Tìm kiếm tin tức
Yêu cầu đặt ra trong xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn tới
Ngày cập nhật 06/07/2018

Thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, giai đoạn vừa qua, ngành Du lịch đã có bước tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô, tính chất và diện bao trùm. Một số chỉ tiêu đạt được vượt xa so với mức đã dự báo từ 2010.

Cụ thể như lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp hơn 2,5 lần, từ 5 triệu lượt năm 2010 lên 12,9 triệu lượt năm 2017, trung bình tăng 14,5% năm (đặc biệt năm 2017 tăng tới 29,1% so với 2016). Khách du lịch nội địa tăng gấp 2,6 lần, từ 28 triệu lượt năm 2010 lên 73,2 triệu lượt năm 2017, tăng trung bình 14,6%. Tổng thu du lịch tăng trên 5 lần, từ 96.000 tỷ 2010 lên 510.000 tỷ năm 2017, trung bình tăng 26,9%, đóng góp trên 7% GDP và tác động lan tỏa trên 13,9% GDP; tạo ra trên 1,2 triệu việc làm trực tiếp và 3,6 triệu việc làm gián tiếp. Nguồn lực đầu tư, lực lượng doanh nghiệp và nhân lực du lịch ngày càng lớn mạnh; quy mô cơ sở lưu trú tăng từ 12.350 cơ sở năm 2010 lên 22.000 cơ sở năm 2017, đặc biệt cơ sở lưu trú cao cấp 4-5 sao chiếm tỷ trọng ngày càng lớn; hệ thống điểm đến có quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế đã hình thành với cơ sở cung cấp dịch vụ ngày càng đa dạng.

Vịnh Hạ Long - ảnh: TL

Thành tựu thực tế du lịch mang lại thu nhập, tạo việc làm, thúc đẩy lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống xã hội, tăng cường hữu nghị, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường đang từng bước khẳng định du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên, đánh giá toàn diện có thể thấy ngành Du lịch tăng trưởng chủ yếu về lượng, mở rộng quy mô và không gian địa lý; phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém thể hiện ở chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và tính bền vững trên bình diện chung của toàn ngành.

Đảng và Nhà nước đang từng bước có những quan tâm thực sự bằng việc ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị để thúc đẩy du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Luật Du lịch 2017 thể hiện mạnh mẽ tư tưởng và quan điểm thị trường tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Trong bối cảnh đó, du lịch Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn đi liền với những thách thức không nhỏ khi đón bắt xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương với thị trường khổng lồ Trung Quốc và trong kỷ nguyên số với tác động phi thường của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần xây dựng Chiến lược phát triển du lịch mới với những quan điểm và tầm nhìn phù hợp thời đại.

Phát huy tối ưu những tiềm năng, thế mạnh của đất nước và khắc phục cho được những hạn chế yếu kém của giai đoạn vừa qua đồng thời với việc đón bắt cơ hội và vượt qua thách thức, đặt ra yêu cầu xây dựng chiến lược phát triển du lịch phải hóa giải được những nút thắt, định hình được hướng đi và tầm vóc của một ngành kinh tế mũi nhọn:

Một là, nhất thiết phải thay đổi quan điểm, tư duy về cách làm du lịch, từ hệ quản lý, ứng xử với tài nguyên, tổ chức kinh doanh cho đến phục vụ và giao tiếp với khách du lịch: Quan điểm đặt khách du lịch vào vị trí trung tâm, mọi nỗ lực đều hướng tới sự hài lòng của khách; quan điểm cạnh tranh bằng chất lượng với sự sáng tạo, khác biệt và cảm xúc trong sản phẩm du lịch; quan điểm hiệu quả thực dụng về sử dụng nguồn lực hợp lý bền vững tương xứng với lợi ích mang lại cho người cung cấp dịch vụ và trải nghiệm của du khách; quan điểm toàn diện với tính nhân văn du lịch cho mọi người; du lịch trở thành một nội dung nhân quyền và chất lượng cuộc sống; thông qua du lịch góp phần hướng tới công bằng xã hội và không ai bị bỏ lại phía sau.

Hai là, du lịch Việt Nam phải coi trọng lợi ích của người dân Việt Nam ở phương diện này là chủ nhân của điểm đến và ở phương diện khác là khách du lịch: nhất thiết phải tôn trọng, phát huy giá trị văn hóa bản địa; lấy lợi ích của cộng đồng dân cư địa phương làm trọng; mọi hoạch định, chương trình hành động đều xuất phát từ nhu cầu và vì lợi ích của họ; du lịch phải dựa vào cộng đồng và gắn với phát triển kinh tế địa phương; lấy văn hóa Việt Nam, văn hóa vùng, miền (kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố truyền thống với hiện đại) là nền tảng thế mạnh và là vũ khí chiến lược tạo sự khác biệt, thương hiệu riêng cho du lịch Việt Nam trong cạnh tranh quốc tế.

Hội đền Thái Vi - ảnh Lê Việt Khánh

Ba là, cần phải xác lập mục tiêu phát triển thể hiện được chức năng kinh tế đồng thời với chức năng xã hội của du lịch: mục tiêu tổng quát du lịch phải là bàn đạp để thúc đẩy phát triển bền vững các ngành kinh tế liên quan đồng thời tạo ra môi trường xã hội hài hòa, tiến bộ và phát triển toàn diện; phát huy giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, khơi dậy tinh thần và niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước; góp phần xây dựng, định hình giá trị đạo đức xã hội, giá trị cuộc sống và tiêu chí chất lượng cuộc sống;

Bốn là, phải xác định được tầm nhìn phát triển dài hạn với tầm vóc của một ngành kinh tế mũi nhọn: du lịch trở thành động lực chính cho phát triển các ngành, lĩnh vực toàn xã hội; thu hút nguồn lực và sự quan tâm của mọi mặt đời sống xã hội và tạo ra tổng sản phẩm xã hội có sức lan tỏa lớn nhất; tầm nhìn phát triển phải được đặt trong bối cảnh và xu hướng phát triển chung của khu vực và trên thế giới, tham gia một cách chủ động vào chuỗi giá trị du lịch toàn cầu; xác định được hướng đi với những dấu mốc then chốt định hình quỹ đạo phát triển của ngành Du lịch trong tương lai.

Năm là, phải đưa ra được các nhóm giải pháp chiến lược, trong đó yêu cầu xác định được nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ ưu tiên để có phương cách ứng xử thích hợp đối với cấp quốc gia, cấp vùng và từng địa phương; phát triển hạ tầng hiện đại và mở rộng kết nối toàn cầu; xúc tiến quảng bá luôn phải đi liền với đổi mới sáng tạo và đảm bảo chất lượng điểm đến và sản phẩm, dịch vụ thông qua phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; yêu cầu cần có đủ năng lực để tranh thủ tối đa thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 ứng dụng trong du lịch thông minh và kinh tế chia sẻ, tạo được sự cộng hưởng lan tỏa du lịch cả nước và với các ngành, lĩnh vực; phát triển du lịch nội địa tạo nền tảng ổn định thị trường dựa trên hệ giá trị Việt, đồng thời với phát triển du lịch quốc tế qua đó khẳng định vị thế và thương hiệu điểm đến quốc gia Việt Nam; kiểm soát hoạt động du lịch trong nước và du lịch ra nước ngoài nhằm định hướng đúng hệ giá trị thụ hưởng du lịch cho người Việt, bảo vệ quyền và lợi ích của du khách Việt.

Sáu là, về chiến lược tổ chức triển khai phải cam kết có được sự quyết tâm, quyết liệt của mọi cấp, mọi ngành hợp sức xung quanh ngành Du lịch; hợp tác công-tư, các bên cùng có lợi cần trở thành phương châm chủ đạo, trong đó nhà nước tạo cơ hội bình đẳng cho khu vực tư nhân; ngược lại khu vực tư nhân chủ động tham gia vào quá trình hoạch định thể chế, chính sách; phân định và phát huy đúng vai trò quản lý nhà nước với vai trò đầu tư phát triển, khởi nghiệp sáng tạo của doanh nghiệp và người dân; tăng cường tư vấn kỹ thuật và kết nối-tương tác giữa các bên thông qua ứng dụng số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; khắc phục cho được xung đột về lợi ích liên ngành, địa phương và tạo lập môi trường hợp tác cạnh tranh lành mạnh.

Với những luận điểm xuất phát từ thực tế phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn vừa qua, kinh nghiệm của quốc tế và những kỳ vọng về tính chất mũi nhọn mà ngành Du lịch hướng tới, tin tưởng rằng việc xây dựng chiến lược phát triển đáp ứng được những yêu cầu nêu trên chắc chắn sẽ tạo ra được sự chuyển biến căn bản về chất lượng tăng trưởng du lịch trong giai đoạn tới.

TS. Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Theo: baodulich.net.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.967.268
Đang truy cập 1.861