Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Một ngày của Hoàng quý phi trong cung diễn ra như thế nào?
Ngày cập nhật 21/08/2019

Bên cạnh việc chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho nhà vua, kiểm tra công việc trong cung, quán xuyến thu chi… Hoàng quý phi còn phải đứng ra phân xử mâu thuẫn của các cung tần, mỹ nữ.

Trong sách “Đời sống cung đình triều Nguyễn” và sách “Đời sống trong Tử Cấm thành”, tác giả Tôn Thất Bình cho biết các vua triều Nguyễn có đến hàng trăm cung phi. Để tỏ rõ trật tự chính sự và nghi lễ trong cung, năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), vua ra dụ đặt thứ bậc ở nội cung.
 
Theo sách Đại Nam thực lục, vua đặt Hoàng quý phi ở trên bậc nhất cửu giai (9 bậc phi tần), là ngôi chủ quỹ trong cung (chỉ người vợ, có nhiệm vụ trông nom việc ăn uống ở trong nhà, trông coi lương thực ở trong cung), giữ nội chính cho tề chỉnh (chỉnh tề công việc ở bên trong).
 
Lại đặt Lục thượng (Sáu yêu chuộng) để định rõ chức phận phải làm. Thượng nghi: Giữ nghi lễ, tiết văn; Thượng trân: Giữ của báu, châu ngọc; Thượng khí: Giữ đồ dùng, đồ chơi; Thượng Phước: Giữ chăn, nệm, giường, màn; Thượng thực: Giữ thức ăn ngon, trà, hoa quả; Thượng y: Giữ mũ, giày, áo, xiêm.
 
Ân phi Hồ Thị Chỉ vợ vua Khải Định. Ảnh tư liệu.
 
Vua cũng chuẩn định lệ ban phong Hoàng quý phi dùng sách vàng. 9 bậc phi tần: Nhất giai phi, nhị giai phi dùng sách bạc mạ vàng; tam giai tần, tứ giai tần, ngũ giai tiếp dư, lục giai tiếp dư, thất giai quý nhân, bát giai mỹ nhân dùng sách bạc, tài nhân không vào ban thứ nào dùng sắc phong bằng lụa màu, có trục.
 
Về tiền và gạo lĩnh hàng năm, Hoàng quý phi được hưởng cao nhất: 1.000 quan tiền, 300 phương gạo (1 phương gạo bằng 13 thăng hay 30 bát gạt bằng miệng), chín bậc phi tần từ nhất cho đến chín nhận tiền và gạo thấp dần.
 
Chỗ ở của Hoàng quý phi là Điện Khôn thái trong Tử Cấm Thành. Điện chính của cung này là Điện Cao Minh Trung chính, làm năm Gia Long thứ 3 (1804) chính tịch 7 gian, tiền tịch, hậu tịch 9 gian. Điện làm theo kiểu trùng thiềm trùng lương, hợp ngói âm dương, hai mặt trước và sau mỗi mặt có 3 bệ đá để lên xuống, tả hữu mỗi bên một bệ. Hiên phía đông của điện gọi là viện Tĩnh Quan, là nhà hát riêng cho vua và Hoàng Quý phi xem hát. Cung Khôn Thái ở vị trí ngay sau lưng điện Càn Thành là nơi vua ăn, nghỉ.
 
Là người được nhiều sủng ân, sủng ái nhất, nhưng công việc của Hoàng quý phi lại nặng nề nhất vì phải lo đôn đốc, kiểm tra công việc hàng ngày trong cung (ngôi chủ quỹ trong cung).
 
Trường lang thuộc khu vực Cung Khôn Thái, nơi ăn ở sinh hoạt của Hoàng hậu, Hoàng quý phi. Nguồn: Đại Nội Huế - Imperial City Hue.
 
Theo tác giả Tôn Thất Bình, công việc thường nhật của Hoàng quý phi diễn ra như sau:
 
4h (giờ Dần), bà thức dậy, vệ sinh trang điểm xong, đi kiểm tra các món điểm tâm trước khi dâng lên vua ngự thiện (theo tiền lệ vua thường ngự thiện chỉ một mình, các nữ quan thị vệ là Hoàng quý phi hay Hoàng hậu không cùng chung mâm với nhà vua. Vị vua đầu tiên phá tục lệ này là Duy Tân - khi  ăn với vợ là Mai Thị Vàng).
 
Sau khi kiểm tra các món điểm tâm, Hoàng quý phi cùng với một số cung nữ và thái giám đem món ăn lên cung riêng của nhà vua để dâng; vấn an, chúc lành thiên tử. Rời cung vua, bà đi xem xét, kiểm tra công việc buổi sáng của các cung điện vào khoảng 5h (giờ Mão).
 
Giữa giờ Mão (khoảng 6h), về cung riêng điểm tâm rồi đến cung Diên Thọ vấn an và chúc lành Hoàng Thái hậu (nếu có), nghe lời huấn dụ, rồi về cung riêng.
 
Cuối giờ Mão (khoảng 7h), ngồi tại chính điện, nhận lễ thỉnh an của các hoàng tử, công chúa, phi tần, các thái giám và cung nữ điều hành.
 
Giữa giờ Thìn (khoảng 9h) duyệt đơn thưa kiện lẫn nhau của các phi tần, mỹ nữ, tham khảo ý kiến của các thái giám già, ý kiến của các nhân chứng rồi phân xử phải trái, nghị hòa, nghị phạt.
 
Cuộc sống của các cung phi trong Tử Cấm Thành tương đối nhàn hạ, no đủ. Tuy nhiên, do muốn vươn lên những địa vị cao sang hơn, nhất là chiếm tình cảm của vua nên chuyện ghen tuông đố kỵ xảy ra thường tình. Vua Minh Mạng nhiều lúc khổ tâm vì tình trạng đánh ghen, đố kỵ, khó phân xử nên việc này phần nào được Hoàng quý phi san sẻ bớt.
 
Tử Cấm Thành Huế thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu.
 
Cuối giờ Tỵ (khoảng 11h), Hoàng quý phi đi thăm con nhỏ, căn dặn bảo mẫu chăm sóc con chu đáo, trang điểm qua, đón nhà vua bãi triều hồi cung để báo cáo công việc giải quyết, nghe ý của nhà vua dặn dò công việc chung.
 
Giữa giờ Ngọ (khoảng 12h), kiểm tra lại các món ăn của hoàng đế, về cung ăn uống và nghỉ ngơi.
 
Giữa giờ Mùi (khoảng 14h) thức dậy, tắm rửa, trang điểm, sửa soạn món ăn nhẹ, bánh trái chờ hoàng đế đến thăm.
 
Giữa giờ Thân (khoảng 16h) chơi đùa với các con rồi đến cung Diên Thọ thăm Hoàng Thái hậu, kiểm tra công việc các nơi trong cung.
 
Đầu giờ Dậu (khoảng 18h) kiểm tra các món ăn buổi chiều của nhà vua, về cung dùng cơm. Nghe thái giám báo cáo tình hình trong ngày, dặn dò, cắt đặt công việc buổi tối, đem vài cung nữ đến chùa trong Tử Cấm Thành để dâng hương, cúng Phật, cầu cho Hoàng Thái hậu, nhà vua, hoàng gia được an lành, đất nước được thái bình, thịnh vượng.
 
Giữa giờ Tuất (khoảng 20h) về thư phòng đọc sách, đến đầu giờ Hợi (khoảng 21h) chơi với con, kiểm tra vài nơi, kiểm tra món ăn đêm của nhà vua, chúc nhà vua ngủ ngon, về cung tập thể dục, tắm rửa, dùng bữa ăn nhẹ buổi tối, lên giường nghỉ ngơi vào cuối giờ Hợi (23h).
Theo: kienthuc.net.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 29.867