Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Cơ quan khí tượng triều Nguyễn
Ngày cập nhật 15/10/2018

Khâm thiên giám được xây dựng từ thời vua Gia Long, có nhiệm vụ quan sát thiên văn, khí tượng, làm lịch, xem ngày lành tháng tốt để tiến hành các kỳ đại lễ và dĩ nhiên cả trọng trách tư vấn địa lý phong thủy cho triều đình. 

Cổng vào Khâm thiên giám (nguồn: sưu tầm)
Sách “Đại Nam thực lục” chép: Phàm suy tính để chiêm nghiệm sai độ của từng năm, bình trật để phân đều khí hậu, ghi chép lịch số để nêu đúng năm và mùa, miêu tả sắc mây và hình vật để xem đoán tượng trời, xem ngày giờ để chọn tốt lành, coi giọt lậu để báo trống canh. Mọi sự có quan hệ về cách suy tính ấy đều giao cho Khâm thiên giám.
ADVERTISING
inRead invented by Teads
 
Châu bản triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I có khoảng 1.000 văn bản liên quan đến Khâm thiên giám, trong đó có nhiều văn bản là bản Tấu của Khâm thiên giám về việc dự báo các hiện tượng thiên nhiên mây, mưa, nắng, gió, dự đoán nhật thực, nguyệt thực, các sao... Châu bản triều Nguyễn còn một số văn bản đề cập về Khâm thiên giám với chức năng nhiệm vụ làm lịch, báo giờ, xem ngày lành tháng tốt để tiến hành các đại lễ và tư vấn địa lý phong thủy cho triều đình. Năm Khải Định thứ 2, Bộ Lễ tâu về việc Khâm thiên giám chọn ngày tốt để Hoàng thượng thân đi cày ruộng tịch điền như sau: Bộ Lễ tâu: Phụng xét tháng 5 hàng năm theo lệ có lễ Hoàng thượng thân đi cày ruộng tịch điền. Trước kỳ lễ, Khâm thiên giám chọn ngày tốt cử hành. Bộ thần đã tư cho quan giám chọn và đã chọn ngày 11 tháng này là ngày tốt... Châu điểm.
 
Dưới thời vua Minh Mạng, vua cho dựng Quan Tượng Đài trên góc Tây Nam Kinh thành Huế để làm nơi Khâm thiên giám quan sát thiên tượng.
 
Tổ chức nhân sự làm việc tại Khâm thiên giám dưới mỗi đời vua triều Nguyễn khác nhau. Buổi đầu thời Gia Long, Khâm thiên giám có hơn 50 người, “đặt câu kê 1 viên, cai hợp 1 viên, chiêm hậu 3 viên, suất chiêu hậu sinh 50 viên” . Năm Minh Mạng thứ 18, “định ngạch vị nhập lưu thư ở lại Khâm thiên giám là 30 viên, không cứ phải theo ngạch cũ nhiều đến 50 người”. Đến thời Thiệu Trị, con số này giảm xuống, sách “Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ” chép: “Thiệu Trị năm thứ 3, chuẩn y lời tâu: Lại dịch ty Khác cẩn, tuân theo lời đình nghị, giảm bớt 5 phần 10, liệu để 20 tên, thường xuyên làm việc công” .
 
Khâm thiên giám đặt dưới sự kiểm soát của một vị quan đứng đầu một cơ quan khác, tức kiêm nhiệm (gọi là Kiêm quản Khâm thiên giám sự vụ đại thần), nhưng trong công việc hàng ngày thì do Giám chính và Giám phó trực tiếp điều khiển; nhân viên có các chức Ngũ quan chính, Linh đài lang, các Thư lại và Vị nhập lưu Thư lại làm thư ký. Tại các tỉnh có Ty Chiêm hậu là chi nhánh địa phương của Khâm Thiêm Giám. Theo Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, “Quản lý đại thần do vua đặc cách chọn bổ, không nhất định viên nào. Giám chính đốc suất nhân viên thuộc hạ làm việc, giao phó cùng coi sóc việc trong giám làm người tá nhị. Ngũ quan chính Linh đài lang đều xem xét đốc suất nhân viên thuộc hạ, theo người cai quản, chia nhau giữ việc xem xét chiêm nghiệm, chánh bát phẩm chánh cửu phẩm thư lại xướng xuất những người vị nhập lưu theo thủ lĩnh làm các việc công”.
 
Nhân sự được tuyển dụng vào Khâm thiên giám dưới triều Nguyễn căn cứ vào thực tài, am hiểu thiên văn địa lý, thậm chí coi trọng yếu tố “cha truyền con nối” vì việc quan sát thiên văn, khí tượng, làm lịch, xem ngày lành tháng tốt lúc bấy giờ thường theo kinh nghiệm. Năm 1836, vua Minh Mạng dụ: “Bộ Lễ thông báo đến các tỉnh Bắc Kỳ, nếu có người chiêm nghiệm tinh tường, suy xét mưa gió, cùng thông hiểu lịch thất chính (độ số trăng, sao) không phân biệt quan dân, các địa phương cấp bằng cho đến kinh đô để bổ dụng vào làm ở Khâm thiên giám”. Châu bản triều Nguyễn còn lưu bản Tấu của Khâm thiên giám vào năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) về việc Sát hạch đề bạt quan chuyên về thiên văn lịch pháp với nội dung:
 
Việc chọn bổ nhân sự vào Khâm thiên giám cũng được vua Thiệu Trị đặt ra yêu cầu cho miễn lệ hồi tỵ, quan trọng là phải am hiểu thiên văn. Sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ chép: Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), theo nghị, xét rà lại ty ở Khâm thiên giám những người có họ hàng dâu gia với nhau lệ nên hồi tỵ . Được vua phê chữ son rằng: Khâm thiên giám chuyên coi khí tượng các ngôi sao, cốt cho truyền được phép ấy, không quan ngại việc khác, không như các nha môn khác, đều cho miễn lệ hồi tỵ, cũng nên giữ phép công mà làm, không được đem người thân thuộc không thông kỹ thuật mà đề cử bậy lên, tất có lỗi không nhỏ đâu.
 
Ngoài ra, Vua triều Nguyễn thường yêu cầu Bộ rà soát các địa phương để tìm người tinh thông lịch pháp, địa lý, âm dương để xem xét bổ nhiệm vào Khâm thiên giám.
 
Để hỗ trợ cho công việc quan sát khí tượng, làm lịch, xem ngày lành tháng tốt..., triều đình cấp cho Khâm thiên giám nhiều bộ sách như “Trực chỉ chân nguyên”, “Nguyệt lệnh túy biên”, “Khâm định nghi tượng khảo hành”, “Ngự chế lịch tượng khảo hành”, “Luật lã thượng biên, hạ biên, tục biên”, “Ngự chế số ly tinh uẩn”, “Vật lý tiểu chí”, “Cách trí kính nguyên”, “Địa cầu huyết thư”... Bên cạnh đó, triều Nguyễn còn cấp cho Khâm thiên giám các công cụ đo thời gian, thời tiết, quan sát thiên văn như đồng hồ cát, đồng nhật quy, cột đá trên bằng đồng khảm bạc để đo bóng mặt trời, phong vũ hàn thử biểu, đồ bản thiên văn nhật lịch, thiên văn tinh tú, kính hiển vi, ống nhòm, bàn xem hướng gió...
 
Đầu thế kỷ 20, do người Pháp đã lập đài khí tượng cho toàn cõi Đông Dương tại Phù Liễn, nên việc sử dụng Quan Tượng Đài không còn cần thiết nữa và vai trò của Khâm thiên giám chỉ còn gói gọn trong những việc làm lịch, xem ngày giờ tốt xấu, đất đai và chọn huyệt mã.
 
Về sau, Khâm thiên giám từ Nam đài chuyển về khu Bộ Học trên đường Hàn Thuyên và không còn hoạt động kể từ ngày chấm dứt chế độ quân chủ (1945).
 
Như vậy, từng tồn tại trong lịch sử với chức năng, nhiệm vụ xác định ngày lành tháng tốt để tổ chức những lễ tế quan trọng hàng năm - được xem là nguồn cơn sự bình an, thịnh trị của nhà nước phong kiến xưa; dự đoán khí hậu, mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, nghiệm hiện tượng trời đất để cho dân biết thì giờ làm ăn; biên soạn lịch trong cả nước... có thể thấy Khâm thiên giám đóng vai trò quan trọng đối với triều đình và trong đời sống của người dân lúc bấy giờ.
 
Tài liệu tham khảo:
 
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỷ, quyển CXIV.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Khải Định, tờ 181, tập 1.
Nội các triều Nguyễn, Khâm đinh Đại Nam Hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, 1992, tập 15, trang 444.
Nội các triều Nguyễn, Khâm đinh Đại Nam Hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, 1992, tập 15, trang 445.
Khâm Nội các triều Nguyễn, Khâm đinh Đại Nam Hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, 1992, tập 15, trang 445.
Nội các triều Nguyễn, Khâm đinh Đại Nam Hội điển sự lệ, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, 1992, tập 15, trang 444-445.
Hồi tỵ là kiêng tránh những người thân thuộc, dâu gia với nhau thì không được cùng làm việc trong một cơ quan.
nguyễn hồng nhung
Theo: laodong.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 1.033