Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Chuyện chưa biết về những người đào địa đạo trên dãy An Hô
Ngày cập nhật 24/04/2017

Không biết cái tên An Hô (nay thuộc xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, tỉnh Thừa - Thiên Huế) được đặt cho dãy núi này do đâu mà có và có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi chúng tôi được bổ sung về đây (C2, K1, D1, F324 Quân đoàn 2) thì trận đánh đầu tiên chúng tôi tham gia ngày 3-4-1973 đã là trận đánh giành lại dãy An Hô rồi.

Khi những kỷ niệm lớn dần lên, những người lính chúng tôi mới dẹp sang một bên bao vất vả khó khăn đời thường để tìm về vùng ký ức, nơi chúng tôi đã từng chiến đấu và công tác những năm đánh Mỹ. Một vài người trong chúng tôi đã có lần tìm đến khu vực Tà Lương, huyện A Lưới với hy vọng từ đây sẽ tìm thấy An Hô - dãy núi đơn vị đã giành lại và chốt giữ từ tháng 4-1973 đến tháng 3-1974, nhưng vô vọng.

Năm 2010, chúng tôi lại tổ chức một chuyến đi như thế nhưng với quy mô lớn hơn. Xâu chuỗi những mảnh ký ức của từng người, chúng tôi đã tìm thấy dãy núi này và căn địa đạo mà C17 công binh trực thuộc Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 đã đào ngày ấy. Chúng tôi hăm hở dưới sự dẫn đường của 2 đồng chí Công an viên xã Hương Nguyên hành quân lên An Hô. Khi đến một đỉnh núi, vài anh em nhận ngay ra đó là mỏm 8 và căn hầm của mình. Chúng tôi vô cùng sung sướng như tìm thấy nhà mình sau 38 năm.

Vẫn còn nguyên đó hàng trăm mét giao thông hào, những ụ súng, những căn hầm. Kỷ niệm ùa về khiến chúng tôi tê tái, cảm giác thật khó tả, không biết mình đang là một cựu binh về đây hay cậu lính trẻ mười chín đôi mươi của ngày ấy nữa. Mơ rồi cũng tỉnh, chúng tôi tìm về mỏm 1, nơi có căn địa đạo.

Một số cửa của địa đạo trên dãy An Hô

Chứng tích của một thời oanh liệt

Đứng trước cửa căn địa đạo đã bị sụt lún nhiều, hình ảnh những ngày tháng gian khổ, vất vả, vác gỗ, nổ mìn lại hiện về, cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Hùng, nguyên Tiểu đội trưởng C2 kể: “Tháng 8-1973, đã bước sang tháng thứ hai mùa mưa ở rừng Thừa Thiên. Mưa suốt ngày đêm không ngớt. Tôi cùng anh em trong Đại đội 2 vẫn đi cưa gỗ chống địa đạo do C17 của trung đoàn đào tại sườn phía Tây mỏm 1 dãy An Hô.

Định mức mỗi người một ngày  phải nộp 10 khúc gỗ dài 2,2m với đường kính từ 10-15cm. Chúng tôi phải đi rất xa mới cưa được gỗ, dưới trời mưa, đường trơn trượt. Tìm cây đã khó, khi cắt được cây, cưa khúc đạt tiêu chuẩn và vác được về địa đạo cũng vô cùng vất vả. Ngày nào cũng thế, quần áo liên tục bị ướt, vai ai cũng trầy sưng đau nhức...”.

Còn những dòng nhật ký của CCB Nguyễn Đình Ích, nguyên chiến sỹ C4 hỏa lực, cụ thể đến từng ngày: “Ngày 2-8, tôi được gọi về nhận nhiệm vụ mới, tưởng gì hóa ra sang đào địa đạo cùng C17 công binh... Ngày 4-8 bắt đầu đi chặt gỗ... Ngày 2-9 về khẩu đội ăn mừng Quốc khánh...

Ngày 3-9 tiếp tục sang địa đạo, hôm nay không phải chặt gỗ mà được chuyển vào làm trong đường hầm, tuy nguy hiểm nhưng thích thú vì công việc mới lạ như công nhân khai thác mỏ than vậy, cũng búa, choòng, xe cút kít, công việc trong hầm hối hả như một công trường... Ngày 5-9, hôm nay trong ca làm việc xảy ra một tai nạn, đồng chí Bích đơn vị tôi bị đá sập suýt chết, may mắn tôi đang đẩy xe đất ra cửa hầm nên không bị chung số phận. Từ nay phải cảnh giác thôi...” (Các ngày ghi trong nhật ký là của năm 1973).

Tiếp mạch của câu chuyện, CCB Đỗ Văn Thuật, nguyên chiến sỹ, y tá C3 kể: “Ở C3 một thời gian, tôi được điều về Phẫu (đơn vị quân y) của Tiểu đoàn 1. Trong thời gian này tôi có nhiều ngày phục vụ các chiến sỹ của C17 và lực lượng phối thuộc để xử lý kịp thời thương vong xảy ra trong quá trình đào địa đạo. Tôi cũng tận mắt chứng kiến tai nạn xảy ra ngày 5-9-1973. Một  đồng chí đã bị thương nhưng được sơ cứu kịp thời nên đã tránh được sự hy sinh không đáng có. Hôm nay đứng đây trước một chứng tích bị lãng quên hơn 40 năm, cảnh tượng đó như hiện lên trước mắt đầy vẻ trách móc”...

Để nói về phòng tuyến An Hô và căn địa đạo trên mỏm 1 thì chừng ấy là chưa đủ. Xót xa trước một di tích sắp trở thành phế tích, sau chuyến về lại xã Hương Nguyên, A Lưới tháng 3-2017 vừa qua, chúng tôi chia nhau đi tìm tài liệu liên quan đến căn địa đạo, giúp địa phương làm hồ sơ trình huyện A Lưới để căn địa đạo này sớm được công nhận là Di tích Lịch sử - Cách mạng. Chúng tôi đã may mắn gặp được chính tác giả của căn địa đạo này - anh Nguyễn Lễ, kỹ sư mỏ địa chất, nguyên Trung đội phó C17 công binh cùng Trung đoàn 1 với chúng tôi.

Anh kể: “Hồi đó năm 1972, sau chiến dịch 81 ngày đêm ở Quảng Trị, Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng đã nhận định cuộc chiến tranh sẽ còn lâu dài và gian khổ. Muốn đảm bảo thắng lợi ta phải củng cố mọi mặt về quân sự, chính trị, đặc biệt là công tác hậu cần. Theo tinh thần ấy, C17 công binh trực thuộc Trung đoàn 1 chúng tôi nhận nhiệm vụ tạo dựng cơ sở vật chất cho chiến dịch, trong đó có việc xây dựng một địa đạo tại khu vực phòng tuyến An Hô.

Ngày 3-4-1973, C2 bộ binh cùng với C4 hỏa lực của Trung đoàn nổ súng chiếm lại mỏm 1 An Hô và giải phóng toàn bộ 8 mỏm của dãy núi này sau gần 2 tuần giằng co với địch từng mét hào, từng căn hầm. Trong khi C2 triển khai củng cố công sự, chốt giữ thì chúng tôi bắt đầu khảo sát thực địa, lúc đó khoảng tháng 4-1973.

Đến tháng 6-1973, khi đã hội đủ các yếu tố về địa hình, địa vật, cấu tạo địa chất cộng với các yếu tố về thời tiết trong khu vực, chúng tôi bắt tay vào thi công. Địa đạo được đào từ hai cửa, theo hình chữ U và sẽ gặp nhau trong lòng núi. Do khối lượng công việc rất lớn, nếu chỉ C17 sẽ không thể hoàn thành được nên Trung đoàn đã cho các đơn vị của K1 và K2 bộ binh phối thuộc với chúng tôi.

Bộ phận thì cùng đào, bộ phận thì vào rừng lấy gỗ chống. C17 chúng tôi giữ vai trò chỉ huy công việc, đục lỗ nổ mìn và thường xuyên đo vẽ từng mét một để đào sao cho đúng kích thước, đúng hướng như trong thiết kế. Chúng tôi luôn quán triệt với các lực lượng tham gia là phải vừa đảm bảo đầy đủ phương tiện, dụng cụ tại chỗ, vừa phải đảm bảo bí mật, không để địch phát hiện. Bộ phận rèn của đại đội phải đảm bảo đủ các loại đinh đỉa chữ U cho việc chống hầm, tránh đất đá rơi để đảm bảo an toàn cho chiến sỹ.

Chúng tôi đã thay nhau làm việc 3 ca liên tục suốt ngày đêm để địa đạo được hoàn thành theo đúng dự kiến. Tôi còn nhớ những câu chuyện rất cảm động trong quá trình thi công, đó là khi 2 hướng đường hầm gặp nhau trong lòng núi. Rất khó khăn bởi trang thiết bị thi công thiếu thốn, nhất là các thiết bị kỹ thuật. Tôi chỉ lo anh thì đào đi lên, anh thì đi xuống sẽ không gặp được nhau thì uổng công chiến sỹ. Rất may là đến giai đoạn cuối, đo đạc ở bản đồ và trên thực địa khá khớp nhau.

Vui biết bao khi bên này đã nghe thấy tiếng búa chòong, cuốc xẻng từ hướng bên kia. Cuối cùng thì một lỗ thủng đã nối liền hai hướng của đường hầm, chiến sỹ hai bên gặp nhau, niềm vui vỡ oà trong lòng núi. Chúng tôi ôm lấy nhau như lâu ngày được gặp, mặt mũi anh nào cũng lấm lem nhưng rạng ngời, áo quần còn ướt đẫm mồ hôi, “thơm” mùi đồng đội sau một ca làm việc...

Cũng phải đến đầu năm 1974, địa đạo được hoàn thành và đã đón những tấn vũ khí đầu tiên, những tấn gạo và nhu yếu phẩm vào đây để phục vụ chiến đấu, đời sống chiến sỹ của Trung đoàn làm nhiệm vụ trong khu vực An Hô và các điểm cao lân cận. Địa đạo có chiều rộng 2m, chiều cao 2m và chiều dài gần 100m hình chữ U, 2 cửa, bên trong có 2 kho chứa vũ khí, lương thực, quân nhu và một diện tích đủ cho một ban chỉ huy Trung đoàn hay Sư đoàn họp bàn và chỉ huy chiến dịch. Đây cũng là nơi dự trữ hậu cần để chiến đấu và chốt giữ lâu dài trên phòng tuyến sông Bồ, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, không cho địch lấn chiếm.

Địa đạo này đã giúp cho bộ chỉ huy của Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 trú quân để chỉ huy các trận đánh và các chiến dịch. Đồng thời dự trữ vũ khí đạn dược, lương thực, quân nhu cho phòng tuyến An Hô, góp phần giữ vững vùng giải phóng, tạo đà cho chiến dịch giải phóng thành phố Huế và chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mùa xuân 1975...”.

Nguyện vọng cuối cùng!

Đi ra từ hào quang chiến thắng, từ quá khứ của một thời hào hùng, những người lính chúng tôi tới giờ vẫn không phút nghỉ ngơi. Tự hào về quá khứ chứ không sống bằng quá khứ, dựa vào quá khứ và chúng tôi đã trưởng thành trong công cuộc xây dựng đất nước.

Nhiều người đã trở thành các tướng lĩnh trong quân đội, các nhà lãnh đạo hay những doanh nhân thành đạt. Chúng tôi đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, nhiều đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống nơi đây để  lại cho con cháu một di tích An Hô, căn địa đạo bề thế trên dãy núi này như chứng tích của một thời oanh liệt. Vậy mà mãi đến hôm nay nó còn chưa được biết đến, còn chưa có tên trong hệ thống các di tích Lịch sử - Cách mạng và hệ thống các địa đạo của Thừa Thiên - Huế.

Chúng tôi cũng đã có cuộc nói chuyện với các anh trong lãnh đạo xã Hương Nguyên và được biết, các anh cũng có nguyện vọng trình lên huyện A Lưới về căn địa đạo này mà không biết bắt đầu từ đâu, không biết một thông tin nào về nó. Các anh mừng vì gặp được chúng tôi, những chứng nhân bằng xương bằng thịt, những người đã chiến đấu và chốt giữ trên dãy An Hô những năm 1973-1974 và xây dựng căn địa đạo này.

Thiết nghĩ, khi quần thể di tích trên dãy An Hô và căn địa đạo được công nhận là Di tích Lịch sử - Cách mạng, được quan tâm chỉnh trang đôi chút, đây có thể sẽ là điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch về nguồn. Từ đây, Hương Nguyên, một xã vùng cao biên giới được biết đến nhiều hơn, cuộc sống của bà con các dân tộc ở đây bớt đi những khó khăn và phát triển.
 

Theo: anninhthudo.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.062.985
Đang truy cập 4.496