Tìm kiếm tin tức
Thừa Thiên Huế tìm giải pháp bảo tồn phố cổ Bao Vinh
Ngày cập nhật 14/09/2020

Khu phố cổ Bao Vinh nằm cách trung tâm thành phố Huế 3km, từng là một thương cảng nhộn nhịp bậc nhất cố đô Huế. Hệ thống nhà cổ cùng lối kiến trúc độc đáo của phố cổ Bao Vinh gần như bị “bỏ quên” suốt mấy chục năm nay.

Phố cổ Bao Vinh, nay thuộc xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà là một khu phố cổ nằm ven sông, với kiến trúc nhà cổ độc đáo. Trải qua hơn 2 thế kỷ tồn tại, những ngôi nhà cổ bị mục nát và mất dần theo thời gian. Năm 1991, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã khảo sát và quy hoạch khu phố cổ Bao Vinh. Vào thời điểm đó, nơi đây còn 39 ngôi nhà cổ. Ban đầu, những ngôi nhà cổ này dự định sẽ được bảo tồn nhằm phát huy giá trị của kiến trúc nhà cổ truyền thống ở Huế cũng như đưa vào khai thác du lịch.
 
Đến năm 2003, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt “Quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy đô thị phố cổ Bao Vinh” thì khu phố cổ này chỉ còn lại 17 nhà. Đến nay, toàn bộ khu phố chỉ còn 13 ngôi nhà cổ. Vì sao những ngôi nhà cổ cứ mất dần?.
 
Phố cổ Bao Vinh
 
Ông Lê Quang Chất, người dân ở khu phố Bao Vinh cho rằng, những ngôi nhà nơi đây đã tồn tại hàng trăm nên bị mối, mọt, ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Hơn nữa, vùng đất Bao Vinh thường xuyên bị ngập lụt nên người dân đành cơi nới, dỡ bỏ để xây nhà mới. Hiện, những ngôi nhà cổ còn lại đều hàng trăm tuổi, đang trong tình trạng mục nát, xuống cấp.
 
Ông Lê Quang Chất cho biết, chủ nhân của những ngôi nhà cổ này không đủ khả năng để “bảo tồn” theo nguyên trạng.
 
"Năm 2003 đã có chiến lược để xây dựng phố cổ Bao Vinh, nhưng không hiểu vì sao, kéo dài đến bây giờ. Trong 20 năm trước thì tất cả người dân Bao Vinh rất phấn khởi trong vấn đề bảo tồn di sản. Nhưng chờ đợi hoài người ta cũng chán nản, rồi cộng theo cuộc sống hằng ngày bị cuốn hút vào vòng xoáy kinh tế. Ai cũng nghĩ đến chuyện làm ăn, sinh sống thôi chứ không nghĩ đến chuyện xây nhà cổ nữa. Trong thời gian dài đó thì đánh mất rất nhiều", ông Chất cho hay.
 
Dãy nhà bên sông thiết kế theo nhà cổ tứ giác ở phố cổ Bao Vinh
 
Phố cổ Bao Vinh tồn tại từ thế kỷ 19 đến nay, từng là thương cảng sầm uất nổi tiếng với những công trình cổ có giá trị về lịch sử văn hoá... Xét về mặt kiến trúc, phố cổ Bao Vinh được tạo nên từ những căn nhà rường cổ kiểu phố chợ, sườn gỗ, mái ngói thấp. Nhà thường có ba gian chính, cửa đi ở giữa, hai bên là cửa hàng.
 
Dãy nhà bên sông thì thiết kế theo nhà cổ tứ giác, mặt quay ra bờ sông. Theo thời gian cùng những biến cố lịch sử, Bao Vinh mất dần tầm quan trọng và việc bảo tồn dường như đi vào quên lãng. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tính đến chuyện bảo tồn phố cổ Bao Vinh nhiều năm nay nhưng nguồn lực đầu tư có hạn nên chưa thực hiện được.
 
Phố cổ Bao Vinh nhìn từ sông Hương
 
Ông Trương Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho biết, nhiều năm qua, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng đã nỗ lực vận động, tuyên truyền người dân bảo tồn nhà cổ. Tuy nhiên, nhiều gia đình vì kinh tế khó khăn, không có điều kiện tu sửa những căn nhà cổ theo nguyên bản, trong khi nhà đang hư hỏng, chờ sập… đành dỡ bỏ, xây lại.
 
"Trong giai đoạn 1, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá, khảo sát số lượng nhà dọc bờ sông Hương tại phố cổ Bao Vinh để tiến hành di dời đến nơi ở mới và tái lập bằng lại cho phố cổ Bao Vinh. Về công tác cảnh quan, chúng tôi đang đề xuất phục hồi lại một số hạng mục như bến đò, bãi đỗ xe,… ", ông Giàu thông tin.
 
 
Những ngôi nhà cổ còn sót lại ở phố cổ Bao Vinh
 
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã họp với đại diện các sở, ngành và chính quyền thị xã Hương Trà bàn biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị phố cổ Bao Vinh. Ông Nguyễn Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cho biết, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thống nhất đưa dự án Chỉnh trang phố cổ Bao Vinh vào danh mục dự án mới ưu tiên đầu tư công trong kế hoạch trung hạn, giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng, trong đó 38 tỷ đồng đầu tư cho các thiết kế hạ tầng, còn 12 tỷ đồng sẽ di dời một số hộ dân và xây dựng các bến thuyền dọc sông Hương. Theo ông Hùng, khi dự án này thực hiện thành công thì phố cổ Bao Vinh cũng là điểm du lịch, nằm trong quần thể di tích Huế và sẽ tạo ra một điểm đến hấp dẫn đối với du khách khi về tham quan tại Thừa Thiên Huế.
 
"Theo kết luận 52 của Chủ tịch UBND tỉnh riêng về việc hỗ trợ trùng tu các nhà rường cổ này giao cho UBND thị xã Hương Trà phối hợp với các sở ban, ngành sẽ xây dựng đề án trùng tu các nhà cổ này với một chính sách như Đề án trùng tu nhà rường ở Huế. Cái thứ 2 là một đề án về các thiết chế hạ tầng cơ sở chúng tôi phải rà soát, điều chỉnh quy hoạch và đầu tư một số các thiết chế về hạ tầng trong khu phố cổ này", ông Nguyễn Duy Hùng cho hay./.
 
Theo Lê Hiếu
Theo: vov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 56.276