Tìm kiếm tin tức
Vietravel làm cho Huế “Sáng và Sống” để hút khách du lịch, kỳ 2
Ngày cập nhật 20/03/2018

Bấy lâu nay, du khách đến với Huế đa số là “cưỡi ngựa xem hoa” trong vòng một ngày, rồi trời dần tối di chuyển đến địa phương khác mà ít khi lưu trú lại ở thành phố này, hoặc nếu có, thời gian lưu trú cũng rất ít. Bởi thế, nên làm cho Huế Sáng và Sống lại là một trong những giải pháp của tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm níu chân du khách.

Kỳ 2: “Níu” khách ở lại với Huế!

Festival Huế sẽ có nhiều đổi mới - ảnh: Thanh Hà

Thừa Thiên Huế đã đặt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo bước đột phá bước đầu cho giai đoạn 2017-2020… Nhưng để đạt được mục tiêu đó, địa phương này cần phải thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ khác nhau, điển hình như: phát triển hạ tầng, thu hút các dự án tầm cỡ, nâng cao tính chuyên nghiệp và năng lực sẵn sàng phục vụ du khách… Trong đó, thu hút khách đến và để họ lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn là một chỉ số hết sức quan trọng.

Thực tế, năm 2017, Thừa Thiên Huế đã đón 3,8 triệu khách du lịch (tăng trên 16% so với năm trước), tổng doanh thu đạt trên 3.500 tỷ đồng (tăng gần 10%). Tổng số khách lưu trú là 1,8 triệu lượt (chỉ tăng 6%), trong đó, khách quốc tế đến đạt 1,5 triệu lượt (tăng gần 43%) nhưng chỉ lưu trú trên 800 nghìn lượt.
Năm 2018, nhiều chương trình đưa vào phục vụ, được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu của du khách. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ: “Năm nay, chúng tôi đang nỗ lực cho các chương trình hoạt động của Festival Huế 2018, khai mạc vào ngày 27/4, kéo dài đến ngày 2/5”.

Du khách trải nghiệm ở phố đi bộ về đêm

“Và ngay sau khi Festival, chúng tôi tiếp tục đề xuất với lãnh đạo tỉnh để phối hợp với Vietravel để khai thác hoạt động mở cửa Đại Nội về đêm. Vì năm 2017, chúng tôi đã mở cửa thử nghiệm Đại Nội về đêm (từ ngày 22/4 đến ngày 15/10), trong hơn 5 tháng hoạt động đã thu hút gần 100 nghìn lượt khách. Số lượng này chưa phải là đông nhưng nó đã bắt đầu tạo ra các hiệu ứng và thu hút một lượng khách nhất định. Chúng tôi dự kiến là cùng với dự án chiếu sáng Kỳ đài, bắn súng thần công kết nối với việc mở của Đại Nội về đêm sẽ tạo nên một tuyến du lịch liên hoàn hấp dẫn hơn”, ông Hải cho biết thêm.

Mặc khác, địa phương này cũng đang nghiên cứu để khai thác các điểm khác trong Đại Nội càng ngày càng phong phú các hoạt động dịch vụ hơn trên cơ sở cung đình xưa.

Ngoài điểm nhấn làm sáng Huế vào ban đêm, hiện địa phương này đang phối hợp với một số đơn vị khác, trong đó có một đơn vị vốn đầu tư của Hàn Quốc để thực hiện nhiều dự án du lịch khác.
Cũng theo ông Hải, hiện nay tỉnh đang xây dựng một trung tâm hoạt động để trải nghiệm công nghệ 3D, với chủ đề “Đi tìm hoàng cung đã mất” tái hiện toàn bộ hình ảnh của hoàng cung Huế. Hoạt động này dự kiến sẽ khai mạc kịp thời trong Festival Huế.

Đồng thời, phối hợp với tập đoàn món ngon Huế để khai thác Điện Cung trường xanh. Trong Festival tới đây, chúng tôi cũng có Gala ẩm thực đồng thời nghiên cứu và biến nơi này thành một trung tâm ẩm thực theo kiểu “cung đình Huế”, mang tính chất truyền thống, sang trọng.

Đặc biệt, trong Festival Huế lần này chương trình nghệ thuật tổng hợp với tên gọi “Văn hiến kinh kỳ” là một show diễn tổng hợp, kéo dài từ 60 đến 90 phút. Trong đó, sẽ vận dụng tất cả các hình thức như: Hát, múa, diễn xướng và các nghệ thuật truyền thống có một chút pha trộn với đương đại. Cùng với các kỹ xảo, âm thanh, ánh sáng màn hình led…. để tạo nên show diễn hấp dẫn du khách.

Qua các sự kiện, tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn tôn vinh 5 di sản đã được UNESCO công nhận (Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn và kiến trúc cung đình).

Cũng theo ông Hải, trong tương lai xa hơn, sẽ quy hoạch lại toàn bộ hệ thống xung quanh khu vực hoàng cung Huế. Điển hình, tỉnh đang phối hợp với Viện Bảo tồn Di tích (Bộ VHTTDL) để quy hoạch trục phía Đông của hoàng cung Huế. Bao gồm 2 bảo tàng: Bảo tàng Cổ vật Cung đình, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh đó, “chúng tôi có tham vọng mở rộng Đại Nội gấp đôi, tức là với chiều rộng hiện tại của Đại Nội (khoảng 36ha) thì toàn bộ trục phía Đông gồm 2 bảo tàng, công viên Nguyễn Văn Trỗi và khu lục bộ có diện tích gần tương đương. Sau khi du khách tham qua Hoàng Cung xong sẽ bước sang không gian trưng bày, triển lãm và các hoạt động dịch vụ… cũng sẽ tạo nên sự hấp dẫn cho du khách”.

Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Dù có tốc độ tăng trưởng du lịch tốt nhưng so với các địa phương khác thì vẫn còn chậm, do đó, tỉnh đang tập trung các nguồn lực để phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Việc thắp sáng Kỳ đài và một số công trình liên quan sẽ giúp cho du khách có nhiều thời gian để khám phá Huế nhiều hơn, đặc biệt là về đêm. Liên quan tới vấn đề phát triển du lịch, PV Báo Du lịch có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Dung trong kỳ tiếp theo.    

Thanh Tùng - Phước Quang

Theo: baodulich.net.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.091.033
Đang truy cập 3.865