Tìm kiếm tin tức
Nỗ lực tối đa đảm bảo Thừa Thiên Huế là điểm đến an toàn
Ngày cập nhật 16/02/2021

Vượt qua khó khăn thách thức, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp hiện nay, nhưng chúng tôi tập trung xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW, nỗ lực tối đa đảm bảo Thừa Thiên Huế là điểm đến an toàn cho du khách.

Đây là chia sẻ của quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Hữu Minh với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp năm mới Tân Sửu 2021.
 
Phóng viên: Trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, đồng chí có thể chia sẻ đôi nét về cách thức ứng phó của ngành và kết quả năm 2020?
 
Đồng chí Lê Hữu Minh: Do ảnh hưởng của COVID-19, năm 2020, tổng lượt khách đến Huế ước đạt 1,687 triệu lượt, giảm gần 65% (trong đó, khách quốc tế ước đạt 558,841 nghìn lượt, giảm gần 75%), doanh thu từ du lịch ước đạt 3.839 tỷ đồng, giảm 66%.
 
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành du lịch đã chủ động tham mưu các giải pháp, chính sách kịp thời, vừa phát triển kinh tế ngành vừa đảm bảo an toàn trong kiểm soát dịch bệnh, tham mưu chính sách miễn, giảm phí tham quan các điểm di tích, kết nối các gói kích cầu của doanh nghiệp, gói hỗ trợ doanh nghiệp du lịch dịch vụ như giảm thuế thuê đất, điện, nước, tổ chức ký liên kết các chính sách thực hiện 3 địa phương - 1 điểm đến, góp phần phục hồi thị trường khách du lịch nội địa.
 
Đồng chí Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế (Ảnh: Thùy Giang)
 
Ngay trong những ngày đầu năm nay, khi dịch bệnh bùng phát trở lại ở Hải Dương và Quảng Ninh, sở đã tích cực phối hợp với các ban, ngành tham gia điều tra, truy vết người tiếp xúc gần với bệnh nhân, rà soát, báo cáo tình hình và cung cấp số liệu, danh sách khách du lịch đến từ vùng dịch, khách đặt phòng lưu trú hàng ngày trên địa bàn cho UBND tỉnh, cơ quan Y tế để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và tiến hành cách ly theo đúng quy định.
 
Trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép, nhiều thói quen, hành vi và xu hướng sử dụng dịch vụ du lịch thay đổi cơ bản. Sau quá trình cách ly và giãn cách xã hội, thu nhập của những người có nhu cầu du lịch giảm sút, sự quan tâm đến vấn đề an toàn sức khỏe được nâng lên, thói quen và khả năng thực hiện các giao dịch bằng nền tảng trực tuyến được hình thành. Do đó, nhiệm vụ xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ du lịch được tập trung hoàn thiện và phát triển, đáp ứng tức thời trong bối cảnh tình hình bình thường mới.
 
Sở chủ động xây dựng công cụ Bản đồ du lịch Huế an toàn (Hue Blue Map) để tổng hợp, chỉ dẫn các điểm đến, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch đã đảm bảo các yếu tố an toàn theo đúng nội dung các bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch để đưa lên cổng thông tin điện tử du lịch tỉnh (visithue.vn) và ứng dụng trên di động Hue-S cũng như gửi đến các đơn vị lữ hành ngoài tỉnh và công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
 
Cũng do dịch bệnh, tổng số các đơn vị lữ hành và văn phòng, đại lý du lịch ngừng hoạt động trong năm 2020 là 24, nhiều đơn vị khác hoạt động cầm chừng, nhân viên nghỉ việc. Gần 80% đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú ngừng hoạt động khiến doanh thu giảm hơn 80% so với cùng kỳ 2019.
 
Căn cứ tình hình thực tiễn, Sở đã tham mưu xây dựng và triển khai Kế hoạch đánh giá việc thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, phối hợp triển khai thực hiện khai báo sức khỏe đối với khách du lịch tạm trú qua địa chỉ: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn/luutru và tổng hợp tờ khai y tế gửi sở Y tế.
 
Phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra các cơ sở lưu trú đủ điều kiện cách ly y tế, ban hành 06 kế hoạch, văn bản phổ biến pháp luật để thực hiện, nâng cao công tác thi hành pháp luật, đặc biệt là công tác tuyên truyền pháp luật trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo Thừa Thiên Huế là điểm đến an toàn.
 
Phóng viên: Trọng tâm năm 2021 là triển khai các giải pháp phục hồi và cơ cấu lại ngành du lịch, nhất là thị trường khách và sản phẩm. Vậy kế hoạch kinh doanh của ngành nhằm góp phần đưa Thừa Thiên Huế phát triển mạnh mẽ theo đúng tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị là gì?
 
Đồng chí Lê Hữu Minh: Lãnh đạo sở xác định tiếp tục xây dựng và phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tập trung xây dựng thương hiệu du lịch "Huế - thành phố của lễ hội", "Huế - Kinh đô ẩm thực" và "Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam", tạo động lực nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trọng tâm năm 2021 là xây dựng chiến lược dài hạn cũng như đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá với nhiều hình thức mới, nhất là quảng bá trực tuyến trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp.
 
Vẫn là chủ đề đối phó với COVID-19, nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát tốt cả trong nước và quốc tế, du lịch Thừa Thiên Huế dự kiến đón khoảng 1,7 - 2 triệu lượt khách (chủ yếu là khách nội địa), bằng hoặc khả năng tăng 10% so với cùng kỳ, doanh thu ước khoảng 3.800 - 4.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
 
Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trong nước nhưng nhiều khu vực trên thế giới chỉ mở cửa cho 1 số thị trường gần, đã tương đối an toàn phòng dịch, thì dự ước năm 2021 đón khoảng 3 - 3,5 triệu lượt khách (khách nội địa chiếm khoảng 80%), tăng hơn 75% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước 6.500 - 7.000 tỷ đồng, tăng 60 - 70% so với cùng kỳ. Phương án này tương đối khả quan, các chính sách, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sẽ xoay quanh trục này.
 
Huế - thành phố Festival, thành phố văn hóa của ASEAN, trung tâm văn hóa, du lịch lớn của cả nước (Ảnh: Anh Tuấn)
 
Còn nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trong nước và trên thế giới nhờ có vắc xin, chúng tôi dự kiến đón khoảng 4 - 4,5 triệu lượt khách (khách nội địa chiếm khoảng 70-80%), gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt hơn 8.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.
 
Trên cơ sở Nghị quyết 54-NQ/TW, các Chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh, các chương trình hành động, Nghị quyết, Quyết định của tỉnh về quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch, ngành du lịch Thừa Thiên Huế tập trung triển khai quy hoạch tổng thể, phân khu các khu, điểm du lịch có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch trên địa bàn, đề xuất xây dựng quy hoạch phát triển du lịch đường thủy trên sông và đầm phá, biển và chính sách hỗ trợ liên quan.
 
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng chiến lược quảng bá điểm đến du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025 với nguồn lực đủ mạnh để đạt hiệu quả cao trong việc xây dựng thương hiệu du lịch, hình ảnh và hình thức quảng bá và thu hút du khách hiệu quả phù hợp với bối cảnh mới của ngành du lịch.
 
Nhận thức rõ chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, trong đó có du lịch, nên Thừa Thiên Huế sẽ chú trọng chuyển đối số các dữ liệu phục vụ quản lý; dữ liệu văn hóa, di sản, ẩm thực... phát triển thực tế ảo VR360, xây dựng các loại hình trải nghiệm của du lịch thông minh gắn với quản lý du lịch thông minh.
 
Hoàn thiện và nâng cao chất lượng và khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch truyền thống như Nhã nhạc Cung đình Huế, Ca Huế, xích lô và các trò chơi dân gian nhằm phát huy vai trò Nhã nhạc cung đình Huế - Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, nhất là các đặc trưng văn hóa dân tộc ít người mang đậm bản sắc riêng để phục vụ du lịch.
 
Đầu tư và triển khai các gói hạ tầng: thẻ du lịch thông minh gắn với hạ tầng giao dịch điện tử, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt; triển khai xây dựng các ki-ốt thông minh, ki-ốt thông tin và hỗ trợ du khách (Tourist information centre); hoàn thiện phần mềm quản lý ngành du lịch, đặc biệt là phần mềm quản lý lưu trú dùng chung, dữ liệu liên thông giữa các ngành du lịch, công an, kế hoạch và đầu tư, thống kê, thuế.
 
Xây dựng chiến lược, kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế trong tình hình mới, giai đoạn mới phù hợp với nhu cầu, xu hướng, thị trường du lịch có thay đổi hậu dịch COVID-19.
 
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thực chất và có hiệu quả đối với các đơn vị doanh nghiệp du lịch ở các thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh… để thu hút khách nội địa, chú trọng quảng bá, xúc tiến trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội, Apps du lịch để khách quốc tế dễ truy cập. Tập trung đẩy mạnh quảng bá trên các kênh của hệ thống Visit Hue, phấn đấu tiếp cận 3 - 5 triệu người ngoài tỉnh hàng tháng.
 
Triển khai áp dụng bộ tiêu chí an toàn đối với dịch bệnh COVID-19 để các cơ sở lưu trú, các khu/điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển, nhà hàng, biểu diễn nghệ thuật, giải trí trên địa bàn tỉnh để các đơn vị đảm bảo an toàn trong khai thác, kinh doanh.
 
Ưu tiên triển khai phần mềm quản lý lưu trú thống nhất, liên thông giữa các ngành du lịch, công an, thuế và thống kê, thực hiện áp dụng thẻ du lịch Huế (Hue travel passport) với nhiều chương trình ưu đãi được tích hợp, nhiều sản phẩm và dịch vụ sẽ được thanh toán qua thẻ này để thay thế cho tiền mặt; hình thức thanh toán có thể thực hiện bằng cách quét QR code từ phần mềm Hue-S hoặc quẹt thẻ từ các thiết bị POS, hệ thống vé điện tử cho các loại hình tham quan, du lịch.
 
Phóng viên: Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, bước sang năm 2021, ngành du lịch Thừa Thiên Huế vẫn đang gặp một số khó khăn, thách thức. Cụ thể là gì thưa đồng chí?
 
Đồng chí Lê Hữu Minh: Đúng như câu hỏi của bạn. Du lịch Thừa Thiên Huế vẫn đang gặp một số khó khăn. Đó là chính sách hỗ trợ, kích cầu chưa thực sự hấp dẫn đến các đối tượng tham gia, nhất là các đơn vị trực tiếp đem khách du lịch đến Huế. Sự thiếu đồng bộ, hợp tác chặt chẽ, thống nhất trong các chương trình kích cầu, khuyến mãi của liên minh các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch - dịch vụ.
 
Thị trường khách du lịch rất hạn chế, chủ yếu khách nội địa, trong khi thị trường khách quốc tế đến Huế hầu như không đáng kể.
 
Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật tại một số điểm du lịch vẫn còn thiếu và chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phục vụ và phát triển. Các dịch vụ vui chơi giải trí đã được đầu tư ở một số nơi, tuy nhiên vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu điểm nhấn nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng mà nhu cầu khách du lịch nội địa hiện nay rất cần.
 
Cầu đi bộ gỗ lim Huế siêu sang nằm ven sông Hương từ khi ra đời đến nay đã thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách đến vui chơi, ngắm cảnh, chụp hình, nhất là các bạn trẻ (Ảnh: Khắc Trung)
 
 
Các doanh nghiệp đầu tư, khai thác phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh còn mỏng, năng lực, quy mô doanh nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, dẫn đến năng lực khai thác còn hạn chế về thu hút khách cũng như phát triển các sản phẩm mới.
 
Trong khi đó, việc chủ động xã hội hóa trong việc đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ còn chậm, nhất là khai thác các dịch vụ có quy mô lớn và đẳng cấp trong quần thể di tích cố đô Huế.
 
Môi trường du lịch đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế nhất định. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra tại một số điểm di tích, các bãi biển, sông Hương...; nạn chèo kéo, ăn xin vẫn còn tiếp diễn, cùng với đó là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn cho du khách tại các điểm du lịch sinh thái sông hồ, suối thác đã được khắc phục nhưng vẫn chưa đảm bảo.
 
Phóng viên: Vậy sở có đề xuất, kiến nghị gì với Trung ương cũng như tỉnh để tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian tới?
 
Đồng chí Lê Hữu Minh: Chúng tôi đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn xúc tiến du lịch quốc gia, quan tâm hình ảnh của Thừa Thiên Huế trong các dự án quảng bá Việt Nam ra thế giới, tiếp tục triển khai dự án Camera quảng bá du lịch, hỗ trợ các thủ tục trình Chính phủ công nhận Khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương cũng như bố trí vốn để đầu tư phát triển hạ tầng khung nhằm phát triển Khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương theo kế hoạch.
 
Với 39 biên chế (bao gồm cả Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch), trụ sở làm việc chưa thực sự ổn định, Sở mong muốn lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo bổ sung biên chế công chức, viên chức nhằm hoàn thiện bộ máy tổ chức, đáp ứng nhu cầu công việc ngày càng cao, đặc biệt trong giai đoạn tỉnh đang tập trung các dự án trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ.
 
Có chủ trương phân công trách nhiệm cụ thể hơn đối với sở quản lý chuyên ngành trong việc chủ trì đề xuất về quy hoạch ngành, danh mục đầu tư công, đầu tư ngoài ngân sách đối với lĩnh vực du lịch trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng các nội dung đề xuất.
 
Tin tưởng rằng, với tập thể Ban Giám đốc và cán bộ, người lao động đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế sẽ vẫn không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, để hình ảnh một Thừa Thiên Huế giàu đẹp, phong cảnh hữu tình, con người hiền hòa, mến khách với nền văn hóa truyền thống đậm đà... tiếp tục cất cánh trong không khí cả nước đang tích cực thi đua lập thành tích chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.
 
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Anh Tuấn
Theo: dangcongsan.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.955.856
Đang truy cập 31.960