Tìm kiếm tin tức
Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 34
Ngày cập nhật 16/06/2021

Tuyên đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ ba bên phải tượng trưng cho sự tinh thông.

Vân
 
 
Vân, tức mây. Một hiện tượng thời tiết tụ nước do thay đổi nhiệt độ nóng, lạnh mà tạo thành; mây nhờ gió mà di chuyển từ nơi này đến nơi khác khắp cả bầu trời; lại có một loại “mây bụi” trong không gian. Mây là bản chất tự nhiên của vũ trụ, có mây thì có mưa. Hết mưa trời lại nắng. Theo Kinh Dịch, mây thuộc quẻ Truân, do ngoại quái là Khảm, nội quái là Chấn mà thành. Khảm nghĩa là thủy cũng là thuộc tượng nước đứng đầu mọi tượng của vũ trụ (mà thủy cũng bắt đầu từ vân: mây). Không có mây thì cũng chẳng có mưa.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng mây lên Tuyên đỉnh.
 
Long Nhãn
 
 
Long Nhãn, tục danh quả nhãn, còn gọi viên nhãn, lệ chi nô, vì mãn mùa lệ chi thì long nhãn chín, cho nên gọi tên ấy. Quả giống quả lệ chi mà nhỏ, tròn như hòn đạn. Vị ngọt, có thể trấn kinh và cường khí. Có loại nhãn sinh, trái giống như mắt rồng. Đông y dùng quả nhãn bào chế thuốc chữa an thần khỏi mộng mị. Trong Đại nội Huế trước đây có thứ nhãn lồng điện Phụng Tiên ngon hơn cả. Miền Bắc có giống nhãn lồng tỉnh Hưng Yên là tuyệt hảo. Nam Bộ có nhãn hạt tiêu là nổi tiếng. Y học cổ truyền dùng hạt nhãn khô xay mịn để trị bệnh hôi nách xông mùi khó chịu. Gỗ của cây nhãn rất cứng, sắc thơm có thể dùng được nhiều trong việc tạc tượng thờ và đồ gia dụng. Năm Minh Mạng thứ 17, cho khắc hình tượng cây nhãn có quả vào Tuyên đỉnh.
 
Nỏ
 
 
Nỏ, tức cây cung; một loại vũ khí thô sơ nhưng quan trọng trong việc đánh trận từ xa. Từ lâu đời, nỏ là vũ khí dùng trong quân đội và cũng sử dụng để tự vệ hoặc đi săn. Các loại cung nỏ chỉ khác nhau ở chỗ bắn xa, gần mà vẫn chính xác, đấy là do người sáng chế. Theo truyền thuyết, nước Việt ta nổi tiếng có cây nỏ thần thời An Dương Vương do tướng Cao Lỗ chế tạo, bắn một phát được nhiều mũi làm cho quân Nam Hán khiếp sợ. Sau cũng vì chuyện tình mà mất cảnh giác, nỏ thần hết hiệu nghiệm, dẫn đến mất nước. Ngày nay người vùng miền núi cao vẫn còn dùng. Thể thao hiện đại có môn thi bắn nỏ.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, cho khắc hình tượng cây cung lên Tuyên đỉnh.
 
Nhĩ Hà
 
 
Nhĩ Hà, còn gọi là Nhị Hà, tức sông Hồng, lại gọi sông Cái, Hồng Hà; con sông mang sứ mệnh lớn lao của cả xứ sở bao gồm những hệ thống chi lưu phức tạp và dài nhất Việt Nam. Sông bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc, chảy vào biên giới nước ta tại xã A Mú Sung, huyện Bát Sát, tỉnh Lào Cai, rồi chảy sang tỉnh Yên Bái, xuống Phú Thọ, qua Vĩnh Phúc, băng ngang phía bắc thành phố Hà Nội, men theo ranh giới tỉnh Hưng Yên và Hà Nam, xuôi về miền quê lúa Thái Bình, ôm lấy mấy huyện của tỉnh Nam Định trước khi thong dong đổ ra cửa biển Ba Lạt. Hệ thống chi lưu sông Hồng chằng chịt cuồn cuộn ngầu đỏ phù sa nuôi sống cả vùng châu thổ rộng lớn, tạo nên bản sắc riêng có của nền văn hóa lúa nước giàu âm điệu của dân tộc Đại Việt từ mấy ngàn năm trước.
 
Theo cuốn Địa chí tỉnh Vĩnh Phú, do Ty Văn hóa Vĩnh Phú, xuất bản năm 1974, thì đoạn mang tên sông Hồng được tính từ điểm hòa nước của sông Thao, sông Đà, sông Lô và các sông suối lớn nhỏ khác tại Ngã ba Hạc, tức Bạch Hạc, ngã ba Việt Trì ngày nay rồi dung dăng chảy về xuôi. Từ đây trở đi, dòng sông mới chính thức mang tên sông Hồng (Nhĩ Hà). Thời xa xưa, sông này còn có tên Diệp Du, cuối thời nhà Lê đầu thời nhà Nguyễn gọi là sông Bạch Hạc; đoạn từ Yên Lãng đến Hải Bối (thuộc Hà Nội) gọi là sông Tráng Việt; lại có tên Phú Lương; từ Hải Bối trở đi mới gọi là sông Nhị, hoặc Nhĩ Hà.
 
Ngã ba Hạc xa xưa còn có tên nữa là Tam Giang. Đời nhà Trần đặt làm lộ Tam Giang; thời thuộc Minh đặt phủ Tam Giang, đều có gốc từ đây - nơi có ba dòng sông lớn đổ nước vào hòa làm một.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho chạm hình tượng sông Hồng (Nhĩ Hà) lên Tuyên đỉnh.
 
Sông Hồng có nhiều đoạn, nhiều bãi bồi, bãi cạn từng diễn ra những trận đánh giữ nước oanh liệt của dân tộc ta suốt hơn ngàn năm chống giặc phương Bắc xâm lược. Nổi tiếng nhất là trận Đông Bộ Đầu (gần Long Biên ngày nay) vào năm 1258, chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất. Sông Hồng được các nhà khoa học quân sự xem như trời ban cho một hệ thống hào rãnh tự nhiên để bảo vệ Kinh thành Thăng Long trước các cuộc tấn công của kẻ thù. Sông Hồng hiền hòa bồi đắp phù sa; sông Hồng quật khởi và oai hùng, khát vọng và là niềm tự hào, nguồn cảm hứng vô tận về sáng tạo nghệ thuật của các văn nhân, nghệ sĩ Việt Nam. Có thể nói sông Hồng là dòng sông chủ của nước Việt ta tự bao đời nay.
 
(Còn nữa)
 
Dương Phước Thu
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.063.111
Đang truy cập 4.549