Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bỏ phí “du lịch văn chương”?
Ngày cập nhật 11/12/2019

Tại cuộc hội thảo mới đây, văn nghệ sĩ ở Huế đề xuất với chính quyền thành phố về việc khai thác du lịch văn chương ở vùng đất được mệnh danh là xứ của thi ca. 

Ảnh INT. Ảnh INT.
 
Theo đó, khi du lịch đến xứ Huế, lâu nay du khách thường được tham quan hệ thống di tích lăng tẩm, nhà vườn, chùa chiền, đầm phá cùng những điệu ca Huế trên sông Hương nhưng thiếu vắng những địa chỉ du lịch văn chương.
 
Trong khi đó, xứ Huế còn ôm chứa biết bao dấu tích, câu chuyện của các văn nhân cần kể với du khách. Đấy là câu chuyện về những năm tháng đại thi hào Nguyễn Du làm Đông Các đại học sĩ rồi Hữu Tham tri Bộ Lễ và mất tại nơi đây.
 
Theo một giả thuyết, sau những năm tháng đi sứ trở về, Nguyễn Du đã viết kiệt tác “Truyện Kiều” ở Huế.
 
Đấy là dấu tích về một Cao Bá Quát tài danh từng làm quan ở kinh đô Huế và cũng từng bị tù tội ở nơi đây. Hay câu chuyện về ông già Bến Ngự Phan Bội Châu. Hoặc, những tác giả như Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Bích Khê, Tế Hanh, Huy Cận... và đặc biệt là Hàn Mặc Tử đều có biết bao câu chuyện về đề tài thơ gắn liền với xứ Huế. Đấy là còn chưa kể đến tài thơ của các vị vua triều Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức...
 
Vì thế, văn nghệ sĩ xứ Huế đã đề xuất việc thành phố này xây dựng một “Đồi thi nhân” có tượng đài Nguyễn Du, nhà trưng bày tác phẩm, tư liệu thơ ca xứ Huế… Đây sẽ là nơi diễn ra các hình thức sinh hoạt tôn vinh thơ ca như: Diễn xướng, biểu diễn nghệ thuật sắp đặt và trình diễn; các học sinh, sinh viên có thể học tập, tìm hiểu ngoại khóa về thơ ca...
 
Có thể thấy, là một xứ thơ, Huế rất cần có những kết nối các điểm du lịch văn chương. Nơi đây gắn liền với biết bao địa chỉ, dấu tích cụ thể của các thi nhân cần được đầu tư, tôn tạo. Sẽ càng lý tưởng hơn nếu dự án “Đồi thi nhân” được thực hiện, trở thành điểm đến với văn chương thực thụ trong hành trình tham quan vùng đất kinh kỳ thơ mộng này.
 
Thực ra, không riêng gì xứ Huế “bỏ phí” kênh “du lịch văn chương” đầy sức quyến rũ, lay động tâm hồn du khách, mà đây còn là câu chuyện chung của nhiều tỉnh thành. Vì chưa được chú ý khai thác, phát huy nên nhiều nhà lưu niệm văn nhân hoang vắng, những dấu tích văn chương bị khuất lấp cả trăm năm...?
 
Trong khi đó, loại hình “du lịch văn chương” này luôn được các nước trên thế giới chú trọng phát triển và trở thành một địa chỉ quan trọng được ghi lại trong mỗi chuyến đi của các du khách quốc tế.
 
Chẳng hạn, khi đến Nga là du khách sẽ quan tâm đến nhà lưu niệm đại thi hào Puskin cũng như điền trang Lev Tolstoy; đến Trung Quốc là du khách mong được một lần ghé Hoàng Hạc Lâu để được nghe câu chuyện về các bậc tài thơ Thôi Hiệu, Lý Bạch...
 
Hà Thái
 
Theo: giaoducthoidai.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 16.206