Tham dự Hội thảo, về phía Bộ KH&CN có ông Phạm Thế Dũng - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN. Về phía Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế có ông Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN, ông Nguyễn Kim Tùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN. Cùng dự có đại diện các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng; Lãnh đạo Đại học Huế, Viện nghiên cứu; Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ; Các công ty, doanh nghiệp, đại diện các ngành nghề, làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ có tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Xác định KH&CN là chìa khóa góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách quan trọng với mục tiêu, định hướng đưa Thừa Thiên Huế phát triển nhanh trên nền tảng tri thức, phát triển bền vững trên nền tảng văn hoá, trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ. Tỉnh ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ như Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ, Chương trình Năng suất chất lượng, Chương trình Khuyến nông, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021 - 2030, … đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn, khôi phục và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống.
Từ những chính sách, chương trình hỗ trợ được ban hành, nhận thức rõ hiệu quả trong việc đổi mới, cải tiến công nghệ, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những đổi mới, tích cực áp dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Nhờ đó đã nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp, đồng thời còn tiết kiệm được năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, có nhiều đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã có báo cáo tham luận với các nội dung giới thiệu về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành nghề truyền thống đổi mới và cải tiến công nghệ; Chính sách ưu đãi, hỗ trợ khi thành lập doanh nghiệp KH&CN; Kết nối, chuyển giao và ứng dụng kết quả từ khu vực nghiên cứu sang khu vực sản xuất; Nhu cầu hợp tác, nhận chuyển giao phục vụ ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh, việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng ngành KH&CN mà còn là nhiệm vụ của tất cả các ngành, các cấp. Nhiệm vụ này rất cần sự chủ động tham gia tích cực và sự đồng hành xuyên suốt của tất cả các ngành, các cấp, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học,.. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tự mình bứt phá, chủ động hơn nữa để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, tăng khả năng cạnh tranh. Ông Hồ Thắng hy vọng, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà trường, cùng sự đồng thuận của tầng lớp nhân dân, trong thời gian tới KH&CN sẽ thật sự là chìa khoá của tương lai, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Một số hình ảnh khác