Tìm kiếm tin tức
Đề xuất thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế
Ngày cập nhật 11/03/2022

Đây là điểm đáng chú ý được nêu trong Dự thảo Nghị định quy định việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi.

 
Để trùng tu, bảo tồn các công trình cố đô Huế đòi hỏi nguồn lực lớn.
 
Theo Bộ Tài chính, với vị thế là cố đô của đất nước, di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của các địa phương, nhân dân trong cả nước và bạn bè quốc tế.
 
Tuy nhiên, để trùng tu, bảo tồn các công trình cố đô, cùng nhiều di sản cấp quốc gia và nhiều công trình đặc thù về văn hóa và cảnh quan thiên nhiên,...đòi hỏi nguồn lực lớn. Cạnh đó, công tác quản lý dự án phức tạp, kéo dài, hoạt động quản lý tài chính cũng cần phải có những đặc thù riêng.
 
Do đó, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế không chỉ góp phần tạo cơ sở để thu hút thêm nguồn lực phục vụ cho công tác trùng tu các di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chưa được NSNN đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ, mà còn giúp khắc phục được những vướng mắc trong quản lý tài chính nếu sử dụng thuần túy nguồn NSNN, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị, phục vụ cho nhân dân trong và ngoài nước, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế.
 
Đáng chú ý, theo Dự thảo Nghị định, Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ quốc gia do Chính phủ thành lập và giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý, nhằm huy động nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được NSNN bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ.
 
Quỹ này dự kiến hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập; không vì mục tiêu lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để hoạt động theo quy định của pháp luật. Quỹ có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính của quỹ theo quy định; tài trợ cho các dự án, đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được NSNN bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ.
 
Về nguồn tài chính của quỹ được lấy từ nguồn hỗ trợ từ NSNN của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (không bao gồm ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế); nguồn đóng góp, viện trợ và tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (bao gồm tự nguyện hoặc tài trợ có mục đích); thu lãi từ tài khoản tiền gửi và các nguồn hợp pháp khác (nếu có).
 
Cũng theo Dự thảo, việc sử dụng tài chính từ quỹ để thực hiện các công trình, hạng mục trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế do nhà nước quản lý và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được NSNN bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ; thực hiện các công trình, hạng mục trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế không do nhà nước quản lý; thực hiện các công trình, hạng mục trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế cụ thể theo yêu cầu của bên tài trợ.
 
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, bộ máy quản lý và điều hành của quỹ hoạt động theo hình thức biệt phái hoặc kiêm nhiệm tham gia Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát và bộ máy điều hành nghiệp vụ. Quỹ bảo tồn di sản Huế dự kiến cũng được quản lý, điều hành theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt.
 
Theo Dự thảo, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có trách nhiệm quản lý Quỹ bảo tồn di sản Huế; phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế; tổ chức huy động hỗ trợ, tài trợ, đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho quỹ; quản lý, giám sát các hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế. UBND tỉnh này còn có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất về việc chấp hành công tác xây dựng kế hoạch thu, chi và quản lý sử dụng quỹ theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo việc công khai thông tin về quỹ theo quy định.
 
Trước đó, tại Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 29/12/2021, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế và cho phép áp dụng theo trình tự thủ tục rút gọn. Việc xây dựng Nghị định cũng là nhằm triển khai Nghị quyết 38/2021/QH15 gày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo: phapluatplus.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.072.160
Đang truy cập 8.886