Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Sức hút du lịch tàu biển
Ngày cập nhật 23/05/2019

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nhận định, với bờ biển dài, nhiều cảng nước sâu, nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa lịch sử đặc sắc, phong phú... Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nói chung và du lịch tàu biển nói riêng, tuy nhiên để biến tiềm năng thành hiện thực cần có chiến lược và chính sách đồng bộ.

Tiềm năng và xu hướng
 
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia du lịch, ở vị trí trung tâm của Đông Nam Á, với trên 3.260km đường bờ biển, hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá gắn liền với lịch sử văn hóa truyền thống đặc sắc như: vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, hang Sơn Đoòng, bãi biển Đà Nẵng, phố cổ Hội An, Đà Lạt, Sa Pa, đảo Phú Quốc... hay các món ăn nổi tiếng (phở, nem cuốn...) đang là lợi thế so sánh rất lớn cho ngành du lịch Việt Nam.
 
Thêm vào đó, trong nhiều năm gần đây, hạ tầng cảng biển, các khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển của Việt Nam cũng không ngừng “nở” rộ; dịch vụ giải trí cạnh tranh, nguồn nhân lực ngày càng bài bản… đã tạo sức hấp dẫn lớn không chỉ cho du khách nói chung mà còn đối với du khách bằng tàu biển nói riêng.
 
Khách du lịch tàu biển đến Việt Nam gia tăng nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng
 
Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng 500 chuyến tàu biển cập các cảng, đưa gần 300.000 lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm khoảng 2-3% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và nếu so sánh với khu vực châu Á thì tỷ lệ khách du lịch tàu biển của nước ta vẫn không đáng kể.
 
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong vòng 5 năm từ 2013-2018, tổng số lượt khách tàu biển thế giới đã tăng khoảng 24% (từ 21 triệu lượt đến 26,0 triệu lượt khách). Trong đó, lượng khách du lịch tàu biển đến khu vực châu Á tăng trưởng trung bình đạt 23%, từ 1,51 triệu lượt năm 2013 lên 4,26 triệu lượt năm 2018. Du lịch tàu biển châu Á đang không ngừng phát triển, bởi đây là điểm đến yêu thích của nhiều thị trường gửi khách như châu Âu, Bắc Mỹ, châu Úc nhờ tính hấp dẫn của sự khác biệt văn hóa, lịch sử, đa dạng điểm dừng chân.
 
Ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) phân tích, du lịch tàu biển châu Á đang có xu hướng phát triển với tốc độ ấn tượng còn nhờ vào sự bùng nổ của thị trường khách Trung Quốc (chiếm tới 59%), và đây sẽ là thị trường tiềm năng trong tương lai. Hiện, hầu hết các hãng tàu lớn trên thế giới đều có chiến lược phát triển, tiếp cận thị trường này nhằm tạo ra tuyến du lịch tàu biển mới trên thế giới tại Đông Bắc Á. Ngoài ra, còn có dòng khách tiềm năng từ thị trường Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Ấn Độ, Việt Nam; nguồn khách du lịch tàu biển cũng đang được đa dạng hóa, không dừng lại ở giới trung lưu, giàu có mà có xu hướng trẻ hóa, du khách đi du lịch theo nhóm gia đình, bạn bè…
 
Cùng với thị trường khách, hiện hệ thống tàu, cảng, sản phẩm du lịch tàu biển ở châu Á đã có những chuyển biến rõ nét. Trong đó, đội tàu biển tăng về số lượng, quy mô, tiện nghi, hiện đại, có khả năng chuyên chở trên 6.000 khách, năm 2018 cả thế giới có 314 tàu, riêng châu Á có 78 chiếc; khu vực cảng biển không ngừng được nâng cấp để tiếp nhận tàu biển cỡ lớn trên thế giới, trong đó có các trung tâm cảng biển quốc tế là Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải…
 
Sản phẩm du lịch tàu biển cũng được các quốc gia đầu tư làm mới để phục vụ du khách, xu hướng kết hợp giữa tàu biển và hàng không; đồng thời với chiến lược giảm chi phí đã tạo điều kiện cho du khách có trải nghiệm mới, tránh lưu trú dài ngày trên tàu. Đặc biệt, du lịch tàu biển không dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ vận chuyển và lưu trú mà có thể cung cấp cho du khách nhiều hoạt động giống trên đất liền, trong các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các tuyến hành trình và nhiều điểm đến đa dạng…
 
Cơ hội lớn
 
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Quý Phương cho rằng, đối với Việt Nam, tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch tàu biển so với các nước trong khu vực là cực kỳ thuận lợi. Như, Việt Nam là điểm đến dễ tiếp cận trong hành trình của các hãng tàu đến khu vực và ngược lại; Việt Nam còn nằm gần các trung tâm cảng biển hiện đại bậc nhất thế giới, như Hồng Kông, Singapore, Thượng Hải… nên dễ tham gia các tuyến hành trình ngắn ngày và dài ngày giữa các điểm đến.
 
Cảng Tiên Sa là một trong những cảng biển đón khách du lịch lớn nhất cả nước
 
Việt Nam còn sở hữu nhiều vịnh biển đẹp, các di sản, danh thắng đều nằm ven biển; hệ thống dịch vụ nghỉ dưỡng, resot 5 sao phát triển; một số cảng biển nước sâu đáp ứng được yêu cầu cập cảng của một số tàu du lịch cỡ lớn; sản phẩm du lịch tàu biển đa dạng, chính sách visa thông thoáng, thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu được đơn giản hóa… “Dựa vào lợi thế này, Tổng cục Du lịch đã rất tích cực hợp tác với các nước trong ASEAN nhằm khai thác, phát triển du lịch tàu biển, như mời chuyên gia nhóm công tác; tổ chức các đoàn khảo sát cảng biển ở Việt Nam, tham gia các sự kiện quảng bá du lịch tàu biển tại hội chợ Seatrade (Mỹ)” - ông Phương cho hay.
 
Số liệu thống kê, thời gian qua, Việt Nam đón trung bình khoảng dưới 300 nghìn lượt khách du lịch tàu biển/năm với gần 500 chuyến tàu cập cảng, chiếm từ 2-3% tổng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam, đứng thứ 4 trong khu vực châu Á có lượng tàu du lịch cập cảng nhiều nhất và đứng đầu ASEAN về du lịch tàu biển. Nguồn khách đến từ nhiều thị trường, như: châu Âu, Úc, Đông Bắc Á, Trung Quốc, ASEAN.
 
Trong đó, phải kể tới một số cảng đón dòng khách lớn là: cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế), từ năm 2015-2018 có khoảng 150 lượt tàu khách thương hiệu lớn như: Royal Caribbean, Costa Cruise, Small Cruise Lines cập cảng… với gần 35.000 lượt khách, mang lại nguồn thu gần 53 tỷ đồng; cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), từ năm 2012-2017 tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về tổng số lượt khách du lịch tàu biển đạt 10,8%, về số tàu đạt 5,4%, cụ thể, năm 2012 đón 57 chuyến tàu với 52.570 lượt khách, năm 2017 đón 87.789 lượt khách với 74 chuyến, năm 2018 đón 109 chuyến, gần 190 nghìn lượt khách.
Nhiều ý kiến cho rằng, để tận dụng hết tiềm năng từ du lịch tàu biển cần có chiến lược trong quy hoạch, phát triển các cảng biển du lịch chuyên dụng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế; có chính sách thu hút đầu tư tư nhân, tăng cường hợp tác, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới.
 
Kỳ II: Gỡ nút thắt về hạ tầng
 
Đình Dũng - Hoa Quỳnh - Nguyễn Hường
Theo: congthuong.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 8.336