Tìm kiếm tin tức
Để Homestay thật sự là sản phẩm du lịch cộng đồng, kỳ 1
Ngày cập nhật 28/03/2019

Hiện nay, loại hình du lịch theo homestay (cùng ăn, ở, cùng làm với người nông dân) đang phát triển ở nhiều nơi trên cả nước. Bên cạnh những mặt được thì đã và đang đặt ra rất nhiều vấn đề, đặc biệt là về chất lượng dịch vụ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, bảo đảm an ninh an toàn cho du khách…

Kỳ 1:  Homestay phải đúng nghĩa
 
“Homestay” được bố trí hoàn toàn riêng biệt, không có gia đình sinh sống, thực chất chỉ là cung cấp phòng nghỉ
 
Không chỉ làm nơi lưu trú
 
Thực tế, lực lượng làm công tác quản lý du lịch tại các địa phương nói riêng và cả nước nói chung đang còn rất mỏng và yếu, dẫn tới tình trạng người dân tự làm du lịch đối với loại hình homestay là chính. Điều này cũng đồng nghĩa với tình trạng homestay đang hoạt động bát nháo, nhiều điểm hoạt động không đúng nghĩa là homestay.
Theo tìm hiểu, ghi nhận của PV, đa phần cái gọi là homestay ở các địa phương hiện nay thực chất phục vụ như cơ sở lưu trú, chứ chưa phải là một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh.
Ông David Glory (quốc tịch Anh) mới trải nghiệm tour xe đạp cùng với 6 người bạn của mình ở khu vực Delta Mê Kông (đồng bằng sông Cửu Long) về lại TP.HCM cho biết: “Chúng tôi đã đi Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre trong 4 ngày, cảnh và con người ở đó thật tuyệt vời”.
Thế nhưng khi nói về homestay thì David lại thấy không ổn: “Ở trong những homestay thì không có sự khác biệt. Ví dụ như ở nhà cổ Cái Bè (Tiền Giang) rồi đến cù lao An Bình (Vĩnh Long) và đến TP. Bến Tre (tỉnh Bến Tre) thì các điểm homestay phục vụ tương đối giống nhau”.
“Sau khi tham quan vườn cây trái, bắt cá và trải nghiệm một vài hoạt động tại nhà vườn thì chúng tôi cùng ăn tối và ngủ trên những giường được bố trí khu riêng biệt (tách hoàn toàn với nhà ở của người dân). Tôi cho rằng, cách làm này còn quá đơn giản, hầu hết đều tập trung vào việc lưu trú nên chúng tôi chưa thể tìm hiểu được nhiều về văn hóa của vùng đó thông qua chủ nhà”, David nói thêm.
Anh Phát, người hướng dẫn viên dẫn tour cho 6 vị khách nói trên cũng cho biết: “Trải nghiệm của khách hầu hết là thông qua hướng dẫn viên phiên dịch lại, còn chủ nhà thì đa phần không nói được tiếng Anh hoặc nói được thì cũng bập bẹ, dẫn tới không truyền đạt hết được ý nghĩa của vấn đề mà họ muốn trao đổi. Trong khi đó, du khách lại muốn tìm hiểu rất nhiều”.
Anh Phát cho biết thêm: “Ví như ở Tiền Giang, khi thấy bàn thờ của gia tiên, họ muốn tìm hiểu thì phải thông qua hướng dẫn viên, vì gia chủ đó không thể giải thích được. trong khi, riêng ở Việt Nam, ở mỗi vùng lại có văn hóa, tập tục, truyền thống khác nhau trong việc bố trí, sắp đặt bàn thờ”.  
 
Phải là sản phẩm hoàn chỉnh
 
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều biểu hiện đơn giản cho thấy, du lịch homestay đã không phản ánh được ý nghĩa của nó. Bởi, homestay là loại hình du lịch mà khách sẽ ở chung, ăn chung với các thành viên trong gia đình và thông qua các hoạt động tập thể của gia đình đó để trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, con người, vùng đất nơi đó.
“Tôi cho rằng khi đến một homestay đúng nghĩa thì đó là một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, chứ không phải đơn thuần là dịch vụ lưu trú. Ít nhất, khách đến sẽ được trải nghiệm các hoạt động của gia đình. Ví dụ, nếu làm ruộng thì sáng thức dậy sẽ gọi khách cùng đi và hướng dẫn khách làm các hoạt động trên thửa ruộng đó. Sau đó sẽ trở về nhà làm công việc gia đình: chuẩn bị bữa cơm, dọn dẹp nhà cửa, nghỉ ngơi và tiếp tục công việc của buổi chiều”, Thạc sĩ Nguyễn Chí Thành, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia này: “Nếu có sản phẩm của nhà làm để bán hoặc phải đi chợ sẽ dẫn khách theo và họ sẽ trải nghiệm các hoạt động tại chợ, giống như một người dân. Thậm chí, nếu có các hoạt động tại địa phương, xóm làng, như: đám cưới, tiệc tùng, hiếu hỷ… cũng có thể dẫn họ theo. Như vậy thì mới hiểu hết được ý nghĩa của homestay”.
Thực tế, trong tiếng Anh, chữ “home” trong homestay cũng có nghĩa là ngôi nhà nhưng nói về nơi có gia đình sinh sống, có sự gắn kết giữa các thành viên trong đó. Thế nhưng hiện nay, cách làm của đa phần homestay ở Việt Nam lại đang chệch sang chữ “house”, có nghĩa là ngôi nhà theo hướng vật chất – phục vụ làm nơi lưu trú.
Còn lại sự gắn kết và giao thoa văn hóa thông qua các thành viên trong gia đình là chưa có. Vì thế, khách ít cảm nhận được mình là một phần (cùng ở, cùng làm) trong ngôi nhà đó. Thực tế, khách hoàn toàn tách biệt.
Thực tế, PV đến một homestay tại Cù lao An Bình, vốn được nhiều người khen. Khi đến, PV chứng kiến khách ăn uống, gia chủ cũng dọn một vài món của miền quê, ông chủ cầm bình rượu ra uống vài ly rượu, nói những câu chuyện đơn giản… Sau đó, “thân ai nấy lo”, khách trở về với không gian của họ, hoàn toàn tách biệt với các hoạt động của gia đình”.
 
Thanh Tùng
 
Theo: baodulich.net.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 15.703.058
Đang truy cập 8.420