Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững
Ngày cập nhật 15/09/2023

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị Về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 05/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngày 05/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP Về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030.

I. HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ
“Hội nhập” có nguồn gốc từ “liên kết” (integration) với nghĩa chung nhất là hành động hoặc quá trình gắn kết các phần tử riêng rẽ với nhau; hợp chung các bộ phận vào một chỉnh thể (nhất thể, hợp nhất) và kết hợp các thành tố khác nhau lại (tụ hội, tụ nhóm).
Hội nhập quốc tế là quá trình liên kết, gắn kết giữa các quốc gia/vùng lãnh thổ với nhau thông qua việc tham gia các tổ chức, thiết chế, cơ chế, hoạt động hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển của bản thân mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ đó và nhằm tạo thành sức mạnh tập thể giải quyết những vấn đề chung mà các bên cùng quan tâm. Hội nhập quốc tế theo đúng nghĩa đầy đủ là hội nhập trên tất cả lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Về bản chất, hội nhập quốc tế chính là một hình thức phát triển cao của hợp tác quốc tế nhằm đạt được một mục tiêu hoặc lợi ích chung nào đó.
Trong thế giới hiện đại, sự phát triển của kinh tế thị trường đòi hỏi các quốc gia phải mở rộng thị trường, hình thành thị trường khu vực và quốc tế. Đây chính là động lực chủ yếu thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế. Nhìn tổng thể thì hội nhập quốc tế có ba cấp độ chính là: Hội nhập toàn cầu, khu vực và song phương. Các phương thức hội nhập này được triển khai trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. 
Hội nhập kinh tế quốc tế được các quốc gia/vùng lãnh thổ thực hiện bằng những phương thức chủ yếu và có thể phân biệt như sau: (i) Thỏa thuận thương mại ưu đãi; (ii) Khu vực mậu dịch tự do; (iii) Hiệp định đối tác kinh tế; (iv) Thị trường chung; (v) Liên minh thuế quan; (vi) Liên minh kinh tế và tiền tệ; (vii) Diễn đàn hợp tác kinh tế. 
 
II. QUAN ĐIỂM, ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA VỀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ
Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước ta đã chủ trương tham gia các thể chế kinh tế. Lời kêu gọi trong thư gửi Liên hợp quốc tháng 12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: (a). Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nha kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; (b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; (c) Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”.
Từ những năm 1980 đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức được tính cần thiết và tất yếu của hội nhập kinh tế quốc tế. Đường lối, chủ trương hội nhập kinh tế của Đảng đã được đề ra nhất quán, không ngừng được hoàn thiện và triển khai tích cực, phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước. 
Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã đề ra đường lối Đổi mới toàn diện và sâu sắc mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Nếu như tại Đại hội V (1982), Đảng chỉ xác định “Ưu tiên mở rộng sự hợp tác toàn diện giữa nước ta với Liên Xô và các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế” thì đến Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), Đảng đã đưa ra chủ trương tranh thủ những điều kiện thuận lợi về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi vào việc phân công và hợp tác quốc tế trong “Hội đồng tương trợ kinh tế và mở rộng với các nước khác”; xác định quan hệ kinh tế quốc tế giai đoạn này không chỉ tập trung vào Liên xô và các nước trong cùng hệ thống xã hội chủ nghĩa mà phải mở rộng quan hệ với các nước thứ ba, các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế và tư nhân nước ngoài trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.
Tới Đại hội VII (1991), Đảng ta định hướng: “Độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại” với phương châm “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đây là một cột mốc quan trọng đánh dấu bước khởi đầu của Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trong thời kỳ mới. Nhờ chủ trương này, Việt Nam đã đẩy lùi được chính sách bao vây cô lập, không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế đối ngoại song phương và đa phương. 
Tại Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996), thuật ngữ “hội nhập” mới bắt đầu được đề cập trong văn kiện của Đảng: “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới”. Đây là lần đầu tiên Nghị quyết của Đảng đề cập đến việc đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mục tiêu phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước. Điều này đánh dấu một bước chuyển biến cơ bản trong nhận thức về nhu cầu cần tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đại hội IX (2001) nhấn mạnh việc “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đại hội đã khẳng định tính tất yếu, đánh giá bản chất của toàn cầu hóa và cơ hội cũng như thách thức đối với Việt Nam khi tham gia quá trình này. 
Giai đoạn sau này (Đại hội IX, X, XI, XII), Đảng đã nhấn mạnh tới việc chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế song vẫn phải đảm bảo độc lập tự chủ. Khác với giai đoạn trước, đẩy mạnh hợp tác với các nước trên thế giới và khu vực của giai đoạn này không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn ở các lĩnh vực khác, thể hiện tinh thần hội nhập toàn diện với khu vực và thế giới. Trước nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, ngày 27/11/2001, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW “Về hội nhập kinh tế quốc tế”. Tại Đại hội X (2006), Đảng đã nhấn mạnh chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác”. Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 01/2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 05/02/2007 Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO. Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới, trong đó có chủ trương rất quan trọng là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Từ “hội nhập kinh tế quốc tế” của các kỳ đại hội trước, chuyển sang “hội nhập quốc tế” một cách toàn diện là một bước phát triển quan trọng về tư duy đối ngoại của Đảng ta. Để cụ thể hóa chủ trương này, ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về “Hội nhập quốc tế”. Với Nghị quyết này, tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước đã chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn hội nhập toàn diện trên cả lĩnh vực cơ bản: Kinh tế; Chính trị, Quốc phòng và An ninh; Văn hóa, xã hội, Khoa học công nghệ và Giáo dục, đào tạo. Ngày 07/01/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 40/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam.
Phát triển định hướng hội nhập quốc tế từ Đại hội XI, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục yêu cầu phải triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm: “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, xây dựng và triển khai chiến lược tham gia các khu vực mậu dịch tự do với các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng…; Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; Đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể…; Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm thực thi có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết…”. Ngày 05/11/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nêu rõ mục tiêu thực hiện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nhằm tăng cường khả năng tự chủ của nền kinh tế, mở rộng thị trường, tranh thủ thêm vốn, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Có thể thấy, trong hơn 35 năm đổi mới, các quan điểm, chủ trương của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế mang tính nhất quán, hệ thống, luôn được cập nhật và kế thừa qua các kỳ Đại hội. Cho đến nay, đối với Việt Nam, hội nhập quốc tế được triển khai trên 3 lĩnh vực chính gồm: Hội nhập trong lĩnh vực kinh tế (hội nhập kinh tế quốc tế), hội nhập trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của hội nhập quốc tế; hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế.
 
III. SỰ CẦN THIẾT PHẢI NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ, THÚC ĐẨY KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
1. Xuất phát từ tình hình thế giới và khu vực
Trong giai đoạn tới, tình hình trong nước, khu vực và thế giới được dự báo sẽ có nhiều biến động với những diễn biến phức tạp, khó lường. Cục diện đa cực, đa trung tâm trên thế giới ngày càng rõ nét; chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ, tranh chấp thương mại giữa các nước lớn có xu hướng tăng lên; các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang làm thay đổi trật tự, cấu trúc kinh tế, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới. Bên cạnh đó, xung đột nổi lên tại một số quốc gia - khu vực và hậu quả của đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục gây cản trở đối với dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế và làm “đứt gãy” các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế của từng quốc gia, khu vực và thế giới trong những năm tới. 
Tình hình trên đã đẩy nhanh hơn các xu hướng đã có, như: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, bền vững và bao trùm. Trong bối cảnh đó, các quốc gia phải tìm điểm cân bằng mới giữa phát triển kinh tế, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảm an ninh quốc gia; đồng thời tích cực thúc đẩy và tận dụng những thành quả khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. 
2. Xuất phát từ mục tiêu phát triển đất nước
Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ: “Tiếp tục chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”. 
Vấn đề đặt ra là cần phải tiếp tục thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới để tận dụng tốt các cơ hội phục vụ cho phát triển bền vững kinh tế đất nước; kịp thời ứng phó, linh hoạt thích nghi với những khó khăn, thách thức và tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam. 
3. Xuất phát từ tình hình thực tiễn 
3.1. Những kết quả đạt được sau 08 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới
- Các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đều đã có sự cố gắng và nỗ lực trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra; góp phần đưa công tác hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng được triển khai bài bản, có hiệu quả; đóng góp tích cực vào việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; thu hút nguồn lực to lớn cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong khi vẫn bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, đặc biệt là an ninh kinh tế, đấu tranh làm thất bại âm mưu ý đồ, hoạt động lợi dụng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam để can thiệp nội bộ, tác động chuyển hóa ta về chính trị. 
- Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ngày càng được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. 
- Nhận thức trong cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành Trung ương tới chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về các mặt liên quan quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từng bước được nâng cao. 
- Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới. Việt Nam đã hình thành được mạng lưới đối tác kinh tế quốc tế rộng lớn thông qua các khuôn khổ hợp tác song phương, khu vực và đa phương. 
Chúng ta hiện đã thiết lập quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với trên 224 nước, vùng lãnh thổ, ký 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 đối tác, đã có 71 đối tác công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. 
- Các thành tựu đạt được trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, nổi bật là kinh tế tăng trưởng từng bước vững chắc và ngày càng được cải thiện, quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, an sinh xã hội được chăm lo, đảm bảo hơn. Cán cân xuất, nhập khẩu hàng hóa được cải thiện rõ rệt, chuyển từ thâm hụt sang thặng dư, thị trường xuất khẩu được mở rộng và đa dạng. Các thị trường mà Việt Nam có ký kết các FTA thế hệ mới đều ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng hàng năm. Sự gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua hội nhập kinh tế quốc tế cũng đang là một động lực chính cho phát triển kinh tế của Việt Nam. 
3.2. Hạn chế, yếu kém
Bên cạnh những thành quả đạt được, có thể thấy, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta còn một số tồn tại, hạn chế căn bản là: 
- Trong tổ chức hoàn thiện pháp luật, việc nhận thức về ý nghĩa, vai trò tầm quan trọng, thời cơ cũng như thách thức, đặc biệt là ở cấp địa phương trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hiểu biết đầy đủ cam kết quốc tế của Việt Nam để nội luật hóa thành các quy phạm pháp luật trong nước theo hướng linh hoạt, bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ lợi ích tối đa của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, công dân Việt Nam còn chưa thực sự tốt. 
- Sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm của nước ta mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với thế giới, kể cả các nước trong khu vực. 
- Hiệu quả tận dụng cơ hội, lợi ích từ các cam kết quốc tế trong một số lĩnh vực, như: khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo... còn hạn chế. Sự thống nhất, đồng bộ, liên thông giữa các lĩnh vực chính trị, an ninh quốc gia... với kinh tế và những nhóm ngành trên lĩnh vực về kinh tế, thương mại cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương; hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, vẫn còn những hạn chế nhất định. 
- Hội nhập kinh tế quốc tế chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với yêu nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững của nền kinh tế; mức độ đổi mới tư duy, sáng tạo trong suy nghĩ, quyết liệt trong hành động còn chưa thực sự cao…
 
IV. CÁC QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ, THÚC ĐẨY KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG
1. Về quan điểm
Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ Về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030 đã đề ra 06 quan điểm chỉ đạo trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay như sau:
Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, chú trọng tiếp tục đổi mới tư duy, cách làm, quyết liệt, đồng bộ, thống nhất trong hành động, giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối chiến lược phát triển kinh tế của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, bảo vệ vững chắc an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường. Tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước. Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế đảm bảo lợi ích quốc gia - dân tộc. 
Thứ hai, bám sát mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra tại Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”. 
Thứ ba, xây dựng nền kinh tế tự chủ phải phục vụ mục tiêu góp phần tăng cường sức mạnh nội sinh trên cơ sở làm chủ công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường. Nâng cao năng lực sản xuất quốc gia, chú trọng những nhóm lĩnh vực mới, hiện đại, hàm lượng công nghệ cao... để tăng tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại. 
Thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, ưu tiên của hội nhập quốc tế; hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế và phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, phương án, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước. Hội nhập kinh tế quốc tế phải góp phần ngày càng thúc đẩy hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách trong nước phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, phù hợp các cam kết, các thông lệ quốc tế và khu vực; chủ động xây dựng các quan hệ đối tác mới, tham gia vào các vòng đàm phán mới, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế song phương, khu vực và đa phương tạo thuận lợi cho quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững kinh tế đất nước. 
Thứ năm, thực hiện đa dạng hình thức hội nhập kinh tế quốc tế, chú trọng hội nhập kinh tế số với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Chủ động dự báo sớm và xử lý hiệu quả, kịp thời các vấn đề, diễn biến phát sinh, giám sát chặt chẽ và quản lý hiệu quả các tác động của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. 
Thứ sáu, các nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra cần có tính toàn diện, sâu sát, linh hoạt, chủ động, sáng tạo, có tính dự báo nhằm mang lại hiệu quả thực chất. Đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến mở rộng quan hệ kinh tế thương mại song phương, đa phương, thu hút đầu tư nước ngoài, ký kết các hiệp định, điều ước quốc tế song đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tính hiệu quả; tiếp tục chủ động trong công tác nghiên cứu, đàm phán và ký kết FTA với các đối tác bổ sung lợi ích để có thể mang lại hiệu quả về nhiều mặt; khai thác hiệu quả lợi ích các FTA mà Việt Nam đã ký kết làm động lực để phát triển xuất nhập khẩu cả về lượng và chất trên cơ sở đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao. 
2. Về mục tiêu
2.1. Về mục tiêu chung
Thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách lớn đã đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong bối cảnh nước ta đang triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2030; trong đó trọng tâm là: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nhanh chóng phục hồi kinh tế vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển, tăng cường sự gắn kết lợi ích với các đối tác và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo đảm an ninh quốc gia. 
2.2. Về mục tiêu cụ thể
Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ Về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030 đã đề ra 08 mục tiêu cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030 như sau:
(i) Chuyển hóa các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được thành kết quả cụ thể trong việc tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; nâng cao khả năng hấp thụ khoa học công nghệ và hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển các khu vực kinh tế trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, hiện đại, hội nhập hơn. 
(ii) Nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước phát triển hơn trong khu vực và thế giới. 
(iii) Tăng cường hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội, trong đó có hỗ trợ của các cơ chế đa phương, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp... trong quá trình thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt các cam kết trong các FTA. 
(iv) Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài; tăng cường khả năng ứng phó và xử lý linh hoạt hiệu quả trước các diễn biến trên thế giới có thể gây ra/đe dọa ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động xuất nhập khẩu, giao dịch thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế của các ngành kinh tế; hoàn thiện hệ thống phòng vệ thương mại để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam; tạo điều kiện, môi trường để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc. 
(v) Nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, vị trí của pháp luật quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; chủ động, tích cực tham gia xây dựng quy tắc pháp lý quốc tế; tận dụng tối đa pháp luật quốc tế trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế, nhất là trong giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh. 
(vi) Đẩy mạnh hợp tác, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế sâu rộng. 
(vii) Chủ động, tích cực tham gia hội nhập kinh tế số nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. 
(viii) Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế: trong đó chú trọng vào khai thác hiệu quả các FTA nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường. Tích cực đàm phán các hiệp định thương mại song phương và đa phương cũng như tham gia vào các mô hình, khuôn khổ hợp tác và liên kết mới về kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện chính sách thương mại phù hợp với điều kiện của đất nước và hội nhập quốc tế. 
3. Các giải pháp trọng tâm
Để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030, cần đẩy mạnh thực hiện 05 giải pháp trọng tâm sau:
3.1. Cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế: (i) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ, tương thích với các nghĩa vụ và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt với các FTA thế hệ mới theo lộ trình đã đề ra; (ii) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy hiện hành đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch, hiệu quả nhằm duy trì môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định và có thể dự đoán trước; (iii) Hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thực hiện được các mục tiêu cải cách trong nước và tiến tới xây dựng hệ thống pháp luật với các quy định hiện đại, tiến bộ; tạo cơ sở cho việc triển khai các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, dịch vụ ngân hàng công nghệ tài chính; (iv) Triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi; (v) Xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát của các lĩnh vực kinh tế - xã hội; (vi) Xây dựng và triển khai thực thi các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, đề án về hội nhập kinh tế quốc tế từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (vii) Thúc đẩy cơ chế phối hợp nhằm ứng phó và xử lý kịp thời, hiệu quả các diễn biến biến bất lợi trong thương mại - đầu tư quốc tế có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; (viii) Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với các cam kết FTA thế hệ mới và đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; (ix) Tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung, nhằm tạo sự đồng thuận cao và tham gia hiệu quả vào quá trình hội nhập. 
3.2. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh: (i) Nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh mang đến sự ổn định và dễ dự đoán của chính sách; (ii) Tiếp tục xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm, ngành hàng cụ thể gắn kết với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu có chiều sâu, hiệu quả và bền vững; (iii) Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025; (iv) Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước hướng tới xây dựng Chính phủ số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. 
3.3. Thực thi hiệu quả các FTA: (i) Rà soát, khắc phục sự chồng chéo trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy hiệu quả vai trò của cơ quản chủ trì trong việc thực thi các cam kết FTA; (ii) Tăng cường sự phối hợp; phát huy hiệu quả cơ chế tham vấn giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong quá trình đề xuất, lựa chọn đối tác và xây dựng phương án đàm phán các FTA mới cũng như trong việc tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu; (iii) Tiếp tục thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết trong các FTA; nghiên cứu, đề xuất phương án đàm phán các FTA mới cũng như nâng cấp một số FTA đã ký kết; (iv) Triển khai Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 02/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới; (v) Rà soát, đổi mới phương thức thực thi các cam kết về thương mại dịch vụ trong các FTA để tận dụng, khai thác các thị trường mới nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm dịch vụ công nghiệp thông tin, công nghiệp văn hóa của Việt Nam; (vi) Tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu cho các ngành hàng và doanh nghiệp; (vii) Đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến về các FTA. 
3.4. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 và phát triển bền vững: (i) Chú trọng xây dựng các kịch bản ứng phó/thích ứng hiệu quả với các tình huống thiên tai, dịch bệnh... trong thời gian tới; (ii) Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững, tăng trưởng xanh trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô; (iii) Triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư quy mô lớn, để tạo tác động lan tỏa, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; xây dựng các quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển các ngành kết cấu hạ tầng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (iv) Tiếp tục đề xuất và thực hiện hiệu quả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, tạo cơ hội việc làm cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương; (v) Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, xanh, ít phát thải, có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân; (vi) Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; (vii) Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển bền vững, xác định rõ và tập trung thực hiện đồng bộ hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường. 
3.5. Hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng: (i) Chủ động tham gia xây dựng, định hình các cấu trúc kinh tế - thương mại khu vực và toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác mới như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phát triển bao trùm, bền vững; (ii) Phối hợp chặt chẽ với các thành viên của ASEAN, ASEM, APEC trong các vấn đề hợp tác chính sách, xây dựng các sáng kiến và định hướng hợp tác trong giai đoạn hậu COVID-19 và tham gia chủ động, tích cực tại các diễn đàn này nhằm đảm bảo sự hợp tác xuyên suốt, hiệu quả; (iii) Thực hiện tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá và nhận định đúng, đầy đủ, kịp thời tình hình để có những quyết sách và hành động nhanh chóng, quyết liệt và phù hợp; gắn kết hài hòa giữa hội nhập quốc tế với đổi mới trong nước; phát huy tối đa và kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước; (iv) Tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu các xu thế phát triển, các sáng kiến mới, chính sách và kinh nghiệm của các quốc gia trong quá trình hội nhập; (v) Mở rộng và dần đi vào chiều sâu các hoạt động hội nhập trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, để phục vụ có hiệu quả hơn cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; (vi) Hoàn thiện thể chế, bảo đảm củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân cấp, phân quyền trên cơ sở bảo đảm tính kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên; (vii) Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác kinh doanh lâu dài; (viii) Hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển. Thiết lập thế trận an ninh liên quan bên trong với bên ngoài biên giới quốc gia và trên không gian mạng, đặc biệt coi trọng an ninh mạng./.
 
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.444.642
Đang truy cập 10.668