Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam
Ngày cập nhật 28/08/2023

Năm 2023 là năm hai nước Việt Nam và Nhật Bản tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973 - 21/9/2023).

Nhật Bản là một đất nước khan hiếm về tài nguyên thiên nhiên, thường xuyên phải gánh chịu thiên tai, sóng thần, động đất, nhưng từ tro tàn của chiến tranh, đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những cường quốc phát triển hàng đầu thế giới; đồng thời luôn là thành viên tích cực tại các diễn đàn kinh tế, chính trị, xã hội quốc tế. Việt Nam và Nhật Bản là hai dân tộc, hai quốc gia có mối quan hệ rất lâu đời. Cùng nằm ở Châu Á - Thái Bình Dương, sự gần gũi, tương đồng về mặt văn hóa đã đưa nhân dân hai nước đến với nhau như một lẽ tự nhiên trong quá trình phát triển. Lịch sử quan hệ hai nước có nhiều biểu tượng tốt đẹp về những mối giao thương, sự kết nối, tình thâm giao và cả những mối lương duyên bền chặt, sâu sắc.

Năm 2017, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko đã đến thăm thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Hơn 400 năm trước, vùng đất Cố đô Huế đã có mối quan hệ giao thương với các địa phương Nhật Bản. Người Nhật đã tìm tới Thuận Hóa để buôn bán qua những Châu Ấn thuyền (Shuinsen) được Mạc phủ Đức Xuyên gửi đi. Dần dần, người Nhật đến Thuận Hóa ngày càng nhiều hơn. Khi các chúa Nguyễn có những chính sách rộng mở về ngoại thương và cư trú, những người Nhật đã đến đây buôn bán, lập phố và sinh sống lâu dài ở thương cảng Thanh Hà - một trong những cảng quốc tế ở thế kỷ thứ XVII dưới thời chúa Nguyễn (nằm phía bờ tả ngạn sông Hương, cách kinh thành Huế 4km, cách cửa biển Thuận An khoảng 10km và thuộc phường Hương Vinh, thành phố Huế ngày nay). Chính sự giao lưu buôn bán này đã khiến văn hóa Nhật Bản trở nên không còn xa lạ với người Việt.
Cách đây hơn trăm năm, phong trào Đông Du do Phan Bội Châu cùng những người đồng chí của ông khởi xướng cũng đã thắt chặt hơn mối quan hệ giữa hai dân tộc và đào tạo cho Việt Nam những lực lượng ưu tú để về chấn hưng đất nước, đánh đổ ách đô hộ của thực dân Pháp. Lịch sử chính là chiếc cầu nối vững chắc để hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản vượt qua những rào cản, tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác đương đại.
Năm 2009, Thừa Thiên Huế (Thuận Hóa - Phú Xuân ngày nay) lại vinh dự được Hoàng Thái tử Naruhito (nay là Nhật Hoàng Naruhito) chọn là điểm đến trong chuyến thăm chính thức Việt Nam. Nhiều năm sau, Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko (nay là Thượng Hoàng Akihito và Hoàng Thái Hậu Michiko) tiếp tục ưu ái chọn đến thăm Huế trong chuyến công du chính thức Việt Nam năm 2017. Đây không chỉ là niềm vinh hạnh của tỉnh nhà mà còn là dấu ấn đặc biệt, tiền đề để tỉnh tiếp tục phát triển mối quan hệ sâu sắc hơn với Nhật Bản trên nhiều phương diện.
Hòa cùng những giai đoạn lịch sử phát triển tốt đẹp, rực rỡ trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản; quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các đối tác Nhật Bản đã không ngừng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và hiệu quả. Nhật Bản đã trở thành một trong những đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực của tỉnh.
Về hợp tác cấp địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quan hệ hợp tác có hiệu quả với nhiều địa phương của Nhật Bản và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, như: phát triển du lịch, giao lưu văn hóa, ngoại giao nhân dân... Tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hai địa phương cấp tỉnh của Nhật Bản là Kyoto (tháng 3/2014) và Gifu (tháng 11/2016); phối hợp triển khai các chương trình dự án hợp tác với thành phố Yokohama, tỉnh Nara… Riêng thành phố Huế đã ký quan hệ hợp tác với 5 thành phố: Shizuoka (2005), Kyoto (2013), Sasayama (2018), thành phố Saijo (2018) và thành phố Takayama (2018).
Được sự quan tâm và hỗ trợ tích cực từ Bộ Ngoại giao, tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên có cơ hội tham gia các sự kiện, hoạt động tiếp xúc và tăng cường mối quan hệ hợp tác với các đối tác Nhật Bản, như: Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản (2019); Hội nghị Gặp gỡ vùng Kansai Nhật Bản - Khu vực Miền Trung Việt Nam (2019); Hội nghị lãnh đạo địa phương Việt Nam - Nhật Bản (tháng 01/2020);  Chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác nhiều mặt Việt Nam với vùng Kyushu, Nhật Bản tại tỉnh Fukuoka (từ ngày 24/7-1/8/2022); Chương trình Quảng bá địa phương tại Hàn Quốc - Nhật Bản (tháng 6/2023)... Thông qua các sự kiện này, tỉnh đã có dịp được tiếp xúc, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác với thêm nhiều địa phương Nhật Bản, như: Kanagawa, Fukuoka, Shiga, Yamanashi, Kochi, Niigata, Hokkaido... Đây không chỉ là cơ hội quan trọng để Thừa Thiên Huế có thể kết nối, thắt chặt hơn mối quan hệ với các đối tác Nhật Bản hiện có, mà còn mở rộng kết nối với nhiều đối tác tiềm năng trong tương lai.
Trong những năm qua, mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với Nhật Bản tiếp tục phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, như: phòng chống thiên tai; bảo tồn các di sản; giao thông; cấp nước; giáo dục, y tế. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có quan hệ hợp tác với nhiều địa phương của Nhật Bản, như: tỉnh Nara, phủ Kyoto, tỉnh Gifu, Thành phố Yokohama...
Nhật Bản không chỉ là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam mà còn là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Thừa Thiên Huế. Nhiều dự án hoạt động khá hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đóng góp ngân sách ổn định hàng năm cho tỉnh, như: Dự án hầm đường bộ Hải Vân dài nhất Đông Nam Á, với tổng vốn 250 triệu USD; Dự án Bệnh viện quốc tế - 30 triệu USD dự án ODA xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng vốn 30 triệu USD; Chương trình trùng tu di tích cố đô Huế - Viện Di sản WASEDA, Tokyo tài trợ 4,5 triệu USD; “Dự án nâng cấp năng lực thích ứng với thiên tai ở miền Trung” (2009 - 2012) đã hỗ trợ tỉnh hình thành kế hoạch quản lý lũ tích hợp, giúp các địa phương trong vùng nâng cao năng lực về quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng và xây dựng các công trình chống xói lở ở bờ sông với quy mô nhỏ, chi phí phí thấp; Dự án “Xây dựng xã hội thích ứng với thiên tai” (2013 - 7/2016); Dự án xây dựng trường học, trồng rừng, giao lưu văn hóa - Công ty AEON tài trợ 3 triệu USD; Dự án “Xây dựng xã hội thích ứng với thiên tai” (giai đoạn 2) được Chính phủ Nhật Bản tài trợ tại Thừa Thiên Huế thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật bản (JICA), với số tiền viện trợ không hoàn lại là 60.456.000 JPY (tương đương gần 13,5 tỷ đồng), tập trung thực hiện hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và giáo dục thiên tai nhằm giảm thiểu rủi ro tại Thừa Thiên Huế; tăng cường các biện pháp phòng chống thiên tai liên quan tới nước bằng hệ thống quản lý lũ tổng hợp tại các địa phương trên địa bàn. Đặc biệt dự án “Cải thiện môi trường nước thành phố Huế” do JICA tài trợ cho thành phố Huế bằng nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản với tổng mức đầu tư: 24,008 tỉ Yên Nhật (tương đương 3.169 tỉ VND), đã góp phần cải thiện môi trường sống cho hơn 400.000 người dân trong thành phố và các vùng lân cận; giúp giảm ngập lụt trong mùa lũ, bảo vệ các di sản; đồng thời cải thiện sông ngòi, nâng cao hệ thống cấp thoát nước tại thành phố Huế. Dự án Quản lý cấp nước an toàn Việt Nam - Nhật Bản, theo chương trình hợp tác giữa Công ty HueWACO và Cục nước Yokohama đã trao đổi, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cấp nước nhằm cải thiện công tác quản lý cấp nước cho các công ty cấp nước khu vực miền Trung và miền Nam Việt Nam. Dự án đã hoàn thành các mục tiêu, chương trình đề ra và đã kết thúc vào ngày 30/8/2016… Giai đoạn 2015 - 2018, trên địa bàn tỉnh có 7 dự án FDI của Nhật Bản hoạt động, với tổng vốn đăng ký 30,4 triệu USD, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực: chế biến thực phẩm, may mặc, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác. Một số dự án hoạt động có hiệu quả, như: Dự án sản xuất rượu Sake và rượu trắng Nhật Bản của Công ty TNHH MTV Thực phẩm Huế và Công ty TNHH Saita (đã hoạt động gần 25 năm tại Thừa Thiên Huế), doanh thu hàng năm đạt 1,77 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước 799 nghìn USD; dự án may mặc của Công ty TNHH MSV giải quyết cho hơn 1.000 lao động; dự án công nghệ thông tin của Công ty TNHH MTV Brycen hoạt động từ năm 2013 và rất hiệu quả, giải quyết cho trên 100 lao động, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lập trình...
Hiện nay, toàn tỉnh đã thu hút được 117 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.347 triệu USD; trong đó có 16 dự án đến từ doanh nghiệp Nhật Bản với tổng vốn đăng ký hơn 220,304 triệu USD. Đặc biệt, dự án Trung tâm thương mại AEONMALL Huế của Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam với tổng vốn đầu tư 169,67 triệu USD đang xây dựng là một điểm nhấn về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực đào tạo tiếng Nhật, hỗ trợ các dịch vụ phục vụ nhu cầu xuất khẩu lao động...
Trên lĩnh vực văn hóa, nhiều hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa vật thể, phi vật thể Huế tiếp tục được triển khai hiệu quả. Trong suốt 25 năm qua, Chính phủ Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ Thừa Thiên Huế trong việc bảo tồn, phục dựng các công trình kiến trúc cung điện, lăng tẩm của kinh thành Huế thông qua các tổ chức, như: Viện nghiên cứu Di sản thế giới UNESCO - Đại học Waseda, Đại học Nữ Chiêu Hòa, Đại học Kyoto - Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ tổng kinh phí gần 4,5 triệu USD trùng tu các di tích, như: nghiên cứu bảo tồn di tích Huế và dự án phục nguyên điện Cần Chánh, một công trình kiến trúc tiêu biểu của triều Nguyễn nằm trong khu vực Hoàng thành Huế; trùng tu di tích Hữu Tùng Tự - lăng Minh Mạng; dự án Thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn Nhã nhạc; lập Hồ sơ quốc gia ứng cử Nhã Nhạc là Kiệt tác Di sản Truyền khẩu và Phi vật thể của Nhân loại… Ngay từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, thông qua Quỹ ủy thác của UNESCO, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ 100 ngàn đô la Mỹ trùng tu công trình Ngọ Môn. Đây là tài trợ rất có ý nghĩa với Cố đô Huế. Tiếp đó, rất nhiều các dự án hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa đã được mở ra khá toàn diện trong lĩnh vực trùng tu bảo tồn di sản, đào tạo nguồn nhân lực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.
Trong các kỳ Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế, nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, nhiều hoạt động văn hóa phong phú và thiết thực đã được hai bên phối hợp tổ chức thành công, huy động được sự tham gia của nhiều địa phương, đoàn nghệ thuật của Nhật Bản đến biểu diễn và các đối tác đến từ Nhật Bản, như: Chương trình giới thiệu trang phục truyền thống và ẩm thực Nhật Bản của thành phố Saijo, triển lãm Ningyo – Nghệ thuật và vẻ đẹp của Búp bê Nhật Bản, Lễ dựng bia tưởng niệm cụ Phan Bội Châu, triển lãm ảnh, chương trình chiếu phim và chương trình tọa đàm “Mối quan hệ thắm thiết Việt Nam - Nhật Bản”; chương trình biểu diễn Nhã nhạc Cung đình Huế tại Nhật Bản... Thông qua các hoạt động đó, đã tăng cường sự giao lưu hiểu biết, trao đổi văn hóa giữa hai dân tộc, cũng như nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại giữa Thừa Thiên Huế với Nhật Bản.
Trong thời gian qua, hợp tác du lịch Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực thúc đẩy trao đổi khách du lịch hai nước. Trên nền tảng đó, thị trường khách du lịch Nhật Bản là một trong những thị trường trọng điểm của ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ năm 2010 - 2015, số lượng khách du lịch Nhật Bản đến Thừa Thiên Huế có sự tăng trưởng ổn định và thường xuyên xếp thứ 8 trong top 10 của lượng du khách quốc tế đến Huế. Từ năm 2010 - 2017, số lượng khách du lịch Nhật Bản đến Thừa Thiên Huế có sự tăng trưởng ổn định. Trung bình mỗi năm tỉnh thu hút được 30.708 lượt khách (chiếm 4,30%), xếp thứ 7 trong top 10 của lượng du khách quốc tế đến Huế. Gần đây, do ảnh hưởng của dịch Civid-19 lên toàn cầu nên số du khách Nhật Bản đến Huế trong năm 2020 ước đạt 8,959, đứng thứ 12 thị trường khách du lịch quốc tế, chiếm 2,2% thị phần. Năm 2021, số lượng khách du lịch Nhật Bản chỉ đạt 1.239, chiếm 6.1%, đứng thứ 5 thị trường du lịch quốc tế. Trong ba tháng đầu năm 2022, số lượng khách du lịch Nhật Bản đạt 320 khách, chiếm 1.7%, đứng thứ 3 thị trường du lịch quốc tế. Quan hệ phát triển du lịch cũng được hợp tác phát triển trên nhiều mặt, nhất là các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của Thừa Thiên Huế tại Nhật Bản, như: tham gia Hội chợ du lịch quốc tế JATA được tổ chức thường niên tại Tokyo; tham gia lễ hội văn hóa du lịch do Trung tâm ASEAN - Nhật Bản tổ chức; phối hợp với Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines tổ chức những roadshow lớn tại ba thành phố của Nhật Bản là Osaka, Nagoya và Tokyo; phối hợp tổ chức lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản; phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành và Vietnam Airlines đón các đoàn khảo sát về du lịch từ Nhật; xây dựng website quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam bằng tiếng Nhật…
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Đại học Huế đã phối hợp ký kết với nhiều trường đại học của Nhật Bản, như: Đại học Yamnashi, Đại học Shimane, đại học của thành phố Fukuroi... Nội dung chủ yếu là về trao đổi sinh viên, học sinh, tăng cường mối quan hệ với các trường học có học sinh học tiếng Nhật trên địa bàn tỉnh; hợp tác nghiên cứu và đào tạo, phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, trao đổi thông tin, tư liệu. Thông qua các văn bản ký kết hợp tác, nhiều hoạt động trao đổi giáo viên, sinh viên, hợp tác nghiên cứu và đào tạo, phối hợp tổ chức các hoạt động học thuật, trao đổi thông tin, tài liệu, xây dựng và triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu phục vụ cho công tác đào tạo và giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, y tế, an ninh quốc phòng đã được triển khai trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác quốc tế của địa phương với các đối tác quốc tế.
Về lĩnh vực y tế, từ nguồn vốn ODA, Nhật Bản đã hỗ trợ tỉnh các dự án xây dựng Bệnh viện quốc tế với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD; xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng vốn 30 triệu USD... Bệnh viện Trung ương Huế cũng như Trường Đại học Y Dược Huế đã có nhiều hoạt động giao lưu, tham quan, học hỏi, trao đổi học thuật trên lĩnh vực y học với các trường đại học của Nhật Bản, như: Đại học Metropolitan, Đại học Y khoa Nara, Đại học Y khoa Kyoto, Đại học Cheju Halla... Bên cạnh đó, một số công ty của Nhật Bản cũng đã đến tỉnh nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác trên lĩnh vực y tế, như: Công ty Cổ phần Global Network Japan và Công ty sản xuất thực phẩn chức năng Fukoidan Okinawa hợp tác nghiên cứu sản xuất thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng dựa vào nguồn nguyên liệu thảo mộc tại địa phương; Tập đoàn IGL tìm kiếm cơ hội đầu tư trung tâm an dưỡng và chăm sóc y tế cho người cao tuổi...
Nhật Bản tiếp tục là thị trường xuất khẩu lao động lớn của tỉnh. Theo số liệu thống kê năm 2021, toàn tỉnh có 492 công dân đi làm việc nước ngoài, trong đó có có 406 lao động làm việc tại Nhật Bản. Tính đến tháng 8/2022, toàn tỉnh có 831 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng, trong đó thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản tiếp tục chiếm số đông với 692 người đăng ký đi làm việc, tập trung vào các ngành nghề: hộ lý, xây dựng, cơ khí, may mặc...
Các hoạt động đối ngoại nhân dân đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, phát triển quan hệ hữu nghị giữa nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế với nhân dân các địa phương Nhật Bản, nhằm củng cố môi trường hòa bình, tinh thần đoàn kết, hữu nghị nhân dân, tạo dựng hình ảnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Giai đoạn 2016 - 2022, Hội hữu nghị Việt - Nhật của tỉnh đã đón tiếp 56 đoàn, với hơn 1.000 lượt người đến giao lưu văn hóa, giáo dục, thể thao, thực hành nghề nghiệp, homestay trải nghiệm và tìm hiểu về hoạt động của tổ chức Công đoàn, triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm hiểu thị trường để triển khai các hoạt động kinh doanh, thu hút nguồn nhân lực có trình độ, giao thương các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống… Qua đó, đã phối hợp tổ chức ngày hội giới thiệu và giao lưu văn hóa Nhật Bản cho học sinh - sinh viên đang học tiếng Nhật trên địa bàn tỉnh về văn hóa ẩm thực, trà đạo, kimono, origami… và một số trò chơi dân gian khác. Thông qua các buổi giao lưu văn nghệ, các Chi hội thành viên đã thành lập các câu lạc bộ đặc trưng văn hóa Nhật Bản, như: Câu lạc bộ Manga - Animei, Câu lạc bộ Yosakoi của Đại học Ngoại ngữ Huế, Câu lạc bộ tiếng Nhật của trường THCS Nguyễn Tri Phương, trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ…
Các địa phương của Nhật Bản cũng đã có nhiều hoạt động nhằm tăng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, như: Hội hữu nghị Okinawa - Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Giao lưu tìm hiểu cơ hội việc làm tại Nhật Bản” cho sinh viên Huế; Học viện Nhật ngữ Osafune, thành phố Okayama, Văn phòng Nhật Bản thuộc Hiệp hội hỗ trợ thực tập và du học tại Nhật Bản đến thăm và làm việc về việc hợp tác thúc đẩy việc du học của học sinh, sinh viên Việt Nam tại Nhật; Công ty TNHH Asing, Osaka làm việc với Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế để tìm hiểu nguồn nhân lực chuyên ngành cơ khí và cơ hội làm việc tại các công ty của Nhật Bản... Nhiều tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản xúc tiến hợp tác trên các lĩnh vực, như: Cộng đồng Liên vùng Union - Tokyo đến thăm và đặt vấn đề hợp tác trên các lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, lịch sử, xây dựng, bảo hiểm và thuế; Quỹ phúc lợi ý tế Xã hội tại Nhật Bản xúc tiến hợp tác thương mại với Trường Đại Học Y Dược và Trường Cao Đẳng Y tế Huế; Hợp tác xã Solution, Osaka đến thăm và làm việc với Hiệp hội nghề cá Hạt Châu, thị trấn Thuận An để đặt vấn đề hợp tác phát triển ngành nghề nuôi cá Nóc và cá Mú chất lượng cao để xuất khẩu cho thị trường Nhật Bản; làm việc với Hội hữu nghị Okinawa - Việt Nam, Hiệp hội Công thương Noshito, tỉnh Akita… Công tác vận động, quan hệ và tổ chức thực hiện các dự án phi chính phủ nước ngoài của Nhật Bản cũng được tỉnh chú trọng. Nhiều chương trình, dự án về hỗ trợ y tế cộng đồng, phát triển nông thôn tổng hợp và bền vững dựa và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, giải quyết hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, an sinh xã hội và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ… đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, làm tốt công tác an sinh xã hội và giúp nhiều bộ phận nhân dân được hưởng lợi từ các chương trình, dự án. Tiêu biểu có Dự án “Giảm thiểu nguy cơ bom mìn còn sót lại tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do Đại sứ quán Nhật Bản và Tổ chức rà phá bom mìn Đan Mạch (DDG) Việt Nam, Quỹ A.P. Møller Support Foundation (Đan Mạch) hỗ trợ, với nguồn vốn 1,2 triệu USD (tương đương 27 tỷ đồng), thực hiện từ 2017 - 2019, nhằm thiết lập quan hệ hợp tác để xử lý các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh; góp phần nâng cao an toàn cho con người và phát triển kinh tế - xã hội tại các cộng đồng bị ảnh hưởng, thông qua chương trình rà phá bom mìn nhân đạo (HMA), triển khai tại địa bàn 10 xã thuộc huyện miền núi A Lưới và các khu vực ưu tiên khác theo đề xuất của tỉnh. Dự án “Phát triển cộng đồng bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ven phá Tam Giang” do tổ chức SODI tài trợ, được triển khai tại xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, triển khai các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, môi trường và sinh thái, tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực với điểm nhấn là Hội thi sân khấu cộng đồng nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu...
*
Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023) là dịp để củng cố, xây đắp, gìn giữ và tăng cường hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp này cho các thế hệ tương lai, biến nó trở thành hình mẫu chưa từng có của sự gắn bó chân thành, hài hòa và bền vững của hai nước, giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương Nhật Bản, trên cơ sở tôn trọng lợi ích của nhau. Trên cơ sở những nét tương đồng về văn hóa cũng như lợi ích, bằng những hành động thiết thực, chắc chắn mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sẽ ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, tương xứng với tầm vóc cần có của mối quan hệ đối tác chiến lược cũng như truyền thống tốt đẹp vốn có của quan hệ hữu nghị giữa hai nước./.

Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.444.213
Đang truy cập 10.200