Tìm kiếm tin tức
Châu Á thận trọng mở cửa du lịch
Ngày cập nhật 24/09/2020

Các số liệu mới nhất của Liên Hiệp Quốc cho thấy, các quốc gia châu Á rất quyết đoán và nhanh chóng trong việc đóng cửa biên giới để phòng chống Covid-19 và rất thận trọng trong việc mở cửa trở lại đón du khách. Tình trạng này càng làm tăng áp lực kéo dài đối với những nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào du khách quốc tế.

Du khách đeo khẩu trang trên một chiếc ca nô bên chân cầu Rialto Bridge ở Venice. Mặc dù Ý và các nước châu Âu khác bị dịch bệnh càn quét, nhiều nước đã mở cửa lại cho du khách. Ảnh: Reuters
 
Châu Á: Hơn 60% vẫn hoàn toàn đóng cửa
 
Tính đến ngày 1-9, có đến 28 quốc gia và lãnh thổ ở vùng châu Á - Thái Bình Dương, tức tỷ lệ 61%, vẫn còn hoàn toàn đóng cửa với du khách nước ngoài, theo khảo sát của Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc (UNWTO). Con số này vượt xa tỷ lệ 17% của các điểm đến châu Âu, vượt luôn con số 41% của châu Mỹ và 51% của châu Phi. Trên mức độ toàn cầu, 43% trong số 215 điểm đến được khảo sát vẫn còn đóng cửa biên giới, không cho phép du khách lai vãng.
 
“Các điểm đến châu Á - Thái Bình Dương đang mất nhiều thời gian hơn để gỡ bớt các hạn chế đi lại”, UNWTO chỉ rõ trong bản báo cáo công bố vào đầu tháng 9. “Điều này rất đáng chú ý bởi các điểm đến khu vực là những nơi đầu tiên ban hành các hạn chế đi lại ngay từ khi đại dịch bùng phát”.
 
Trong số 27 điểm đến đóng cửa hoàn toàn trên 30 tuần, tức hơn 7 tháng, 19 điểm thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, báo cáo của UNWTO ghi nhận.
 
Nhiều nước châu Âu đã khôi phục du lịch xuyên biên giới nội khu EU vào tháng 6 vừa rồi, trước mùa du lịch cao điểm hè, và trước khi cho phép du khách từ các nước ngoài châu Âu được phép nhập cảnh. Kể từ khi các nước châu Âu trong khối Schengen mở cửa biên giới, khôi phục du lịch có lẽ cần thực hiện sớm hơn bất kỳ nơi nào khác.
 
Trong khi đó, các nước châu Á vẫn hoàn toàn đóng cửa, bao gồm các thị trường du lịch hàng đầu đang ghi nhận các ca nhiễm mới hàng ngày rất thấp, như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
 
Thái Lan thu hút gần 40 triệu lượt khách quốc tế trong năm ngoái và du lịch đóng góp khoảng 10% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Xứ sở chùa Vàng đang trông chờ vào việc mở trở lại hòn đảo du lịch nổi tiếng Phuket đối với một lượng khách giới hạn sớm nhất vào đầu tháng 10 tới. Nhưng sau khi quốc gia này phá kỷ lục 100 ngày không có ca nhiễm cộng đồng, việc mở cửa Phuket đón khách trở lại vẫn là bất định.
 
Việt Nam trong tuần rồi bắt đầu khôi phục một vài đường bay quốc tế ở châu Á – đầu tiên là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc – nhưng chỉ dành cho công dân Việt Nam, nhà ngoại giao, doanh nhân, du học sinh và một số đối tượng khách chọn lọc.
 
Các hãng lữ hành địa phương nói du khách quốc tế khó có thể quay lại Việt Nam trước tháng 12. Các nhà phân tích nói Việt Nam vẫn rất thận trọng trong việc mở cửa sau đợt dịch bùng phát ở Đà Nẵng.
 
Malaysia, một trong những nước đầu tiên đóng cửa biên giới, có thể sẽ không cho phép du khách nước ngoài cho đến quý 2-2021, Bộ trưởng Du lịch Nancy Shukri phát biểu với Nikkei Asian Review.
 
Trong một vài trường hợp, chính phủ các nước vẫn mong dựa vào nguồn khách nội địa để vực dậy ngành du lịch trong nước, giảm mức độ cấp thiết để mở cửa cho du khách bên ngoài. Nhiều nước “thích tập trung vào du lịch nội địa và hàng không nội địa vốn hồi phục tương đối tốt” – theo nhận xét của nhà phân tích hàng không độc lập Brendan Sobie.
 
Sobie cũng cho rằng các ổ dịch nhỏ hay làn sóng bùng phát dịch lần thứ hai ở một vài nước buộc họ phải suy nghĩ cặn kẽ về chuyện đẩy toàn bộ dân số gặp nguy cơ trước các mầm bệnh nhập khẩu theo những đợt du khách. Các nước có tỷ lệ nhiễm bệnh cao – chẳng hạn như Ấn Độ, Indonesia và Philippines – gặp những chướng ngại lớn hơn trong việc mở cửa trở lại. Số ca nhiễm còn trên 3.000 ca mỗi ngày đã khiến Indonesia “đóng băng” kế hoạch mở cửa cho du khách đến Bali vào ngày 11-9 vừa rồi.
 
 
Các quốc gia đã gỡ bỏ (màu nâu) và chưa bỏ hạn chế du lịch (màu xám) tính đến 1-9-2020. Nguồn: UNWTO
 
“Quốc gia dũng cảm” đương đầu với vấn nạn mở cửa
 
Ít nhất có một quốc gia châu Á - Thái Bình Dương rất dũng cảm khi mở cửa trở lại – đó là Maldives. Nhưng quần đảo du lịch ở Ấn Độ Dương này buộc phải thắt chặt các quy định. Maldives mở cửa cho du khách vào ngày 15-7. Sau khi các ca nhiễm tăng vọt, trong tháng này chính phủ đảo quốc này mới ra sắc lệnh buộc du khách nhập cảnh phải trình bằng chứng xác nhận rằng xét nghiệm Covid-19 là âm tính.
 
Báo chí địa phương nói chỉ có khoảng 5.200 du khách đến Maldives kể từ giữa tháng 7. Đây chỉ là con số nhỏ nhoi của số lượt khách 1,5 triệu trong những năm qua. Một trong những quan tâm lớn nhất là thậm chí ở những nơi tỉ lệ nhiễm bệnh rất thấp, du lịch có thể dẫn đến Covid-19 bùng phát trở lại, làm hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã yếu hơn trong mùa dịch không thể chống đỡ.
 
Trong bản báo cáo, UNWTO nhấn mạnh “tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe và vệ sinh trong việc gỡ bỏ bớt các hạn chế du lịch”. Báo cáo cũng ghi nhận rằng phần lớn các điểm nới lỏng các quy định có tiêu chuẩn y tế cao hơn.
 
Chính phủ các nước sẽ tiếp tục lâm thế “tiến thoái lưỡng nan” giữa các nhu cầu phát triển kinh tế và quan tâm về an toàn trong tương lai gần. Và mở cửa biên giới không phải là giải pháp cho ngành du lịch. Hàn Quốc chưa bao giờ ban hành lệnh cấm với du khách, ngoài việc khẳng định vào tháng 4 rằng du khách phải được cách ly y tế hai tuần. Theo số liệu của Văn phòng Du lịch Hàn Quốc, số lượt khách đến vẫn giảm 95,8% trong năm tính đến cuối tháng 7 vừa rồi.
 
Mối bận tâm của du khách về dịch bệnh, các hạn chế ở quốc gia xuất phát, sự thay đổi luật lệ và gánh nặng tài chính và thời gian của việc cách ly y tế là những trở ngại. Thế nhưng, UNWTO cho rằng có thể khởi động du lịch giải trí, thúc giục chính phủ các nước thiết lập cơ chế bảo vệ an toàn cần thiết khi mở cửa trở lại biên giới. Xét nghiệm tại sân bay và các phần mềm ứng dụng truy vết dành cho du khách là những đề nghị của bản báo cáo UNWTO.
 
Ngoài việc ghi nhận việc xét nghiệm và các công nghệ khác đang cải thiện, Sobie mong rằng các nước châu Á bắt đầu xem xét mở cửa hạn chế, hay còn gọi là “bong bóng du lịch”, cho các du khách giải trí. “Nhưng đó là quá trình rất chậm chạp. Tôi nghĩ rằng một nước nào đó cần phải đi tiên phong”, Sobie nói. Ông cho rằng Singapore có thể là người mở đường bởi đảo quốc nhỏ bé này không có mảng du lịch nội địa. “Nếu mô hình thành công, các nước khác sẽ bắt đầu chú ý đến”, Sobie nhấn mạnh.
 
Ricky Hồ
Theo: doanhnghiephoinhap.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 9.185