Tìm kiếm tin tức
Bảo tồn thơ văn trên điện Thái Hòa khi trùng tu tổng thể
Ngày cập nhật 19/07/2021
Là ngôi điện quan trọng nhất trong không gian của Hoàng thành và thiết chế chính trị của triều đình nhà Nguyễn, việc trùng tu tổng thể điện Thái Hoà được nhiều người quan tâm, trong đó có việc bảo tồn hệ thống thơ văn trên kiến trúc ngôi điện này khi hạ giải để trùng tu tổng thể.
Thơ văn trên điện Thái Hòa
 
Điện Thái Hoà là nơi hoàng đế cử hành lễ đại triều để giải quyết chính sự hoặc tổ chức những nghi lễ quan trọng nhất của triều đình, được xây dựng năm 1805 dưới thời vua Gia Long. Đến thời vua Minh Mạng (1833), điện Thái Hoà được trùng tu toàn bộ và chuyển dịch về vị trí hiện tại. Đây là ngôi điện nguy nga nhất của Hoàng thành còn lại khá nguyên vẹn cho đến hôm nay và có thể xem như một công trình kiến trúc chuẩn mực về sự đăng đối hài hoà, dáng vẻ uy nghi bề thế, nét lộng lẫy hào hoa… Đặc biệt nhất là cách trang trí theo phong cách “nhất thi nhất họa” rất đặc trưng của thời Nguyễn.
 
Thơ chạm khắc trên gỗ ở nội thất điện Thái Hoà có 248 ô, thơ tráng trên pháp lam trang trí ở cổ diềm có 53 ô. Đi liền với hàng trăm bài thơ là các mô típ trang trí “nhất thi nhất họa”, “nhất thi nhất tự” được bố trí cả ở nội thất và ngoại thất, ở tiền điện, hậu điện, tại các vị trí bờ nóc, cổ diềm, liên ba. Vừa là bộ mặt hành chính vừa đóng vai trò quan yếu nhất trong đối nội và đối ngoại, nên những biểu hiện ngay tại quy mô cấu trúc của điện Thái Hoà cũng thể hiện rất rõ tính trật tự, tôn ti của xã hội, đặc biệt là những bài thơ trang trí trên điện cũng mang ý nghĩa chính trị tương đương.
 
Theo bà Lê Thị An Hoà, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thơ ở trên pháp lam chủ yếu là những bài thơ tả cảnh thuần tuý, ca ngợi sắc xuân, cảnh xuân, gắn bó với nguyện vọng được mùa, cây trái sum suê, cỏ hoa mơn mởn.
 
Thơ trong nội thất điện phần lớn mang nội dung tuyên ngôn của một triều đại, một đất nước độc lập tự chủ trong bang giao với nước ngoài hay các chủ đề về các vấn đề chính trị, xã hội.
 
Thơ văn trên điện Thái Hòa đa số là những bài thơ của vua Minh Mạng
 
Triều Nguyễn gửi gắm vào các ô thơ trang trí trong điện như những lời tuyên ngôn của triều đại, khẳng định chủ quyền đất nước cũng như khả năng xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc của dân tộc. Ca ngợi sự thịnh trị của triều đại và công lao của các bậc đế vương đã mở mang bờ cõi, đem đến nền độc lập cho Nhân dân; ca ngợi thành quả của nền chính trị, giáo hóa đặt nền tảng từ tư tưởng trung hoà và chí đức. Thơ văn ở đây còn ngợi ca đất nước dưới một triều đại quy củ, có tôn ti, trật tự, lễ nhạc vượt tất cả các triều đại trước.
 
Thơ ở điện Thái Hoà còn có tính chất châm ngôn, là phương châm rèn luyện của vua quan. Bên cạnh đó, nhà vua còn gửi gắm ước mơ vào câu thơ với mong muốn thái bình thịnh vượng, đề cao chủ trương trọng nông, thể hiện ước vọng chinh phục tự nhiên, điều hòa thủy hạn, mùa màng bội thu, dân cư an lạc.
 
Với nghệ thuật chạm khắc nổi bật, phần lớn những bài thơ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tìm ra được trên hệ thống thơ văn trong điện Thái Hoà đều của vua Minh Mạng, được lưu trong “Ngự chế thi”.
 
Giữa điện Thái Hòa có bài thơ nổi tiếng “Văn hiến thiên niên quốc” ca ngợi đất nước nghìn năm văn hiến: “Nước ngàn năm văn hiến/Đất vạn dặm hợp cùng/Đã mở mang lớn mạnh/Đường Ngu ở Nam phương”.
 
Hay bài “Thái bình tân chế độ” mong muốn đất nước thái bình, thịnh vượng: “Thái bình chế độ mới/Rộng mở quy mô xưa/Văn vật lừng danh tiếng/Gió xuân khắp Đế đô”.
 
Những giá trị đặc biệt của hệ thống thơ văn trên điện Thái Hoà khiến các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm việc bảo vệ chúng trong quá trình hạ giải, trùng tu tổng thể sắp tới. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa lưu ý: “Điện Thái Hòa ngoài giá trị lịch sử, giá trị về nghệ thuật kiến trúc, còn chứa đựng một phần thơ văn kiến trúc cung đình đã được công nhận là di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đáng lưu ý là, ở nội thất chỉ có 115 bài nguyên vẹn, 3 bài bị mất chữ hoặc chưa xác định được chữ; ở ngoại thất chỉ có 64 bài nguyên vẹn, 10 bài mất toàn bộ, 9 bài mất một số chữ hoặc chưa xác định được chữ. Vì vậy, cần có một hạng mục riêng về tu bổ, phục hồi hệ thống “nhất thi nhất họa”, “nhất thi nhất tự” trong kiến trúc điện Thái Hòa”.
 
Ông Hoa cũng quan tâm đến phương thức bảo quản hiện vật đặc biệt này khi hạ giải công trình, phương án bảo vệ, tu bổ, phục hồi các bài thơ và họa tiết bị mất hoặc hư hỏng. Ngoài ra, cần kết hợp với đợt tu bổ lần này để ghi hình, ghi ảnh, số hóa, phiên âm và dịch nghĩa hệ thống thơ trên kiến trúc điện Thái Hòa.
 
Để phục vụ cho công tác trùng tu tổng thể điện Thái Hoà, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thành lập hội đồng khoa học để đánh giá hiện trạng công trình. Trung tâm đã sao chụp lại toàn bộ cấu kiện liên quan đến điện Thái Hoà, trong đó đặc biệt quan tâm hệ thống thơ văn “nhất thi nhất họa” trên chất liệu gỗ và pháp lam. Việc sao chụp gắn trên bản vẽ mặt cắt của điện Thái Hoà, gắn với từng hình ảnh thơ và hoạ trên mỗi mặt cắt.
 
Bà Lê Thị An Hoà cho hay: “Phòng Nghiên cứu Khoa học và đơn vị trùng tu kiểm tra lại tất cả hệ thống thơ văn ở đây, hiện vật nào bị hỏng, mất chữ đều được sao chụp, ghi chép lại. Chúng tôi đánh dấu cẩn thận, khoa học vị trí của từng ô thơ đi liền với ô hoạ, sắp xếp theo thứ tự để tránh thất lạc hoặc lẫn lộn trong quá trình hạ giải. Những ô thơ bằng pháp lam được hạ giải theo từng mảng rất cẩn thận”.
 
Mỗi ô thơ, ô hoạ là một hiện vật quý nên sau khi hạ giải, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng xây dựng phương án làm kho đảm bảo các yếu tố về môi trường, điều kiện để bảo quản tốt hệ thống thơ văn này, phục vụ cho việc bảo tồn nguyên trạng.
 
Bài: MINH HIỀN - Ảnh: TTBTDTCĐ HUẾ
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 8.165