Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thăm hỏi người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh
Trực tiếp kiểm tra tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ghi nhận và biểu dương sự cố gắng, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo trong việc giải quyết TTHC, mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Mô hình Trung tâm HCC là bước đi đột phá của tỉnh trong cải cách hành chính, đây cũng là một trong những nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhằm xây dựng chính quyền minh bạch, kiến tạo, phục vụ nhân dân.
Hiện đã có 100% TTHC được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 09 Trung tâm Hành chính công cấp huyện và 141 Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã; phê duyệt 100% quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh và thiết lập 100% quy trình điện tử giải quyết TTHC trên phần mềm Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh; kết quả giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn và trước hạn luôn đạt trên 95% ở cả ba cấp (trung bình trong 03 năm gần nhất là: cấp tỉnh: 98%, cấp huyện: 95%, cấp xã: 96%).
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thăm hỏi người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thường xuyên cải tiến, đổi mới phương thức làm việc, nâng cao phẩm chất, trình độ của đội ngũ cán bộ theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện, hiệu quả; tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, qua đó, góp phần tích cực nâng cao các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trung tâm hành chính công tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các dịch vụ công mức độ 3, 4, phấn đấu cung cấp dịch vụ công trực tuyến 70% để phục vụ người dân một cách tốt nhất.
Thăm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh (IOC), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá cao mô hình hoạt động và hiệu mang lại, trong đó đặc biệt là việc tiếp nhận, giải quyết nhanh các phản ánh, kiến nghị của người dân gửi đến.
Hiện nay, IOC Huế đang triển khai đồng thời nhiều dịch vụ, bao gồm: phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp camera giám sát đô thị và an toàn giao thông; thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức; giám sát dịch vụ hành chính công; giám sát quảng cáo điện tử; giám sát môi trường; giám sát an toàn mạng; giám sát tàu cá….
Đặc biệt, Hue-S là ứng dụng nền tảng di động được xây dựng theo hướng super app (siêu ứng dụng) với định hướng một ứng dụng duy nhất tích hợp. Hue-S vừa triển khai các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp, vừa ứng dụng chính quyền số phục vụ công tác chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước. Hue-S chính là sợi dây kết nối, giúp tiếng nói người dân đến với chính quyền và ngược lại.
Bên cạnh đó, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm IOC đã tiếp nhận 9.143 phản ánh. Trong đó lĩnh vực vi phạm giao thông đã tiếp nhận 3.068 phản ánh với tỷ lệ hài lòng đạt 93.8%, tổng số tiền đã xử phạt lên tới 296.050.000 đồng. Đặc biệt, Trung tâm đang đầy mạnh các dịch vụ thúc đẩy phát triển kinh tế số trên nền tảng Hue-S như ví điện tử, chợ số. Qua quá trình triển khai ví điện tử từ tháng 10/2022 đến nay, số lượng người dùng cài đặt ví điện tử đã lên đến hơn 30.000 tài khoản cùng hơn 500 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh thời gian tới tiếp tục phát triển, hoàn thiện các hệ thống kết nối khác nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả vận hành của Trung tâm, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế năng động, văn minh và hiện đại.
Về mô hình hoạt động, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Trung tâm phấn đấu thực hiện mô hình tự chủ tài chính trong thời gian tới để vừa thúc đẩy sự phát triển bền vững của đơn vị, vừa xây dựng thu hút được đội ngũ cán bộ giỏi đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ trong thời kì công nghệ 4.0.