Tìm kiếm tin tức
Du lịch hưởng lợi như thế nào với tự do hóa vận tải hàng không?
Ngày cập nhật 13/07/2018

TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch đã chia sẻ với phóng viên báo điện tử Tổ Quốc về những lợi ích của tự do hóa vận tải hàng không với việc phát triển du lịch.

Sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch

- Thưa ông, không ít người ngạc nhiên với đề xuất với Thủ tướng về hàng loạt chính sách hàng không lại không xuất phát từ ngành hàng không hoặc ngành giao thông vận tải nói chung, mà lại từ Hội đồng tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV). Ông có thể giải thích điều này?

+ Điều này hoàn toàn bình thường. Các chính sách liên quan đến một ngành có thể được đề xuất từ chính ngành đó, hoặc từ các đối tượng có lợi ích liên quan đến ngành đó, hoặc từ các cơ quan nghiên cứu kinh tế. Chúng ta không kinh doanh xăng dầu nhưng ai cũng sử dụng xăng dầu và có lợi ích liên quan đến các chính sách xăng dầu, do vậy đều có quyền đề xuất những chính sách mà người tiêu dùng cho là phù hợp. Đối với hàng không, du lịch là lĩnh vực có lợi ích trực tiếp từ ngành này, còn Ban IV là nơi nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân nói chung, bao gồm cả lĩnh vực hàng không.

Trong bất kỳ lĩnh vực nào, kể cả trong hàng không, các doanh nghiệp thường thích độc quyền hoặc cạnh tranh tối thiểu, ít có doanh nghiệp nào muốn có thêm cạnh tranh. Trong khi đó, người tiêu dùng lại luôn luôn muốn có cạnh tranh và càng cao càng tốt, để được hưởng lợi về chất lượng về giá cả và chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, việc các chính sách được đề xuất từ góc nhìn lợi ích người tiêu dùng không phải là hiếm, mà thậm chí còn rất phổ biến và cần được khuyến khích.

TS. Lương Hoài Nam.

Bản đề xuất này hướng tới các mục tiêu: (a) nước ta có nhiều hãng hàng không hơn (kể cả các hãng hàng không thường lệ khai thác vận tải công cộng và các hãng hàng không chung khai thác các dịch vụ đặc thù bằng các loại máy bay nhỏ), (b) các hiệp định hàng không song phương tự do hơn giữa nước ta và các nước khác và (c) đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư và quản lý, khai thác hạ tầng sân bay. Mục đích là để Việt Nam có một nền hàng không phát triển hơn nữa và ngành du lịch và người dân sẽ được hưởng lợi khi có nhiều lựa chọn dịch vụ hơn, chất lượng dịch vụ cao hơn và giá vé máy bay rẻ hơn. Đó là những lợi ích rất rõ ràng, thiết thực.

- Với đề xuất tự do hóa hàng không, chúng ta có thể kỳ vọng vào việc sẽ có thêm các sản phẩm du lịch mới không thưa ông? Ví dụ, thay vì không lên Hà Giang bằng cáp treo mà có thể có những tour du lịch khám phá công viên địa chất bằng các loại máy bay cỡ nhỏ?

+ Hàng không càng phát triển thì các dịch vụ du lịch càng đa dạng. Với ví dụ cụ thể là Hà Giang thì ở đó khó xây được sân bay lớn cho các loại máy bay phản lực, nhưng hoàn toàn có thể đi du lịch bằng trực thăng hoặc thủy phi cơ cất hạ cánh trên sông, hồ hoặc trên đường băng ngắn bằng đất hoặc lát ghi, nếu các hoạt động bay hàng không chung được “cởi trói”.

Ngay cả giữa các sân bay hiện có, khi có nhiều hãng hàng không hơn thì số lượng các đường bay, chuyến bay cũng sẽ tăng lên, tạo cơ hội cho việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nội địa, quốc tế. Từ khi có sự tham gia của Vietjet Air, mạng đường bay nội địa, quốc tế của nước ta đã có thêm rất nhiêu đường bay. Nếu có thêm 3-5 hãng hàng không nữa thì mạng đường bay nội địa, quốc tế sẽ càng phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển du lịch.

Xã hội hóa là giải pháp tốt nhất để đẩy mạnh đầu tư hạ tầng sân bay

- Một trong các đề xuất của Ban IV và Hội đồng tư vấn du lịch lên Thủ tướng có việc xã hội hóa đầu tư và quản lý hệ thống sân bay. Vậy năng lực hiện nay của các doanh nghiệp tư nhân liệu đã đủ sức để có thể chia sẻ, gánh vác bớt các công việc này?

+ Sân bay Vân Đồn được đưa vào khai thác do doanh nghiệp tư nhân Sun Group đầu tư toàn bộ và sẽ trực tiếp quản lý, vận hành. Đây là sân bay tư nhân hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam, nhưng với thế giới thì sân bay tư nhân, sân bay hợp tác công-tư không có gì là mới. Đầu tư, quản lý, vận hành một số hạng mục công trình sân bay như nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa còn đơn giản hơn nhiều so với việc đầu tư sân bay hoàn chỉnh. Các nhà ga quốc tế tại Đà Nẵng, Cam Ranh đã có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân. Trong mọi việc, yếu tố quan trọng nhất là con người và các nhà đầu tư tư nhân dễ dàng tuyển dụng những người giỏi nhất để thực hiện các dự án đầu tư của họ và vận hành các công trình của họ…
Bài 4: Du lịch hưởng lợi như thế nào với tự do hóa vận tải hàng không? - ảnh 2 Chuyến bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh.

- Với câu trả lời của ông vừa xong, liệu chúng ta có thể tin tưởng vào việc, xã hội hóa đầu tư cũng giúp cho các nhà đầu tư nhỏ, không nhất thiết phải có nhiều ngàn tỉ đồng mới có thể đầu tư vào dịch vụ hàng không. Hay nói một cách khác, đây có phải là cơ hội cho các nhà đầu tư nhỏ vào lĩnh vực hàng không- nơi được coi là cuộc chơi của các "ông lớn"?

+ Các dự án đầu tư hàng không rất đa dạng, cơ quy mô từ mấy trăm tỷ đồng đến hàng chục nghìn tỷ đồng, dự án nào cũng có thể xã hội hóa được ở các hình thức, mức độ khác nhau. Ngay cả dự án CHKQT Long Thành, tôi tin là nếu nhà nước giao thì vẫn có doanh nghiệp tư nhân Việt Nam làm được thông qua hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm. Xã hội hóa là giải pháp tốt nhất để đẩy mạnh đầu tư hạ tầng sân bay ở nước ta đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải hàng không và du lịch.

- Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng thêm sân bay là không cần thiết và số lượng sân bay đã đủ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

+ Theo tôi, đó là những ý kiến cảm tính, không hề có cơ sở khoa học. Như thế nào là đủ? Nước ta hiện có 21 sân bay dân dụng, trong khi Thái Lan có tới 38 sân bay, với độ phủ địa lý cao hơn nhiều so với nước ta. Malaysia còn có nhiều sân bay hơn Việt Nam. Các sân bay nước ta hiện nay có quy mô lớn hơn so với thời trước năm 1975, nhưng về số lượng sân bay dân dụng thì trước năm 1975 ở miền Nam có nhiều sân bay hơn bây giờ (khoảng 15 sân bay dân dụng trước đây đến nay vẫn chưa được khai thác trở lại hoặc đã bị xóa sổ).

Một bất cập trong phát triển sân bay ở nước ta là nhiều sân bay nhỏ đã được nâng cấp thành sân bay lớn phục vụ các máy bay Airbus A320, A321 trở lên, trong khi đó không xây thêm các sân bay nhỏ ở các nơi khác, làm cho các loại máy bay nhỏ (từ ATR-72 trở xuống) không còn nhiều nơi để bay, bị loại bỏ dần và có nguy cơ biến mất hẳn. Đội máy bay dân dụng của quốc gia mà không có (hoặc quá ít) máy bay nhỏ là rất bất cập dưới nhiều góc độ.

TS. Lương Hoài Nam cho rằng, Việt Nam hiện có 3 hãng hàng không không những chưa đủ nhiều, mà là quá ít! Thái Lan có tới 13 hãng hàng không bay thường lệ, chưa tính 10 hãng bay thuê chuyến du lịch. Họ đã có nhiều hãng hàng không của họ rồi mà vẫn mở rộng cửa chào đón Air Asia của Malaysia, Scoot của Singapore, Lion Air của Indonesia và Vietjet Air của Việt Nam vào Thái Lan lập hãng hàng không. Các hãng hàng không ở Campuchia, Myanmar nhỏ hơn các hãng hàng không Việt Nam, nhưng về số lượng hãng hàng không thì các nước này lại cấp phép nhiều hơn Việt Nam.
Ngoài ra, về trần đầu tư nước ngoài vào hãng hàng không, ông Lương Hoài Nam cho rằng, các nước trong khu vực cho phép đến tối đa 49%, trong khi nước ta chỉ cho phép tối đa 30% là chưa đủ thoáng. Thực ra Luật Hàng không cũ cho phép 49% như các nước trong khu vực, nhưng Luật Hàng không sửa đổi đã giảm xuống còn 30%. Nên sửa đổi Luật Hàng không để trở lại trần đầu tư nước ngoài 49% như Hội đồng tư vấn du lịch và Ban IV đã đề xuất với Thủ tướng.”

- Xin cảm ơn ông!

Theo: Toquoc.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 1.285