Tìm kiếm tin tức
Du lịch y tế: Gà chưa đẻ trứng vàng!
Ngày cập nhật 19/06/2018

 Một năm trở lại đây, ngành du lịch và y tế TPHCM đã làm nhiều việc để đẩy mạnh sự phát triển của mảng du lịch y tế, kỳ vọng dịch vụ mới sẽ đóng góp lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, không thể nhanh chóng làm cho “con gà” du lịch y tế có thể “đẻ” được trứng vàng vì TPHCM đi sau trong lĩnh vực này.

Nay khách hàng của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã có thêm người Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu... Ảnh: Lan Hương

Dịch vụ tỉ đô

Chỉ tám tháng sau khi đi vào hoạt động, khu khám bệnh cho người nước ngoài của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã đạt 80% công suất. Ban đầu, khách hàng chủ yếu là người Campuchia nhưng nay đã có thêm người Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu… đến chữa bệnh và sử dụng các dịch vụ chuyên sâu. Bệnh viện cũng vừa ký hợp đồng hợp tác với Công ty Joshua Việt Nam để đối tác giới thiệu người Đài Loan sống ở TPHCM đến khám chữa bệnh. Một số công ty khác cũng đặt vấn đề hợp tác nhằm thực hiện dịch vụ tương tự cho người Hàn Quốc đang ở tại thành phố.

“Hiện giờ, khu này đông lắm. Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới”, ông Vũ Trí Thanh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, nói.

Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM là một trong 14 bệnh viện có tên trong “Cẩm nang du lịch y tế TPHCM”, vừa được hai sở du lịch và y tế hợp tác phát hành cuối tháng 5-2018. Ngoài danh sách các bệnh viện tự nguyện đăng ký tham gia dịch vụ du lịch y tế và đáp ứng tiêu chí về giá dịch vụ, cơ sở vật chất, dịch vụ khám chữa bệnh cho người nước ngoài…, cẩm nang còn giới thiệu những bệnh viện lớn, với nhiều kỹ thuật chuyên sâu khác để người dân cùng du khách có thể tìm đến khi có nhu cầu. Một số điểm tham quan, nhà hàng, khách sạn, công ty lữ hành… cũng được giới thiệu.

Trước đó, Tổ chức Du lịch Nha khoa và Bệnh viện Răng Hàm Mặt cũng hợp tác giới thiệu ba gói dịch vụ dành cho du lịch nha khoa gồm gói dịch vụ khám tổng quát, chụp ảnh, vệ sinh răng trong khoảng 1 giờ; gói khám tổng quát, chụp ảnh, tẩy trắng và gắn kim cương lên một răng trong ba giờ; gói khám tổng quát, chụp ảnh và làm răng sứ hàm trên cho tám răng trong một ngày.

Từ dịch vụ của nha khoa, phía các công ty lữ hành đã đưa ra một số gợi ý chương trình tham quan du lịch. Trong đó, có tour một ngày tham quan TPHCM kết hợp kiểm tra tổng quát và vệ sinh răng vài chục phút; các tour có dịch vụ nha khoa tương tự nhưng đi kèm với chương trình du lịch đến Tiền Giang ở miền Tây Nam bộ, hoặc Mũi Né ở Nam Trung bộ, hay Hà Nội, Sapa ở miền Bắc.

Đại diện của hai sở du lịch và y tế đánh giá, với vị trí là trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước cùng lợi thế về dịch vụ y tế đa dạng, chất lượng cao, có giá cạnh tranh, TPHCM hội đủ yếu tố để phát triển du lịch y tế. Mỗi năm có từ 30.000-40.000 người nước ngoài đến thành phố khám chữa bệnh, với tổng chi phí khoảng 1 tỉ đô la Mỹ, chiếm một nửa thị trường cả nước. Với sự hợp tác của hai ngành du lịch và y tế, đặc biệt là sau khi ra mắt cuốn cẩm nang này, mảng du lịch y tế sẽ có thêm cơ hội để tăng trưởng tốt hơn nữa. “Trước mắt, chúng tôi nhắm đến thị trường gần như Lào, Campuchia rồi đến Việt kiều, người nước ngoài đang sinh sống tại TPHCM”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM, nói.

Bà cho biết, ngành du lịch sẽ làm fanpage trên mạng xã hội, làm clip về du lịch y tế giới thiệu trên Youtube và kết nối với doanh nghiệp lữ hành để quảng bá dịch vụ. Cuốn cẩm nang cũng sẽ được giới thiệu rộng rãi ở nhiều nơi.

Không thể đốt cháy giai đoạn

Gần một năm trước, trò chuyện với TBKTSG về chủ đề phát triển du lịch y tế của TPHCM, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết đây là sản phẩm chuyên biệt, khó bán, đặc biệt là trong bối cảnh thành phố chưa xây dựng được thương hiệu nổi trội về kỹ thuật y tế.

Đến nay, những người này vẫn giữ ý kiến trên và cho rằng nhiều nước trong khu vực châu Á như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ đã đi trước, đã xây dựng thành công thương hiệu mạnh về mảng này nên những điểm đến đi sau như TPHCM phải nỗ lực rất nhiều mới có thể tiếp cận thị trường. Thành phố cần tiếp thị mạnh mẽ, cho thấy thế mạnh cụ thể trong lĩnh vực y tế là gì, nơi nào đáng tin cậy, giá tốt ra sao, kèm theo đó là các dịch vụ hậu cần liên quan như xuất nhập cảnh, dịch thuật, du lịch…, đảm bảo khách hàng tiếp cận dịch vụ dễ dàng nhất khi có nhu cầu. Những việc này đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ và cần thời gian mới có thể phát huy tác dụng thu hút khách.

“Việc đưa ra cuốn cẩm nang chỉ là bước khởi đầu, chưa thể kéo khách ngay. Phải cho khách hàng biết thành phố giỏi như thế nào trong lĩnh vực y khoa để khi cần họ tìm đến và lữ hành sẽ cung cấp những dịch vụ hậu cần, du lịch”, người phụ trách sản phẩm của một công ty du lịch lớn tại TPHCM nói và cho rằng ngay cả với nha khoa, dịch vụ được xem là dễ khai thác nhất trong dòng sản phẩm du lịch y tế thì hiện vẫn rất khó triển khai thành tour.

Tại công ty này, bộ phận sản phẩm đã thiết kế thử vài chương trình du lịch đi kèm dịch vụ chăm sóc răng nhưng vẫn chưa thực hiện các bước tiếp theo để chào bán. Tình hình cũng tương tự tại nhiều công ty khác, tuy nhận định là có tiềm năng nhưng nhiều nơi chưa đưa ra sản phẩm cụ thể hoặc có chào thử vài tour nhưng chưa có khách.

Một điều đáng lưu ý nữa là các bệnh viện chỉ mới tập trung vào dịch vụ y tế, chưa tự phát triển hoặc chưa kết hợp với đối tác để phát triển các dịch vụ đi kèm. Chỉ có vài bệnh viện trong cẩm nang du lịch y tế có một số dịch vụ hậu cần cho khách hàng. Trong đó, Bệnh viện Xuyên Á cho biết có các phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi và hỗ trợ đưa đón khách du lịch y tế khi có yêu cầu. Bệnh viện Vinmec Central Park cam kết giúp du khách có thể khám lần đầu tại TPHCM nhưng khám lần hai ở cơ sở khác, trả kết quả đúng với lịch trình của khách và hỗ trợ dịch thuật những ngôn ngữ hiếm như Tây Ban Nha, Nam Mỹ, Ảrập…

“Ngoài khám và điều trị, chúng tôi mới chỉ cung cấp dịch vụ giặt đồ và phiên dịch. Chúng tôi muốn phát triển dịch vụ trọn gói nhưng chưa đủ điều kiện vì không đủ mặt bằng. Phòng ốc cho nội trú lẫn ngoại trú cũng khá chật chội”, ông Vũ Trí Thanh của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM nói.

Mới đây, Văn phòng đại diện của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO Vietnam) dẫn đoàn gồm tám bệnh viện cùng bốn công ty tư vấn và kết nối khách du lịch y tế đến làm việc với nhiều doanh nghiệp lữ hành và những khách hàng có nhu cầu tại TPHCM. Bốn năm sau khi bắt đầu quảng bá dịch vụ y tế Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam, KTO Vietnam đã đi thêm một bước nữa, kết nối thẳng nơi cung cấp dịch vụ y tế, du lịch với khách hàng.

Bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc phụ trách quan hệ công chúng của KTO Vietnam, cho biết kinh nghiệm của Hàn Quốc là phải quảng bá chuyên môn y tế và kết nối chặt chẽ các dịch vụ để thu hút khách. Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều khách hàng muốn đến Hàn Quốc để thực hiện dịch vụ sau khi biết thương hiệu y tế của nước này, biết bệnh viện giỏi nhưng lại lưỡng lự khi đối mặt với những dịch vụ như visa, vận chuyển, khách sạn, dịch thuật… Trong đó, visa cũng là một rào cản vì tương tự như nhiều nước khác, khi đi chữa bệnh, khách phải xin visa du lịch y tế, loại visa đòi hỏi phải có thư mời từ bệnh viện. Để loại bỏ sự phiền hà này, bệnh viện đã hợp tác các công ty du lịch để thực hiện dịch vụ. Khách hàng chỉ cần chọn nơi chữa trị phù hợp, mọi dịch vụ kết nối, hậu cần đã có người khác làm thay.

“Chúng tôi đi từ B-B (doanh nghiệp - doanh nghiệp) đến B-C (doanh nghiệp - khách hàng). Trong lần này, qua các đại lý đối tác tại Việt Nam, chúng tôi biết khách hàng nào quan tâm để mời đến kết nối trực tiếp. Du lịch y tế là một dịch vụ đặc biệt nên chúng tôi phải kiên trì và bền bỉ mới tiếp cận được thị trường”, bà nói.

Theo: thesaigontimes.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 2.356