Tìm kiếm tin tức
“Màu mỡ” nhưng thiếu... niềm nở
Ngày cập nhật 27/03/2018

Theo dự báo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Google và Statitas đến năm 2020, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 10 tỉ USD, trong đó riêng du lịch trực tuyến đạt 4,4 tỉ USD. Du lịch trực tuyến là xu thế tất yếu trong tương lai, mảnh đất màu mỡ để kinh doanh nhưng cũng là cuộc chơi đầy thử thách.

Chủ tịch VECOM Nguyễn Thanh Hưng nhận định, du lịch trực tuyến được đánh giá là lĩnh vực nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Năm 2017, trong số gần 13 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam thì có xấp xỉ 90% khách tra cứu thông tin liên quan đến du lịch Việt Nam qua internet.

Vẫn đang “ăn xổi”?

Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp trong nước mới chiếm khoảng 20% thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam. Đa phần các doanh nghiệp chưa nắm bắt và tận dụng được những cơ hội làm ăn trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. Nguyên nhân là do trình độ công nghệ doanh nghiệp còn hạn chế. Vốn đầu tư cho du lịch trực tuyến cũng chưa nhiều. Thời thương mại điện tử chỉ cần xây dựng và nuôi một website giản đơn đã qua rất lâu. Du lịch trực tuyến càng không phải chỉ dựng một website hoặc một app (ứng dụng) trên di động là xong, đầu tư du lịch trực tuyến lên tới hàng trăm tỉ là bình thường. Trong khi đó, mối liên kết giữa các công ty làm du lịch trực tuyến, khách sạn, phòng vé lại chưa chặt chẽ; sự hỗ trợ của nhà nước và các hiệp hội trong thương mại điện tử cũng chưa nhiều.

Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh doanh du lịch trực tuyến. Với dân số gần 90 triệu người, số lượng người sử dụng internet ở Việt Nam tăng trưởng nhanh, đứng ở vị trí 16 thế giới về số lượng người dùng internet, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á về thời gian trung bình người sử dụng dành để truy cập internet… Nhưng giao dịch điện tử về du lịch so với những ngành khác vẫn còn ít. Theo số liệu điều tra của Cục Thương mại điện tử và CNTT (Bộ Công thương) về việc mua sắm thương mại điện tử tại Việt Nam, trong đó mới có 16% người được khảo sát từng tham gia hoạt động du lịch trực tuyến (chủ yếu là mua vé máy bay và đặt chỗ khách sạn); dịch vụ du lịch đứng thứ 4 từ dưới lên trong danh sách sản phẩm, dịch vụ phổ biến trên các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, thời lượng mà khách du lịch dừng lại tại 1 website du lịch để tìm kiếm những thông tin như khách sạn, vé máy bay giá rẻ hoặc tour du lịch hấp dẫn, giảm giá trên website du lịch Việt Nam chỉ khoảng 9 phút/lần truy cập, trong khi con số tương ứng của website du lịch thế giới lên tới 25,6 phút. Chủ yếu là do giao diện và nội dung trong website không hấp dẫn, không tiện ích, thông tin thiếu cập nhật.

Cần nhìn trực diện

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) nhận định cuộc cách mạng công nghệ và mạng xã hội là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch trong những năm gần đây. Sự gia tăng mạnh của tầng lớp khách lẻ (free and independent traveler - FIT) sử dụng dịch vụ của các đại lý du lịch trực tuyến (online travel agents - OTAs) đã thay đổi đáng kể thị trường du lịch. Tại khu vực Đông Nam Á, Google dự đoán quy mô của du lịch trực tuyến sẽ tăng mạnh từ 22 tỉ USD năm 2015 lên 90 tỉ USD vào năm 2025. Các khách sạn và hãng hàng không trực tuyến chiếm 85% tổng thị trường. Thị trường du lịch trực tuyến châu Á - Thái Bình Dương năm 2016 chiếm 124,8 tỉ USD, trong đó, thị trường công ty du lịch trực tuyến châu Á- Thái Bình Dương chiếm 53,8 tỉ USD. Trong tổng thị trường du lịch trực tuyến, có 43% đặt trực tuyến, còn lại là do các nhà cung cấp.

Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2018, du lịch trực tuyến ở nước ta đã phát triển nhanh chóng. Trong vài năm gần đây, sự gia tăng của lớp khách lẻ-FIT đã làm thay đổi mạnh mẽ ngành Du lịch và thúc đẩy tăng trưởng các OTA. Luật Du lịch 2017 và nhiều chính sách, giải pháp vĩ mô được ban hành cũng được kỳ vọng thúc đẩy du lịch phát triển, theo kịp với xu hướng và sự phát triển chung của du lịch thế giới. Bên cạnh đó, công nghệ internet, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ di động… đã biến đổi sâu sắc hoạt động kinh doanh du lịch. Du lịch trực tuyến đang tác động mạnh mẽ tới toàn bộ ngành Du lịch, đòi hỏi mọi tổ chức, doanh nghiệp cần định hình chiến lược kinh doanh phù hợp.

Trước sự bùng nổ của du lịch trực tuyến tại Việt Nam, ngày 29.3 tới đây, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) - Hà Nội 2018, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) sẽ tổ chức Diễn đàn du lịch trực tuyến để trao đổi, thảo luận về thông tin, xu hướng và giải pháp trong nhiều lĩnh vực liên quan tới du lịch trực tuyến, tiếp thị, thanh toán, công nghệ, đầu tư nước ngoài, cung cấp dịch vụ qua biên giới, cạnh tranh bình đẳng… Nâng cao sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về tầm quan trọng của du lịch trực tuyến; hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch điều chỉnh chiến lược kinh doanh và ứng dụng công nghệ tiên tiếp; tạo cơ hội hợp tác, liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến, lưu trú, lữ hành, nhà hàng, khu du lịch, điểm đến…

Nguyễn Anh

Theo: baovanhoa.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 7.780