Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Khám phá làng nghề thú vị ở Phò Trạch
Ngày cập nhật 21/08/2019

Những câu ca dân gian ấy nhắc tới nét đặc trưng của các làng quê trên mảnh đất cố đô. Đến Huế sẽ thật thiếu sót nếu không ghé thăm làng Phò Trạch, một trong những ngôi làng nổi tiếng về nghề thủ công. 

Phò Trạch đan đệm, đan bao
Phú Lương xúc tép, làng Rào bủa câu
Vinh An nhiều ruộng, nhiều trâu
Ưu Điềm, Quảng Thái trồng dâu nuôi tằm
 
Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 50 km về hướng Bắc là ngôi làng với nghề đan cỏ bàng có bề dày hàng trăm năm. Cây cỏ bàng vươn lên mạnh mẽ giữa một vùng đồng bằng thềm biển như một tấm thảm mênh mông.
 
Suốt từ thời chúa Nguyễn đến triều Nguyễn, người dân làng Phò Trạch đã tranh thủ lúc nông nhàn, sử dụng lao động phụ để đan lát. Loại hình sản phẩm quen thuộc là chiếc đệm để trải giường, lót nôi trẻ em và làm giỏ xách đựng hàng hóa, được bán khắp các chợ ở Thừa Thiên - Huế. Càng về sau, các sản phẩm càng đa dạng hơn.
 
Người làng Phò Trạch thu hoạch cỏ bàng.
 
Tinh tế trong từng dáng cỏ
 
Loài cỏ có tên nghe thật lạ: cỏ bàng. Mà nhiều người nơi đây còn gọi là cây bàng khiến cho không ít người phương xa nhầm lẫn. Tôi đã từng thắc mắc về câu hát “tiếng ai giã bàng nhịp nhàng như tiếng lòng tôi” trong bài hát “Con kênh xanh xanh” của nhạc sĩ Ngô Huỳnh. Không hiểu sao lại “giã bàng”, một loại trái của cây bóng mát? Về Phò Trạch, tôi đã giải đáp được thắc mắc của mình. Đó là tiếng giã cỏ bàng, một thứ âm thanh quen thuộc và bình yên trong đời sống của người dân Phò Trạch
 
Chỉ là cỏ dại mọc ở những cánh đồng trũng, cỏ bàng ngút ngàn xanh xa khuất tầm mắt. Từng thân cỏ gầy guộc, mỏng manh vậy mà khi cả cánh đồng xôn xao trong gió thì nhìn như từng cánh sóng cuộn dâng. Cỏ hòa lẫn với màu trời, chìm lút cả người đi cắt cỏ. Thi thoảng mới ẩn hiện chiếc áo nâu của người dân quê lam lũ đang lội bì bõm nước giữa bạt ngàn xanh. Cỏ được cắt rồi buộc lại thành từng bó có khi cao hơn cả thân người. Nhìn những nông dân ôm từng bó cỏ lên xe để kéo về mới thấy được nỗi nhọc nhằn của những con người tần tảo.
 
Thời xưa, cỏ bàng mọc tự nhiên trên các cánh đồng. Người ta men theo các trảng cỏ để đi thu hoạch. Càng ngày, diện tích cỏ mọc hoang càng bị thu hẹp do khai thác nhiều. Vì thế, bây giờ người dân đã trồng cỏ bàng để đủ nguồn cỏ phục vụ cho công việc đan lát hằng ngày. Người ta chọn những ruộng sâu, quanh năm ngập nước để trồng bàng. Tháng Giêng, tháng hai là tháng trồng bàng thích hợp nhất.
 
Bàng trồng năm trước thì năm sau mới thu hoạch được. Cây bàng cao tới 1,2-1,3m... được cắt về và đem phơi 3-4 nắng. Cây bàng khô ngả sang màu vàng, màu trắng là đẹp nhất. Sau đó bàng được đem ra cối giã. Người ta bó các cây bàng đã giã thành từng bó để ở nơi cao ráo hoặc gác lên trần nhà để tránh ẩm mốc, bụi bặm.
 
Giã cỏ bàng để làm hàng thủ công.
 
Giã bàng là hình ảnh quá đỗi thân quen đối với mỗi người dân Phò Trạch. Việc giã bàng khá tốn công sức nên thường đàn ông, thanh niên trong làng sẽ đảm nhiệm. Dụng cụ để giã bàng là một cái cối đạp bàng, gần giống cối giã gạo. Những chiếc cối giã bóng loáng phủ màu thời gian như nhân chứng suốt những quãng thăng trầm của làng nghề. Cỏ bàng phải được giã cho mềm thì mới có thể đan và tạo hình các sản phẩm.
 
Công việc giã bàng đòi hỏi có sự kết hợp khéo léo của người đứng giã và người cầm bó cỏ. Thường thì 2 người đàn ông sẽ đứng lên cối giã, động tác dứt khoát, mạnh mẽ để cối được nâng cao, cối cao được từng nào thì cỏ bàng sẽ mềm được từng đó. Khi ấy, người cầm bó cỏ phải đẩy tới đẩy lui, lật qua lật lại để cỏ được mềm đều. Mỗi lần giã được một bó cỏ bàng như vậy mất khoảng từ 40 đến 45 phút.
 
Trước kia, cỏ bàng chỉ dùng đan đệm, đan chiếu. Ngày nay sản phẩm từ cỏ bàng rất đa dạng, phục vụ hầu hết các nhu cầu từ vật dụng sinh hoạt đến trang trí. Với những người già trong làng thì đan bàng là công việc họ đã quen từ bé và gắn bó với họ suốt mấy chục năm qua. Việc này cần thời gian, kiên nhẫn và tỉ mỉ vì để đan được một chiếc giỏ thì cũng mất cả ngày.
 
Khi đan, người ta so những sợi bàng mềm xếp cạnh nhau cùng một hướng, khoảng 20-30 sợi, quay lại theo hướng vuông góc với những sợi đã sắp trước. Hoa văn hoặc chữ có thể điểm xuyết để tăng độ kỹ xảo và mỹ thuật. Khi đan xong là đến công đoạn bất 2 đầu (khóa múi), có 2 loại bất: Bất tua múi - bất kép và bất tua bao - bất đơn tùy theo yêu cầu của sản phẩm. Những người đã có nghề từ lâu năm có thể đan vào ban đêm mà không cần ánh sáng, đó là một nét kỷ xảo và khéo léo của những người thợ nơi đây.
 
Nghệ nhân Nguyễn Viết Nam với các sản phẩm hiện đại chế tác từ cỏ bàng.
 
Cứ thế, đôi bàn tay của các nghệ nhân ngày ngày cần mẫn tạo ra các sản phẩm tuy đơn giản nhưng rất tiện dụng cho cuộc sống. Những sản phẩm từ cỏ bàng đẹp mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế, một vẻ đẹp dịu dàng và hồn hậu của chốn làng quê. Còn gì thoải mái hơn khi ngả lưng trên một chiếc chiếu cỏ bàng mềm mại, đội một chiếc mũ cỏ bàng mát mẻ giữa một ngày hè nắng chói chang, cầm trên tay những món đồ chơi lạ mắt được kết từ thứ cỏ dại giữa cánh đồng ngập nước. Hơn thế, những vật dụng này còn có mùi thơm dễ chịu và có độ bền rất cao.
 
Người lưu giữ tinh hoa của làng nghề
 
Hầu hết các nghề thủ công đều là những nghề có thu nhập thấp. Nghề đan cỏ bàng cũng vậy. Nhưng đối với mỗi người con làng Phò Trạch, đó là nghề gắn bó với họ, là niềm vui trong cuộc sống hằng ngày. Giản dị, khiêm nhường nhưng là tình yêu với đất đai, cây cỏ quê hương. Không chỉ những người lớn tuổi, những nghệ nhân có kinh nghiệm mới gắn bó với nghề mà ngay cả các em nhỏ trong làng cũng tìm thấy thú vui từ loài cỏ đặc biệt này.
 
Không lướt điện thoại, không chơi game, ngày nghỉ, những bạn nhỏ lại túm tụm cùng bà, cùng mẹ đan sản phẩm để giúp đỡ gia đình. Đó là những lúc cả nhà quây quần bên nhau, người lớn truyền nghề cho trẻ nhỏ. Những khoảnh khắc bình yên mà quý giá của cuộc sống. Ai cũng quan niệm rằng, dù thu nhập thấp nhưng cần phải giữ và truyền lại nét đẹp của nghề cho thế hệ sau.
 
Sinh ra và lớn lên ở làng Phò Trạch, ông Nguyễn Viết Nam là người luôn đau đáu với nghề. Thấy rằng, làng chủ yếu làm nông nghiệp và nghề đan cỏ bàng chỉ là nghề phụ, làm trong lúc nông nhàn với thu nhập chẳng đáng là bao nên ông muốn tìm cách phát triển làng nghề để mang lại thật nhiều công việc và thu nhập cho người dân Phò Trạch. Từ ý nghĩ ấy, ông đã không quản ngại khó khăn, nhiều năm đi khắp các làng nghề trên cả nước để tìm hiểu công nghệ, mẫu mã và cách làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.
 
Đan là công việc chính của phụ nữ làng Phò Trạch.
 
Với quyết tâm sản phẩm mây tre đan đã tạo được thế đứng vững chắc thì sản phẩm cỏ bàng cũng sẽ phải làm được, ông đã tự mày mò nghiên cứu để đổi mới cách thức tạo ra các sản phẩm. Từ tình yêu và sự gắn bó với cỏ bàng, ông đã cùng các nghệ nhân trong làng làm ra các sản phẩm trang trí, lưu niệm với mẫu mã đa dạng. Từ đó đưa làng nghề sang một trang mới với những sản phẩm độc đáo, tinh tế và mang lại thu nhập tốt hơn cho người dân.
 
Mặt hàng thủ công trang trí vừa kết hợp với cách đan truyền thống và cách tạo hình hiện đại. Mỗi sản phẩm đều được làm từ nhiều bộ phận khác nhau. Để làm được chiếc đèn trang trí, ông Nam cũng tự mày mò, tạo hình sản phẩm. Các miếng cỏ được đặt hàng người dân trong làng theo kích thước phù hợp cho từng sản phẩm mỹ nghệ. Nhìn ông ngồi cần mẫn, chăm chú và khéo léo kẻ vẽ, cắt tỉa từng miếng cỏ bàng để lắp ghép, tạo hình mới thấy được những công phu và tỉ mỉ của sản phẩm đan lát từ làng Phò Trạch.
 
Ngày nay, khi xã hội phát triển, việc đưa ứng dụng thủ công vào việc thiết kế sản phẩm trang trí được ưa chuộng, thì thu nhập và việc làm cho các nghệ nhân cũng được nâng cao. Nghề đan cỏ bàng không còn dừng lại ở những sản phẩm truyền thống như đệm, chiếu hay giỏ mà đang dần vươn ra thị trường nước ngoài bằng những sản phẩm mới này.
 
Nghề đan cỏ bàng và cuộc chiến chống rác thải nhựa
 
Nghề đan ở làng Phò Trạch có từ lâu đời, khi chưa có đồ nhựa thì những sản phẩm của làng này như chiếu, giỏ xách, bao... cung ứng cho khắp nơi trong vùng. Nhưng từ khi có đồ nhựa, túi nilon thì nó bị mất dần chỗ đứng bởi sự tiện lợi cũng như giá thành rẻ của các sản phẩm nhựa.
 
Hiện nay, đứng trước nguy cơ ô nhiễm nặng nề và hậu quả lâu dài của rác thải nhựa, người ta lại cần đến những sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây chính là lúc làng nghề có cơ hội vươn lên, mang đến cuộc sống xanh và tinh khiết cho mọi người. Từ ống hút dùng một lần làm bằng nhựa tái chế có độ độc hại cao, người ta chuyển sang dùng ống hút được làm từ thân cỏ bàng, độc đáo, lạ mắt và quan trọng nhất là an toàn với sức khỏe. Từ việc đi chợ hằng ngày với rất nhiều túi nilon, các bà nội trợ đã chuyển sang dùng túi xách, giỏ đan bằng cỏ bàng.
 
Các em nhỏ tham gia đan cùng bà.
 
Như thế, từ việc nâng cao hiểu biết của người dân để có một cuộc sống xanh, làng nghề Phò Trạch đã dần hồi  sinh để trở về vị thế của mình cách đây hàng trăm năm. Cũng chính nhờ đó mà các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề mới có cơ hội vươn xa đến các nước trên thế giới.
 
Người làng Phò Trạch yêu nghề, gắn bó với nghề đệm bàng từ bao đời nay vẫn mong cho làng nghề phát triển để cải thiện cuộc sống hằng ngày. Mong ước khát khao là vậy nhưng cuộc sống không phải bao giờ cũng thuận buồm xuôi gió. Dù trải qua những thăng trầm nhưng bằng tình yêu với cỏ bàng, họ vẫn đang từng ngày giữ nghề, giữ những nét riêng độc đáo của mảnh đất Cố đô, để những nét đẹp xưa của làng nghề mãi lưu lại với thời gian.
 
            “Nông trang thôn dã trở nên gần
 
            Đệm làng Phò Trạch khéo và xinh
 
            Cỏ năn, cỏ lác giúp dân dụng
 
            Giường phản quản chi lấm bụi trần”.
 
                        (Thơ Đặng Huy Trứ)
 
Nhật Minh
Theo: antg.cand.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.034.178
Đang truy cập 17.301