Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Cuộc sống 'cá chậu, chim lồng' và thân phận cung phi triều Nguyễn
Ngày cập nhật 28/03/2022

Dưới triều Nguyễn, đời sống của các cung phi chủ yếu diễn ra trong Tử Cấm Thành (bên trong Hoàng thành), nơi sinh hoạt của các vua và hoàng gia.

Khu vực này bị ngăn cách hoàn toàn với thế giới bên ngoài bởi bức tường gạch cao 3,5 m. Đời sống của họ rất gò bó, phải kiêng cữ đủ thứ và chỉ biết phục vụ người đàn ông duy nhất là vua, không được đụng chạm tới ai khác cho đến khi qua đời.
 
Cửa chính vào Tử Cấm Thành của hoàng cung Huế, tấm biển phía trên đề là Càn Thành Cung. Bị phá hủy năm 1947. Ảnh tư liệu.
 
Trong sách “Đời sống cung đình triều Nguyễn” và sách “Đời sống trong Tử Cấm Thành”, từ việc tìm hiểu những tư liệu của các tác giả người Pháp đã có dịp chứng kiến, hoặc qua những công trình nghiên cứu, tìm hiểu đáng tin cậy của các tác giả Việt Nam,… tác giả Tôn Thất Bình đã cố gắng phản ánh trung thực, khách quan nhất những sinh hoạt đời thường của Hoàng gia triều Nguyễn.
 
Tác giả cho biết trong Tử Cấm thành có gần 50 công trình lớn nhỏ. Tam cung, lục viện là nơi ở của các phi, tần, mỹ nữ, nơi được xem là thế giới “riêng biệt” của nhà vua.
 
Khu vực Tử Cấm Thành Huế, thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu.
 
Về thứ bậc, nhà Nguyễn cũng phân biệt cửu giai cho các phi, tần, mỹ nữ: Nhất giai phi, nhị giai phi, tam giai tần, tứ giai tần, ngũ giai tiếp dư, lục giai tiếp dư, thất giai quý nhân, bát giai mỹ nhân, cửu giai tài nhân. Hoàng Quý phi là người đứng đầu các bà phi, là vợ chính của nhà vua, được hưởng nhiều quyền lợi hơn cả.
 
Các bà phi ở điện riêng, Hoàng Quý phi ở điện Khôn Thái, sau điện Càn Thành (nơi vua ở). Các bà phi khác ở điện Trinh Minh. Các bà Tần ở viện Đoan Huy… Lo việc giao thiệp giữa vua và các bà này có thái giám và các nữ quan.
 
Để tuyển cung phi, triều Nguyễn thường chọn con gái của các quan đại thần trong triều. Con của quan nào phẩm trật cao thì được tuyển vào cấp bậc cao, phẩm trật thấp thì cấp bậc thấp. Bà Từ Dũ, con quan đại thần Phạm Đăng Hưng, mới vào cung đã được làm Tần, năm thứ 6 được phong làm Hoàng Quý phi.
 
Con dân thường được tuyển vào cung là trường hợp đặc biệt, nhưng phải sắc nước hương trời, những cô gái này mới tuyển chưa được xếp chính thức vào Cửu giai, mà chỉ được gọi là “Tài nhân vị nhập giai” (những người đang đợi tuyển làm Tài nhân).
 
Một cung phi dưới triều Nguyễn. Hình ảnh được cắt ra từ phim truyện Indochine (Đông Dương), 1992, của đạo diễn Régis Wargnier.
 
Kể từ khi được tuyển hay tiến cung, cung phi nữ không được phép gặp gỡ người thân dù là cha mẹ. Cũng có trường hợp ngoại lệ vua cho phép gặp mặt, nhưng chỉ mẹ được nói chuyện với con qua một bức màn sáo che, chỉ nghe thấy tiếng mà không thấy mặt. Sau khi vào Tử Cấm Thành, họ cũng không được phép về thăm cha mẹ và bà con thân thuộc, ngoại trừ khi đau ốm thập tử nhất sinh. Cho nên, ở Huế có câu “đưa con vào Nội” là có ý nghĩa như mất con rồi.
 
Trong các đời vua Nguyễn, cung phi được hai lần “thoát cũi sổ lồng” . Lần thứ nhất, dưới triều vua Minh Mạng (năm thứ 6), tháng giêng trong kinh thành ít mưa, vua lo sợ hạn hán, cho rằng trong thâm cung có nhiều âm khí uất tắc, nên đã giải phóng bớt một trăm người, để mong giải trừ thiên tai. Lần thứ hai là năm 1885, Kinh thành Huế thúc thủ, tất cả cung phi mỹ nữ thoát ra khỏi Hoàng thành. Nhiều người đã trở về với bố mẹ, hoàn trở lại nếp sống thường dân.
 
Ngoài những nỗi khổ về nội tâm trong cuộc sống “cá chậu, chim lồng”, cung phi trong Tử Cấm Thành phải kiêng cữ đủ thứ, như không được nói chữ gì xấu, gở, hoặc thô tục mà phải thay bằng các chữ khác. Các chữ dùng cho sinh hoạt của vua cũng phải khác người thường, như vua đi chơi là “ngự đạo”, vua chết là “băng hà”…
 
Lại vô số chữ húy phải kiêng. Có trọng húy và khinh húy. Hễ vi phạm trọng húy thì bị phạt tội nặng. Nhất là phải kiêng tên vua, hoàng hậu và gia đình hoàng tộc. Cung phi phải học thuộc lòng để tránh tai họa. Như trường hợp bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng, cung phi phải tránh gọi tên Hoa, mà gọi là Ba. Luật lệ này lan tỏa ra ngoài dân gian, nên chợ “Đông Hoa” gọi là chợ “Đông Ba”.
 
Vì sợ “phạm húy" nên trong 6 tháng đầu vào Đại nội, các cung phi chưa dám mở miệng nói ra điều gì. Họ cũng phải tập làm sao cho giọng nói nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, họ cũng không được nói theo giọng Huế mà phải nói giọng Phường Đúc, nghĩa là nửa giọng Huế, nửa giọng Nam Bộ.
 
Cung phi không chỉ phục vụ vua trong việc chăn gối mà còn đảm trách một số việc khác. Lúc vua Tự Đức còn tại thế, hàng ngày có 43 bà phục dịch trong nội dinh, 30 bà giữ việc canh gác cho vua, 13 bà lo việc chải tóc, mặc áo, trau chuốt móng tay, vấn và thắp thuốc, nhất là mài son, thấm bút cho vua châu phê vào tấu, sớ.
 
Về trang phục, quần áo, cung phi phải mặc theo đúng nghi thức quy định. Màu sắc không được dùng màu đen là màu tang tóc. Màu trắng chỉ được dùng làm áo lót khi mặc áo mớ ba, màu đỏ và màu lục được dùng nhiều nhất. Màu vàng chỉ dành cho vua, hoàng thái hậu, hoàng hậu. Sự phân biệt này được ghi rất rõ ràng đến từng chi tiết trong sách “Đại Nam hội điển sự lệ”. Còn về đầu tóc thì chải, rẽ giữa, bịt khăn vành. Móng tay để dài, răng nhuộm đen theo tục lệ.
 
Do có những phân biệt, quy tắc phức tạp, chặt chẽ, nên trong thời gian mới vào Tử Cấm Thành, các cung phi “tài nhân vị nhập lưu” phải tập trung ở Đoan Trang Viện để học tất cả phép tắc, luật lệ, nghệ thuật xử thế như đi, đứng, phục vụ vua, cách ăn nói… Họ cũng cần học tập kỹ lưỡng để phục vụ cho vua ngày càng tốt hơn. Nếu được vua yêu mến, các cung phi sẽ được tấn phong dần cho đến chức cung giai cao nhất. Tuy nhiên, số này rất hiếm hoi, vì phần đông phải chịu thân phận bỏ rơi trong lục viện, họa hoằn là “một năm đôi lần, có như không”.
 
Những người phụ nữ trông coi lăng Thiệu Trị. Ảnh tư liệu.
 
Bi kịch của đời sống cung phi trong Tử Cấm Thành là khi sống họ chỉ biết phục vụ người đàn ông duy nhất là vua, ngoài ra không được đụng chạm bất kỳ người đàn ông nào khác. Thậm chí, khi bị bệnh nặng, lương y đến thăm mạch bốc thuốc, cũng không được tiếp xúc với làn da của người bệnh. Một thái giám và một bà quản sự đứng hai bên lương y để theo dõi cách thăm mạch bằng hai ngón tay ấn vào cườm tay của người bệnh có vấn một mảnh lụa mỏng để tránh đụng vào làn da. Ngoài ra, lương y không được nhìn, hỏi bệnh nhân.
 
Khi vua mất, các bà phải lên chăm lo hương khói trên lăng vua và ở tại lăng. Vua Tự Đức sau khi băng hà có 103 bà lên Khiêm lăng. Vua Khải Định qua đời, các bà Tần trở xuống đều phải lên Ứng lăng.
Theo: news.zing.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.958.265
Đang truy cập 32.918