Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bản đúc nổi trên Cửu đỉnh ở Hoàng cung Huế được vinh danh di sản tư liệu thế giới
Ngày cập nhật 08/05/2024

Vào lúc 13g09’ ngày 8/5/2024, bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế đã được Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO tổ chức tại Mông Cổ được vinh danh di sản tư liệu thế giới. 

 
Trong phiên họp ngày 8/5/2024, Hội nghị tập trung xem xét 20 hồ sơ có giá trị về nhiều mặt và đạt các tiêu chí về ý nghĩa trong khu vực, tính độc bản và tính quý hiếm. Việt Nam có 1 hồ sơ Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế (hay còn có tên gọi khác Cửu đỉnh – Hoàng Cung Huế) được xem xét trong đợt này.
 
 
Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế do vua Minh Mệnh ra lệnh đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu ngay từ khi ra đời cho đến hiện nay. Vua Minh Mệnh cho đúc Cửu đỉnh nhằm biểu thị sự trường tồn của triều đại, sự giàu đẹp và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Trình độ đúc đồng tinh xảo của những người thợ thủ công ở Việt Nam, với 162 họa tiết chạm khắc nhiều chủ đề khác nhau trên Cửu đỉnh, cùng nhiều giá trị ẩn sâu phía sau đã đưa Cửu đỉnh vượt ra ngoài tầm vóc của quốc gia. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp. 
 
Cửu đỉnh có tên riêng trùng với một số thụy hiệu của các vị vua triều Nguyễn. Cao đỉnh (Thế tổ Cao Hoàng đế - vua Gia Long), Nhân đỉnh (Thánh tổ Nhân Hoàng đế - vua Minh Mạng), Chương đỉnh (Hiến tổ Chương Hoàng đế - vua Thiệu Trị), Anh đỉnh (Dực Tông Anh Hoàng đế - vua Tự Đức), Nghị đỉnh (Giản Tông Nghị Hoàng đế - vua Kiến Phúc), Thuần đỉnh (Cảnh Tông Thuần Hoàng đế - vua Đồng Khánh), Tuyên đỉnh (Hoằng Tông Tuyên Hoàng đế - vua Khải Định). Dụ đỉnh và Huyền đỉnh không trở thành thụy hiệu của bất kỳ vị vua nào. Những đỉnh này cao trung bình 2,3 mét, trọng lượng từ 1.935kg đến 2.603kg. Về tổng thể, chúng đều có hình dáng giống nhau như bầu tròn, trên miệng có hai quai, dưới bầu có ba chân…
 
 
Trên 9 đỉnh có 162 tấm họa tiết chạm nổi tinh xảo, được xem như bộ “Dư địa chí”, bộ bách khoa thư về nước Việt Nam đầu thế kỷ 19 bằng phương pháp tạo hình, tuy không đầy đủ nhưng điển hình. Mỗi đỉnh có 18 hình, chia làm 3 tầng. Mỗi tầng có 6 hình xen kẽ với 6 mảng trống, trong đó tầng trên và tầng dưới bố trí lệch một khoảng so với tầng giữa. Các hình chạm nổi trên Cửu đỉnh được sắp xếp chặt chẽ. Năm 2012, Thủ tướng đã ra quyết định công nhận Cửu đỉnh là Bảo vật quốc gia trong đợt đầu tiên. 
 
 
 Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á. Song hành cùng những thăng trầm của một triều đại, sau gần 200 năm dù đã trải qua bao biến cố của thời cuộc và biến thiên của thời gian vẫn vẹn nguyên. Bảo vật hiếm hoi còn lại, tượng trưng cho vương quyền và sự tồn tại của triều đại phong kiến ở các nước Á đông. Với những giá trị tiêu biểu, độc đáo về hình thức, nội dung thông tin, đặc biệt là các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của đất nước Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 10, Uỷ ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hồ sơ “Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế” đã được ghi danh vào Danh mục Ký ức thế giới với số phiếu 23/23 nước tham gia. Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế được vinh danh là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, điều này đã gia tăng thương hiệu di sản Huế, một điểm đến 8 di sản. Và đây cũng là nền tảng và là món quà để khẳng định mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương trên nền tảng bản sắc văn hóa Huế.
 
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã có trích đăng loạt bài nghiên cứu Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh của Nhà báo Dương Phước Thu tại trang TTĐT của Sở tại địa chỉ https://sdl.thuathienhue.gov.vn/?gd=7&cn=85&tc=75059
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.444.213
Đang truy cập 10.104