Tìm kiếm tin tức
Đột phá trong đầu tư phát triển đô thị
Ngày cập nhật 23/06/2020

Đô thị Huế đang được đầu tư xây dựng và phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đô thị Huế đang được đầu tư phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cảnh quan. Ảnh: Nguyễn Phong
 
Điểm nhấn An Vân Dương
 
Nằm ngay cửa ngõ phía Nam, khu đô thị (KĐT) mới The Manor Crown Huế bước đầu định hình, được cộng đồng mạng gọi với cái tên “Châu Âu giữa lòng thành phố”. Khu đô thị The Manor Crown Huế đi vào hoạt động tạo điểm nhấn trong phát triển đô thị Thừa Thiên Huế nói chung và KĐT mới An Vân Dương nói riêng.
 
Những dự án (DA) án binh bất động nhiều năm như KĐT mới Đông Nam Thủy An cũng đã tái khởi động với việc chuyển nhượng thành công DA theo hình thức nhận nợ giữa Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Số 8 và Công ty TNHH Đầu tư thương mại Minh Linh. Chủ đầu tư mới tập trung đầu tư những hạng mục hạ tầng còn dang dở, tiến hành khởi công DA căn hộ cao cấp De 1st Quantum. Với vị trí đắc địa, nằm ngay cửa ngõ bắc nam thành phố, đây là điểm nhấn mới trong phát triển đô thị An Vân Dương.
 
Đáng ghi nhận trong phát triển KĐT mới An Vân Dương những năm qua là nguồn vốn thực hiện đầu tư vào KĐT mới này. Năm 2017, đầu tư vào KĐT mới An Vân Dương chỉ đạt 48%  thì năm 2019, tổng nguồn vốn thực hiện đầu tư vào KĐT do Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị quản lý đạt tỷ lệ 70,2%. Thành công trong kêu gọi đầu tư, chỉnh trang các tuyến đường kết nối… góp phần hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư.
 
Từ vùng thấp trũng trồng lúa, khu vực An Vân Dương đang khoác lên mình diện mạo mới với những khu chung cư cao tầng, biệt thự… Mục tiêu mà KĐT mới này hướng tới là một đô thị kiểu mẫu, đô thị sinh thái hiện đại, góp phần quan trọng mở rộng không gian đô thị Huế.
 
Khu đô thị The Manor Crown Huế được cộng đồng mạng gọi với cái tên “Châu Âu giữa lòng thành phố” . Ảnh: MC
 
Thêm nhiều không gian công cộng
 
Tính chung trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư phát triển do thành phố quản lý đạt gần 900 tỷ đồng, thực hiện phát triển hạ tầng bền vững theo hướng giữ gìn và bảo vệ tài nguyên di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc của Huế; hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư; chỉnh trang các công viên, điểm xanh, cây xanh; thực hiện các chương trình đầu tư xử lý chất thải…
 
Đáng chú ý gần đây là các dự án trọng điểm, như xây dựng mạng lưới kết nối tuyến đường đi bộ phía nam sông Hương; Dự án Cải thiện môi trường nước; chỉnh trang đường, vỉa hè, điện chiếu sáng một số khu vực trung tâm thành phố; chỉnh trang công viên 2 bên bờ sông Hương, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, ngã sáu Hùng Vương - Hà Nội; đầu tư hệ thống camera giám sát, điện chiếu sáng nghệ thuật cầu Trường Tiền… Thành phố cũng hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế. Các dự án hoàn thành góp phần chỉnh trang, tạo điểm nhấn cho bộ mặt đô thị, tạo thêm nhiều không gian công cộng.
 
Dự án chỉnh trang không gian đôi bờ sông Hương, mà điểm nhấn chính là hoàn thiện mạng lưới kết nối đường đi bộ ở cả bờ Nam và bờ Bắc, góp phần hình thành không gian công cộng tuyệt vời cho Huế. Ở bờ Nam, tuyến đường đi bộ hoàn thành đã giúp người dân và du khách có thể kết nối nhiều điểm “check-in” hấp dẫn: Từ bến thuyền Tòa Khâm đến Nhà hát Sông Hương. Còn phía Bắc sông Hương, tuyến đường đi bộ ven bờ đã được cộng đồng hưởng ứng tích cực, và trở thành điểm đi dạo, vui chơi, rèn luyện sức khỏe cho dân cư khu vực. Tuyến đường này cũng đã kết nối các điểm đến công viên Phú Xuân - di tích Nghinh Lương Đình - Phu Văn Lâu - công viên Thương Bạc - cầu Trường Tiền - chợ Đông Ba...
 
Bốn dự án chỉnh trang đô thị
 
HĐND tỉnh vừa thông qua quyết định chủ trương đầu tư 4 DA chỉnh trang đô thị, gồm tuyến đường dọc bờ sông Hương (phía Nam) đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công chúa; cầu chui đường sắt Bắc Nam tại đường Bùi Thị Xuân; nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội; cải tạo và chỉnh trang đồi Vọng Cảnh.
 
Dự án tuyến đường dọc bờ sông Hương (phía Nam), đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa, nhằm chống lấn chiếm bờ sông Hương; khai thác quỹ đất trống dọc bờ sông tạo nguồn thu ngân sách; chỉnh trang cảnh quan môi trường tạo điểm nhấn thu hút khách tham quan du lịch phục vụ cộng đồng phù hợp quy hoạch TP. Huế; từng bước tạo tuyến đường đi bộ - đạp xe hai bên bờ sông Hương kết nối khu vực Thủy Biều với đồi Vọng Cảnh.
 
Dự án Cầu chui đường sắt Bắc - Nam khi hoàn thành đảm bảo lưu thông thông suốt cho các xe du lịch từ 17 chỗ trở xuống khi qua vị trí cầu chui; góp phần chỉnh trang tạo mỹ quan cho khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội góp phần chỉnh trang toàn bộ mặt đô thị cho trung tâm TP. Huế; từng bước hoàn thiện xây dựng hạ tầng giao thông theo quy hoạch được phê duyệt. Còn DA cải tạo, chỉnh trang khu vực đồi Vọng Cảnh nhằm phục vụ chỉnh trang môi trường đô thị; tạo cảnh quan sinh thái, tạo điểm nhấn tham quan du lịch.
 
Thành phố Huế đang rất cần nhiều DA xây dựng và chỉnh trang đô thị để phát triển. Vấn đề đặt ra là cần bố trí nguồn lực để triển khai sớm, không chỉ góp phần chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, phục vụ cộng đồng mà còn tạo điểm nhấn và phát huy, khai thác các tiềm năng cảnh quan vốn có, góp phần thu hút khách du lịch; tạo bước phát triển cho TP. Huế nói riêng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
THANH HƯƠNG
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 29.151