Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng 18/5
Ngày cập nhật 24/03/2024

Kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng 18/5/2024, Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) khuyến khích các bảo tàng hướng hoạt động tới chủ đề: “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu” (Museums for Education and Research).

Với chủ đề “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu” (Museums for Education and Research), Ngày Quốc tế bảo tàng năm 2024 là dịp để nhấn mạnh vai trò then chốt của các thiết chế văn hóa trong việc cung cấp một trải nghiệm giáo dục toàn diện.

Trong đó, bảo tàng có vai trò như là các trung tâm khuyến khích học tập, thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo và xây dựng tư duy phê phán của khách tham quan. Từ nghệ thuật và lịch sử đến khoa học và công nghệ, bảo tàng là những không gian quan trọng nơi giáo dục và nghiên cứu gặp nhau để hình thành hiểu biết của chúng ta về thế giới.

Từ năm 2020, dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế bảo tàng hàng năm đều hướng tới hỗ trợ một số Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, theo đó năm 2024, ICOM sẽ tập trung các hoạt động vào những mục tiêu sau:

Mục tiêu 4: Giáo dục chất lượng - Đảm bảo tính công bằng và bao hàm trong giáo dục chất lượng, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

Mục tiêu 9: Công nghiệp, đổi mới và hạ tầng - Xây dựng hạ tầng chống chọi, thúc đẩy công nghiệp bền vững, bao gồm và khuyến khích đổi mới

Ngày Quốc tế bảo tàng 2024, ICOM khuyến khích chúng ta cùng nhìn nhận lại về giáo dục nhằm hướng tới một tương lai trong đó sự đổi mới hòa quyện với truyền thống, cùng chia sẻ kiến thức vượt qua mọi rào cản. Nhân dịp này, ICOM cũng khuyến khích những người yêu quý di sản văn hóa cùng bảo tàng khám phá sự giàu có về kiến thức mà các bảo tàng có để cung cấp và cùng nhau xây dựng một thế giới thông tin và bao trùm hơn.

Bảo tàng là một thiết chế xã hội khá đặc biệt, ra đời và phát triển mang tính lịch sử khi xã hội loài người đã có sự phân chia giai cấp và hình thành nhà nước.

Lịch sử bảo tàng

Lịch sử văn hóa cổ đại Hy Lạp cho biết, từ thế kỷ III TCN, vua Ptoleme đã cho xây dựng một bảo tàng mang tên Alexangdri, lưu giữ các hiện vật, bản chép tay, bút tích quý bằng giấy. Nhiều nhà bác học nổi tiếng thời ấy đã sống, làm việc, gặp gỡ và trao đổi khoa học tại đây, nên bảo tàng được coi như một cơ quan nghiên cứu khoa học lớn mang tính chất một Hàn lâm viện.

Thời kỳ Phục hưng là thời kỳ hồi sinh mạnh mẽ về văn hóa và khoa học của châu Âu. Đến cuối thế kỷ XVII, thể loại bảo tàng ở châu Âu đã phát triển khá phong phú. Các sưu tập hiện vật bảo tàng ngày càng được xem trọng, được sử dụng để giáo dục, thỏa mãn sự tò mò, ham hiểu biết, cũng như nhu cầu thẩm mỹ của công chúng.

Đến thế kỷ XVIII, bảo tàng đã phát triển mạnh về số lượng và loại hình, như bảo tàng lịch sử quốc gia, bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng địa phương, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng thuộc loại hình khoa học tự nhiên trong các trường đại học và bắt đầu ra đời loại hình bảo tàng kỹ thuật. Các loại hình bảo tàng khác nhau ra đời đã trực tiếp phục vụ nhu cầu phát triển của khoa học, sản xuất, phục vụ nhu cầu giáo dục chính trị và giáo dục ý thức dân tộc. Bảo tàng đã trở thành một yếu tố quan trọng cho sự phát triển văn hoá, đồng thời cũng là một trong những cơ quan nghiên cứu khoa học làm nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày các sưu tập hiện vật phục vụ nhu cầu của xã hội.

Những khuynh hướng tiến bộ trong hoạt động của bảo tàng ở thế kỷ XVIII - XIX tiếp tục được phát triển ở thế kỷ XX. Từ cuối thế kỷ XIX - XX được xem là thời đại “bùng nổ” của bảo tàng với sự tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, phong phú về loại hình. Theo số liệu của ICOM, trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trên thế giới mới chỉ có khoảng 7.000 bảo tàng, thì đến cuối những năm 50 của thế kỷ XX đã có khoảng 13.000 bảo tàng và đến hiện nay đã có khoảng 65.000 bảo tàng.

Riêng ở Việt Nam, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, người Pháp đã xây dựng một số bảo tàng. Ở miền Bắc, có Bảo tàng Louis - Finot xây dựng năm 1926, khánh thành năm 1932 (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam), Bảo tàng Địa chất thành lập năm 1914, Bảo tàng Động vật thành lập năm 1928. Ở miền Nam, có Bảo tàng Parmentier xây dựng năm 1915, mở rộng năm 1936, khánh thành năm 1939 (nay là Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm), Bảo tàng Khải Định thành lập năm 1923 (nay là Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế), Bảo tàng Hải Dương học thành lập năm 1923 (nay là Bảo tàng Sinh vật biển), Bảo tàng Blanchard de la Brosse thành lập năm 1929 (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh).

Cho đến nay, Việt Nam đã có một mạng lưới bảo tàng bao gồm trên 140 đơn vị các loại, trong đó có bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng thuộc các tỉnh, thành phố, bảo tàng thuộc lực lượng vũ trang do Bộ Quốc phòng quản lý và các bảo tàng tư nhân. Bên cạnh đó đã hình thành được hệ thống tổ chức quản lý của ngành từ Trung ương đến địa phương với hai chức năng cơ bản là thống nhất quản lý nhà nước và chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ, xây dựng phong trào quần chúng tham gia vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá của dân tộc.

Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (International Council of Museums - ICOM)

Hội đồng Bảo tàng Quốc tế là tổ chức phi chính phủ của những người làm công tác bảo tàng trên toàn thế giới, được thành lập năm 1946. Trụ sở của ICOM đặt tại Thủ đô Paris (Cộng hoà Pháp), ngôn ngữ chính thức được sử dụng tại các cuộc họp của ICOM là tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha.

Mục tiêu cao cả của ICOM là thúc đẩy sự phát triển khoa học bảo tàng và những vấn đề liên quan đến công tác quản lý và hoạt động bảo tàng; tạo điều kiện cho các bảo tàng và những người làm công tác bảo tàng trên thế giới trao đổi và hợp tác nghề nghiệp; phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tàng; đào tạo cán bộ; bảo tồn di sản văn hoá và đấu tranh chống buôn bán trái phép tài sản văn hoá…

ICOM cũng là cơ quan tư vấn của UNESCO và giúp đỡ thực hiện các chương trình về bảo tàng của tổ chức này. Hiện nay, ICOM có trên 30.000 thành viên là tổ chức và cá nhân tại 137 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 117 uỷ ban quốc gia và 31 ủy ban quốc tế, liên minh với 7 tổ chức khu vực và liên kết với 17 tổ chức quốc tế.

Việt Nam gia nhập ICOM từ năm 2002 và đã thành lập “Hội đồng Bảo tàng Việt Nam” (ICOM Việt Nam). Đây là bước tiến mới của hệ thống bảo tàng Việt Nam, điều kiện thuận lợi cho hệ thống bảo tàng Việt Nam hoà nhập với bảo tàng thế giới, để học tập, nâng cao hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động bảo tàng với các nước. Đồng thời với tư cách thành viên của Hội đồng Bảo tàng Quốc tế, hệ thống bảo tàng Việt Nam từng bước khẳng định và nâng cao vị thế, uy tín đóng góp tích cực vào hoạt động của tổ chức quốc tế này.

Theo sáng kiến của Liên Xô tại Hội nghị toàn thể ICOM lần thứ 12 họp vào tháng 5 năm 1977, ICOM đã quyết định lấy ngày 18 - 5 hàng năm là “Ngày Quốc tế Bảo tàng” (International Museum Day - IMD). Ngày Quốc tế Bảo tàng hàng năm được tổ chức vào ngày 18 tháng 5, cũng có thể trong một ngày hoặc kéo dài trong một tuần với phương châm: Bảo tàng là một phương tiện quan trọng của giao lưu văn hóa, làm giàu nền văn hóa và phát triển hợp tác lẫn nhau, hiểu biết và hòa bình giữa các dân tộc, nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của bảo tàng trong sự phát triển của xã hội.
 

Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.089.261
Đang truy cập 2.989