Tìm kiếm tin tức
Tận dụng lợi thế để phát triển du lịch
Ngày cập nhật 16/01/2018

Sớm nhận diện được ưu thế từ việc tổ chức sự kiện du lịch mang tính tổng thể tại từng trung tâm du lịch, ngay từ năm 2002, ngành du lịch đã có sáng kiến thực hiện Chương trình Năm Du lịch quốc gia (DLQG).

Diễn ra lần đầu năm 2003 tại tỉnh Quảng Ninh, tới nay qua 14 mùa tổ chức luân phiên tại các tỉnh, thành phố, Năm DLQG đã trở thành hoạt động mang tính trọng tâm của toàn ngành, mang đến cơ hội bứt phá du lịch cho địa phương và góp phần phát triển du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, việc tổ chức qua nhiều năm vẫn còn không ít bất cập.

Mang lại động lực thúc đẩy du lịch

Nhìn lại 14 năm tổ chức, Chương trình Năm DLQG đã mang đến nhiều khởi sắc du lịch cho địa phương đăng cai. Nhiều sự kiện hấp dẫn, phong phú diễn ra liên tiếp trong năm đã tạo động lực thu hút du khách trong và ngoài nước; tạo cơ hội để địa phương quảng bá, xúc tiến, giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch đặc thù; tăng cường tính liên kết với các tỉnh, thành phố và hãng lữ hành để kết nối tua, tuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; từ đó, nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương về vị trí, vai trò quan trọng của phát triển du lịch. Trong đó, tiêu biểu phải nói tới các Năm DLQG ở: Phú Yên (2011), Thừa - Thiên Huế (2012), Hải Phòng (2013) và Kiên Giang (2016)... đã thật sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy du lịch địa phương phát triển. Với chủ đề “Du lịch biển đảo”, Năm DLQG duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011 đã tạo đột phá quan trọng cho du lịch tỉnh Phú Yên nói riêng và vực dậy tiềm năng du lịch biển đảo của cả khu vực nói chung. Theo thống kê, qua Chương trình Năm DLQG 2011, toàn vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã đón hơn 12 triệu lượt khách, trong đó có gần hai triệu lượt khách quốc tế; riêng tỉnh Phú Yên thu hút 500.000 lượt khách, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 38% so năm 2010, doanh thu du lịch thuần túy ước đạt 450 tỷ đồng, tăng 12% so kế hoạch năm, tăng 80% so năm 2010. Sau sự kiện, có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tới hợp tác góp phần phát triển du lịch vùng.

Với tỉnh Kiên Giang, Năm DLQG 2016 Phú Quốc - đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “Khám phá đất phương Nam” cũng được xem là cơ hội vàng để du lịch địa phương và vùng cất cánh. Năm 2016, lượng khách du lịch đến tỉnh Kiên Giang đạt hơn 5,4 triệu lượt, tăng 24% so năm 2015, đạt 109,5% kế hoạch, trong đó khách quốc tế đạt hơn 319.000 lượt, tăng 31,4% so năm 2015. Đặc biệt, Năm DLQG 2016 đã đánh dấu bước chuyển lớn về mặt nhận thức của cộng đồng địa phương đối với phát triển du lịch, nhờ đó môi trường du lịch ở Kiên Giang và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã được cải thiện đáng kể theo hướng an toàn, sạch đẹp, thân thiện. Chương trình cũng tạo lợi thế thu hút nhiều doanh nghiệp chiến lược đầu tư xây dựng các công trình, dự án, khu du lịch quy mô, chất lượng, góp phần tạo cú huých để du lịch Kiên Giang tiến xa hơn.

Đi vào lối mòn, thiếu liên kết

Tuy nhiên, không phải địa phương nào đăng cai Năm DLQG cũng thu về những kết quả đáng mừng như vậy. Không ít chuyên gia du lịch từng bày tỏ quan ngại khi có nhiều Năm DLQG ở các địa phương đã bị sân khấu hóa, tức chỉ nặng về các sự kiện lễ hội bề nổi mà thiếu những hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, mang bản sắc địa phương có tính dài hơi. Cho nên, dù tính ra hầu hết các Năm DLQG ở các địa phương đăng cai vẫn có sự tăng trưởng nhất định về lượng khách nhưng không mang tính bền vững. Khách đến chủ yếu để dự các sự kiện, lễ hội mà không tìm thấy sản phẩm du lịch hấp dẫn cho nên không lưu trú dài ngày, cũng không có động lực để quay lại. Đơn cử, năm 2007, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cấp các tuyến đường giao thông, thi công các công trình trọng điểm để phục vụ Năm DLQG, thu hút 1,2 triệu lượt khách, tăng 51% so năm 2006. Nhưng những năm sau đó, lượng khách tới Thái Nguyên lại sụt giảm; một số cơ sở đầu tư phải chuyển đổi mục đích sử dụng tránh lãng phí. Hay ở Năm DLQG 2010 do Hà Nội đăng cai với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, hội tụ nghìn năm”, dù chương trình được tổ chức hoành tráng, công phu nhưng phần lớn vẫn là các sự kiện lễ hội lịch sử - văn hóa, trong khi những hoạt động để từ đó mang lại giá trị cho ngành du lịch không nhiều. Đại diện Công ty lữ hành TransViet cho biết: Đích đến của Năm DLQG là phải quảng bá, giới thiệu được những sản phẩm du lịch mới, đặc thù của địa phương để từ đó thu hút du khách, song nhiều năm, các hoạt động lại vắng bóng các đơn vị lữ hành - đối tượng chính mang khách tới địa phương. Các hoạt động liên kết với các công ty lữ hành dù có được nói tới nhưng không đi vào hiệu quả thật sự, cho nên không mang lại nhiều chuyển biến tích cực.

Dẫn đến tình trạng nêu trên, nguyên nhân thường được đưa ra là do thiếu thời gian trong công tác chuẩn bị. Khâu truyền thông, quảng bá vội vàng, việc huy động sự liên kết với các địa phương trong vùng, các hãng lữ hành cũng gấp gáp dẫn tới bị động trong việc lên kế hoạch hợp tác. Điển hình là năm 2009, Chương trình Năm DLQG Đác Lắc đã không thể diễn ra do địa phương đăng cai xin rút khỏi vị trí chủ nhà vì không đủ thời gian, điều kiện chuẩn bị cơ sở hạ tầng. Năm DLQG 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt, dù Ban tổ chức đã chủ động trong việc xây dựng các tua, tuyến du lịch mới nhưng chưa kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí và các hãng lữ hành cho nên cũng không mang lại hiệu quả hợp tác như mong muốn. Rút kinh nghiệm từ những năm tổ chức đầu tiên, về sau này, công tác chuẩn bị, truyền thông, quảng bá đã được địa phương đăng cai triển khai từ khá sớm, trước ít nhất một năm so với thời điểm khai mạc. Do đó, khâu liên kết với các địa phương trong vùng, các hãng lữ hành cũng đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, qua 14 năm tổ chức, cảm giác như những hoạt động trong Năm DLQG ở các địa phương đang đi vào lối mòn, thiếu sáng tạo. Hầu như chỉ khai mạc, bế mạc là rầm rộ, thu hút, còn lại những sự kiện khác cứ âm thầm, lẳng lặng diễn ra. Năm DLQG nào cũng thấy liên hoan, hội thi, chương trình nghệ thuật na ná nhau, thiếu yếu tố mới, tính bản sắc của địa phương. Bên cạnh đó, ở một số Năm DLQG, có cảm giác chương trình chủ yếu được xây dựng bởi việc gom nhặt nhiều sự kiện nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết dự kiến diễn ra trong năm. Nhiều người thắc mắc, đây là những sự kiện mà nếu không đăng cai Năm DLQG cũng vẫn được địa phương tổ chức, vậy đưa vào Năm DLQG để làm gì và Năm DLQG có ý nghĩa gì khi không có những sản phẩm du lịch mới, không tạo nên những giá trị mới trong xúc tiến, quảng bá du lịch? PGS, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển cho rằng: Dù được tổ chức ngày càng bài bản nhưng thực tế các Năm DLQG vẫn chưa được khai thác tối đa thế mạnh, vẫn còn lãng phí nhiều cơ hội để bứt phá du lịch địa phương mà nguyên nhân chủ yếu là do địa phương còn thiếu chiến lược phát triển du lịch, tổ chức riêng lẻ, thiếu liên kết và chưa xây dựng được sản phẩm du lịch mới đặc trưng.

Chủ động tạo bước đột phá

Lẽ ra, những Năm DLQG được tổ chức sau sẽ có thuận lợi từ việc rút kinh nghiệm từ những lần tổ chức trước để tránh sai lầm và đạt hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên thực tế cho thấy, không phải cứ tổ chức sau thì Năm DLQG này sẽ thành công hơn Năm DLQG trước. Tổng Cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: Mức độ hiệu quả của từng năm phụ thuộc vào chính sự chủ động, đột phá trong tư duy, cách làm của lãnh đạo địa phương. Ở đâu có sự đầu tư nghiêm túc, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo địa phương thì ở đó có quyết tâm hành động để tạo chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng địa phương, huy động sức mạnh của các cá nhân, tập thể để tập trung phát triển sản phẩm, tăng cường thu hút du khách. Qua 14 năm tổ chức, bài học rút ra là muốn Năm DLQG có hiệu quả thiết thực, lan tỏa vào cộng đồng du lịch và dân cư, phải có sự đồng lòng, chung sức của cả chính quyền địa phương và người dân để xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh; chú trọng sự liên kết với các hãng lữ hành, các địa phương trong khu vực để tận dụng và phát huy đồng bộ các ưu thế du lịch riêng của từng địa phương, tránh chồng chéo sản phẩm. Đây cũng là cách để giảm bớt áp lực cho địa phương đăng cai khi có liên tiếp các sự kiện diễn ra trong năm. Tổng Cục trưởng Du lịch nhấn mạnh, phải xác định rõ mục tiêu của việc tổ chức Năm DLQG ở từng địa phương mới có thể xây dựng nội dung chương trình đúng, trúng. Bên cạnh việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, cần tập trung khâu quảng bá, truyền thông để mời gọi nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp tới với địa phương. Thay vì quá nặng về các lễ hội văn hóa, các Năm DLQG cần có nhiều hoạt động nhằm huy động xúc tiến, đầu tư du lịch; các chương trình liên kết tăng cường thu hút khách với các hãng lữ hành, các vùng miền có khả năng trao đổi khách thông qua kết nối tua. Có thế, Năm DLQG mới thật sự trở thành động lực để du lịch các địa phương cất cánh và cùng đóng góp cho những bước tiến của toàn ngành du lịch trong quá trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
TRANG ANH

Theo: nhandan.com.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 16.079