Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thơm lừng xôi sắn A Lưới
Ngày cập nhật 19/08/2019

Những hạt nếp than tím mọng trộn sắn xắt hạt lựu trắng nõn đựng trong ống tre nướng trên bếp than đượm nồng, khi chín tới tỏa hương thơm hòa quyện, quyến rũ. Đó là món xôi sắn mang hương vị, bản sắc độc đáo của ẩm thực nơi núi rừng.

 
Là một trong những món ăn truyền thống, thường chỉ xuất hiện trong các dịp trang trọng, linh thiêng của đồng bào ở các bản làng nơi núi rừng A Lưới, như Ariêu Ada (lễ hội đón tết cơm mới) Ariêu Ping (lễ “cải táng” và “phong thần”), xôi sắn hòa quyện bởi nếp than tím mọng với sắn xắt hạt lựu trắng nõn bốc khói bày trên tàu lá chuối rừng đã được rửa sạch, hơ qua lửa, thơm mùi rừng núi, mùi nương rẫy.
 
Ngọt và bùi quyện lẫn vào nhau là hương vị tinh tế của món ăn mang “màu sắc” dân dã, nhưng lại chế biến rất công phu. Để làm nên món xôi sắn ngon mắt, ngon mũi và ngon miệng độc đáo này, phải chuẩn bị nguyên liệu nếp than, củ sắn, ống tre (người ta thường chọn ống tre chứ không phải nứa, vì tre có độ dày chịu được nhiệt đến lúc xôi chín dậy mùi thơm mà không bị cháy hoặc sống). 
 
Nếp than là loại nếp hiếm rất khó trồng, chỉ sống được trên rẫy, trong thời tiết mưa nắng ôn hòa (trời nắng quá, cây lúa sẽ không thể phát triển được; và sẽ bị quật đổ nếu chỉ cần một trận mưa to). Sắn dùng để chế biến món xôi sắn phải là loại sắn nếp mới thu hoạch để đảm bảo màu sắc trắng nõn, khi nấu chín vừa bở nhưng lại có độ mềm, dẻo để có thể quyện với nếp, không rời rạc. Sắn lột bỏ vỏ, ngâm chừng 30 phút để loại bỏ độc tố, xắt hạt lựu. Nếp than cũng được đem ngâm 30 phút cho mềm. Rắc thêm tí muối và trộn đều hai nguyên liệu này, cho vào ống tre đã chuẩn bị sẵn, dùng lá chuối sạch nút đầu ống lại.
 
Khi cho nguyên liệu vào ống tre, người nấu luôn chừa một khoảng trống vừa đủ để những hạt nếp “trở mình”, nở ra khi chín tới. Bên dưới là bếp than hồng đượm, các ống tre đặt trên gác được lật đều. Mùi thơm của nếp, của sắn, của ống tre tỏa ra hòa quyện là lúc món xôi sắn độc đáo công phu đã hoàn thành. Xôi sắn dẻo thơm thường ăn kèm với muối lạc, các món thịt gác bếp hoặc một số món đặc sắc của A Lưới như món A Pung (ếch đá nhỏ, sống dưới những tảng đá giữa suối, chế biến với rau rớn hoặc chế biến với một số gia vị đơn giản để giữ nguyên vị ngọt, tính mát)…
 
Xôi sắn có thể ăn kèm với A Pung chế biến với rau rớn
 
Theo người dân tộc Pa Cô, Tà Ôi… sống trên địa bàn: Củ sắn là lương thực, thức ăn quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày từ bao đời nay của người dân trong các bản làng. Vậy nên, trong những lễ vật quý dâng lên các vị thần linh để tỏ lòng biết ơn, đồng thời cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bà con không quên củ sắn dân dã mộc mạc. Cũng vì công phu, cầu kỳ đến như vậy nên món xôi sắn thường chỉ có mặt trong các lễ hội, những dịp trọng đại như cưới hỏi hoặc tiếp đãi khách quý.
 
Gần đây, món xôi sắn xuất hiện tại một số nhà hàng lớn trên địa bàn huyện A Lưới để giới thiệu món ăn truyền thống, độc đáo của địa phương. Chị Lê Hồng Thắm (dân tộc Pa Cô), chủ nhà hàng A Lá  “chuyên trị” các món truyền thống đặc sản A Lưới cho biết, xôi sắn là món ăn khá đắt khách. Thế nhưng bình thường sau khi chuẩn bị nguyên liệu nếp than và sắn đảm bảo tiêu chuẩn, nhà hàng dùng nồi để hông. Muốn thưởng thức xôi sắn nướng trong ống tre, thực khách phải đặt trước ít nhất một ngày, nhà hàng mới có thời gian chuẩn bị và chế biến. Vì hương vị đặc trưng đó nên hành trang của nhiều du khách khi rời A Lưới, luôn có gói xôi sắn thơm lừng.
 
Bài, ảnh: Quỳnh Anh
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.046.914
Đang truy cập 15.795