Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Cần xếp hạng hướng dẫn viên du lịch
Ngày cập nhật 16/10/2018

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, nước ta có khoảng 1.800 công ty lữ hành quốc tế và 5.000 công ty lữ hành trong nước với hơn 23 nghìn hướng dẫn viên (HDV) đã được cấp thẻ hành nghề, nhưng chỉ có 5% số HDV làm việc chính thức cho các công ty lữ hành, còn lại làm việc tự do.

Thực tế cho thấy, việc không phân loại, xếp hạng khiến thị trường sử dụng HDV hiện đang có phần lộn xộn, dẫn đến quyền lợi của cả người lao động lẫn người sử dụng lao động đều không được bảo đảm, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ du lịch. Thời gian qua, đã có các trường hợp HDV bị ép giá, trả thù lao không xứng đáng, nhất là trong mùa thấp điểm và ngược lại, cũng có những công ty du lịch đã phải giải quyết hậu quả khi sử dụng HDV thiếu trách nhiệm, yếu kém về cả chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức hành nghề. Trong khi đó, nhiều HDV có quá trình cống hiến lâu dài với kết quả xuất sắc, nhưng không được công nhận và vinh danh, phần nào làm suy giảm ý thức phấn đấu học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp...
 
Hiện tại, nhiều nước phát triển du lịch đã áp dụng cách thức phân hạng HDV, nhưng ở nước ta, việc này mới chỉ dừng ở hình thức thí điểm do Hội HDV du lịch Việt Nam thực hiện với sự tài trợ của Liên hiệp châu Âu. Việc phân hạng HDV không phải là phân biệt mà để xác định đúng trình độ của HDV, từ đó nâng cao giá trị và tăng cơ hội nghề nghiệp cho họ, bảo đảm mức thù lao xứng đáng, thúc đẩy sự phấn đấu học tập nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của HDV. Hoạt động xếp hạng HDV được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện và được thực hiện thông qua đánh giá, cho điểm qua các cuộc thi dựa trên ba tiêu chí chính là năng lực, kiến thức và kỹ năng của HDV, trong đó, tiêu chí năng lực chiếm 20% tổng số điểm; tiêu chí kiến thức chiếm 50% tổng số điểm; tiêu chí kỹ năng chiếm 30% tổng số điểm. Những người đoạt giải thưởng trong các cuộc thi HDV du lịch giỏi sẽ được cộng điểm thưởng. Cơ sở để đánh giá HDV là lý lịch nghề nghiệp, kiến thức thể hiện qua các bài thi, phỏng vấn, đợt thẩm định cùng nhận xét của các công ty lữ hành sau đợt tác nghiệp. Các HDV được xếp theo ba hạng từ ba sao đến năm sao cùng thẻ hội viên xếp hạng có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.
 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc xếp hạng cần thực hiện khách quan, minh bạch và công bằng. Cách thức thi xếp hạng cần được thay đổi linh hoạt, tránh trường hợp "ôn tủ", "học tủ" dẫn đến đánh giá sai so với thực tế, bởi một HDV có giỏi hay không chính là ở kiến thức về điểm đến và khả năng xử lý tình huống của họ. Trong đó, kiến thức về điểm đến là những điều HDV phải trau dồi từ khi xin cấp thẻ, còn kỹ năng xử lý tình huống mới thật sự thể hiện mức độ chuyên nghiệp. Do đó, kỹ năng này cần được coi là tiêu chí quan trọng, có vai trò quyết định trong xếp hạng HDV và cần cụ thể đối với HDV ở từng thị trường, từng loại hình, từng loại ngôn ngữ..., vì càng chi tiết, doanh nghiệp càng có căn cứ cụ thể để đánh giá, sử dụng nhân lực đúng và trúng.
 
Có thể nói, việc xếp hạng, kiểm định chất lượng đội ngũ HDV du lịch rất quan trọng, là cơ sở để các doanh nghiệp lữ hành dễ dàng tìm kiếm, ký hợp đồng với HDV tùy theo yêu cầu, tính chất từng tua, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm du lịch. Chính vì vậy, bên cạnh việc cấp thẻ hành nghề, cần phải có sự phân loại, xếp hạng HDV một cách rõ ràng và là bước đi cần thiết trong những giải pháp mang tính chiến lược nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, có trách nhiệm, giải quyết các thách thức do sự tăng trưởng nhanh chóng của du lịch nước ta.
 
VIỆT ANH
Theo: nhandan.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 1.461