Tìm kiếm tin tức
Ứng dụng công nghệ xây dựng du lịch thông minh
Ngày cập nhật 05/07/2018

Du lịch thông minh là mô hình được xây dựng dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin và truyền thông, trong đó hạ tầng tích hợp dữ liệu được phát triển đồng bộ.

Ông Yutaka Yamasaki - Trợ lý Giám đốc bộ phận xúc tiến thương hiệu du lịch, thành phố Fukuoka, Nhật Bản - đã mang đến diễn đàn Du lịch thông minh tại TP.HCM vừa qua một số kính thực tế ảo và nhiệt tình mời mọi người đeo vào để trải nghiệm lễ hội 700 năm lịch sử Hakata Gion Yamakasa.

Theo thông tin trên Thời báo kinh tế Sài Gòn, đeo kính không chỉ thấy mà còn nghe và cảm nhận như đang ở trong lễ hội đó. Người đeo kính thấy như đang ngồi được rước trên kiệu, xung quanh là hàng trăm người đàn ông mặc áo trắng rầm rập chạy qua.

"Lễ hội có vui không? Ông và cha tôi từng được ngồi trên chiếc kiệu đó còn tôi thì không", Yamasaki vui vẻ nói. Ông cho biết đến Fukuoka du khách có thể tìm những chiếc kính thực tế ảo này tại các quầy trong sân bay.

Fukuoka không phải là điển hình duy nhất của ứng dụng công nghệ xây dựng du lịch thông minh. Trước đó, Tam Á của Trung Quốc ứng dụng rộng rãi mã QR vào thanh toán, hay đơn giản hơn như Kota Kinabalu của Malaysia chi 5 triệu Ringit để khách dùng Wifi tốc độ cao, dung lượng miễn phí.

"Du lịch thông minh giúp chúng tôi biết rõ du khách cần gì để đáp ứng. Chúng tôi không còn dùng những bảng điều tra giấy để biết sở thích của khách mà dùng mã QR. Khi khách sử dụng QR, chúng tôi có ngay cơ sở dữ liệu để biết họ cần gì" - đại diện từ thành phố Boryeong của Hàn Quốc chia sẻ trên Thời báo kinh tế Sài Gòn.

Những điểm đến tham gia sâu vào du lịch thông minh là nhờ cơ sở hạ tầng tốt và chính quyền chịu đầu tư lớn với mục tiêu là nâng cao vị thế cạnh tranh của mình. Tại Việt Nam, TP.HCM và Hà Nội là hai địa phương đang rục rịch triển khai.

Bài viết "Mô hình du lịch thông minh: Điểm nhấn phát triển ngành kinh tế xanh" trên tờ Kinh tế và đô thị cho biết Hà Nội hay TP.HCM đang hoàn thiện việc xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu dùng chung cho ngành du lịch.

Cổng thông tin myhanoi.vn, Wifi tại Bờ Hồ, ứng dụng Myhanoi như một trợ lý ảo tra cứu thông tin, cảnh báo tắc đường là những gì đã làm được. Nhưng chỉ chính quyền nỗ lực là chưa đủ, nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội đã tự cải tiến mình để trở thành những doanh nghiệp du lịch thông minh, trong đó có thể kể đến ivivu.com với 10 triệu lượt khách truy cập nhờ tích hợp tour tuyến, đặt khách sạn qua ứng dụng. Tờ Văn hóa kết luận, muốn có du lịch thông minh, phải đầu tư cho công nghệ.

Một doanh nghiệp chia sẻ trên tờ Kinh tế đô thị rằng hiện chỉ một số ít doanh nghiệp lớn mới dám chi đầu tư cho công nghệ, còn hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ rất khó.

Do đó, doanh nghiệp mong muốn thành phố có chính sách hỗ trợ tiếp cận và ứng dụng, chẳng hạn có phần mềm miễn phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, du lịch thông minh không thể thiếu sự kết nối giữa ngành du lịch với các bên liên quan như hàng không, hải quan, xuất nhập cảnh, thuế. Nếu một trong các bên muốn làm việc bằng phương thức truyền thống cả bộ máy du lịch thông minh sẽ bị ách tắc.

Với du lịch thông minh, đầu vào là tạo trải nghiệm, còn đầu ra cũng phải dùng công nghệ big data để quảng bá. Cách đây tầm 5 năm mọi người nghe đến việc Việt Nam chi vài triệu USD để chạy quảng cáo trên CNN, BBC, hiện nay cách chi tiền quảng bá này đang cạnh tranh với các ứng dụng du lịch hay mạng xã hội vì công nghệ đang thay đổi cách tìm kiếm, di chuyển, ăn uống, mua sắm của du khách nên cũng đòi hỏi cách tiếp cận và thấu hiểu các thượng đế mới mẻ hơn.

Ở chiều tích cực, một nút chia sẻ hay một bình luận 5 sao trên tripadvisor rất có thể khiến CNN đưa e-kip đến Việt Nam để quay phóng sự.

Theo: vtv.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.960.004
Đang truy cập 33.556