Tìm kiếm tin tức
Thu phí tham quan di tích không trái Luật Di sản văn hóa
Ngày cập nhật 09/03/2018

Thời gian qua, câu chuyện về thu phí tham quan các khu di tích, danh thắng được dư luận quan tâm chú ý. Tuy nhiên, dư luận về vấn đề này còn chưa đúng và có những tranh cãi. Để đưa ra một cái nhìn khách quan, báo điện tử Tổ Quốc xin gửi đến độc giả loạt bài viết xoay quanh câu chuyện thu phí tham quan các khu di tích, danh thắng.

Bài 1: Thu phí tham quan di tích không trái Luật Di sản văn hóa

Trong khi nhiều di tích khác như Chùa Hương, Chùa Thầy, Chùa Tây Phương, Đền Ngọc Sơn…vẫn thu phí như một “chuyện thường ngày” thì việc di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử thu phí bỗng dưng gây nóng trong dư luận.

Theo quy định của pháp luật, các khu di tích, danh thắng được thu phí tham quan, tuy nhiên, các cơ sở thờ tự thì không. Bởi vậy, trong những ngày qua, việc thu phí tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử đã gây nhiều ý kiến trái chiều.

Thu phí tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử là tâm điểm của Nghị quyết đã được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua vào tháng 12/2017. Theo đó, từ 1/1/2018, mức phí tham quan danh lam thắng cảnh Khu di tích Yên Tử (TP. Uông Bí) sẽ được thu với mức 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em. Các trường hợp được miễn phí gồm: trẻ em dưới 1,2m (hoặc dưới 7 tuổi), người khuyết tật, tăng ni, cư sĩ phật tử hoặc đại biểu Phật giáo. Các trường hợp được giảm 50% vé tham quan là những người được hưởng “Chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa” theo Quyết định 170/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Việc thu phí tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử không trái Luật (ảnh Dân Việt)

Theo Nghị quyết này, 80% số tiền thu phí từ việc bán vé tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử sẽ được nộp về ngân sách Nhà nước, 20% được trích lại cho BQL Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử làm công tác chuyên môn.

Đây không phải lần đầu tiên việc thu phí tham quan di tích danh thắng Yên Tử được triển khai. Việc thu phí này từng được thực hiện trong giai đoạn năm 2007 trở về trước và tạm dừng trong 10 năm qua. Còn ở thời điểm hiện nay, theo UBND tỉnh Quảng Ninh, phí được thu trở lại để làm nguồn kinh phí bảo vệ, tôn tạo khu di tích này và bớt đi sự phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước.

Nhiều người cho rằng, thu phí khi hành hương về đất Phật, tham gia hoạt động lễ hội là không đúng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thu phí được triển khai từ 1/1/2018, nghĩa là trước dịp lễ hội gần 2 tháng.

Thực tế, việc thu phí được thực hiện tại nhiều khu di tích lịch sử, danh thắng trên cả nước. Tại Hà Nội có thể kể đến như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn, Khu Di tích Cổ Loa, Đền Quán Thánh, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Chùa Thầy, Chùa Tây Phương, Chùa Hương, Làng cổ Đường Lâm…

Nhiều địa danh khác như Khu Di sản quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thanh Hóa), Quần thể di tích cố đô Huế… đều thực hiện thu phí.

Theo Luật Di sản văn hóa và Luật Tín ngưỡng tôn giáo, nếu danh thắng thì được thu phí để trùng tu và bảo tồn nhưng với hệ thống cơ sở tôn giáo thì không được phép vì như thế là cản trở hoạt động tôn giáo đi ngược lại quy định về quyền tự do tín ngưỡng của người dân. Thế nhưng hiện nay, việc phân biệt cơ sở tôn giáo và danh thắng còn mập mờ. Các cơ sở tôn giáo thường nằm ở những khu vực có danh thắng tuyệt đẹp như Yên Tử, Chùa Hương, Tràng An… Bởi vậy, khi đến các cơ sở tôn giáo, người dân không chỉ thực hành tín ngưỡng mà còn tham gia các hoạt động tham quan thắng cảnh tại các di tích. Nên việc thu phí là đúng luật song cũng không tránh khỏi những ý kiến thắc mắc của người dân.

Nhiều năm qua, cơ sở vật chất, hạ tầng tại Yên Tử được đầu tư rất lớn (ảnh Hồng Hà)

Phía UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, việc người dân đến Yên Tử không chỉ đến các cơ sở tôn giáo mà còn tham gia các hoạt động được tổ chức trong không gian di tích, danh thắng, tác động vào quần thể các thắng cảnh tuyệt đẹp của khu vực này.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cũng khẳng định, việc thu phí tại Yên Tử được triển khai theo đúng quy định của pháp luật, được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng khẳng định, Bộ VHTTDL đã rà soát và nhận thấy tất cả địa phương khi có thu phí, lệ phí đều căn cứ các quy định nêu trên, không thu tùy tiện. Việc điều chỉnh tăng, giảm đều có thông qua HĐND với những căn cứ cụ thể.

“Thu phí là chủ trương của các địa phương nhằm có nguồn kinh phí tái tu bổ, tái tôn tạo lại các di tích. Nhiều cơ sở di tích đã đẹp đẽ, khang trang hơn, cơ sở hạ tầng đã được nâng cấp, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách thập phương cũng như là người đến tham quan. Đó là nhờ phần lớn vào nguồn thu tại các di tích này”- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.

Để tránh những bức xúc và hiểu chưa đúng của người dân đến lễ hội Yên Tử, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu, BQL di tích, BTC lễ hội, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan có trách nhiệm thông tin, giải thích rõ ràng để nhân dân và du khách thập phương hiểu rõ thế nào là phạm vi, ranh giới của di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử cũng như hoạt động thu phí được tiến hành trong phạm vi đó. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy lưu ý:“Phải giải thích để du khách hiểu rằng phí tham quan không phải là lệ phí tham gia hoạt động lễ hội, hay để được vào chùa lễ Phật như cách hiểu của nhiều du khách đến Yên Tử trong những ngày qua”./.

Theo: Toquoc.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.154.801
Đang truy cập 8.324