Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Du lịch ẩm thực: Tạo điểm nhấn từ sự khác biệt
Ngày cập nhật 20/10/2023

Sở hữu nền ẩm thực phong phú với nhiều nét đặc sắc, Thừa Thiên Huế có tiềm năng khai thác và phát triển du lịch ẩm thực. Để tạo ra hiệu quả, cần tập trung hơn các trải nghiệm ẩm thực có nguồn gốc địa phương thay vì tham quan, ăn uống đơn thuần.

 
Khách trải nghiệm làm bánh phu thê
 
Khai thác thế mạnh theo xu hướng thế giới
 
Cuối tháng 9/2023, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tổ chức tôn vinh và công nhận giá trị của các món ăn tiêu biểu nước nhà thông qua việc trao chứng nhận 121 món ẩm thực tiêu biểu giai đoạn I - 2022. Thừa Thiên Huế có 6 món ăn được trao chứng nhận món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam. Đó đều là những món ăn đã quen thuộc với người dân, du khách: Bún bò Huế, chè bột lọc bọc heo quay; cơm hến, bánh lọc, vả trộn hoa màu chay, cơm hấp lá sen chay.
 
So với các địa phương của cả nước, Huế sở hữu nhiều món ăn được công nhận nhất. Nhưng nếu nhìn ở góc độ Cố đô Huế là một vùng đất tinh hoa ẩm thực hội tụ, danh sách đó có lẽ cần phải bổ sung thêm nhiều món ăn của Huế. Còn ở góc độ phát triển du lịch, với nét đặc sắc về ẩm thực, Thừa Thiên Huế hoàn toàn có thể phát triển hiệu quả du lịch ẩm thực từ những điểm nhấn khác biệt. Làm một khảo sát nhỏ, hầu hết du khách đều đánh giá cao ẩm thực Cố đô. Chị Nguyễn Thị Hải Lan (đến từ Hà Nội) chia sẻ: “Đồ ăn Huế thực sự quá ngon và phong phú. Đến Huế có thể lạc trong thế giới ẩm thực”.
 
Mặc dù được xem là một loại hình du lịch chỉ mới xuất hiện và phát triển khoảng hơn một thập niên trở lại đây, du lịch ẩm thực đã nhanh chóng chứng tỏ vai trò ngày càng quan trọng của mình trong sự phát triển chung của ngành du lịch thế giới. Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực được xác định là một trong ba lý do chính để du khách lựa chọn điểm đến và là yếu tố hàng đầu quyết định việc quay trở lại của du khách. Kết quả khảo sát của Tổ chức Du lịch Thế giới cho biết, 82% tổ chức, địa phương tham gia khảo sát đã xác định du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch (UNWTO, 2017). Sự xuất hiện của du lịch ẩm thực những năm qua đã được rất nhiều quốc gia trên thế giới phát triển thành công như Pháp, Mỹ, Indonesia, Thái Lan…
 
Trong số gần 3.000 món ăn của cả nước, thì món ăn Huế đã chiếm hơn 65%, với hai dòng là ẩm thực cung đình và ẩm thực dân gian Huế. Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, với ưu thế đó, Thừa Thiên Huế đang xây dựng thương hiệu để trở thành một kinh đô ẩm thực, nâng cao hình ảnh của ẩm thực Huế trong khu vực và trên thế giới. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng du lịch thế giới.
 
Tại hội nghị “Kết nối du lịch Huế 2023” mới đây, ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Travelogy Việt Nam cũng cho rằng, du lịch Huế có quá nhiều tiềm năng phát triển, trong đó du lịch ẩm thực (food tour) có thể tạo ra nhiều giá trị.
 
Tạo ra các trải nghiệm
 
Ẩm thực Huế được ví như di sản trong lòng di sản. Phát huy các tiềm năng về ẩm thực, nâng tầm các sản phẩm sẵn có và cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch ẩm thực mới, hấp dẫn là cách làm để hiện thực hóa mục tiêu phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hứa hẹn hình thành mô hình kinh tế đêm giàu tiềm năng. Nhưng, thay vì tham quan, ăn uống đơn thuần, cần tập trung thêm vào các trải nghiệm ẩm thực.
 
Chị Ngô Thị Hoài An, du khách ở Bình Dương cho rằng: “Với các chuyến du lịch gia đình, mong muốn lớn nhất là vừa vui chơi, vừa trải nghiệm. Ở Huế, nếu tôi và con cái được người dân ở các làng nghề truyền thống hay được nghệ nhân ẩm thực hướng dẫn cho trải nghiệm làm một vài món đặc trưng, chắc chắn sẽ rất thú vị. Tôi tin nhiều du khách cũng rất thích điều này”.
 
Thời gian qua, một số doanh nghiệp chỉ xem ẩm thực là một phần được tích hợp của chuyến đi, đóng vai trò phục vụ nhu cầu ăn nghỉ đơn thuần của du khách. Một số ít tour khai thác ẩm thực theo yêu cầu của du khách chỉ dừng ở mức độ giới thiệu cơ bản một số món ăn đặc sản, truyền thống. Cũng vì chưa xác định đúng loại hình nên đầu tư manh mún, thiếu cơ sở vật chất để phục vụ những đoàn lớn, nhân sự hướng dẫn nấu ăn thiếu chuyên nghiệp cả nghề lẫn tiếng, món ăn Huế có khi chỉ duy trì tên gọi nhưng nguyên liệu và cách chế biến không còn nguyên bản…
 
Giải quyết vấn đề trên, trong quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, cần nghiên cứu nâng tầm ẩm thực thành một loại hình du lịch như các điểm đến trên thế giới đang thực hiện. Đồng thời, có các giải pháp để tạo ra những sự kiện lớn hơn quy mô của những hội chợ ẩm thực thường thấy. Đó có thể là những Festival chuyên đề về ẩm thực.
 
Chính quyền địa phương và ngành du lịch tỉnh cần nghiên cứu sắp xếp, tổ chức các khu phố ẩm thực, tạo ra những không gian ẩm thực Việt Nam mang dấu ấn Cố đô. Trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phải bổ sung đào tạo đội ngũ đầu bếp, các nghệ nhân dân gian và nhân viên phục vụ tại các nhà hàng bài bản và chuyên nghiệp.
 
Huế có nhiều làng nghề, địa phương phát triển du lịch cộng đồng. Từ nền tảng đó, có thể đẩy mạnh gắn kết du lịch với hoạt động làng nghề, quan tâm tới các làng nghề ẩm thực. Cần tạo ra các chương trình tham quan, trải nghiệm làng nghề ẩm thực, nghe những câu chuyện về cội nguồn và sự phát triển của sản phẩm gắn liền với đời sống của người dân, về phong tục tập quán gắn liền với sản phẩm từ nghệ nhân làng nghề... Chính từ đây, những nét đẹp văn hóa bản địa gắn liền với sản phẩm ẩm thực sẽ được lan tỏa tốt hơn.
 
Bài, ảnh: HỮU PHÚC
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.371.133
Đang truy cập 22.798