Tìm kiếm tin tức
Du lịch Việt Nam: Cơ hội và thách thức
Ngày cập nhật 10/02/2018

Trong những năm gần đây, Du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng ổn định, lượt khách quốc tế tăng trung bình 11%/ năm, riêng năm 2016 đạt 10 triệu khách, tăng 26% và năm 2017 đạt gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,1% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đạt 73,2 triệu. Tổng thu từ khách du lịch đạt 510.900 tỷ đồng.

Một vài nét về du lịch Việt Nam qua các số liệu đánh giá nước ngoài

Báo cáo “Tác động kinh tế của Du lịch và Lữ hành ở Việt Nam năm 2017” của Tổ chức Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) cho thấy: tổng đóng góp của ngành Du lịch và Lữ hành Việt Nam vào GDP là 18,4 tỷ USD, chiếm 9,1% tỷ trọng GDP. Trong khu vực ASEAN chỉ xếp trên Brunei, Myanmar và Indonesia. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu từ du lịch của Việt Nam chỉ chiếm 4,5% tổng giá trị xuất khẩu. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp vào GDP và tỷ trọng giá trị xuất khẩu từ du lịch của các nước như: Campuchia 28,3% và 26,5%; Lào là 14,2% và 23,1%; Myanmar là 6,6% và 26,4%. Về năng lực cạnh tranh, theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam có lợi thế về giá; tài nguyên thiên nhiên; tài nguyên văn hóa; nguồn nhân lực, được xếp hạng từ 30 – 37/136. Một số chỉ tiêu về vệ sinh, y tế; Công nghệ thông tin; chế độ ưu tiên về du lịch; tính bền vững môi trường; dịch vụ du lịch bị đánh giá thấp, có chỉ số từ 80- 129/136.

Thương hiệu và hình ảnh Du lịch Việt Nam đang ngày càng có vị thế. Theo đánh giá của Tổ chức Bloom Counsulting về xếp hạng thương hiệu du lịch và thương mại trên thế giới, Việt Nam được xếp hạng 47, tăng 10 bậc so với xếp hạng toàn cầu và tăng 2 bậc, xếp thứ 15 của châu Á. Được đánh giá có sự vượt hạng khá ấn tượng, đứng sau một số quốc gia như Thái Lan (thứ 2 thế giới/dẫn đầu về thương hiệu tại châu Á), Singapore (thứ 5 thế giới/thứ 3 châu Á), Malaysia (thứ 23 thế giới/thứ 9 châu Á), Indonesia (thứ 35 thế giới/thứ 11 châu Á), Philipines (thứ 40 thế giới/thứ 12 châu Á) và đứng trước Campuchia, Lào, Myanmar nhưng thương hiệu du lịch Việt Nam vẫn xếp hạng khá khiêm tốn, còn cách khá xa so với một số quốc gia trong cùng khu vực.

Festival biển Nha Trang ảnh: Thanh Hà

Vậy du lịch Việt Nam có cơ hội gì?

Du lịch phát triển góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tài nguyên; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập… Nhận thấy tầm quan trọng của ngành Du lịch, năm 2017, Bộ Chính trị đã có nghị quyết 08 – NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đó là định hướng quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Năm 2017 Luật Du lịch (sửa đổi) cũng đã chính thức được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho du lịch Việt Nam phát triển trong thời kỳ mới.

Ngành Du lịch Việt Nam đang chuyển mình phát triển, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Có thể thấy qua số lượng khách quốc tế và khách du lịch nội địa tăng mạnh. Năm 2017, khách quốc tế đạt gần 13 triệu lượt, trong 2 năm liên tục tăng trưởng hơn 25%. Điều này cho thấy du lịch Việt Nam đã và đang ngày càng được khẳng định trên thế giới. Nhiều điểm đến của Việt Nam được bầu chọn là điểm đến yêu thích của các tạp chí danh tiếng về du lịch; nhiều địa danh được chọn để quay các cảnh đặc sắc của phim trường Hollywood.

Chính sách cấp thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam được cải thiện, như việc gia hạn quy định miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu; miễn thị thực cho thành viên tổ máy bay hãng hàng không nước ngoài; cấp visa điện tử … góp phần gia tăng lượng khách từ các quốc gia này đến Việt Nam, tạo đà thuận lợi thúc đẩy ngành Du lịch phát triển.

Thị trường du lịch Việt Nam nhiều tiềm năng khai thác, đã thu hút được sự quan tâm của nhiều hãng hàng không quốc tế và Việt Nam, nhiều đường bay thẳng đến Việt Nam được mở, tiêu biểu như hãng New Air New Zealand kết nối Việt Nam – New Zealand; Thượng Hải – TP.HCM; Thổ Nhĩ Kỳ - Hà Nội, TP.HCM; Đà Nẵng – Hồng Kông; Sydney/Melbourne – TP.HCM; Đồng Hới – Chiang Mai… Ngoài ra, một số sân bay được nâng cấp, mở rộng: Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng …, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.

Nhiều hoạt động Văn hóa, Thể thao mang tầm quốc tế được tổ chức ở Việt Nam như:  Đại hội Thể thao bãi biển châu Á 2016; Liên hoan Ẩm thực quốc tế; Giải quần vợt Vietnam Open 2016, 2017, WSC 2017, APEC 2017...

Ngoài ra, trong thời gian qua, Việt Nam đã thu hút được nhiều nguồn vốn FDI vào các dự án du lịch, nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển và khách sạn 5 sao đã được đầu tư. Đến cuối năm 2017, cơ sở lưu trú du lịch có tới hơn 25.000 cơ sở; trong đó có 116 khách sạn 5 sao, 259 khách sạn 4 sao và 488 khách sạn 3 sao… Các địa phương đã có sự quan tâm và nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, các dịch vụ được nâng tầm chất lượng, vấn đề an ninh, an toàn cho du khách ngày càng được đảm bảo…Mặc dù một số nơi trên thế giới bất ổn về an ninh, chính trị, nhưng ở Việt Nam vấn đề này được đánh giá cao cũng đã góp phần gia tăng khách đến.

Cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời đại kỷ nguyên số đang diễn ra góp phần không nhỏ đển sự phát triển du lịch trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đây cũng được xem là thách thức của ngành Du lịch nếu không kịp thay đổi trong việc ứng dụng công nghệ, sản phẩm du lịch (sản phẩm F&E dự báo sẽ phát triển mạnh).

Du lịch Việt Nam đang đối mặt với thách thức nào?

Du lịch Việt Nam đã phát triển, tuy nhiên sự phát triển so với tiềm năng lợi thế và các nước trong khu vực vẫn là vấn đề cần phải mạnh dạn nhìn nhận nghiêm túc về sự phát triển đó, cụ thể ở một số điểm sau:

Việt Nam có tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc, đa dạng và phong phú, nhưng sản phẩm du lịch của ta còn nghèo, đơn điệu. Các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm chưa bài bản, chưa có tính đột phá, sáng tạo. Chất lượng dịch vụ còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Công tác quảng bá, xúc tiến còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa có sự dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh đó nguồn tài chính eo hẹp nên quảng bá, xúc tiến chưa căn cứ vào thị trường, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa có sự kết nối đồng bộ trong cả hệ thống cũng như chưa gắn kết du lịch với các sự kiện, hình ảnh mang tính quốc tế….Việc định vị điểm đến còn lúng túng, phần nhiều tự phát, không có quy hoạch phát triển cụ thể. Công tác nghiên cứu chưa được đầu tư về nguồn lực, con người cho tương xứng nên phần nào đó làm cho thương hiệu du lịch Việt Nam chưa phát triển xứng tầm.

Doanh nghiệp lữ hành Việt Nam còn yếu, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 84%, bên cạnh đó là sự rời rạc, không có liên kết với nhau cũng như quan hệ giữa doanh nghiệp với chính quyền còn mang tính hình thức, do vậy sẽ rất khó để vươn ra thị trường du lịch quốc tế. Cùng với đó, việc giải quyết triệt để các vấn đề về ô nhiễm môi trường, giao thông ùn tắc, tệ nạn xã hội, mất an ninh, an toàn ở các thành phố lớn và vấn đề an toàn thực phẩm, chưa được đặt vị trí kiểm soát đúng nghĩa. Do vậy, Chính phủ một số nước như: Mỹ, Anh, Úc, Canada, Thụy Sỹ… đưa những vấn nạn này vào khuyến cáo cho công dân khi đi du lịch Việt Nam. Điều đó làm cho hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện, hiền hòa, mến khách mất dần giá trị, khi mà nhiều năm ta đã tạo dựng được các giá trị đó.

Đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp của ta vừa thiếu, lại vừa yếu, trình độ ngoại ngữ các thị trường mục tiêu vẫn hạn chế. Chính sách quốc gia để du lịch phát triển theo đúng nghĩa ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường chưa rõ nét. Cùng với đó nguồn nhân lực của ta còn bộc lộ nhiều nguyên nhân tiêu cực, như: ngoại ngữ, chuyên môn văn hóa, lịch sử, kiến thức cuộc sống, cũng như khả năng đối ngoại còn hạn chế…Chúng ta còn thiếu đội ngũ doanh nhân lãnh đạo doanh nghiệp du lịch kiểu mẫu, có bản lĩnh, sáng tạo, tự tin. Trên hết, du lịch Việt Nam còn thiếu vai trò của một “nhạc trưởng” dẫn dắt toàn ngành đi vào thế giới hội nhập…

Phải làm gì để Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?

Trước hết, phải khẩn trương tái cơ cấu ngành Du lịch theo đúng tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Luật Du lịch… Tái cơ cấu tập trung đến các yếu tố: Nguồn lực để phát triển du lịch (về tài chính và đầu tư, về con người, về cơ chế chính sách); sản phẩm du lịch nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cũng như sự khác biệt; thị trường khách đến trên cơ sở xác định thị trường trọng điểm, mục tiêu và tiềm năng để tập trung đầu tư phát triển; hệ thống tổ chức quản lý ngành Du lịch; hệ thống các doanh nghiệp lữ hành; nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao về quản lý nhà nước và về quản trị nhân lực. Trước tiên, cần tập trung tái cấu trúc lại hình thái các doanh nghiệp lữ hành (là đầu tàu khai thác và tổ chức cho khách du lịch trong và ngoài nước). Đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch huy động các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhà hàng, khách sạn cùng với các công ty lữ hành có uy tín hàng đầu của Việt Nam tham gia vào các chương trình du lịch kích cầu được tổ chức định kỳ hằng năm. Theo đó, các tour du lịch thuộc chương trình này sẽ được kết hợp giảm giá cùng với các dịch vụ nhà hàng, khách sạn nhằm thu hút du khách trong nước đi du lịch, cũng như khuyến khích khách quốc tế đến Việt Nam. Đây cũng chính là hình thức nhằm giúp các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu của mình.

 Xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội quốc gia, vùng hoặc địa phương nhằm phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo từng vùng, miền để tạo dựng thương hiệu, tránh lãng phí nguồn lực và gây nhàm chán. Tái cấu trúc lại sản phẩm du lịch theo hướng tập trung chuyển đổi sản phẩm dịch vụ từ 7h-18h thành 18h-22h đêm trên cơ sở đảm bảo an ninh trật tự đối với các tụ điểm vui chơi giải trí nhằm hướng đến phục vụ đối tượng chủ yếu khách du lịch quốc tế, qua đó gia tăng giá trị khai thác chi tiêu của khách du lịch. Thúc đẩy nghiên cứu ẩm thực và đẩy mạnh xây dựng văn hóa ẩm thực thành thương hiệu quốc gia về du lịch để vừa định vị nhanh về nhận biết đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, đoàn kết kiều bào vào chung một giá trị văn hóa, biến giá trị di sản thành tài sản để thu hút khách quốc tế…, đặc biệt đây cũng là kênh thúc đẩy lượng tiêu thụ trái cây, nông sản thực phẩm lúa gạo, là một trong những thế mạnh của nước ta.

Xây dựng chiến lược phát triển du lịch, tầm nhìn đến 2030 cho phù hợp với tình hình thực tế do Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 ban hành vào năm 2013 hiện tại đã lạc hậu so với diễn biến tình hình du lịch Việt Nam trong thời gian qua.

Nâng cấp Ban Chỉ đạo quốc gia về du lịch, hiện tại vẫn đang hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm thành Ủy ban chuyên trách để chỉ đạo và tập trung các nguồn lực (mặc dù đang giảm biên chế nhưng Ủy ban Chỉ đạo du lịch quốc gia là cần thiết).

Tăng cường tuyên truyền, tạo nên sự đột phá về hình ảnh Việt Nam, ngành Du lịch cần đầu tư mạnh vào hoạt động xúc tiến du lịch, xem xét xã hội hóa quỹ đầu tư xúc tiến du lịch, quảng bá du lịch, năm 2016 Việt Nam dành cho xúc tiến quảng bá du lịch là 2 triệu USD, Thái Lan là 69 triệu USD, Malaysia 105 triệu USD, Singapore 80 triệu USD, Indonesia 200 triệu USD, Philippines 54 triệu USD.., đủ thấy ta chưa đầu tư thỏa đáng cho việc này, đồng thời tận dụng tối đa lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác quảng bá và xúc tiến du lịch.

Môi trường du lịch phải được cải thiện với hình ảnh du lịch thân thiện và an toàn, không còn cảnh chèo kéo, cướp giật, “chặt chém” khách.v.v. Bên cạnh đó, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, giao thông mất an toàn, cũng cần phải có giải pháp rốt ráo, tạo niềm tin cho khách để họ tiếp tục quay trở lại Việt Nam cùng với bạn bè, người thân…

Chúng ta cần có chính sách đồng bộ, nhất quán, chính sách về visa phải thêm tính thông thoáng, cũng như những dự báo dài hạn trong phát triển du lịch, để tập đầu tư, tránh dàn trải, cầm chừng, tạm thời… Thường xuyên dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá của các Tổ chức có uy tín trên thế giới qua các số liệu thống kê, để từ đó đánh giá lại các chỉ tiêu cụ thể, có phương án cải thiện chỉ số, thu hút khách quốc tế một cách khoa học. Chúng ta còn cần phải tăng cường kết nối liên ngành, liên vùng, tạo ra chuỗi sản phẩm, dịch vụ vừa đa dạng, phong phú nhưng vẫn mang những nét đặc trưng riêng của từng vùng, qua đó cải thiện tỷ lệ quay trở lại của du khách quốc tế.

Với tiềm năng sẵn có, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, kinh nghiệm trong suốt mấy chục năm hoạt động du lịch, cùng với một đội ngũ doanh nghiệp du lịch ngày càng lớn mạnh, chuyên nghiệp và sự quan tâm của bạn bè khắp nơi trên thế giới, chúng ta cùng tin rằng, trong năm 2018, Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá ngoạn mục, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đáp ứng lòng mong đợi của toàn Đảng, toàn dân về một ngành công nghiệp không khói đầy tiềm năng ở Việt Nam. 

Nguyễn Quốc Kỳ
Chủ tịch HĐTV– Tổng Giám đốc  Công ty Du lịch Vietravel
 

Theo: baodulich.net.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.418.897
Đang truy cập 5.918