Tìm kiếm tin tức
Dịch vụ cao cấp cho dòng khách cao cấp
Ngày cập nhật 21/09/2018

Huế là điểm đến đang thu hút những dòng khách cao cấp, có mức chi tiêu cao; tuy nhiên, do thiếu những dịch vụ cao cấp nên số tiền mà khách chi tiêu khi đến Huế chưa cao.

Thiếu dịch vụ cao cấp
 
Dòng khách chủ lực của Huế là các thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á. Đây là những dòng khách đang chiếm số lượng lớn trong “top” 10 thị trường đến Việt Nam có mức chi tiêu nhiều nhất trong năm 2017. Với những dòng khách này, nhu cầu chính là muốn tìm hiểu văn hóa, đó là lý do chính mà Huế vẫn luôn có sức hút ổn định đối với các thị trường này.
Chất lượng dịch vụ sẽ làm nên thương hiệu du lịch cao cấp Ảnh: Nguyễn Hưng
 
Điều khá may mắn cho Huế khi đã “bỏ qua” được nhiều giai đoạn. Một điểm đến cao cấp phải có sự sàng lọc nguồn khách. Tức là khi khách đến đông, sức chứa quá tải, đây mới là thời điểm để phân cấp các dòng khách, nâng chất lượng, nâng giá dịch vụ để hướng đến những dòng khách có mức chi tiêu lớn hơn. Với nhiều điểm đến, quá trình này mất rất nhiều thời gian. Còn với Huế, hiện khách đến chưa đạt ngưỡng quá tải, nhưng đã có thể tính đến chuyện tập trung khai thác dòng khách cao cấp.
 
Đó là lý thuyết, nhưng khi đưa lên bàn cân để đong đếm, dịch vụ cao cấp cho những dòng khách chịu chi ở Huế là quá ít. Lãnh đạo ngành du lịch thẳng thắn nhìn nhận, dịch vụ cao cấp ở Huế chỉ mới dừng lại ở một số cơ sở lưu trú, còn các dịch vụ khác chưa lấy được nhiều tiền của khách. Chẳng hạn như khi khách vào tham quan di sản, từ khách cao cấp đến bình dân đều được cung cấp giá vé và những dịch vụ như nhau, chưa có phân cấp các dịch vụ để lấy tiền nhiều hơn từ những khách cao cấp hay Huế vào ban đêm, khi nghe ca Huế, giá cả đều như nhau giữa các dòng khách.
 
Câu chuyện khách đến Huế muốn tiêu tiền, nhưng chưa biết tiêu vào đâu không phải chỉ mới đề cập gần đây. Mức chi tiêu của khách được tính bằng số tiền mà khách chi trong 1 ngày và cả chuyến đi. Nếu xét ở hai khía cạnh này, Huế còn yếu. Số liệu từ Sở Du lịch, mức chi tiêu trung bình của khách đến Huế trong năm 2017 là gần 800.000đồng/người/ngày; trong khi đó, mức chi tiêu ở các địa phương khác trong nước nổi tiếng về du lịch cao hơn từ 20 - 50%. Hay ở chỉ số tổng mức chi tiêu, số ngày lưu trú ở Huế của khách ngắn, làm giảm mức chi.
 
Ở một khía cạnh khác, trong cuộc họp hồi đầu năm của Hội đồng Tư vấn Du lịch của tỉnh, theo các thành viên, sức thu hút của điểm đến được đánh giá trên nhiều tiêu chí; trong đó, quan trọng hàng đầu chính là mức chi tiêu của khách. Khi đến Huế, khách phải tốn chi phí để sử dụng những dịch vụ tốt mới có thể khẳng định Huế là điểm đến đẳng cấp, chất lượng tốt.
 
Du khách chọn Huế bởi có những sản phẩm gắn với văn hóa đặc trưng
 
Ông Phan Trọng Minh, Giám đốc Điều hành Khách sạn La Residence cho hay, có nhiều khách gửi phản hồi muốn đến Huế nhưng không biết dịch vụ có tốt không. Hay từng có những khách là tỷ phú, triệu phú, trước khi đi du lịch, họ có đội ngũ nhân viên đi khảo sát, nhưng khi đến Huế, chất lượng dịch vụ chưa như kỳ vọng nên họ quyết định không đến nữa.
 
Nâng tầm
 
Hội đồng Tư vấn Du lịch cho rằng, Huế tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, có những dịch vụ cao cấp, việc phấn đấu nâng mức chi tiêu của khách lên 100 USD vào khoảng năm 2023 là có thể thực hiện được. Tất nhiên, để tăng con số chi tiêu gấp gần 3 lần trong vòng 5 năm tới thì đòi hỏi sự “tăng tốc” của chuỗi các giải pháp; trong đó, quan trọng nhất vẫn là sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó là hạ tầng, nhân lực...
 
Mức chi tiêu của khách đến Huế chưa cao
 
Theo ông Phan Trọng Minh, khi chủ đầu tư “rót” vốn để sửa chữa khách sạn, họ nghiên cứu khá kỹ thị trường khách du lịch Huế trong vòng vài năm đến. Dự đoán, Huế sẽ là điểm hút khách cao cấp, khi xu thế đi tìm những sản phẩm có yếu tố văn hóa, lịch sử và là vùng đất chưa quá đông đúc để tìm sự khác biệt hơn, nhẹ nhàng, yên bình. Nếu Huế hội tụ thêm những dịch vụ đạt tiêu chuẩn về ăn uống sẽ là điều kiện đủ để khách rút “hầu bao”.
 
Một cái khó cố hữu của Huế nhiều năm qua chính là “sức mạnh” của các doanh nghiệp. Quy mô và nguồn lực còn hạn chế nên khiến nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mang tính bình dân. Cũng có một số dịch vụ khi mới ra đời hướng đến những dòng khách cao cấp, dịch vụ đắt tiền, hứa hẹn sẽ làm hài lòng số ít du khách khó tính. Nhưng sự “chịu nóng” của các doanh nghiệp chưa đủ nên buộc phải hạ chất lượng để có nguồn khách ổn định hơn. Trong khi đó, để một sản phẩm, dịch vụ được khách biết thì cần có một thời gian nhất định.
 
Từ thực tế trên, thu hút thêm những nhà đầu tư lớn, có thương hiệu là điều cần thiết cho Huế. Vì khi những thương hiệu lớn sẽ tự động chuẩn hóa dịch vụ, họ có định hướng rõ ràng về dòng khách cao cấp. Quan trọng hơn, sự duy trì ở thời gian ban đầu của họ sẽ tốt hơn. Chính những thương hiệu này họ sẽ tự có cách để đưa khách về sử dụng các dịch vụ đó. Laguna Lăng Cô là một ví dụ điển hình.
 
Sở Du lịch nhìn nhận, sự thay đổi chất lượng dịch vụ không thể thực hiện trong ngày một ngày hai, mà là cả lộ trình. Tín hiệu đáng mừng là nhiều dịch vụ cao cấp đã bắt đầu triển khai, một số đã cơ bản thấy “hình hài”. Như dịch vụ thuyền trên sông Hương, có một công ty đầu tư bằng mẫu mã mới, đẹp hơn, trên đó có cả dịch vụ ăn uống và ngủ, nghỉ… Hay như khu vui chơi cao cấp ở Vinh Xuân cũng đang được thúc đẩy, cùng với đó là những dự án được mở rộng quy mô và xây dựng mới ở Lăng Cô, Chân Mây…
 
TP. Huế, hạt nhân của du lịch Huế cũng cần làm mới di sản, thêm những dịch vụ để khi khách vào Đại Nội, với 50.000 đồng cũng có dịch vụ, 100- 200 nghìn đồng hay cả vài triệu đồng cũng có dịch vụ thích hợp. Đích hướng tới là những người khách bỏ nhiều tiền để sử dụng những dịch vụ cao cấp, hấp dẫn, tốt nhất.
 
Bài, ảnh: Đức Quang
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 69