Tìm kiếm tin tức
Làm gì để làng cổ Phước Tích hút khách ?
Ngày cập nhật 12/05/2018

Nằm cách trung tâm thành phố Huế chừng hơn 40km, làng cổ Phước Tích được biết tới là một ngôi làng cổ thứ 2 của Việt Nam. Nơi đây vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn những nét đặc trưng về đời sống thôn quê yên bình mộc mạc của mảnh đất miền Trung.

Với phong cảnh hữu tình, vẻ đẹp nên thơ, nhiều du khách đã không khỏi ngẩn ngơ khi có dịp ghé thăm ngôi làng. Song, vẻ mộng mơ tao nhã ấy dường như không đủ để lưu giữ nhiều du khách như mong đợi. Vì sao vậy?

Những góc nhìn từ doanh nghiệp

Bà Phan Thị Thu Minh – Giám đốc Công ty Du lịch Hoàng Anh chia sẻ: Tôi đánh giá đây là một điểm du lịch có tiềm năng để phát triển thành tuyến điểm mới cho khách nhất là đối với khách nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay chính là sự cách trở về địa lý. Từ TP.Huế, khách du lịch muốn đến với làng cổ phải trải qua quãng đường hơn 45km, chính điều này đã khiến cho du khách ngại vận chuyển khi đến với Phước Tích. Bên cạnh đó là sự phát triển chưa đồng bộ của những sản phẩm du lịch cũng là điều không mang lại sự thích thú cho du khách mỗi khi đến đây. Đến với Phước Tích, du khách chỉ đi dạo vòng quanh làng, rồi sau đó quay lại với lò gốm cũ để cùng trải nghiệm làm nghề với người dân. Tuy nhiên, sự trải nghiệm công việc làm gốm cũng không được hấp dẫn và phát huy được giá trị thực của nó trong khi đây là mô hình rất thích hợp cho phát triển du lịch cộng đồng. Hoạt động lưu trú homestay chưa phát triển và có chất lượng như mong muốn, các sản phẩm truyền thống địa phương chưa được đầu tư khai thác...

Để phát triển cho làng cổ Phước Tích trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế cần tập trung đầu tư hạ tầng từ các nguồn vốn khác nhau, quan tâm, tạo điều kiện cho điểm du lịch làng nghề phát triển hạ tầng, quy hoạch lại khoanh vùng tham quan trọng điểm, sắp xếp hợp lý tuyến tour; xây dựng các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, sản xuất thử nghiệm cho khách tự tham gia. Tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủ công truyền thống; khuyến khích, vận động hình thành hợp tác xã, doanh nghiệp trong làng nghề để làm hạt nhân phát triển làng nghề.... - bà Thu Minh đóng góp thêm.

Cùng quan điểm với bà Thu Minh, ông Dương Xuân Tráng –Giám đốc Công ty lữ hành Mai Việt – một đơn vị lữ hành chuyên làm inbound chia sẻ: Làng cổ Phước Tích với đặc trưng nhà rường truyền thống xứ Huế với vẻ đẹp cổ kính bậc nhất nhì Việt Nam và nằm bên cạnh con sông Ô Lâu thơ mộng nên ngoài việc đạp xe quanh làng, tham quan các nhà cổ, nhà thờ họ cổ... khách du lịch có thể đi thuyền trên sông Ô Lâu ngắm cảnh. Tuy nhiên, mô hình du lịch của làng cổ Phước Tích còn ít nhiều hạn chế so với tiềm năng thực sự của nó và hoạt động lưu trú homestay chưa phát triển. Số lượng homestay còn ít và chất lượng chưa được như mong muốn. Trải nghiệm cho khách du lịch với nghề gốm truyền thống của làng chưa được đầu tư và khai thác bài bản. Nếu muốn thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách từ thị trường châu Âu, chính quyền và địa phương làng cổ Phước Tích cần tuyên truyền quảng bá nhiều hơn nữa về hình ảnh và của làng trên các kênh thông tin du lịch trong và ngoài nước, liên kết với các làng nghề lân cận và các điểm đến từ Huế ra Quảng Binh và ngược lại nhằm thu hút khách đến tham quan và lưu trú lại làng nhiều hơn.

Một đại diện đến từ Công ty CP Liên minh Du lịch Toàn Cầu, bà Hồng Thanh – Giám đốc công ty đóng góp thêm: Mặc dù có cảnh quan đẹp song đội ngũ hướng dẫn viên của khu tham quan còn thiếu, cơ sở vật chất chưa đảm bảo để phục vụ du khách, các dịch vụ đồng bộ còn thiếu rất nhiều, các dịch vụ trải nghiệm chưa thực sự tái hiện được không gian và mô hình sản xuất. Mặc dù hiện nay trong làng đang đưa mô hình Homestay vào khai thác song cần có thêm những trải nghiệm sâu hơn và cũng không nên khai thác tràn lan để đảm bảo, giữ gìn cảnh quan khu di tích.

Một ngôi nhà cổ trong làng Phước Tích

Chính quyền địa phương nói gì?

Anh Nguyễn Văn Nam, chuyên viên Ban Quản lý Di tích kiến trúc Nghệ thuật làng cổ Phước Tích, một người con của làng cho biết: Lượng khách du lịch đến với làng cổ Phước Tích 3 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên phần lớn chỉ chọn tour tham quan trong ngày, lượng khách lưu trú qua đêm còn rất ít dù chi phí đã bao gồm ăn, nghỉ và trải nghiệm dịch vụ chỉ khoảng 170.000đ/người/đêm.

Ông Đoàn Quyết Thắng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Di tích kiến trúc Nghệ thuật làng cổ Phước Tích nhìn nhận: Vấn đề làng cổ Phước Tích chưa thu hút được khách lưu trú đang là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, hiện nay địa phương đang nỗ lực đẩy mạnh dự án cải tạo môi trường và tập huấn cho bà con trong làng làm du lịch cộng đồng chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến du lịch cho làng thông qua hình thức tuyên truyền, phát tờ rơi tại các địa phương tỉnh bạn để kết hợp phát triển tour tuyến mới. Tuy nhiên, địa phương cũng thiết tha mong muốn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa của nhà nước, tỉnh và các cơ quan truyền thông để việc quảng bá điểm đến làng cổ Phước Tích được rộng rãi hơn.

Chia sẻ với những trăn trở của địa phương, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết: Trước thực trạng làng cổ Phước Tích chưa phát triển mạnh dịch vụ lưu trú, Sở Du lịch đã và đang nỗ lực cùng chính quyền địa phương tích cực khắc phục những vấn đề yếu và thiếu của làng cổ Phước Tích trong đó chú trọng vào vấn đề nhân lực, cải tạo nhà cổ và kết nối với các đơn vị lữ hành, truyền thông nhằm phát triển và khai thác mô hình du lịch cộng đồng. Cụ thể, bên cạnh việc tuyển thêm nhân viên là người trong làng hoặc người làng, Sở sẽ kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư và khai thác du lịch đồng thời bổ sung nguồn nhân lực trẻ được đào tạo bài bản, có khả năng giao tiếp tiếng Anh, Pháp tốt về du lịch đến với làng cổ Phước Tích để phục vụ khách du lịch nước ngoài. Ngoài việc trùng tu tôn tạo nhà cổ, sẽ hướng dẫn và chỉ đạo địa phương nâng cấp nội thất, trang trí phòng lưu trú đẹp mắt và hấp dẫn. Trong làng sẽ được trồng thêm nhiều hoa, cây trái và rau để vừa giúp cảnh quan thêm hấp dẫn vừa giúp du khách có thêm trải nghiệm cùng làm vườn, thu hoạch trái cây, rau củ theo mùa. Những món ăn địa phương sẽ được đẩy mạnh vào thực đơn phục vụ khách cũng như mở rộng các trò chơi dân gian, văn nghệ hằng ngày in ấn có thêm những tài liệu giới thiệu về văn hóa, con người và những kiến thức làng nghề cho du khách tìm hiểu. Trải nghiệm đạp xe, đi thuyền sẽ vẫn được duy trì và tiếp tục mở rộng. Thời gian tới tỉnh sẽ cố gắng kêu gọi các đơn vị vận tải mở thêm các tuyến xe bus từ trung tâm TP Huế về tới làng và đưa điểm đến này vào các chương trình tour tham quan cho tour đến Huế.

Hy vọng, bài toán về việc giữ gìn, tôn tạo vẻ đẹp nguyên sơ của ngôi làng cổ tích cũng như việc níu giữ chân du khách ở lại làng cổ Phước Tích sẽ sớm có một cái kết đẹp như mong đợi của chính quyền địa phương và sự yêu mến của du khách trong một tương lai gần.

Bài và ảnh: Thu Phương

Theo: baodulich.net.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.073.148
Đang truy cập 9.291