Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Ngày xuân ghé thăm Huyền Không Sơn Thượng: Cõi tiên chốn trần gian
Ngày cập nhật 06/02/2017

Huế hấp dẫn du khách bằng vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính của các lăng tẩm, danh thắng. Nếu nhắc đến chùa, Huế còn biết đến bởi ở nơi đây có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng bởi sự linh thiêng, lịch sử hay dấu ấn trong lịch sử. Trong hàng trăm ngôi chùa ấy, Huyền Không Sơn Thượng đã trở thành một trong những địa chỉ được du khách thập phương và người dân rất yêu thích.

Nằm cách cố đô Huế khoảng 14 Km về hướng Tây, ngôi chùa, rừng thiền Huyền Không Sơn Thượng (hay còn gọi là Huyền Không 2) được xây dựng tại thôn Đồng Chầm (Hòn Vượn), phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế. Đây được biết đến là rừng thiền, địa điểm du lịch tâm linh được nhiều người yêu thích.

Ngoại viện của Huyền Không Sơn Thượng được chia làm hai không gian. Trong đó, không gian chùa viện có diện tích khoảng 10 nghìn m2, gồm Chánh điện, Am mây tía, Nghinh lương đình, Nhà khách, Chúng hòa đường, Tĩnh trai đường (nhà trù), Tăng xá, Cốc liêu chư Tăng, Cốc liêu chư Ni, Cây cảnh, Giàn phong lan, các công trình phụ…

Nổi bật nhất trong các công trình này chính là Chánh điện. Xây dựng từ ý tưởng nhà rường Huế, Chánh điện sở hữu phong cách kiến trúc giản dị. Vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, ngói vảy cá… Chánh điện được xây dựng dựa trên sự hài hòa với thiên nhiên, hồn thơ, hồn dân tộc, hồn của các giá trị nhân văn… làm ý tưởng chủ đạo, nhẹ vai trò tôn giáo, tín ngưỡng mà xem trọng tâm hướng sống thiền, sống đạo trong tương quan nhân giới và nhiên giới. Trước mặt tiền Chánh điện, hướng minh đường có 4 mảnh sân cao thấp với nhiều cây cảnh quý.

Bên cạnh Chánh điện là Tử Vân Am. Đây là nơi ở, làm việc, uống trà, tiếp khách… của sư trụ trì. Với diện tích khoảng 80m2, chiếc am này có vóc dáng đồng bộ với ngôi chánh điện, kiến trúc mở - để thiên nhiên, cây lá, cỏ hoa tràn vào nhà. Xung quanh am có hồ nước, các loài hoa thân thảo, thân mộc, phong lan, địa lan, cây cảnh thay nhau chưng bày bốn mùa, tám tiết...

Bên cạnh các công trình, nơi đây còn có khá nhiều Cốc liêu Chư Tăng. Mỗi cốc có diện tích khoảng 9-12m2, nằm rải rác ven núi, giữa vườn. Các cốc này thường dành cho các vị tỷ - kheo hoặc sa-di lâu năm, lớn tuổi. Chúng có những tên như sau: Tùng vân sơn cốc, Thạch vân sơn cốc, Tử vân sơn cốc, Tử tiêu sơn cốc, Ngọa vân sơn cốc, Lan vân sơn cốc…  
 
Nằm cách xa Chánh điện vể phía trái khoảng 50 mét, sát núi có một gác xây và lác đác vài cốc liêu nhỏ, đó chính là Cốc liêu Chư Ni. Cốc này thường dành riêng cho chư ni và tu nữ ở xa đến tu học, hành thiền.

Không chỉ có vậy, Huyền Không Sơn Thượng còn là không gian nghệ thuật của rừng thiền. Tại đây, du khách dễ dàng thưởng thức những câu thơ văn hay như: “Bình bát rừng sâu, chim cúng trái, Tâm thiền khe vắng, gió dâng hương!”

Không gian nghệ thuật của rừng thiền kết hợp hài hòa nhiều yếu tố như vườn cỏ đá, Không sơn thiền uyển, Cụm nhà dành để triển lãm các loại hình nghệ thuật, hội thảo thơ, thiền… Trong đó, vườn cỏ đá là sự kết hợp giữa ngôn ngữ của cỏ và đá:  “Ta cúi xuống, nhặt dấu chân trên cỏ/Thấy tiền thân, sương ướt, áo chưa khô” hay “ Thương ai đá đứng, cỏ nằm/Khói sương cảo lục - con trăng cõi về!”… Năm 2011, Vườn cỏ đá đã được thay đổi thành 4 cảnh động tâm trong đại lễ Ve sak.

Cụm kiến trúc lớn nhất chính là không sơn thiền uyển rộng khoảng 15 nghìn m2, gồm các công trình nghệ thuật giản dị. Không gian của Không sơn thiền uyển có những công trình chính và phụ. Hiện tại, Huyền Không Sơn thượng có 5 hồ nước. Thủy nguyệt đàm (do hứng trăng trọn đêm) là hồ nước lớn nhất có cầu Lãm thúy kiều (cầu ngắm xanh). Đảo lớn tên là Văn Bút đảo vì có chòi tranh hai hình nấm, có cây bút lông dựng giữa trời. Đảo nhỏ có tên là A-la-hán đảo vì có cụm giả sơn để chưng thờ 18 vị A-la-hán - mẫu Đài Loan (Bây giờ đã hư rồi). Hồ được thả sen trắng, sen hồng và 8 loại súng, 8 màu nội và ngoại.

Các hồ còn lại lần lượt là Sơn ảnh hồ (vì luôn lưu bóng núi), Vọng oa đàm (vì đêm ngày nghe tiếng kêu của ếch nhái). Hai hồ phía trên, cách con đê ngăn lũ, rộng 3.000-4.000m2 có nước, nhưng vẫn còn hoang dã.

Ngoài chùa viện, Huyền Không Sơn Thương còn có không gian thứ hai mang tên Nội viện. Nếu ngoại viện là nơi để Phật tử các giới lui tới học đạo, hỏi đạo, làm phước, cúng dường… để cho thập phương bá tánh có chỗ tham quan, du lịch văn hóa, sinh thái… thì nội viện là nơi dành cho sự tĩnh tu. Đây là không gian biệt lập, Rừng Thiền để cho hành giả tu tập Samatha (thiền định, thiền chỉ) và Vipassanā (thiền quán, tuệ quán, minh sát). Đây là mô hình tương tư các Rừng Thiền ở Thailand và Myanmar, chưa có ở Việt Nam.
 
Anh Thư
ảnh: Fanpage Huyền Không Sơn Thương
 

Theo: songmoi.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.098.844
Đang truy cập 7.614