như các rủi ro, khủng hoảng có thể xảy đến trong tương lai, ngành Du lịch cần bám sát tình hình để có các bước phát triển phù hợp, khuyến khích chuyển đổi số và quan tâm hơn nữa đến các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch và bảo vệ môi trường.
 
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch đã chủ trì cuộc họp bàn về tình hình triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi du lịch, đánh giá việc thực hiện và đề xuất tháo gỡ khó khăn trong triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tại cuộc họp này, Bộ VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã đề xuất nhiều giải pháp để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam sau dịch Covid-19.
 
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau khi mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15.3 đến nay, ngành Du lịch đã tập trung vào thị trường nội địa và đạt được những kết quả phục hồi ấn tượng, lượng khách nội địa đạt 72 triệu lượt đã vượt chỉ tiêu của cả năm 2022. Tuy nhiên, khách quốc tế tới Việt Nam mới chỉ đạt 733.000 lượt. Bộ trưởng cho rằng, chính sách miễn thị thực đơn phương, cấp thị thực điện tử đã được triển khai nhưng lợi thế cạnh tranh trong việc cấp thị thực, thời gian lưu trú của Việt Nam chưa thuận lợi so với nhiều quốc gia khác. Việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài để chủ động nghiên cứu, định hướng thị trường, hỗ trợ kết nối, quảng bá du lịch quốc tế đang ở mức hạn chế. Kể cả với việc thực hiện Nghị quyết 08- NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết 103/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08 đều cần tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy định xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú để thuận lợi hơn cho du khách quốc tế. Bên cạnh đó, cần lập cơ quan đại diện du lịch ở một số thị trường có tiềm năng lớn; cơ chế liên kết vùng về du lịch; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã nêu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
 
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình tại cuộc họp này cũng đề xuất thành lập văn phòng xúc tiến du lịch của các hiệp hội, nòng cốt là các doanh nghiệp du lịch lớn, tại một số thị trường trọng điểm, có sự hỗ trợ của Đại sứ quán, thương vụ ở nước sở tại, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. 
 
Nhanh chóng triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi du lịch
 
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch năm 2022 bàn về tình hình triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi du lịch.
 
Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ VHTTDL chủ trì tổ chức rà soát, đánh giá lại tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để đề xuất, kiến nghị các giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp; chủ động phối hợp, hỗ trợ các nhóm doanh nghiệp du lịch nòng cốt để tăng cường liên kết giữa các địa phương và triển khai các hoạt động định hướng cho việc thúc đẩy phục hồi du lịch trên phạm vi cả nước; khởi động lại hoạt động số hoá di sản với sự tham gia của doanh nghiệp du lịch để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới.
 
Bộ VHTTDL khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc kiện toàn nhân sự tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch; có thể xem xét, bổ sung thêm cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo (nếu cần thiết), bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới; chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ, TB&XH và các địa phương liên quan đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động, chú trọng đào tạo nhân lực có tay nghề cao nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường và nhu cầu phát triển trong tình hình mới; khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính giải quyết những vấn đề vướng mắc để giải ngân nguồn kinh phí từ Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch phục vụ các nhiệm vụ tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam... T. BÌNH
 
 NGUYỄN ANH
Theo: baovanhoa.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 15.662.718
Đang truy cập 6.339