Tìm kiếm tin tức
“Khám phá khoa cử Huế”
Ngày cập nhật 12/09/2019

Người đầu tiên đề cập đến vấn đề này trước lãnh đạo tỉnh và Ban Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là TS. Trần Đình Hằng, Phân viện Trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế. Nếu làm được, Huế hoàn toàn có thể ghi thêm cho mình một sản phẩm du lịch gần gũi và độc đáo ở xứ Cố đô.

Thăm bia ghi danh tiến sĩ ở Văn Miếu
 
Trong gần 143 năm tại vị, các vị vua nhà Nguyễn đã rất quan tâm đến việc học và các chính sách giáo dục. Vua Gia Long, ngay sau khi lên ngôi Hoàng đế vào năm 1802, trong chuyến ra thăm Thăng Long lần đầu tiên, đã cùng tùy tùng lo tính khôi phục giáo dục, bàn việc chuẩn bị cho kỳ thi Hương, thi Hội và đào tạo nhân tài giúp nước. Liên tục trong ba năm tiếp theo, ông đều ban chiếu mời những người hiền tài tiền triều, hoặc những người thông thạo kinh sử cộng tác với triều Nguyễn để có một bộ máy hành chính ổn định. Hệ thống tài liệu Châu bản còn lưu giữ nhiều ngự phê của vua Gia Long chú trọng giáo dục khoa cử, tuyển chọn nhân tài và học tập tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
 
Nói đến sự học dưới thời nhà Nguyễn, công trình đầu tiên cần nhắc đến đó là Quốc Tử Giám - trường đại học tại Kinh đô Huế, một trong 20 thắng cảnh của đất Kinh kỳ được vua Thiệu Trị xếp hạng. Nguyên trường Quốc Tử Giám được thành lập lần đầu tiên ở nước ta từ năm 1076, dưới thời Lý. Hiện vẫn còn được giữ nguyên vị trí trong khuôn viên Văn Miếu Hà Nội ngày nay.
 
Đầu triều Nguyễn, sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long quyết định xây dựng kinh đô tại Huế và cũng xây dựng một Quốc Tử Giám ở xứ Kinh kỳ. Từ quy mô kiến trúc ban đầu còn nhỏ, chỉ gồm một tòa chính ở giữa và hai dãy nhà hai bên, Quốc Tử Giám liên tục được quan tâm phát triển qua các thời vua Minh Mạng và vua Tự Đức. Ban đầu, Quốc Tử Giám tọa lạc bên cạnh Văn Miếu ngày nay. Sau nhiều lần bị hư hại nặng vì thiên tai, dưới thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành, tại vị trí bên đường 23/8 hiện nay. Đi cùng chiều dài của triều đại, Quốc Tử Giám - di tích trường đại học duy nhất thời phong kiến còn tồn tại trên đất nước ta, đã được ghi tên vào danh mục Di Sản Văn hóa Thế giới.
 
TS. Trần Đình Hằng đề nghị kết nối ba điểm “tam giác vàng”, gồm: Di Luân đường - Quốc Tử Giám, lầu Tứ Phương Vô Sự và Văn Miếu, để thiết kế tour du lịch “khám phá khoa cử Huế” với nhiều giá trị giáo dục truyền thống nổi bật. Văn Miếu là nơi lưu danh muôn thuở các bậc khoa bảng đỗ đạt, Di Luân đường - Quốc Tử Giám là nơi tụ hội tinh hoa khoa cử cả nước và lầu Tứ Phương Vô Sự là nơi dành riêng hoàng gia dạy dỗ các hoàng tử công chúa.
 
“Trên tầng hai của Di Luân đường - Quốc Tử Giám có một bàn thờ các vị tiên sư. Hiện nay, để đảm bảo an toàn cho công trình cũng như không gian thờ tự thiêng liêng, khu vực này không mở cửa đón khách tham quan. Nếu có thể biến nơi đây thành không gian lễ đường tôn nghiêm để nguyện cầu, mong ước tiến tới trong sự học thì thật tuyệt vời”, TS. Trần Đình Hằng nói.
 
Theo kế hoạch được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt, trong năm 2019 sẽ thực hiện việc di dời cơ quan Bảo tàng Lịch sử đến địa điểm mới, giao lại di tích Quốc Tử Giám cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý, phát huy giá trị. Sau khi việc di dời thực hiện hoàn thành, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế càng thuận lợi để triển khai những dịch vụ liên quan đến công năng nguyên thủy của di tích. Theo đó, việc tổ chức di tích Quốc Tử Giám thành một bảo tàng khoa cử - điểm nhấn trong tour “Khám phá khoa cử Huế” là điều hoàn toàn có thể.
 
“Để không gian bảo tàng ấy chuẩn mực, đúng công năng thì cần có sự phân khúc trong nội dung trình bày, như: lịch sử khoa cử; hệ thống giáo trình, đồ dùng học tập qua các thời kỳ; hàng lưu niệm hiện đại… Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống muốn được tham gia thì phải đầu tư sâu về hàm lượng văn hóa, giá trị độc đáo và dù phục vụ cho đối tượng khách nào cũng không tầm thường hóa. Những hoạt động tái hiện, biểu diễn, thực hành có chức năng phù hợp với di tích cần được chú trọng phát huy. Đã đến lúc các sản phẩm thủ công, dịch vụ mới hay các hiện vật phục chế, phiên bản… phải hướng đến sự cao cấp, xứng danh là sản phẩm lưu niệm liên quan đến chốn Hoàng cung Huế”, TS. Trần Đình Hằng gợi ý. 
 
Hiện nay ở Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia vẫn trưng bày, giới thiệu thường xuyên về một số hiện vật, hình ảnh về việc học và thi cử thời Nguyễn, như: sách học, bút nghiên, ống quyển, hòm đựng sách vở của sĩ tử; ảnh thi Hương dưới triều Nguyễn, ảnh giới thiệu về Văn Miếu Huế…
 
Bảo tàng cũng đã tổ chức trưng bày một triển lãm độc lập mang tên “Giáo dục Việt Nam giai đoạn 1802-1945” qua tài liệu lưu trữ, với 120 phiên bản tài liệu, hình ảnh, bản vẽ kỹ thuật được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn và các tài liệu tiếng Pháp, thu hút rất đông khách tham quan. Mỗi năm đáo hạn những kỳ thi quan trọng, sĩ tử xa gần lại dành thời gian thăm các Văn Miếu, “dựa hơi” hiền tài để nguyện may trong thi cử. Điều đó cho thấy, dù thời đại nào và dưới hình thức nào, sự học và những giá trị giáo dục truyền thống tự thân đã mang nhiều sự hấp dẫn. Vấn đề là Thừa Thiên Huế có tìm được cách làm hay để kết nối và đưa những giá trị ấy với công chúng hay không mà thôi.
 
Ngoài “tam giác vàng” Quốc Tử Giám - Tứ Phương Vô Sự - Văn Miếu, Cố đô Huế còn thêm nhiều địa chỉ đỏ khác có thể kết nối, như: Thái Bình Lâu, Nhật Thành Lâu, Bia Thị Học, Trường Quốc Học, Trường Bách công - Kỹ nghệ Thực hành, Trường Đồng Khánh - Hai Bà Trưng, hay Đại học Huế... để mở ra những hoạt động dịch vụ du lịch giáo dục đa dạng và độc đáo.
 
Bài: Đồng Văn - Ảnh: Tuệ Ninh
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.048.492
Đang truy cập 16.859