Tìm kiếm tin tức
Nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch: Chuyện nhỏ hay không nhỏ
Ngày cập nhật 05/07/2018

Thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, nhà vệ sinh mất vệ sinh là một trong những nỗi khiếp sợ của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam... Mặc dù Bộ VHTTDL đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm thực hiện để đạt mục tiêu 100% các khu, điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt chuẩn vào năm 2014 nhưng kế hoạch này đã bị “phá sản” vì đến tận giờ vẫn còn hàng trăm khu, điểm du lịch không có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Đây là chuyện nhỏ hay không nhỏ?

BÀI 1: VỪA THIẾU, VỪA MẤT VỆ SINH

Nhà vệ sinh (NVS) vừa thiếu, vừa mất vệ sinh là tình trạng phổ biến ở các điểm dừng chân, khu du lịch, điểm du lịch trên cả nước hiện nay. Ở nhiều địa phương, những người có trách nhiệm lại cho rằng đây là chuyện nhỏ, không quan tâm đầu tư nâng cấp.

Bức xúc ngày càng tăng lên. Chiến dịch “ở đâu phát triển du lịch, ở đó có NVS đạt chuẩn” do ngành Du lịch phát động có nơi chỉ nằm... trên giấy.

Nhà vệ sinh khủng khiếp ở điểm dừng chân lý tưởng Cường Quốc (Thanh Hóa)

Không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của khách

“NVS bẩn đến mức khách thà nhịn chứ nhất định không vào. Có người vào rồi nôn thốc nôn tháo đi ra vì không chịu nổi mùi amoniac”, bà Bùi Thị Nhàn, Giám đốc Công ty du lịch Ecosea Travel cho biết. Bà Nhàn dẫn chứng, rất nhiều nơi, có những homestay (nhà dân làm du lịch) nhưng chỉ có một nhà vệ sinh phục vụ 30 khách. Các điểm, khu du lịch phía Tây Bắc như: Lũng Pô thuộc huyện Bát Xát, Lào Cai hay Cao Phạ (điểm ngắm ruộng bậc thang, dù lượn nổi tiếng) của huyện Mù Cang Chải, Yên Bái đều không có NVS đạt chuẩn, khách cứ cuống quýt đi tìm. Ngay như các điểm dừng chân trên đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, dù mới xây, rất hoành tráng, thu tiền (2.000 đồng/ người) nhưng vẫn bẩn khủng khiếp, khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế liên tục phàn nàn.

Người viết bài này vừa trở về từ chuyến đi công tác miền Trung (đường bộ từ Hà Nội vào Quảng Nam), trên suốt đường đi, không ít đoạn, cả trăm cây số không tìm được điểm dừng nghỉ nào, cây xăng không cho sử dụng NVS miễn phí. Trên địa phận tỉnh Thanh Hóa, “điểm dừng chân lý tưởng Cường Quốc” (mà cánh lái xe du lịch hay đưa khách vào để mua nem chua, giò bò hấp và các đặc sản địa phương khác) bên quốc lộ 1A, xã Quảng Lĩnh, huyện Quảng Xương thì NVS không có cửa, không có thiết bị vệ sinh, nhớp nháp, bẩn thỉu, bốc mùi hôi thối không chấp nhận được.

Để tìm hiểu về tình trạng NVS ở thành phố du lịch nổi tiếng - Huế, phóng viên đã tới bến xe du lịch Nguyễn Hoàng ngay trung tâm thành phố, nơi đậu đỗ xe du lịch để du khách đi bộ vào tham quan khu Kinh thành Huế. Mới chỉ hơn 9 giờ sáng, đã có rất nhiều xe du lịch đỗ tại bến xe này. Sau khi dừng chân ở đây, không ít người ngơ ngác nhìn quanh để tìm NVS công cộng nhưng không thấy, mặc dù phía bên hông của bến xe có biển chỉ dẫn “WC miễn phí”. Theo chỉ dẫn của nhân viên bến xe, chúng tôi tìm được NVS miễn phí nằm liền với quán cà phê cạnh bến xe, nhưng không gian rất nhỏ so với lượng khách đến đây.

Dọc các công viên hai bờ sông Hương, nơi thường có người dân địa phương và du khách đi dạo bộ, ngắm cảnh cũng rất ít các NVS công cộng. Chạy từ phía cầu Phú Xuân lên đến bia Quốc Học, chúng tôi mới tìm được một khu NVS công cộng miễn phí. Nhưng khi bước vào chỗ này là cảnh tượng nhếch nhác, xuống cấp và lộn xộn. Từ cửa phòng, vòi nước cho đến các vật dụng của một nhà vệ sinh đều xuống cấp, hư hỏng, nước chảy lênh láng khắp sàn nhà, dễ trơn trượt.

Trao đổi với Báo Văn Hóa, lãnh đạo UBND TP Huế thừa nhận hiện nay các điểm NVS công cộng dọc hai bờ sông Hương đang xuống cấp nghiêm trọng.

121 khu, điểm du lịch chưa có nhà vệ sinh

Năm 2016, tại Hội nghị toàn quốc đầu tiên về phát triển du lịch, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: Việt Nam đang đứng trong top trên ở ASEAN về lượng khách quốc tế đến, nhưng 70% trong số đó “một đi không trở lại” và nguyên nhân nằm ở việc tồn tại 7 nỗi sợ của khách du lịch (gồm cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ khách, nhà vệ sinh mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch cũng đã đề cập đến 6 điều du khách sợ khi đến Việt Nam và đề nghị ngành Du lịch cùng các địa phương giải quyết ngay, trong đó có tình trạng “chặt chém”, mất an toàn giao thông, tình trạng ăn xin và ăn cắp vặt, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, mất vệ sinh môi trường và nhà vệ sinh công cộng rất khủng khiếp. “1.000 người mến khách nhưng chỉ cần một người không thì cũng để lại ấn tượng xấu. Có những thứ không cần nhiều tiền thì nên làm ngay. Không cần làm những thứ cao siêu mà nên bắt đầu từ những thứ sát sườn. Đất nước ta có thể nghèo nhưng nếu làm những điều đó tốt, cải thiện môi trường du lịch, đảm bảo vệ sinh, thân thiện với khách thì không chỉ đưa du lịch lên mà còn đưa văn hóa lên, giúp đất nước phát triển”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Năm 2012, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh du lịch, Bộ VHTTDL đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở VHTTDL phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, ngành hữu quan và các địa phương khẩn trương lập kế hoạch, đôn đốc các đơn vị quản lý các điểm du lịch triển khai xây dựng hoặc chỉnh trang nâng cấp các công trình vệ sinh công cộng hiện có đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Theo thống kê gần nhất của các địa phương, cả nước hiện có 1.179 khu, điểm du lịch, trong đó có 690 khu, điểm du lịch đã được đầu tư xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đạt 58,5%; 368 khu, điểm du lịch đã có nhà vệ sinh (chưa đạt chuẩn) phục vụ khách du lịch, chiếm 31,2%; đặc biệt có 121 khu, điểm du lịch chưa xây dựng nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch, chiếm 10,3%.

Trong Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31.12.2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, tại Chương IV Điều kiện công nhận điểm du lịch, khu du lịch, Điều 11, 12, 13 ghi rõ “nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng, được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm”.

Thiếu NVS công cộng phục vụ du khách tại nhiều thành phố du lịch vẫn đang là một “vấn nạn” và mặc dù Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi UBND các tỉnh/ thành phố đề nghị quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và hình ảnh du lịch Việt Nam, trong đó có xây dựng NVS đạt chuẩn phục vụ khách du lịch nhưng nhiều nơi vẫn không nhúc nhích. Tình trạng 5 năm trước thế nào nay vẫn nguyên như thế. Từ năm 2016 đến nay chỉ một vài tỉnh/ thành gửi báo cáo về việc thực hiện xây dựng NVS đạt chuẩn phục vụ khách du lịch cho Bộ VHTTDL.

 ​ Trong Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) du lịch Việt Nam đã có cải thiện nhất định về thứ bậc trên bảng xếp hạng, từ thứ 75/141 quốc gia được đánh giá trong năm 2015 lên thứ 67/136 quốc gia. Mặc dù có các yếu tố nổi trội tạo nên năng lực cạnh tranh tốt bao gồm tài nguyên tự nhiên (hạng 34), tài nguyên văn hóa (hạng 30) và sức cạnh tranh về giá (hạng 35) nhưng Việt Nam lại có những chỉ số cực kỳ xấu, được đánh giá ở gần cuối bảng xếp hạng như: mức độ bền vững về môi trường (hạng 129); các quy định lỏng lẻo về môi trường (hạng 115); mức độ chất thải (hạng 128); Nạn phá rừng (hạng 103) và hạn chế về xử lý nước (hạng 107).

 THUÝ HÀ- THUỲ AN

Theo: baovanhoa.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.049.536
Đang truy cập 17.514