Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Thời của du lịch thông minh lên ngôi, Kỳ 3
Ngày cập nhật 08/08/2018

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch sẽ mang lại nhiều tiện ích cho cả doanh nghiệp và du khách trong việc tìm kiếm chương trình tour, lịch trình và cả phương thức thanh toán trực tiếp. Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới ở mức dừng ở ứng dụng ban đầu, chưa đủ lớn để tạo ra tích hợp, ứng dụng thông minh.

Kỳ 3: Đẩy mạnh công nghệ trong phát triển du lịch

Trong lĩnh vực du lịch, ở mỗi khâu, cách mạng công nghiệp 4.0 đều có tác động mạnh mẽ.

Cuộc chơi đầy thử thách…

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2017 ước tính đạt 12,9 triệu lượt người, tăng gần 30% so với năm 2016, trong đó, gần 90% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tra cứu thông tin du lịch qua internet.

Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (TCDL), cho rằng hiện nay, khách du lịch trong nước và quốc tế mua bán, thanh toán và phản hồi qua môi trường số ngày càng tăng. Việt Nam đang có hơn 50 doanh nghiệp áp dụng bán hàng online và 10 sàn giao dịch điện tử. Tuy nhiên, 10 sàn giao dịch này mới thực hiện khoảng 20% giao dịch, các dịch vụ còn lại thuộc về các sàn giao dịch nước ngoài.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Công ty HanoiRedtour cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin cho dịch vụ du lịch trực tuyến tại các doanh nghiệp vẫn đang mạnh ai người đó làm, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ. Do đó du lịch trực tuyến tại Việt Nam chưa phát triển đúng nghĩa.

Thương mại điện tử bây giờ đã qua thời website hoặc hoặc một app (ứng dụng) trên di động. “Còn rất nhiều yếu tố khác. Trong con mắt của chúng tôi, những đơn vị dám đầu tư vào du lịch trực tuyến Việt Nam vô cùng dũng cảm. Công nghệ yếu, vốn ít, chúng ta nghe vài trăm tỷ đồng là khủng khiếp nhưng làm du lịch trực tuyến thì có lẽ vài trăm tỷ đồng cũng chưa là gì”, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), chia sẻ.

Dự báo của VECOM, Google cho thấy, đến năm 2020, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD, trong đó, riêng du lịch trực tuyến đạt 4,4 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa nắm bắt và tận dụng được những cơ hội làm ăn trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. Doanh nghiệp trong nước mới chiếm khoảng 20% thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam.

Nhằm mang lại sự tiện ích cho khách du lịch khi đến tham quan, TP.HCM đã cho ra đời ứng dụng (app) du lịch.

Cần có một nhạc trưởng

Theo chia sẻ của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ứng dụng thông minh đã triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Việc ứng dụng công nghệ trong du lịch hợp lý sẽ tiết kiệm thời gian chia sẻ trải nghiệm để người đến sau sử dụng dịch vụ hợp lý hơn. Mô hình du lịch thông minh có hành trình hợp lý, tiết kiệm… Sự đầu tư cho du lịch thông minh thì khả năng đón lượng khách lớn…

“Để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần ưu tiên phát triển du lịch trực tuyến, ứng dụng công nghệ trong các hoạt động du lịch trực tuyến sẽ mang lại lợi ích to lớn trong các khâu quảng bá, cung cấp dịch vụ… Du lịch trực tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách, tạo kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với du khách”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chia sẻ.

Sự phát triển của công nghệ thông tin đã thúc đẩy sự hình thành và phát triển nhiều loại hình kinh doanh du lịch trực tuyến mới, đặc biệt là công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ di động, mạng xã hội, kinh tế chia sẻ và các ứng dụng di động gắn với địa điểm đã tăng sự trải nghiệm của du khách và mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của các doanh nghiệp du lịch, hiện nay việc ứng dựng công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp đang theo kiểu mạnh ai nấy làm, thiếu một nhạc trưởng theo kiểu định hướng tới những đối tượng cụ thể.

“Tại Singapore, hằng năm Tổng cục Du lịch nước này công bố số liệu cụ thể về từng thị trường khách, xu hướng của khách để các doanh nghiệp có định hướng thay đổi phù hợp với nhu cầu thị trường khách. Các doanh nghiệp du lịch từ đó cũng có định hướng rõ ràng trong đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận khách hàng tốt hơn”, đại diện một doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM cho biết.

Về vấn đề này, ông Vũ Quốc Trí, Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch khẳng định, mục tiêu của ngành Du lịch là làm sao thu hút càng nhiều khách du lịch đến Việt Nam tiêu nhiều tiền càng tốt. Tuy nhiên, đứng về mặt quốc gia, chúng ta thua thiệt về công nghệ so với các công ty công nghệ quốc tế. Ngành Du lịch đang thảo luận để bảo vệ lợi ích quốc gia khi phát triển công nghệ trong lĩnh vực du lịch.

Cũng theo ông Trí, từ khi xuất hiện khái niệm nền công nghiệp 4.0, Tổng cục Du lịch coi đây là cơ hội và thách thức lớn. Xác định đột phá của du lịch là công nghệ - “đi tắt đón đầu”, cần phải phát triển “du lịch thông minh” đi liền với nhiều hoạt động ở góc độ quản lý nhà nước trong ứng dụng công nghệ mới. Tổng cục Du lịch sẽ có định hướng tổng thể cũng như tham gia với Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, thu hút khách du lịch.

(Còn nữa)

Nguyễn Nam
 

Theo: baodulich.net.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.337.351
Đang truy cập 11.901