Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Nghệ thuật khảm Huế
Ngày cập nhật 24/05/2018

Phải đến thời Khải Định, trang trí khảm sành sứ kết hợp thủy tinh màu mới phát triển rực rỡ. Trang trí khảm sành sứ vôi nề đã xuất hiện ở hàng loạt kiến trúc, như: Cung An Định, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, Thái Bình lâu ngự lãm, điện Kiến Trung… Tiêu biểu độc đáo nhất là nội thất lăng Khải Định.

Khảm sành sứ, thủy tinh màu tiêu biểu ở một số công trình kiến trúc thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Ảnh: Bảo Minh

Huyền thoại nghề khảm xà cừ

Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, nghề khảm xà cừ đã xuất hiện ở đồng bằng Bắc bộ cả hơn ngàn năm trước. Những nghệ nhân nổi tiếng được tôn làm tổ sư qua các thời kỳ tiêu biểu như Đinh Hữu Hưng (thế kỷ IX - XI), Trương Công Thành (TK XII-XIII), Nguyễn Kim, Vũ Văn Kim (TK XVII-XVIII) (1). Thần phả làng Chuôn Ngọ chép, nghề khảm trai nơi đây phát triển vào khoảng thế kỷ XI. Ông tổ nghề hiện được thờ tại làng là Trương Công Thành, một vị tướng triều Lý, cuối đời ông thường ngao du sơn thủy. Một lần tình cờ ra bờ suối, thấy những mảnh vỏ trai, vỏ ốc mang nhiều màu sắc óng ánh rất đẹp, ông bèn đem về nhà thử lắp ghép những vật liệu đó thành các họa tiết hoa văn sinh động. Dần dần, ông khai nghiệp nghề khảm trai cho người dân trong vùng.

Nghệ thuật khảm sành Long mã với tông xanh ở Huế. Ảnh: Hồ Hoàng Thảo

Thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn vào Nam mở cõi, hình thành trung tâm văn hóa Phú Xuân - Thuận Hóa, nghề khảm cũng du nhập và phát triển. “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn ghi: “Tại xứ Thuận Hóa người ta dùng xà cừ khảm vào bàn ghế, hộp quả, rương hòm, chuôi kiếm…”. Khi người châu Âu sang đến Việt Nam thì trình độ hàng khảm xà cừ Việt Nam đã rất tinh vi, khéo léo. Điển hình là năm 1868, khi người Pháp chiếm xong Nam Kỳ, thống đốc De La Grandière đã xin triều đình Huế gửi hai người thợ khảm giỏi vào Sài Gòn để truyền nghề. Tới năm 1877, hàng khảm ốc Việt Nam được triều đình gửi sang Pháp dự Hội chợ Đấu xảo.

Khảm sành sứ, thủy tinh màu tiêu biểu ở một số công trình kiến trúc thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Ảnh: Bảo Minh

Thế kỷ XIX, các vị vua Nguyễn đã chọn lọc tinh hoa nghề Việt để xây dựng kinh đô Huế, nghệ thuật khảm Huế cũng nhờ đó mà tinh vi gấp bội. Nghệ thuật khảm xà cừ Huế còn truyền tụng các tác phẩm kinh điển như: một là chân dung vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương khảm xà cừ trên gỗ trắc, phía sau có khảm hình cái khánh khắc chữ Nho: “Ngọ thôn xích tử Trần Bá Ôn xà cừ khảm truyền thần bái tiến, thiên tử vạn vạn tuế” (Dân thường ở thôn Ngọ (Chuyên Mỹ, Hà Đông) Trần Bá Ôn lạy dâng bức truyền thần khảm bằng xà cừ, kính chúc Đức vua muôn năm tuổi); hai là chân dung bằng xà cừ trên gỗ trắc ghi “Diên Lộc Quận Công Thạch Trì Nguyễn tướng công chi tượng”. Mặt sau ghi bằng chữ quốc ngữ: “Hà Nam Phạm Văn Khuê chế”. (Hình trạng Diên Lộc Quận Công họ Nguyễn hiệu Thạch Trì. Do Phạm Văn Khuê ở Hà Nam thực hiện) (2). Thời bấy giờ, các quan lại cũng đặt nghệ nhân làm các vật phẩm khảm xà cừ để cung tiến tặng hoàng gia vào các dịp lễ cũng thuộc vào hàng tinh xảo. Hệ thống cung điện, lăng tẩm, chùa chiền cũng lưu giữ rất nhiều vật phẩm, tác phẩm trang trí nội thất khảm xà cừ tuyệt tác, là những kiểu mẫu lưu truyền cho đời sau.
 
Huế chưa hình thành các làng nghề khảm xà cừ như ở miền Bắc, nhưng Huế trong thời gian dài là Kinh đô nên cũng đã trưng tập được các nghệ nhân khảm xà cừ giỏi nhất nước về sinh sống và truyền nghề. Nhờ đó, con em người Huế học được các ngón nghề tinh vi, khéo léo mà hiện các truyền nhân vẫn còn ở các vùng Địa Linh, Bao Vinh, Nam Phổ…

Dấu ấn Huế

Chân dung Hoàng hậu Nam Phương khảm bằng xà cừ (hiện vật trong bộ sưu tập của NNC Trần Đình Sơn). Ảnh: DT

Nghề khảm sành sứ có từ thế kỷ XVII, ban đầu lưu truyền dân gian, về sau mới trở thành nghệ thuật phục vụ nhiều trong chốn cung đình. Các loại vật liệu khảm sành sứ được lựa chọn từ mảnh vỡ của những loại gốm cổ xưa, vì vậy nguồn nguyên liệu luôn khan hiếm; song dưới lòng sông Hương lại cung cấp đủ bởi thưở đó, lượng tàu thuyền chở các vật phẩm đi lại trên sông Hương nhiều vô kể do Huế là Kinh đô vương triều. Chính nhờ lượng lớn gốm sứ đó mà nghệ thuật trong lăng tẩm, đền, chùa và nơi thờ cúng ở Huế đã phát triển cực thịnh, trở thành nét văn hóa không thể thiếu ở vùng đất Cố đô.

Sách "Phủ Biên tạp lục", Lê Quý Đôn mô tả Phú Xuân vào đầu thế kỷ XVIII như sau: “…Nơi đây cung điện, lầu gác, mái lớn nguy nga, đài cao sặc sỡ, tường bao quanh, cửa bốn bề chạm khắc, vẽ vời khéo léo vô cùng…Tường trong, tường ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi mật và mảnh sứ đắp thành hình rồng, phượng, lân, hổ, cỏ hoa…”. Thời Minh Mạng, Thiệu Trị cũng đã sử dụng loại hình trang trí này, đến thời Tự Đức, khảm sành sứ đã mang tính trang trí. Thời điểm muộn hơn ở lăng Kiên Thái vương được trang trí phong phú nội dung đề tài “Nhị thập tứ hiếu”, sử dụng hình tượng con người khá phong phú.

Phải đến thời Khải Định, trang trí khảm sành sứ kết hợp thủy tinh màu mới phát triển rực rỡ. Trang trí khảm sành sứ vôi nề đã xuất hiện ở hàng loạt kiến trúc, như: Cung An Định, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, Thái Bình lâu ngự lãm, điện Kiến Trung… Tiêu biểu độc đáo nhất là nội thất lăng Khải Định. Giá trị nghệ thuật lớn của lăng Khải Định là ở phần trang trí nội thất cung Thiên Định, trang trí dày đặc bởi nghệ thuật khảm sành sứ và thủy tinh màu. Những nghệ nhân tài ba đã thể hiện các đề tài từ dân gian cho đến cung đình: tứ linh, bát bửu, nhật nguyệt, mười hai con giáp… Những con vật, cây trồng gần gũi trong đời sống và những đồ dùng mang tính thời đại mới như đồng hồ, đèn Hoa Kỳ, kính lúp…cũng được sử dụng trang trí. Tất cả đã dung hợp từ những mảnh sứ tốt được nhập cảng từ Trung Hoa, Nhật Bản nhiều màu sắc quý đẹp như màu cam, màu ngọc, một chất liệu mới là kính thủy tinh màu nhập từ Pháp.

Các sản phẩm khảm xà cừ của cơ sở mỹ nghệ Trường Tiền - Huế. Ảnh: DT

Những mảnh sành sứ, thủy tinh bản chất là những vật liệu cứng, nhưng sự tinh tế tạo hình đã không cho thấy sự khô cứng, nặng nề. Những bàn tay nghệ nhân  tài hoa đã khảm thành những hoa văn tinh tế. Các họa tiết không bị giới hạn bởi nét tô vẽ hay vôi vữa, tạo nên những tác phẩm có hồn, sinh động vô cùng. Tất cả đã tạo nên nghệ thuật độc đáo mang bản sắc Huế trong nền nghệ thuật dân tộc Việt Nam.

HỒ HOÀNG THẢO

---------------

Chú thích:

(1,2): “Bản sắc Việt, dấu ấn Huế trong mỹ nghệ khảm xà cừ-Trần Đình Sơn, Kỷ yếu Hội thảo”Dấu ấn Huế, bản sắc Việt trong sản phẩm thủ công truyền thống, Huế, 2015).
 

Theo: baothuathienhue.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.046.011
Đang truy cập 15.076