Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Ngày Trái Đất 22/4: Hạn chế rác thải nhựa
Ngày cập nhật 22/04/2024

Hôm nay, ngày 22/4/2024 trên toàn thế giới tổ chức kỷ niệm Ngày Trái đất năm 2024 với chủ đề “Hành tinh và Nhựa”.

Ngày Trái Đất được Liên hợp quốc phát động vào ngày 22/4 hằng năm nhằm vận động mọi người nâng cao nhận thức về các giá trị của môi trường trên Trái Đất. Đồng thời, đây là thời điểm để mọi người hưởng ứng các phong trào bảo vệ môi trường, ngăn chặn các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra trên toàn thế giới.

Vừa qua, lần thứ 3 thành phố Huế liên tiếp đạt giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN trên cơ sở đáp ứng đủ 7 tiêu chí liên quan đến các hoạt động quản lý môi trường chung, đảm bảo yếu tố sạch sẽ vệ sinh, quản lý tốt vấn đề chất thải, tỉ lệ không gian xanh trong thành phố. Để đạt được kết quả đó là sự chung tay của nhiều cá nhân, đơn vị trong công cuộc bảo vệ môi trường ở Huế.

Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh; đồng hành với Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Huế - Đô thị giảm nhựa miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF-Việt Nam) tài trợ cho thành phố Huế, Sở Du lịch xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình giảm rác thải nhựa của ngành du lịch Thừa Thiên Huế tập trung vào giai đoạn 2023-2025, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị Huế với đặc trưng “Di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”.

Theo đó, Kế hoạch số 1741/KH-SDL ngày 26/10/2023 về giảm thiểu rác thải nhựa của ngành du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023-2025 nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) đại dương trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030 của Chính phủ Việt Nam. Đồng thời góp phần hoàn thành nhiệm vụ của ngành du lịch tại Kế hoạch số 359/KH-UBND ngày 19/11/2021 về việc tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Cắt giảm việc sử dụng các sản phẩm nhựa, thay thế, chuyến đổi dần dần để tiến tới cấm một số sản phẩm nhựa dùng một lần (SUP) trong các doanh nghiệp du lịch, tập trung vào 207 khách sạn, 73 đơn vị kinh doanh lữ hành, các cơ sở dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, các điểm du lịch thuộc các loại hình khác nhau (13 điểm du lịch được tỉnh công nhận, các điểm du lịch di sản văn hóa, di tích lịch sử các cấp độ). Thu hút sự tham gia của đội ngũ hướng dẫn viên và cộng đồng địa phương vào chương trình này tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trước hết là tại thành phố Huế.

Kế hoạch đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể: 100% quản lý khách sạn, đơn vị lữ hành và dịch vụ vận chuyển khách du lịch, điểm du lịch và 90% hướng dẫn viên được tuyên truyền về tác hại của RTN và chương trình giảm RTN của quốc gia và địa phương. 100% đơn vị lữ hành và dịch vụ vận chuyển khách du lịch, điểm du lịch có cam kết giảm rác thải nhựa và triển khai ít nhất 01 biện pháp hạn chế sử dụng SUP. 100 quản lý khách sạn và 33 đơn vị lữ hành và dịch vụ vận chuyển khách du lịch, 13 điểm du lịch được đào tạo về xây dựng kế hoạch năm và được hướng dẫn về cách thức theo dõi, kiểm tra, đánh giá về giảm nhựa. 80 khách sạn và 50 đơn vị kinh doanh lữ hành và dịch vụ vận chuyển khách du lịch, 4 điểm du lịch có bản kế hoạch giảm nhựa năm 2024 và thực hiện công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá theo hướng dẫn. Có 5-6 tour du lịch không SUP được xây dựng và 5-6 điểm du lịch cộng đồng không sử dụng SUP. Tỷ lệ khách sạn 3-5 sao không sử dụng SUP tại thành phố Huế lần lượt là 50% năm 2024 và 80% năm 2025. Hệ sinh thái giảm rác thải nhựa được hình thành với sự tham gia của ít nhất 50 thành viên vào năm 2025 với các hoạt động thiết thực, hiệu quả. 50% khách sạn 4-5 sao (9 đơn vị) có nhân viên theo dõi về các tiêu chí phát triển bền vững vào năm 2025.

Thành phố Du lịch sạch ASEAN và giải thưởng nói trên là các giải thưởng cao quý của ASEAN, góp phần tôn vinh và phát triển thương hiệu du lịch chất lượng cao trong khu vực, là dịp để các đơn vị quảng bá, nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch Việt Nam và thương hiệu điểm đến quốc gia  “Vietnam Timeless Charm”. Những giải thưởng mà thành phố Huế và ngành du lịch Thừa Thiên Huế liên tục nhận được trong thời gian qua là "một hiệu ứng tốt", góp phần quảng bá mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam nói chung và Huế nói riêng trong khu vực. Bên cạnh đó, các giải thưởng Du lịch ASEAN 2024 cũng giúp Huế tạo được nét đặc trưng nổi bật với các điểm đến khác trong khối ASEAN và Việt Nam, là cơ hội để thu hút du khách trong thời gian đến.

Không thể phủ nhận, cộng đồng đóng một vai trò quan trọng cùng với chính quyền Huế trong xu hướng xây dựng thành phố du lịch sạch. Điều đó đã được chứng minh thông qua việc các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch hưởng ứng phát động đến toàn thể cán bộ nhân viên tham gia giải chạy cộng đồng "Mỗi bước chạy - Nối yêu thương" lần thứ nhất năm 2023; hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 với chủ đề "Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn"; triển khai một số nội dung hưởng ứng tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 31/5/2023 với Chủ đề: "Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc"; hưởng ứng tham gia đăng ký mô hình "Nhà vệ sinh miễn phí" cho du khách và đồng hành để chương trình triển khai được thành công; phối hợp tham gia khảo sát mức độ áp dụng các tiêu chí thuộc Tiêu chuẩn Khách sạn Xanh ASEAN với mục tiêu thực hiện các nội dung: Thực hiện Tiêu chuẩn du lịch ASEAN; Nâng cao năng lực quản lý điểm đến du lịch, các hoạt động đã được đông đảo mọi người ủng hộ, thực sự lan rộng thông điệp bảo vệ nguyên dạng điểm đến này với dư luận, cộng đồng.

Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi chống rác thải nhựa do Thủ tướng Chính phủ phát động, thời gian qua, chính quyền tỉnh và thành phố Huế đã phát động nhiều phong trào góp phần xây dựng Huế "xanh - sạch - sáng", nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố Huế đã đưa vào sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, hạn chế đồ nhựa và túi nilon.

“Thiết nghĩ, nếu cộng đồng chưa nhận thức được du lịch gắn liền với bảo vệ, giữ gìn môi trường luôn là cách làm du lịch bền vững và hiệu quả thì hệ sinh thái vẫn còn bị tàn phá bởi các hoạt động khai thác du lịch ồ ạt, gây nhiều hệ luỵ đến không chỉ nền kinh tế của tỉnh nhà mà còn cả cuộc sống, sức khỏe của người dân địa phương. Hy vọng xu hướng du lịch xanh - sạch - đẹp vẫn tiếp tục được lan tỏa trong cộng đồng, để Huế giữ vững danh hiệu thành phố du lịch sạch ASEAN, đồng thời thúc đẩy Việt Nam sẽ có thêm nhiều thành phố "du lịch sạch" trong tương lai”. Lãnh đạo UBND thành phố Huế chia sẻ.

Lịch sử Ngày Trái đất

Ngày Trái đất (Earth Day - ED) được đề xuất lần đầu ở Mỹ năm 1970, ông John McConnell là người đề xướng Ngày Trái đất. Ông đã vận động cử hành tôn vinh Trái đất ngày 21/03/1970. Thành phố San Francisco của Mỹ đã hưởng ứng, công bố ngày 21/3/1970 là Ngày Trái đất, và sau đó Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc U Thant đã công bố đó là Ngày Trái đất Quốc tế.

Tuy nhiên, sau này một bộ phận đông đảo những người ủng hộ Ngày Trái đất tin tưởng sau ngày Chúa Phục sinh mới thật sự là Ngày Trái đất, và họ cử hành vào ngày 22/4 hàng năm. Ngày Trái đất thứ hai do ông Gaylord Nelson, nguyên thượng nghị sĩ đảng dân chủ bang Wisconsin, Mỹ, phát động vào ngày 22/4/1970 với 20 triệu người tham gia. Đó là ngày mà nhân loại tạm gác lại những công việc hàng ngày, những lo lắng buồn phiền để suy nghĩ và hành động cho thế giới tự nhiên mà chúng ta đang sống.

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng tuyên bố: "Là cha đẻ của Ngày Trái đất, Nelson đồng thời là người tiên phong để sau này cho ra đời các sự kiện khác nối tiếp Ngày Trái đất, đó là Luật Bảo vệ môi trường, Luật Không khí sạch, Luật Nước sạch và Luật Nước uống an toàn". Nelson là người ủng hộ công cuộc bảo vệ môi trường tự nhiên và được biết đến như một trong những nhà lãnh đạo về môi trường đầu tiên trên thế giới. Ông được đánh giá là một người khiêm nhường, hài hước và không bao giờ bị ảnh hưởng bởi quyền lực và sự phù hoa của những cương vị ông từng nắm giữ. Năm 2009, Ngày Trái đất đã được Liên Hợp Quốc công nhận.

Ngày Trái đất là ngày vận động toàn dân nâng cao nhận thức và hành động nhằm bảo vệ giá trị của môi trường tự nhiên toàn cầu. Trong Ngày Trái đất, mọi người thường tổ chức các hoạt động nhằm mục đích bảo vệ môi trường như tuyên truyền kêu gọi mọi người chung sức bảo vệ môi trường sống, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp.

Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.206.064
Đang truy cập 5.867