Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Lịch sử 100 năm của trường Hai Bà Trưng (trường Đồng Khánh cũ)
Ngày cập nhật 21/02/2017

Ngày 03 và 04/3, trường Đồng Khánh, nay là trường Hai Bà Trưng, Huế, kỷ niệm 100 năm thành lập (1917-2017). Ra đời từ những năm đầu của thế kỷ 20, ngôi trường gắn với thương hiệu nữ sinh Đồng Khánh nổi tiếng một thời này đã có rất nhiều bậc kỳ nữ thành danh. Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 100 ngày thành lập trường, xin giới thiệu đôi nét về lịch sử của Trường Đồng Khánh.

Trường Đồng Khánh tương đối trẻ hơn Trường Quốc Học vì thành lập sau khoảng 20 năm. Cũng như Trường Quốc học, Trường Đồng Khánh toạ lạc trên công thổ của trại Thủy Binh Võ Doanh Thủy Sư triều Nhà Nguyễn. Trường Đồng Khánh chỉ cách Trường Quốc Học một con đường, tức là Nguyễn Trường Tộ. Đường này mang tên một nhà Nho và là một vị quan sáng suốt đã dâng điều trần lên Vua Tự Đức nhằm cải tiến văn hoá, canh tân xứ sở để theo kịp nền văn minh kỹ thuật Tây Phương.

Phía trước Trường là đường Lê Lợi, thời Pháp là đường Jules Ferry. Lề đường lót bằng ciment đúc thành ô vuông, dọc đường có hàng cây long não xanh mát chạy dài xuống gần cầu Trường Tiền. Bên kia đường là bờ sông được biến cải thành vườn hoa, có ghế đá, có giàn hoa đỏ tím, khá xinh và thơ mộng. Cũng như Trường Quốc học ở bên cạnh, vị trí của Trường Đồng Khánh là là một vị trí tuyệt hảo : Trước sông, sau núi, bên kia sông là kỳ đài sững sững trước mắt với là quốc kỳ tung bay, hằng ngày như nhắc nhủ học sinh, gái cũng như trai đừng bao giờ quên nhiệm vụ đối với giang sơn đất nước.

Thành lập năm 1917, Trường Đồng Khánh ban đầu là Tiều học. Về sau, sĩ số gia tăng, Trường trở thành Trung Tiểu học, lấy tên là Collège Đồng Khánh. Kiến trúc của Trường tương tự như kiến trúc Trường Quốc Học. hai bên có dãy nhà lầu, giữa có nhà chơi. Trường cũng sơn màu hồng nhưng dáng dấp thanh nhã hợp với bản chất phụ nữ hơn.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, Trường Đồng Khánh được đặt dưới quyền quản trị của người Pháp. Các Hiệu Trưởng người Pháp lần lượt có các bà Le Bris, Cô Maurìege, Bà Martin. Khoá Trung học đầu tiên năm 1920 và tốt nghiệp năm 1924 gồm có 8 Bà mà tên tuổi ở Huế được nhiều người biết. Đó là các Bà : Bùi Xuân Dục, Bà Ưng Thuyên, Bà Nguyễn Thị Du, Bà Phạm Doãn Điềm, Bà Tôn Nữ Thị sâm, Bà Nguyễn Văn Kiệt, Bà Tôn Nữ Thị Liêm. Khoá 2 có các Bà Đinh Văn Vĩnh, Bà Thân Trọng Phước, Khoá 4 có Bà Võ Văn Quế, ...

Như đã trình bày Trường Đồng Khánh ban đầu chỉ có bậc Tiểu học, sau thêm Trung học đến lớp Đệ Tứ. mãi đến năm 1956, Tiểu học được bãi bỏ chỉ còn lại bậc Trung học và từ đó mang tên là "Nữ Trung học Đồng Khánh".

Những năm đầu tiên của Trường, nữ sinh của Trường mặc đồng phục màu tím nên trường được gọi là Trường áo tím. Về sau, cũng dưới thời Pháp thuộc đồng phục được đồi thành màu xanh nước biển (bleu marine).

Bắt đầu tư Đệ nhất Cộng hoà đồng phục là màu trắng.

Dưới thời Pháp và ngay cả trong giai đoạn đầu tiên nước nhà được tự chủ, Trường Đồng Khánh chỉ có Trường Trung học Đệ nhất cấp. Vì vậy, từ Đệ tam trở lên, nữ sinh Đồng Khánh nếu muốn theo học Đệ nhị cấp, phải qua học tại Trường Quốc học. Nhưng dần dần, vì nhu cầu gia tăng, các lớp Đệ tam, Đệ nhị được mở thêm và niên học 1962 - 1963 là niên học cuối cùng nữ sinh Đồng Khánh qua học Đệ nhị cấp tại Trường Quốc học.

Xét theo tiến trình trên đây, Quốc học và Đồng Khánh có nhiều tương quan với nhau :

- Nữ sinh Đồng Khánh qua học tại Quốc học.
- Giáo sư Quốc học có một số qua giảng dạy tại Đồng Khánh.
- Trường Sở Đồng Khánh có khi chia sẽ cho Trưởng Quốc học như trong thời kỳ Trường Quốc học bị quân đội viễn chinh Pháp trú đóng năm 1946.

Nhưng sự tương quan không chỉ có chừng ấy, các nữ sinh Đồng Khánh, bình thường với vẻ bề ngoài duyên dáng, có khu rụt rè e lệ trong chiếc áo dài màu tím, màu xanh và màu trắng. Nhưng đến khi cần có thể trở nên những con người cân quắc gan dạ, một số không nhỏ đã góp sức với nam nhi nhen nhúm với ngọn lữa đấu tranh cách mạng ở miền Trung qua những bài khoá, biểu tình, đứng lên đòi ân xá cho các chí sĩ cách mạng như : Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh. Khi đất nước lâm nguy, một số nữ sinh Đồng Khánh cũng như học sinh Quốc học, đã hiên ngang vác súng lên đường chống ngoại xâm.

Trong tình trạng bình thường, điều cần phải nhấn mạnh là Trường Đồng Khánh trong vị thế của một trường nữ sinh Trung học có uy tín vào bậc nhất ở miền Trung. đã đào tạo những phụ nữ sáng giá, làm mẹ hiền, làm vợ kiểu mẫu và làm công dân xứng đáng, góp phần không nhỏ cho đất nước và xã hội. Cũng như Trường Quốc học, Trường Đồng Khánh đã tạo nên một truyền thống cao đẹp, do đó nhiều nữ sinh thế hệ trẻ luôn luôn tỏ ra xứng đáng với các thế hệ đàn chị, xứng đáng với công lao dạy dỗ của các Thầy - Cô. Trong số đó những người đã góp phần tạo dựng nên truyền thống ấy, cần phải kể đến các vị Giáo sư và Hiệu Trưởng Nhà Trường.

Nhắc lại lịch sử Đồng Khánh tức là một lần nữa xác định vai trò quan trọng của Trường này trong việc gầy dựng địa vị xứng đáng của phụ nữ trong xã hội Việt Nam.

Điều thiết yếu là làm thế nào để cho truyền thống của nhà Trường không bị mất mát theo thời cuộc và lưu truyền đến các thế hệ học sinh hai Trường Quốc học - Đồng Khánh kể cả hải ngoại, làm một nguồn sinh lực dồi dào trong việc phục hưng xứ sở sau này.

Theo: quochoc.net
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.431.121
Đang truy cập 112