Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Về Cầu Ngói nghe câu Hò giã gạo
Ngày cập nhật 07/12/2019

Cầu Ngói Thanh Toàn được xây dựng cách đây hơn 240 năm, dù được trùng tu, sửa chữa nhiều lần nhưng cây cầu vẫn giữ được những giá trị về lịch sử, văn hóa.

Theo nhiều ghi chép, Cầu Ngói Thanh Toàn được xây dựng mới vào năm 1776, do bà Trần Thị Đạo cháu gái họ Trần đời thứ 16 xây dựng cho dân làng để tiện qua lại, là nơi dừng chân, nghỉ ngơi trên đường về mệt nhọc. Bà là vợ của một vị quan thuộc triều vua Trần Hiển Tông, nhìn thấy cảnh đi lại của bà con khi qua kênh hết sức khó khăn cùng với những lúc làm mùa nắng nóng không chốn nghỉ chân, bà quyết định dùng tiền của mình để tự xây cầu làm phúc cho dân chúng. Năm 1925, bà được vua Khai Định ban sắc phong Trần cho là Dực Bảo Trung Hưng Linh phò và lệnh cho dân làng lập bàn thờ cúng bà ngay trên Cầu Ngói Thanh Toàn.
 
Hơn 240 năm kể từ khi xây dựng, Cầu Ngói Thanh Toàn đã trải qua không ít những biến cố do thời tiết, chiến tranh… gây ra. Nhưng với sự quan tâm của chính quyền, sự giữ gìn của người dân địa phương, cây cầu vẫn giữ được những kiến trúc, giá trị lịch sử, văn hóa ban đầu và trở thành một địa điểm du lịch được nhiều du khách gần xa biết đến.
 
Cầu Ngói Thanh Toàn
 
Dù vậy, nhưng không phải du khách nào đến đây cũng cảm nhận hết những giá trị này, có nhiều du khách đã bị vẻ đơn sơ của khung cảnh nơi đây “đánh lừa” nên không cảm nhận hết tầm vóc của nó.
 
Du khách “bị mắc lừa” cũng thực dễ hiểu, bởi lẽ về giá trị vật chất nơi đây chẳng có gì ngoài cây cầu với chiều dài hơn… 15m ẩn mình dưới những tán lá cây; “phụ kiện” trang hoàng thêm là một khu chợ quê đơn sơ, bình dị; đầu cầu bên kia có một khu trưng bày nông cụ, một khu nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho dân tộc và xa hơn chút nữa là một ngôi chùa nhỏ… tất cả nằm bên con kênh nhỏ và được bao bọc bởi cánh đồng của xã Thủy Thanh.
 
“Họ không hài lòng cũng phải thôi, nhìn bề ngoài ở đây có chi (gì) đáng ngắm nhìn mô (đâu), thậm chí có nhiều người còn chê bai địa điểm du lịch mà sơ sài này nọ nữa” bà Nguyễn Thị Kình (60 tuổi) người bán quán nước cho du khách qua đường cho biết.
 
Bà Kình tâm sự thêm, thực ra số lượng khách không hài lòng chỉ là một phần nhỏ trong tổng số khách đến đây, phần lớn họ chê bai bởi vì chưa biết hết, chưa cảm nhận hết giá trị văn hóa, lịch sử của cây Cầu Ngói này. Có nhiều du khách đến đây rồi cứ như thông lệ, một hoặc hai năm lại ghé thăm, đặc biệt, nhiều bạn sinh viên thường về đây vui chơi, hóng mát, ra trường rồi lại tìm về thăm.
 
Bà kể với chúng tôi: “Tôi vốn không phải người vùng này mà chỉ lấy chồng về đây thôi. Sống lâu thành quê hương, thành quen thuộc nên thấy khách du lịch về chê bai cây cầu nói xấu, nói nhỏ tôi cũng buồn lắm nhưng họ đâu biết giá trị của cây cầu này là gì, cây cầu này là cả gia tài, cả tâm huyết của người xây dựng lên nó; lúc cây cầu được xây người dân còn chả có nhà ở nữa mấy chú à”.
 
“Giàu như người ta lợp ngói âm dương sát sàn sạt
 
Khó như hai đứa mình lợp lác cả cơn (cây)
 
Dẫu muỗi với ruồi có nghĩ tới thì cám công ơn muỗi với ruồi”... 
 
Bà ngâm mấy câu thơ trên rồi giải thích tiếp, thời điểm bà Trần Thị Đạo xây cây cầu này người dân bình thường lợp nhà bằng tranh được làm từ những cây lác, cây cỏ; vì nghèo quá, vì nhà cửa tồi tàn quá nên thường không có khách lui tới, cũng vì lẽ đó mà ruồi với muỗi được xem là “thượng khách” của họ; vậy nhưng, cũng thời điểm đó, tại đây đã có cây cầu được lợp ngói âm dương – một biểu tượng của sự giàu có, sang trọng thời bấy giờ. Có thể nói, cây Cầu Ngói là biểu tượng, là sự kiêu hãnh của người dân nơi đây thời bấy giờ.
 
Người phụ nữ “U60” ấy ngâm cho chúng tôi nghe mấy câu thơ bà viết về Cầu Ngói:
 
Uống nước dừa trên cây cầu cổ
 
Nhìn trinh nữ ban trưa bung nở
 
Sao lòng hớn hở cảnh quê xưa
 
Nhớ câu hò vang vọng đong đưa
 
Về Cầu Ngói cho tôi về với
 
Có lũy tre với cả hàng dừa
 
Có những điều bao nhiêu người hỏi
 
Sao lâu rồi anh đã về chưa?
 
Bà Nguyễn Thị Kình vui vẻ chụp hình cùng du khách.
 
Sẵn hứng với nghệ thuật, chúng tôi hỏi bà về bài chòi Huế, về ca Huế; đáp lại thiện tình, bà hò đãi chúng tôi nghe; và, giữa khung cảnh yên bình, điệu hò của bà càng êm ả, ngân nga biết chừng nào:
 
“… Khoan ơi khoan mời bạn ta lại hò khoan
 
Hờ hơ hớ hơ hơ hờ
 
Trước hết tôi chúc cho ngôi sao vàng năm cánh chứ càng ngày thì càng tỏ
 
Sau mà nữa tôi chúc cho lá cờ đỏ chứ ngàn đời lu chứ đừng lu
 
Hờ hơ hớ hơ hơ hờ
 
Các anh em ơi xông pha mà chiến đấu kẻo hai mươi mấy năm trời người sáng với người mù cũng giống chứ giống nhau”.
 
Sau đoạn hò vui tươi, tâm trạng bà Kình trầm xuống như muốn trút bày tâm sự, bà cho biết, đoạn hò này là do cụ thân sinh ra bà đã hát để cỗ vũ trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, mỗi lần hò lại những câu ấy, bà lại thấy khí thế bất khuất của những người anh hùng đã chiến đấu vì nước vì dân.
 
Một khung cảnh hết sức giản dị nhưng đã mang lại cho con người sự yên bình biết nhường nào. Du khách kẻ đến người đi, bà vẫn đon đả tiếp đón từng người khi họ cần, để rồi ra về trong lòng mỗi người như còn vang vọng mãi điệu hò của “người giữ lửa cho dòng nhạc quê hương”.
 
Văn Nghĩa 
Theo: kinhtenongthon.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.047.010
Đang truy cập 15.879