Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Duyên nợ với du lịch tàu biển
Ngày cập nhật 22/05/2019

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du Ngoạn Việt, vẫn được người trong giới du lịch hay gọi vui là “trùm” du lịch tàu biển.

Những ngày này, ông vừa phải đi lại như con thoi giữa các cảng Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Mỹ... để đón tàu, vừa phải “ôm” máy tính để đấu thầu cho mùa du lịch mới bắt đầu vào cuối năm nay, kéo dài đến đầu năm tới.
 
“Du khách tàu biển thường có những yêu cầu về dịch vụ rất chi tiết. Ảnh: Đào Loan
 
“Từ đầu năm đến giờ tàu đến liên tục, trung bình mỗi tuần chúng tôi đón từ 2-3 chuyến”, ông nói.
 
Buổi trò chuyện của TBKTSG với ông Phan Xuân Anh xoay quanh chủ đề là cách nào một công ty tư nhân chỉ có 25 nhân viên như Du Ngoạn Việt có thể làm được mảng mà nhiều công ty lớn khó tiếp cận hoặc đã từng có khách nhưng dần phải buông.
 
Nghề dành cho những người tỉ mỉ
 
Ông Xuân Anh kể, bản thân khởi nghiệp du lịch muộn. Vốn là giáo viên, khoảng năm 1985-1986, khi đã ngoài 30 tuổi và đang là giảng viên tiếng Anh của Đại học Sư phạm TPHCM thì được một công ty du lịch nhà nước mời về làm phiên dịch, hướng dẫn viên. Làm việc được vài năm, ông xin nghỉ để sang Mỹ học thạc sĩ quản trị kinh doanh.
 
Đến năm 1999, sau khi học xong rồi về nước làm việc cho một công ty nhà nước một thời gian, ông mới hùn hạp cùng một số người quen để ra riêng, mở Công ty Du lịch Tân Hồng, sau đó mở thêm Du Ngoạn Việt. Ban đầu, công ty làm nhiều loại sản phẩm nhưng sau đó dành ưu tiên cho du lịch tàu biển.
 
“Du khách tàu biển thường có những yêu cầu về dịch vụ rất chi tiết. Chẳng hạn, với khách đường bộ thì không cần phải nói cụ thể đến mức là từ đây lên chùa đó phải bước 10 bậc tam cấp, nhưng với khách tàu biển thì phải rất rõ ràng. Thậm chí, nhà vệ sinh nơi đó theo kiểu châu Âu hay châu Á cũng phải nói rõ... Làm tour đường bộ, yếu tố về thời gian không căng kéo lắm nhưng với khách đường biển thì việc khống chế về thời gian rất nghiêm ngặt vì chỉ cần lệch 10-15 phút là tàu đã xuất bến”.
 
Việc am hiểu về luật lệ, về sông nước, theo ông là sự kết hợp giữa tính tỉ mỉ và kiến thức của nhà điều hành. Chẳng hạn, mua bảo hiểm cho khách tàu biển quốc tế hoàn toàn khác với khách đi trên bờ. Dù đã mua bảo hiểm quốc tế cho khách nhưng nếu lỡ cho họ đi trên một chiếc thuyền chưa được mua bảo hiểm thì khi xảy ra sự cố, gói bảo hiểm đã mua dù là cao cấp cũng không thể kích hoạt được; mọi trách nhiệm bồi thường lúc này sẽ đổ lên nhà điều hành và chẳng có công ty du lịch nào có thể gánh nổi.
 
Do những quy định ngặt nghèo về an toàn, chất lượng, bảo hiểm nên người điều hành tour phải xem xét từng ngóc ngách của dịch vụ. Thậm chí, có khi chủ xe quên nhưng nhà điều hành tour phải nhớ và nhắc xe sắp đến hạn đăng kiểm... “Những việc này không quá khó mà quá chi tiết nên nhiều người không để ý. Tuy nhiên, nếu không làm chi tiết như vậy thì không thể đón khách tàu biển được”, ông Xuân Anh nhấn mạnh.
 
Thêm một kinh nghiệm khác để “sống” được trong mảng này, đó là phải rất chủ động về dịch vụ. Trước hết là về phương tiện vận chuyển. Công ty nào chủ động được nguồn xe có chất lượng tốt là có thế mạnh, dễ nhận được cái gật đầu từ đối tác. “Một tàu biển có ít nhất 400-500 khách, nhiều lên đến vài ngàn khách, nếu không chủ động phương tiện thì không thể làm được.
 
Dịch vụ hướng dẫn cũng vậy, nếu đầu tư chuyên sâu để chủ động về số lượng, chất lượng thì sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và giảm giá thành. Nhiều nơi như Quảng Ninh, Sihanoukville (Campuchia) trước đây phải đem hướng dẫn từ nơi khác đến rất tốn kém nhưng nay đã ổn sau một thời gian đào tạo nguồn nhân lực. “Chúng tôi không tiếc công đào tạo hướng dẫn viên. Chưa nói đến chất lượng, về giá cả, chỉ cần chênh lệch 50 cent/khách là đối tác đã cân nhắc chọn lựa nhà điều hành, nên đây là mảng rất cần đầu tư”, ông nói.
 
Bắt đúng xu hướng
 
Ông Xuân Anh gọi thời điểm này là thời kỳ vàng son của du lịch tàu biển, số lượng tàu lớn cập cảng ngày càng nhiều làm cho nguồn khách mở rộng hơn, không chỉ là khách cao cấp mà còn có khách trung lưu với thu nhập vừa phải. Trong tình hình đó, nếu bắt kịp với những xu hướng như thân thiện với tự nhiên, tiếp cận gần nhất đến cư dân địa phương và du lịch sức khỏe thì cơ hội từ thị trường sẽ rất lớn.
 
Ngồi trò chuyện trên một chiếc thuyền chèo tay ở kênh Nhiêu Lộc (TPHCM), ông Xuân Anh cho biết du lịch bằng thuyền chèo tay trên dòng kênh này là một trong những dịch vụ mới mà ông cùng một số bạn hữu hợp tác đầu tư trong những năm gần đây nhằm đa dạng dịch vụ để du khách tàu biển lưu lại nhiều hơn. Những dịch vụ khác là khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường ở Huế, đồng bằng sông Cửu Long; chèo kayak ở Cần Giờ...
 
“Để khách chỉ xuống bờ vài giờ tham quan rồi lên lại tàu ngủ thì quá tiếc nên phải làm thêm nhiều thứ, nhưng tất cả đều phải đi theo hướng là tránh tác động đến tự nhiên và cho khách cơ hội “chạm” vào cuộc sống của người dân bản địa”, ông nói, “xu hướng thân thiện với môi trường mạnh mẽ đến nỗi trong những lần đấu thầu cho thị trường Pháp, Đức gần đây, nội dung đầu tiên mà đối tác yêu cầu trả lời là doanh nghiệp có tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường hay không và những minh chứng cụ thể cho việc đó”.
 
Xu hướng du khách muốn tiếp cận gần hơn với người dân địa phương cũng ngày càng thể hiện rõ rệt. Nhiều người không thích ghé đến nơi có nhiều khách du lịch cho dù nơi đó đang “nổi đình nổi đám” với những mô hình làm du lịch cộng đồng. Vì thế, nhà điều hành tour cần đưa thêm nhiều yếu tố mới vào sản phẩm.
 
Cũng là tham quan vườn rau nhưng nên đến những vườn rau do người dân tự ươm trồng phục vụ cuộc sống chứ không phải là khu vườn chuyên phục vụ du lịch; cũng là trải nghiệm ẩm thực đường phố nhưng nếu đưa đến chỗ có khách du lịch ngồi kín chỗ thì khách sẽ không thích; cũng là tìm hiểu về cà phê Việt Nam nhưng khi được cùng chủ quán pha một ly cà phê vợt thì khách sẽ cực kỳ thích thú...
 
Từ năm ngoái đến nay còn có thêm một xu hướng nổi trội nữa là chăm sóc sức khỏe. Công ty đã làm rất nhiều chương trình cho du khách tập thể dục ở các bãi biển, công viên Tao Đàn trước khi ăn sáng nhẹ để đi tour. Trong đó, chương trình tập Thái cực quyền ở Yên Tử kết hợp tham quan vùng núi và ăn bữa chay được ưa thích nhất.
 
“Ngày trước, khi tàu đổ khách xuống thì cứ bao nhiêu tour đó mà dẫn khách đi nhưng nay nhà tour phải có nhiều sản phẩm chuyên sâu hơn. Những loại tour sơ sài, ngó nghiêng một vài điểm tham quan không còn hấp dẫn”, ông Xuân Anh nói.
Theo: thesaigontimes.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 61.746