Tìm kiếm tin tức
Phát hiện bảng tên cửa Đoan Gia ở Lục Viện trong Tử Cấm Thành - Đại Nội Huế
Ngày cập nhật 06/04/2021

Lục Viện bao gồm các viện được các vua nhà Nguyễn cho lần lượt xây dựng làm nơi ăn ở cho các bà phi tần trong Tử Cấm Thành.

Lục Viện là bao gồm 6 viện nên mới có tên gọi này. Tra cứu trong sử nhà Nguyễn thì Lục Viện không phải chỉ có 6 viện dành cho cung tần mỹ nữ mà tùy theo từng thời kỳ số lượng các viện không giống nhau, nhiều nhất là dưới thời Thiệu Trị có đến 11 viện và 1 điện. Lục Viện là khu vực để cho các cung phi mỹ nữ ở nhưng không phải lúc nào cũng có 6 viện. Dưới thời Gia Long, Lục Viện chỉ có viện Thuận Huy và điện Trinh Minh (xây năm 1810 dành cho các bà Nhất, Nhị giai phi), thời Minh Mạng có 6 viện, đến đầu thời Thiệu Trị sau khi xây thêm hai viện Đoan Thuận, Đoan Hòa (1843) thời điểm này Lục Viện đã lên đến 11 viện và điện Trinh Minh. Bao gồm:
​- Thuận Huy Viện
​- Tần Trang Viện
​- Lý Thuận Viện
​- Đoan Huy Viện
​- Đoan Trang Viện
​- Đoan Tường Viện
​- Đoan Chính Viện
​- Đoan Thuận Viện
​- Đoan Hòa Viện
​- Đông Tòng Viện
​- Tây Tòng Viện
​Nếu tính cả điện Trinh Minh chỗ ở dành cho các bà Nhất, Nhị giai phi, thì Lục Viện cũng có số lượng là 12 cung, viện tương tự như Lục Viện của Tử Cấm Thành - Bắc Kinh. Điều này cũng phù hợp với kiến trúc trong Hoàng cung thường lấy con số 9 làm qui chế xây dựng, ở Lục Viện lại dùng số 6 phù hợp với cách nói "hậu lập lục cung".
​Sử triều Nguyễn cho biết, năm Gia Long thứ 9 (1810), dựng viện Thuận Huy ở phía tây của sân sau điện Càn Thành, dành cho các bà Tần (tam và tứ giai Tần) ở. Hơn 10 năm sau, vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821), mới tiếp tục cho dựng viện Đoan Trang, hướng tây, viện có 5 cửa là: Đoan Gia, Ngưng Thụy, Thừa Ân, Phồn Chỉ, Diễn Phúc. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), lại dựng tiếp viện Đoan Tường, hướng đông, viện có 5 cửa là: Tường Giai, Tăng Thụy, Đàm Ân, Gia Chỉ, Tích Phúc. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), cho dựng viện Đoan Huy theo hướng nam, nằm ở phía bắc hiên tây, ngay phía tây điện Cao Minh Trung Chính.
​ Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), cùng với việc cho sửa chữa điện Trinh Minh chỗ ở của các bà Nhất, Nhị giai phi, vua Minh Mạng cho sửa lại viện Thuận Huy, lợp lại mái, do Giám tu Trần Văn Cường, Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Văn Bảng, Chuyên biện là Vệ úy Vũ Văn Từ, Hoàng Văn Trạm, Phó vệ úy Lê Văn Thảo, Bùi Công Huyên, Thự phó Vệ uý Quách Đạo Lâm phụ trách, làm xong đều được thưởng. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), viện Thuận Huy lại được tu bổ và cho làm thêm cửa kính. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), cho dựng lại viện Đoan Trang và sửa chữa 2 viện Đoan Chính, Đoan Tường.
​Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), cho làm viện Lý Thuận trong Đại Nội. Đến năm Minh Mạng thứ 22 (1841, chưa đổi sang Thiệu Trị nguyên niên), dỡ bỏ 2 viện Lý Thuận và Đoan Trang dời vào làm ở vườn Vĩnh Trạch sau cung, gọi là tả hữu tòng viện; nhà hậu đường gọi là đông tây tòng viện để làm chỗ ở cho các cung nhân của triều trước.
​Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), dựng viện Đoan Thuận nằm ở bên trong cửa Gia Tường, phía bắc của trường lang. Viện Đoan Thuận xây hướng nam, có 7 cửa là: Hanh Cát, Đoan Trinh, Phúc Khánh, Gia Trinh, An Hòa, Tích Phúc, Đàm Trạch. Đến năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), dựng viện Đoan Hòa trên nền cũ của viện Lý Thuận bên trong cửa Gia Tường, phía nam trường lang. Viện Đoan Hòa xây hướng bắc, có 7 cửa là: Tuy Hòa, Lý Hòa, Túc Hòa, Đức Hòa, Đôn Hòa, Trinh Hòa, Thuần Hòa.
Sau biến cố tháng 2/1947, khu gọi là  Lục Viện đã bị sụp đỗ và cháy hoàn toàn được ông Nguyễn Bá Chí, chuyên viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) báo cáo trong bản tường trình về tình trạng Hoàng cung ở Huế.
 
 
Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiến hành làm vệ sinh cảnh quan trong khu vực Lục Viện, đã phát hiện được một bảng tên với kích thước 90x33 cm, dày 8,5 cm của một trong các cửa để đi vào khu Lục Viện đó là cửa Đoan Gia. Cửa này đã được sử sách ghi lại rất cụ thể trong quá trình xây dựng và mở rộng khu Lục Viện.  Đây là hiện vật còn sót lại rất quan trọng, giúp cho chúng ta trong quá trình nghiên cứu về cuộc sống và phân khu trong khuôn viên Lục Viện. Hiện nay, tấm bảng mang tên cửa Đoan Gia được chuyển về lưu trữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu và bảo tồn khu vực Lục Viện trong tương lai.
Theo: TTBTDT cố đô Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 62.126