Tìm kiếm tin tức
Luật Du Lịch 2017 - Những điểm mới
Ngày cập nhật 15/03/2018

Ngày 19/6/2017, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Du lịch số 09/2017/QH14 (gọi tắt là Luật Du lịch 2017). Đây là dự thảo Luật được đông đảo cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm vì có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến chính sách phát triển du lịch, khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên du lịch trong bối cảnh Đảng và Nhà nước xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Luật Du lịch 2017 gồm 9 chương, 78 điều, giảm 2 chương, 10 điều so với Luật Du lịch 2005 với nhiều nội dung được chỉnh sửa nhằm thúc đẩy du lịch phát triển; nâng cao chất lượng hoạt động du lịch; tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp du lịch; tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động hướng dẫn; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách du lịch. Sau đây Ban soạn thảo xin giới thiệu chi tiết những điểm mới của Luật.

I. CHƯƠNG I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Chương này gồm 9 điều (từ Điều 1 đến Điều 9), xác định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật; giải thích từ ngữ; quy định nguyên tắc phát triển du lịch, chính sách phát triển du lịch; điều chỉnh sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch và tổ chức xã hội - nghề nghiệp về du lịch; quy định về bảo vệ môi trường du lịch và các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch.

1. Về đối tượng áp dụng

So với Luật Du lịch 2005, đối tượng áp dụng của Luật Du lịch 2017 được mở rộng hơn thông qua việc điều chỉnh cả hành vi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động du lịch ở nước ngoài. Đây là sự điều chỉnh cần thiết nhằm đảm bảo hiệu lực pháp lý của Luật đối với nhóm đối tượng này.

2. Về giải thích từ ngữ

Việc giải thích nhiều từ ngữ trong Luật đã được chỉnh sửa nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Cụ thể:

Khái niệm du lịch: Luật Du lịch 2005 quy định du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình trong một khoảng thời gian nhất định. Việc không xác định rõ khoảng thời gian đi du lịch đã làm mất tính cụ thể của khái niệm này. Khắc phục bất cập này, nhằm đảm bảo phù hợp với khái niệm du lịch của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Luật Du lịch 2017 đã quy định rõ việc đi du lịch được thực hiện trong khoảng thời gian không quá 01 năm liên tục.

Khái niệm sản phẩm du lịch: Luật Du lịch 2005 quy định sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. Khái niệm này chưa chính xác và đầy đủ vì trên thực tế, tài nguyên du lịch cũng là một yếu tố quan trọng để hình thành sản phẩm du lịch. Do vậy, Luật Du lịch 2017 đã điều chỉnh lại khái niệm này, theo đó, sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch.

Khái niệm điểm du lịch: Bên cạnh quy định phải có tài nguyên du lịch, Luật Du lịch 2017 quy định điểm du lịch phải được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch. Việc điều chỉnh này phù hợp với quy định về điều kiện công nhận điểm du lịch là phải có kết cầu hạ tầng, dịch vụ cần thiết đảm bảo phục vụ khách du lịch (Điều 23).

Khái niệm hướng dẫn du lịch và hướng dẫn viên du lịch: Luật Du lịch 2005 giải thích khái niệm hướng dẫn du lịch còn chung chung, thiếu tính cụ thể. Bên cạnh đó, việc giải thích người thực hiện hoạt động hướng dẫn là hướng dẫn viên là chưa chính xác vì theo khái niệm này, những người hành nghề hướng dẫn du lịch "chui" cũng có thể được coi là hướng dẫn viên. Khắc phục bất cập này, Luật Du lịch 2017 đã giải thích rõ hơn nội hàm của hoạt động hướng dẫn du lịch, đồng thời xác định hướng dẫn viên du lịch là người được cấp thể để hành nghề hướng dẫn du lịch.

Khái niệm cơ sở lưu trú du lịch: Khái niệm cơ sở lưu trú du lịch trong Luật Du lịch 2005 không còn phù hợp với sự phát triển đa dạng và phong phú của các loại hình cơ sở lưu trú du lịch hiện nay. Vì vậy, Luật Du lịch 2017 đã giải thích lại thuật ngữ này một cách bao quát hơn.

Khái niệm xúc tiến du lịch: Luật bổ sung thêm hoạt động nghiên cứu thị trường trong nội hàm của thuật ngữ này do trên thực tiễn, đây là hoạt động quan trọng trong công tác xúc tiến du lịch.

Khái niệm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa: Việc giải thích những thuật ngữ này trong Luật Du lịch 2005 chưa chính xác và thiếu rõ ràng, có sự nhầm lẫn với loại hình du lịch cộng đồng. Luật Du lịch 2017 đã điều chỉnh để đảm bảo tính chính xác, phù hợp với thực tiễn đối với từng loại hình du lịch.

Bên cạnh việc chỉnh sửa về câu chữ trong các từ ngữ, Luật đã bỏ việc giải thích một số thuật ngữ do không cần thiết phải được giải thích trong Luật (tham quan, dịch vụ du lịch, phương tiện vận chuyển khách du lịch) hoặc nội dung liên quan đến những thuật ngữ này không còn được quy định trong Luật (đô thị du lịch, tuyến du lịch). Bên cạnh đó, Luật giải thích thêm thuật ngữ "du lịch cộng đồng" do đây là loại hình du lịch quan trọng trong phát triển sản phẩm du lịch.

3. Về chính sách phát triển du lịch

Điều 6 Luật Du lịch 2005 quy định nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổchức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào một số lĩnh vực. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai, các Luật về thuế… thì du lịch không phải là ngành, nghề ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, các chính sách khác trong Điều này còn chung chung và mang tính khẩu hiệu nên không phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Trên cơ sở rà soát các Luật liên quan và thể chế hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chính sách phát triển du lịch đã được Luật Du lịch 2017 quy định cụ thể hơn:

Khoản 2 Điều 5 quy định "Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước ban hành, áp dụng các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư" với chủ trương khi ban hành các chính sách có liên quan trong thời gian tới, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch sẽ được xem xét để hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất.

Khoản 3 Điều 5 quy định rõ những hoạt động được Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí. So với Luật Du lịch 2005, Luật đã bổ sung thêm các hoạt động điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch; xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, địa phương. Bên cạnh đó, Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí cho hoạt động xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch nói chung mà không bị giới hạn trong các đô thị du lịch, khu du lịch, điểm du lịch. Hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được chuyển sang đối tượng được hưởng chính sách khuyến khích, hỗ trợ quy định tại khoản 4 Điều 5.

Khoản 4 Điều 5 quy định về những hoạt động được Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ phát triển. Đáng chú ý là chính sách này đã thể hiện sự quan tâm, chú trọng của Nhà nước trong việc đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch chất lượng cao; đầu tư hình thành khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn; hệ thống cửa hàng miễn thuế, trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới có tác động tích cực tới môi trường, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư và các sản phẩm du lịch đặc thù.

Khoản 5 Điều 5 quy định về chính sách của nhà nước trong việc đi lại, cư trú, thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, hải quan, hoàn thuế giá trị gia tăng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp khác cho khách du lịch. Đây là chính sách thiết thực nhằm thu hút khách du lịch đến Việt Nam.

Việc thành lập Quỹ được Luật tách thành một mục riêng thuộc Chương về xúc tiến du lịch với những quy định cụ thể hơn về địa vị pháp lý, mục đích, nguyên tắc hoạt động và nguồn hình thành Quỹ, đảm bảo căn cứ pháp lý rõ ràng cho việc thành lập Quỹ trong thời gian sắp tới.

4. Về tổ chức xã hội - nghề nghiệp về du lịch   

Luật Du lịch 2005 có một điều quy định về hiệp hội du lịch (Điều 8). Tuy nhiên, hiệp hội du lịch chỉ là một trong rất nhiều loại hình tổ chức hoạt động về du lịch. Để đảm bảo tính bao quát đối với các tổ chức này, Luật Du lịch 2017 đã mở rộng đối tượng này là các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về du lịch và quy định những tổ chức này tham gia cùng nhà nước trong việc triển khai một số hoạt động nhằm phát triển du lịch.

5. Về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch

Luật Du lịch 2017 bỏ quy định nghiêm cấm hành vi "xây dựng công trình du lịch không theo quy hoạch đã được công bố” do vấn đề này sẽ được điều chỉnh trong pháp luật về quy hoạch.

Căn cứ tình hình thực tiễn và yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, Luật đã bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước; hành nghề hướng dẫn du lịch khi không đủ điều kiện hành nghề; quảng cáo không đúng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, quảng cáo về loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

(Còn tiếp)

Nguyễn Thanh Thủy

Theo: vtr.org.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.045.225
Đang truy cập 14.591