Tìm kiếm tin tức
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Để khách quốc tế đến Việt Nam, cần làm mới sản phẩm du lịch, đáp ứng thị hiếu
Ngày cập nhật 11/08/2022

Chiều 10-8, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đặt vấn đề về giải pháp phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19.

Thị trường du lịch đang ấm lên
 
Nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) khẳng định, du lịch chỉ có thể phục hồi hoàn toàn khi thị trường du lịch toàn cầu phục hồi. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, một số quốc gia hiện vẫn chưa sẵn sàng mở cửa thị trường du lịch và vẫn hạn chế đi lại thì việc phối hợp hợp tác giữa Chính phủ các nước là hết sức cần thiết.
 
Đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cho vấn đề này và những đề xuất của Bộ với Chính phủ để có những chỉ đạo phù hợp giúp thúc đẩy hợp tác với các nước để sớm phục hồi thị trường du lịch toàn cầu, qua đó thúc đẩy phục hồi thị trường du lịch ở Việt Nam.
 
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn các đại biểu. Ảnh: VPQH
 
Trả lời đại biểu Nguyễn Hải Anh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, sau đại dịch Covid-19, nhóm ngành chịu tác động nhiều nhất là du lịch. Du lịch Việt Nam chưa tính toán chi tiết nhưng thiệt hại rất lớn vì hầu như phải “đóng băng” mọi hoạt động. Chỉ từ sau ngày 15-3, khi Chính phủ cho phép mở cửa lại du lịch thì lượng khách nội địa mới tăng lên và đạt chỉ tiêu.
 
"Khách quốc tế theo thống kê có 950.000 lượt, tăng 10 lần so với cùng kỳ năm 2021 - điều đó cho thấy thị trường du lịch đã ấm lên", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong bối cảnh khách quốc tế ít, Việt Nam chọn giải pháp đẩy mạnh du lịch nội địa với các chương trình kích cầu. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao, nhất là khi có doanh thu từ lữ hành như: Khánh Hòa, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Các dịch vụ theo ngành du lịch cũng có tăng trưởng đáng phấn khởi.
 
Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thừa nhận, thu hút khách quốc tế đang là vấn đề khó khăn. Vì vậy, muốn tổ chức thực hiện được thì phải tính toán điểm đi và điểm đến, phát huy vai trò của doanh nghiệp lữ hành trong vấn đề kết nối lại thị trường.
 
Cùng đó, các địa phương cũng cần làm mới sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu du khách sau dịch là điểm đến an toàn, chú ý nhiều hơn về nhu cầu văn hóa.
 
"Nếu so sánh lợi thế của Việt Nam với các quốc gia khác thì không phải chúng ta có lợi thế hơn họ, nên khách quốc tế đến Việt Nam không chỉ ăn nghỉ mà còn muốn tìm hiểu văn hóa, con người, phong cảnh. Do đó chúng ta cần đưa ra các sản phẩm phù hợp, đáp ứng thị hiếu khách quốc tế", Bộ trưởng nêu rõ.
 
Cùng với đó, cần phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan như công an, ngoại giao, giao thông… để tạo điều kiện tốt nhất cho khách du lịch đến Việt Nam.
 
Theo Bộ trưởng, đến thời điểm này, so với các nước ASEAN thì lượng khách đến Việt Nam chưa nhiều, nhưng đã vượt xa một số nước như Philippines, Campuchia, Indonesia; nhưng vẫn thấp hơn Thái Lan, Malaysia.
 
"Điều đó cho thấy chúng ta cần bình tĩnh tìm kiếm thị trường truyền thống và tính toán, xem xét; việc này cũng phụ thuộc vào từng quốc gia có chính sách mở cửa" – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói; đồng thời nhấn mạnh 70% lượng khách quốc tế mà Việt Nam hướng đến là thị trường Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản và đang bị phụ thuộc vào chính sách phòng, chống Covid-19 của các nước này.
 
Làm sao để không có tình trạng “đồng phục” trong ngành du lịch ở khắp các tỉnh, thành phố?
 
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) nêu thực tế, gần đây, nền kinh tế ngày càng phát triển, các doanh nghiệp thường đầu tư vào khu vui chơi, nghỉ dưỡng giải trí, chứ ít đầu tư khai thác giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc.
 
"Nếu cứ phát triển như vậy sẽ có “đồng phục” trong ngành du lịch ở khắp các tỉnh, thành phố, chủ yếu thiên về giải trí và nghỉ dưỡng", đại biểu Chu Thị Hồng Thái nói và đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp phát huy giá trị văn hóa lịch sử, nét đặc sắc mỗi vùng miền và du lịch xanh, bền vững.
 
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái: các doanh nghiệp thường đầu tư vào khu vui chơi, nghỉ dưỡng giải trí, chứ ít đầu tư khai thác giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc. Ảnh: VPQH
 
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 nêu 9 nhóm giải pháp. Bộ đang hướng đến hai việc là phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, đa dạng, phù hợp thị hiếu mới của du khách, nhất là du lịch trải nghiệm. Phương châm là mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch mới; kết nối các thị trường du lịch đưa khách đến. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được xác định là trung tâm điều phối khách đến các vùng miền.
 
"Du lịch ở Việt Nam phải dựa trên tài nguyên văn hóa. Hiện tại các sản phẩm du lịch chúng ta khá đa dạng như du lịch làng nghề, miệt vườn, sinh thái, nghỉ dưỡng, thăm di tích... Gần đây có sản phẩm kết nối các di sản Việt Nam với các nước khác", Bộ trưởng nói và đề nghị làm rõ cơ sở văn hóa để đưa khách đến sao cho khách muốn quay lại chứ không chỉ khách đến một lần cho biết và dẫn chứng các địa phương là điểm sáng trong thực hiện việc này là: Huế, Hội An.
 
THẢO PHƯƠNG
Theo: qdnd.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.959.095
Đang truy cập 33.242