Tìm kiếm tin tức
Bảo tồn và tôn vinh giá trị nghệ thuật tuồng Huế
Ngày cập nhật 04/05/2022

Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế vừa thực hiện công trình ứng dụng hồ sơ khoa học để chế tác mặt nạ tuồng với mong muốn có được sản phẩm trực quan sinh động dễ đi vào tâm trí của khán giả, góp phần tôn vinh nghệ thuật và bảo tồn, gìn giữ phát huy tài sản văn hóa của dân tộc…

 
Tuồng là một thể loại sân khấu kịch hát truyền thống Việt Nam có lịch sử lâu đời, đặc biệt là trong thời các chúa Nguyễn và vương triều Nhà Nguyễn (thế kỷ XVII-XIX).Tuồng được xem là “quốc kịch” của cả nước, loại hình này đã chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân, là niềm tự hào của văn hóa dân tộc.
 
Năm 1627, Đào Duy Từ là người đầu tiên đã mang về cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên nghệ thuật tuồng (hát bội). Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa Huế, nghệ thuật tuồng Huế đã trải qua 3 thế kỷ phát triển trong dòng truyền thống văn hóa Phú Xuân và phát triển rực rỡ dưới triều đại các vua nhà Nguyễn. Dưới thời vua Tự Đức, hàng trăm vở tuồng đã được sáng tác, hàng trăm đào kép giỏi quy tụ về kinh đô. Vua Đồng Khánh thì mê tuồng đến nỗi đã dùng tên các nhân vật trong vở tuồng ông yêu thích để đặt cho các cung nữ. Còn vua Thành Thái cũng say sưa với nghệ thuật tuồng và rất trọng các đào kép giỏi. Ông không chỉ ban thưởng tiền bạc, mà còn phong tước hiệu cho nhiều bậc thầy hát bội. Vua Khải Định cũng đam mê với tuồng. Ông đã thiết lập hẳn một nơi diễn tuồng riêng tại cung An Định, ban xiêm y tốt cho các đoàn hát, tạo điều kiện cho các tài năng phát triển. Từ sau thời Tự Đức, tuồng Huế dần vượt ra khỏi cung đình và trở thành sân khấu của quần chúng bình dân. Nghệ thuật tuồng từ đó sống và phát triển được nhờ công chúng…
 
 
Mặt nạ tuồng là đạo cụ sân khấu quan trọng nhằm gìn giữ, bảo tồn tuồng Huế.
 
Thế nhưng, hơn chục năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của nhiều loại hình nghệ thuật đương đại, tuồng Huế đang vắng dần khán giả. Theo các nghệ nhân, để níu giữ người xem đến với tuồng cung đình Huế thì chiếc mặt nạ tuồng chính là đạo cụ sân khấu quan trọng bậc nhất, là điểm nhấn tạo nên phần hồn và chất, truyền tải một vẻ đẹp độc đáo của bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống này. Lãnh đạo Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết, việc ứng dụng hồ sơ khoa học cấp cơ sở mặt nạ tuồng Huế vào chế tác mặt nạ tuồng phục vụ Festival Huế được thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của kỳ Festival Huế đã cận kề.
 
Mặt khác, đây cũng là chiến lược để thực hiện trong việc xây dựng không gian trưng bày và trình diễn nghệ thuật kẻ mặt nạ tuồng Huế - hình thức quảng bá sinh động nhất để người dân Huế nói riêng và du khách nói chung thêm hiểu và trân quý nghệ thuật tuồng. Việc chọn lọc mặt nạ tiêu biểu (52 cái trong tổng số 152 mặt nạ trong hồ sơ “Mặt nạ tuồng Huế”) là bước đầu tiên trước khi tiến hành kẻ mặt nạ tuồng.
 
Với công trình ứng dụng hồ sơ khoa học chế tác mặt nạ tuồng cung đình Huế mà các nhà nghiên cứu thực hiện cơ bản đã thể hiện lại toàn bộ các nhân vật mà các nghệ nhân tuồng đã từng thủ vai để thực hiện công tác lưu trữ hồ sơ, tránh trường hợp sau này, khi lớp nghệ nhân không còn nữa thì các mặt nạ ngày càng biến tướng, thậm chí sẽ biến mất do các vai diễn đó không có cơ hội để thể hiện.
 
Tuy nhiên, làm thế nào để chọn những mặt nạ tiêu biểu nhất cho chế tác phục vụ quảng diễn thì cần phải có sự chọn lọc kỹ lưỡng mặt nạ trình diễn đảm bảo sự đa dạng, tiêu biểu và đặc sắc. Sau 5 tháng triển khai, đề tài đã hoàn thành 50 mặt nạ nhỏ có kích thước 30cm x 20cm dùng để đeo khi biểu diễn và 2 mặt nạ lớn có kích thước 2m x 1.5m dùng để trưng bày và làm cảnh trí khi biểu diễn các trích đoạn ở sân khấu ngoài trời. Những sản phẩm mặt nạ tuồng được đánh giá có sự đa dạng về thể loại nhân vật, cân đối về giới tính và độ tuổi, giúp sự truyền tải thông điệp tôn vinh nghệ thuật tuồng đạt được hiệu quả tốt nhất. Trong quá trình thực hiện, đơn vị chủ trì đã lựa chọn nghệ nhân chế tác có thâm niên với tay nghề, kinh nghiệm cao, có sự am hiểu về ý nghĩa đặc trưng của họa tiết hoa văn từng mặt nạ giúp sản phẩm có tính chính xác với độ thẩm mỹ sâu sắc.
 
TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên-Huế, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao các sản phẩm mặt nạ tuồng đã đáp ứng được các yêu cầu đề ra; đồng thời đề nghị đơn vị chủ trì cần bổ sung kỹ thuật chế tác mẫu mặt nạ cũng như cách thức cụ thể trong thực hành chế tác thử nghiệm mặt nạ và các tính chất kết cấu nghệ thuật của chúng...
 
Với giá trị khoa học và thực tiễn của đề tài đã tạo cơ sở cho các thế hệ diễn viên, các nhà nghiên cứu khi tiến hành thực hiện vai diễn cũng như nghiên cứu về tuồng. “Sự thành công của đề tài đã góp phần hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, giúp đại đa số quần chúng nhân dân trong nước và du khách quốc tế dễ tiếp cận và có cái nhìn linh hoạt không bị rập khuôn vào các vai trong vở diễn tuồng truyền thống”, ông Hồ Thắng chia sẻ.
 
Hải Lan
Theo: cand.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 62.744