Tìm kiếm tin tức
Festival nghề truyền thống Huế 2023 thu hút 300 nghìn người tham dự
Ngày cập nhật 09/05/2023

Ước tính có khoảng 300.000 lượt du khách và người địa phương đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động lễ hội Festival nghề truyền thống Huế trong dịp này, doanh thu từ các hoạt động của không gian làng nghề và ẩm thực ước đạt hơn 20 tỷ đồng.

Festival nghề truyền thống Huế 2023 đã được tổ chức thành công từ ngày 28/4 đến ngày 5/5/2023, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho công chúng và du khách. Trong 8 ngày diễn ra Festival nghề truyền thống Huế 2023, kết hợp các dịp lễ, đã có khoảng 120.000 lượt khách đến Huế, tăng 26% so với dự ước ban đầu (95.000). Khách lưu trú 65.300 lượt (trong đó có khoảng 25.500 khách quốc tế) tăng 17,6% so với dự ước. Doanh thu từ du lịch đạt 194 tỷ, tăng 25% so với dự ước ban đầu.
Ước tính có khoảng 300.000 lượt du khách và người địa phương đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động lễ hội Festival nghề truyền thống Huế trong dịp này, doanh thu từ các hoạt động của không gian làng nghề và ẩm thực ước đạt hơn 20 tỷ đồng.
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩn, tôn vinh nghề, làng nghề và không gian ẩm thực, đặc sản Huế với nhiều ấn tượng mới
Trong hành trình 8 ngày, đêm diễn ra Festival nghề truyền thống Huế 2023, tại khu vực đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Bà Huyện Thanh Quan, công viên Tứ Tượng và công viên Phan Bội Châu, Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm tôn vinh nghệ nhân nghề và làng nghề; không gian ẩm thực là cuộc gặp gỡ, giao lưu, đầy thú vị. Không gian là nơi quy tụ 21 nhóm nghề và 350 nghệ nhân, bàn tay vàng, thợ thủ công lành nghề đến từ 69 cơ sở nghề và làng nghề truyền thống trong cả nước, trong đó có 58 cơ sở nghề, làng nghề trong tỉnh và 11 ở ngoài tỉnh (tăng 15% cơ sở nghề so với Festival nghề truyền thống Huế 2019). Đây chính là không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân, là dịp để các cơ sở nghề và làng nghề truyền thống trên toàn quốc gặp gỡ trao đổi, giao lưu và tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm trong khôi phục, bảo tồn và phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống theo hướng công nghiệp và sáng tạo.
 
 
Đặc biệt, bên cạnh các làng nghề nổi tiếng đã tham gia trong nhiều kỳ Festival (làng gốm Bát Tràng, làng dệt Phùng Xá, làng nghề mộc Mỹ Xuyên…, tại Festival nghề truyền thống năm nay còn có thêm nhiều cơ sở nghề và làng nghề lần đầu tham gia với các sản phẩm nghề tinh xảo, độc đáo như sơn mài khắc, các ngành nghề đặc sản Huế,... Với nhiều hoạt động thao diễn, biểu diễn các công đoạn chế tác sản phẩm nghề tinh xảo, độc đáo cùng hoạt động trưng bày, giới thiệu, mua bán sản phẩm nghề thủ công truyền thống đã thu hút trên 300.000 lượt người tham quan mua sắm; doanh thu bán hàng của hầu hết các cơ sở tham gia Festival đều đạt kết quả cao. Ngoài ra, các các cơ sở, đơn vị tham gia Festival nghề truyền thống Huế 2023 đã ký kết hàng trăm đơn đặt hàng như Cơ sở tre mỹ nghệ truyền thống Tre Việt, Công ty TNHH MTV Huế Xuân - Lê Gia,…
Không gian trưng bày và thao diễn các sản phẩm nghề thủ công truyền thống của các thành phố và tổ chức quốc tế đa sắc màu
Bên cạnh Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm tôn vinh nghệ nhân nghề và làng nghề trong nước, Không gian trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống của các thành phố và tổ chức quốc tế gồm các nghệ nhân đến từ 6 thành phố và 2 tổ chức quốc tế có quan hệ hợp tác, kết nghĩa với thành phố Huế. Việc tham gia của 37 nghệ nhân đến từ các thành phố Gongju, thành phố Namyangju (Hàn Quốc), các thành phố Saijo, Shizuoka, Takayama, Sasayama (Nhật Bản), Viện nghiên cứu văn hóa truyền thống Hàn Quốc và Viện xúc tiến nghiên cứu văn hóa Hàn Quốc là dịp để thành phố và tỉnh Thừa Thừa Huế tiếp tục tăng cường giao lưu, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Huế với các thành phố trên thế giới; đồng thời, tạo điều kiện giao lưu, đoàn kết và phát triển các thương hiệu sản xuất hàng thủ công truyền thống của Việt Nam và các đối tác quốc tế. Các nhà nghiên cứu, các nhà thiết kế, các nghệ nhân đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc đã mang đến Huế những sản phẩm tinh hoa, đặc sắc để làm nên một không gian trưng bày đa sắc màu văn hóa tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế trong dịp Festival nghề truyền thống Huế 2023.
 
 
Tại không gian này, du khách và Nhân dân được thưởng thức các sản phẩm dệt may với nghệ thuật nhuộm tự nhiên đến từ các nghệ nhân Gongju (Hàn Quốc), các tác phẩm Sơn mài khảm xà cừ của Namyangju (Hàn Quốc), trải nghiệm thú vị với Hanbok Fashion Show cùng với các nghệ nhân, người mẫu của Hiệp hội thủ công Nghề truyền thống Hàn Quốc, tham quan lễ hội truyền thống Saijo, kiệu Danjiri và đèn lồng thông qua hình ảnh và những thước phim sống động do thành phố Saijo (Nhật Bản) mang đến, cùng với khu trải nghiệm viết chữ trang trí lên giấy trang trí đèn lồng, các sản phẩm chạm khắc thủ công của thành phố Takayama và hàng thủ công bằng tre Suruga, Đồ sơn mài Suruga của Shizuoka (Nhật Bản), các sản phẩm gốm Tamba đến từ thành phố Sasayama (Nhật Bản), bên cạnh đó là không gian trưng bày kim hoàn của nghệ nhân Duy Mong, không gian trưng bày Diều của các nghệ nhân trong Câu lạc bộ Diều Huế, triển lãm ảnh nghệ thuật và Video Clip "Rú Chá, Cồn Tè - Sắc màu sông nước",… đã đem đến cho không khí lễ hội những sắc màu văn hóa độc đáo, những tác phẩm thủ công truyền thống tinh xảo được hình thành và thao diễn bởi đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân tài hoa, nhiều kinh nghiệm.
 
 
Không gian Lễ hội ẩm thực "Tinh hoa nghề Bún" thu hút người dân và du khách
Không gian Lễ hội ẩm thực "Tinh hoa nghề Bún" đã được đông đảo Nhân dân và du khách đến dự, tham quan và thưởng thức ẩm thực. Trong 4 ngày, đêm (từ 29/4 đến 2/5/2023) diễn ra đã đạt được những kết quả ấn tượng: Lễ hội ẩm thực có sự tham gia của 54 gian hàng đến từ 9 địa phương: Hà Nội, Điện Biên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Long An, Bình Dương, Sóc Trăng, Tp Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có 16 đơn vị đến từ các phường, xã của thành phố Huế. Bên cạnh đó, không gian ẩm thực đã giới thiệu hàng trăm món ăn và thức uống mang phong cách ẩm thực đặc sản của từng vùng, địa phương; đặc biệt đã thu hút trên 45.000 lượt khách đến tham quan các gian hàng, trải nghiệm, thưởng thức các món ẩm thực và mua sắm tại Lễ hội. Ước tính doanh thu khoảng trên 5 tỷ đồng. 
 
 
Ban Tổ chức đã trao giải thưởng Hội thi "Không gian ẩm thực trong vườn Huế" cho 20 đội tham gia với 01 Huy chương Vàng, 02 Huy chương Bạc, 03 Huy chương Đồng, 04 giải Tư, 10 giải Khuyến Khích. Đặc biệt, Ban Tổ chức đã thực hiện thành công việc xác lập Kỷ lục Việt Nam sự kiện chế biến món Bún xào thập cẩm kiểu Huế phục vụ cùng lúc cho nhiều người dùng nhất, góp phần quảng bá tinh hoa Ẩm thực Huế, trong Festival nghề truyền thống Huế 2023.
Lễ hội ẩm thực "Tinh hoa nghề Bún" là cơ hội để thành phố Huế, các tỉnh, thành phố tham gia đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa ẩm thực đặc sắc riêng có của mình tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước thúc đẩy sâu hơn hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam. 
Không gian triển lãm "Thiết kế sáng tạo" thủ công nâng tầm giá trị nghề truyền thống Việt
Tại không gian này, Ban tổ chức đã mời gọi hơn 20 cá nhân, tổ chức là các nhà thiết kế, họa sĩ, nghệ nhân cùng tham gia trưng bày các sản phẩm thiết kế sáng tạo dựa trên nền tảng nghề truyền thống. Không gian được thiết kế hiện đại, với sự trưng bày của các sản phẩm, nghệ phẩm có tính ứng dụng cao được sản xuất bởi sự kết hợp kỹ thuật giữa truyền thống và hiện đại, thông qua sự sáng tạo của các nghệ nhân, họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế trong cả nước, như: Bộ gốm mỹ thuật và sản phẩm gốm ứng dụng, gốm đương đại của Lê Huy, Nguyễn Thị Thu Thủy, Hà Thị Vinh, Ngô Thị Nhung, Giao Nguyễn; nghệ phẩm Trúc chỉ của Phan Hải Bằng, các sản phẩm pháp lam của Đỗ Hữu Triết, sản phẩm đậu bạc của Hồng Hạnh, Áo dài của Đặng Viết Bảo, tranh ghép vải của Lê Việt Cường, giày thời trang kết hợp với nghệ thuật truyền thống của Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, các sản phẩm được ứng dụng từ tre của TreviBike và Trần Xuân Hiến… Bên cạnh các nội dung trưng bày tại không gian này, là chương trình Creative Talk với chủ đề "Sáng tạo để bảo tồn nghề truyền thống" với sự tham gia của các diễn giả có uy tín trong ngành thủ công sáng tạo của Huế và trong nước, qua đó đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh cũng như sáng tạo sản phẩm dựa trên nghề truyền thống. Đặc biệt, bên cạnh không gian này, Ban tổ chức đã tham gia thiết lập kỷ lục thế giới với tác phẩm "Bản đồ Việt Nam" bằng tăm Giang do Kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long - một người con của Huế thực hiện.
 
 
Nhiều sản phẩm tiêu biểu đạt giải cao tại Hội thi bình chọn sản phẩm tiêu biểu Festival nghề truyền thống Huế 2023
Với chủ trương đổi mới Festival nghề truyền thống theo hướng chuyên nghiệp và ngày càng thực chất hơn, Hội thi bình chọn sản phẩm nghề truyền thống Huế 2023 đã thu hút 43 đơn vị, cơ sở nghề trong cả nước đăng ký với 107 sản phẩm tham gia. Ban Tổ chức đã xét chọn và công nhận 15 giải thưởng sản phẩm tiêu biểu Festival nghề truyền thống Huế 2023 với 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba và 09 giải Khuyến khích. Giải nhất là tác phẩm Bức tranh mây vọng cố đô - tác giả Công ty Cổ phần La Toa. Điểm mới của Hội thi bình chọn sản phẩm nghề tiêu biểu tại Festival lần này là Ban tổ chức đã chú trọng khuyến khích những sản phẩm tiêu biểu, thể hiện tính biểu trưng cao về sự sáng tạo, tỉ mỉ của nghệ nhân, làng nghề và gắn việc biểu dương sản phẩm đạt giải cao với lễ vinh danh nghệ nhân, làng nghề Festival nghề truyền thống Huế 2023.
Ban tổ chức Festival nghề truyền thống đã xác lập và hỗ trợ xác lập kỷ lục Việt Nam
Trong khuôn khổ lễ hội ẩm thực "Tinh hoa nghề Bún", Ban tổ chức đã xác lập kỷ lục Việt Nam sự kiện chế biến món Bún xào thập cẩm kiểu Huế phục vụ cùng lúc cho nhiều người dùng nhất, góp phần quảng bá tinh hoa Ẩm thực Huế, trong Festival nghề truyền thống Huế 2023, đồng thời hỗ trợ cho 03 cá nhân thực hiện xác lập Kỷ lục Việt Nam với các tác phẩm độc đáo được trưng bày trong khuôn khổ Festival nghề truyền thống Huế 2023. Với các tác phẩm điêu khắc bộ tượng Thập Bát La Hán & Tây Phương Tam Thánh trên gốc Mít nguyên khối lớn nhất của Nghệ nhân ưu tú Phùng Hữu Thái; tác phẩm “Tam Tòa Trùng Khẩu” - Cổng Rường Tam Quan độc đáo mô phỏng công trình kiến trúc Lầu Hiển Lâm Các thời Minh Mạng, để quảng bá tinh hoa nghề Mộc Huế trong Festival Nghề truyền thống Huế 2023 của ông Lê Đắc Nguyên Xuân; mô hình Nón lá Sen lớn nhất Việt Nam, nhằm góp phần quảng bá Sen và Nghề làm nón truyền thống Huế của ông Nguyễn Thanh Thảo.
Các chương trình nghệ thuật hấp dẫn, nhiều điểm mới lạ
Tại các chương trình nghệ thuật Lễ Khai mạc, Giao lưu văn hoá nghệ thuật giữa thành phố Huế với các thành phố có quan hệ hợp tác, kết nghĩa trong nước và quốc tế, Lễ Bế mạc, Giai điệu Tổ quốc, Tri ân dòng Hương, Giai điệu trẻ, Khai mạc Lễ hội ẩm thực…Với hệ thống sân khấu hiện đại, đặc biệt sân khấu Khai mạc được trải dài từ Bia Quốc học sang cổng trường và hoàn toàn mở, sử dụng thực cảnh hiện hữu, không lắp đặt thêm các cấu kiện làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp tuyệt tác của hai công trình mang dấu ấn lịch sử Huế, cùng các thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại và hệ thống khán đài mới được trang bị cùng sự nỗ lực của các đoàn nghệ thuật, các chương trình nghệ thuật đã được tổ chức hoành tráng, sống động, thu hút đông đảo người dân và du khách quan tâm, theo dõi. Ngoài ra, Lễ hội Quảng diễn đường phố là một hoạt động mới, lần đầu tiên được tổ chức tại Festival nghề truyền thống Huế đặc biệt có ý nghĩa, góp phần thành công cho Festival nghề truyền thống Huế 2023, khẳng định, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Lễ hội Quảng diễn Festival Nghề truyền thống Huế 2023 với sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia biểu diễn qua các tuyến đường chính của thành phố, đặc biệt quảng diễn có sự tham gia của đoàn nghệ thuật Cà kheo đến từ Vương quốc Bỉ. Đây là đoàn nghệ thuật đặc sắc, lần đầu tham gia Festival nghề truyền thống Huế và đã tạo ấn tượng tốt đẹp với khán giả Huế và du khách, thật sự tạo nên một không khí sôi động giữa Cố đô yên bình cũng như sự tương tác gần gũi giữa công chúng và nghệ sĩ.
 
 
Bên cạnh đó, các hoạt động cộng đồng và hưởng ứng như các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể thao, hội thi cộng đồng, talk show, tọa đàm,… diễn ra ở cả hai khu vực nam và bắc sông Hương đã tạo nên không khí lễ hội đầy màu sắc ấn tượng, sôi động, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng và du khách. Tiêu biểu là các hoạt động: Không gian trưng bày giới thiệu diều, Không gian thư pháp; Liên hoan sắc màu tuổi thơ; Liên hoan Flashmod Nhịp điệu trẻ, Hội thi làm bánh bèo, nậm, lọc truyền thống; Triển lãm ảnh nghệ thuật và Video Clip “ Rú Chá, Cồn Tè – Sắc màu sông nước”; Triển lãm đố gốm “ Yakishime-Dáng hình của đất”; Không gian triển lãm Thiết kế sáng tạo thủ công; Tọa đàm “Kiến tạo thành công trên nền tảng kinh doanh số”, trò chuyện cùng các chuyên gia sáng tạo (Creative Talk) với chủ đề “Sáng tạo để bảo tồn nghề truyền thống”... 
Có thể nói rằng, Festival nghề truyền thống Huế 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp, nhân lực và kinh phí hạn chế sau đại dịch Covid-19, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, Thành ủy và sự hỗ trợ tích cực của các sở ngành cấp tỉnh, bên cạnh đó là sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức cùng với sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp của thành phố Huế, do đó Festival nghề truyền thống Huế năm nay đã được tổ chức thành công, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho công chúng và du khách, góp phần khẳng định thương hiệu Festival truyền thống Huế mang tần quốc gia và có yếu tố quốc tế; nâng cao vị thế của Huế "Cố đô xanh - di sản thế giới - thành phố an toàn và thân thiện".
 
Phan Thị Phương Thảo
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 15.670.810
Đang truy cập 10.356